Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Nhìn lại và suy ngẫm (Phần 3)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Nhìn lại và suy ngẫm (Phần 3)

03:49 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Phần 2)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Nhìn lại và suy ngẫm

PGS, TS Lê Văn Toan*

6. Những giải pháp, kiến nghị

45 năm qua, hai nước Việt Nam - Ấn Độ đã xây dựng được quan hệ hợp tác tốt đẹp với độ tin cậy chính trị cao. Đối với Việt Nam, tình cảm của Ấn Độ luôn trong sáng, nhiệt thành. Điều đó được minh chứng bằng thực tế những gì Ấn Độ giành cho Việt Nam mấy chục năm qua, và hiện nay như lời phát biểu của Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ, Ngài Pranab Mukherjee, khi đến thăm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và cùng Chủ tịch nước Việt Nam, đồng chí Trương Tấn Sang, khai trương Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ: “Quan hệ hai nước chưa bao giờ tốt đẹp như ngày hôm nay… Để bảo vệ lợi ích dân tộc và lợi ích chung như hòa bình và thịnh vượng, Ấn Độ và Việt Nam phải đứng cạnh nhau… Ấn Độ sẽ luôn là người bạn tin cậy và thủy chung của Việt Nam”[1].

Để hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, rất cần suy ngẫm và triển khai mạnh mẽ những nội dung sau:

- Thứ nhất, động viên sự thành tâm, tinh thần trách nhiệm, sự thấu hiểu thời cuộc, tầm nhìn và tư duy nhạy bén, năng động của các cấp lãnh đạo và các cấp thực thi. Vì mọi giới hạn cho sự phát triển đều chính từ con người, từ lương tâm, tầm nhìn, cách tổ chức, những nguyên tắc vận hành các định chế, cho đến xây dựng cơ chế triển khai từng công việc.

- Thứ hai, trong xu thế toàn cầu hóa, tự do hóa ngày nay, thế giới đang hình thành và kích hoạt một khuynh hướng bảo hộ trở lại, chủ nghĩa dân túy nổi lên và đang lan rộng, hơn nữa, sự điều chỉnh chiến lược của các cường quốc tác động lên nhiều mối quan hệ song phương và đa phương,v.v., tìm được bạn bè chung thủy, sắt son, có địa vị quan trọng trên thế giới về chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ, v.v. như Ấn Độ là rất hiếm, rất đặc biệt. Đảng, Nhà nước cần có kế hoạch giữ gìn, phát triển quan hệ với Ấn Độ, trước hết, cần tạo dựng cơ chế đặc thù, tổ chức nghiên cứu cơ bản về Ấn Độ, từ đó hoạch định chủ trương chính sách riêng biệt, triển khai những bước đi cụ thể, định kỳ kiểm tra, đánh giá kết quả hợp tác song phương trên từng lĩnh vực, rút kinh nghiệm, thúc đẩy quan hệ hợp tác với Ấn Độ không ngừng phát triển.

- Thứ ba, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ ở tầm nhìn xa trông rộng của lãnh đạo cấp cao rất tốt nên đã đạt đến quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, nhưng ở cấp thực thi (bộ, ngành) thì chưa tốt, nếu không muốn nói là còn làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Cụ thể, phía Ấn Độ, kể cả các quan chức lãnh đạo và các học giả đều cho rằng: Ấn Độ đã có trên 200 văn phòng đại diện ở Việt Nam để nghiên cứu, xúc tiến quan hệ hợp tác, còn số văn phòng đại diện của Việt Nam tại Ấn Độ chỉ tính trên đầu ngón tay; cấp thực thi của Việt Nam chỉ nhìn lợi ích trước mắt mà không thấy lợi ích lâu dài của quan hệ giữa hai nước nên tạo ra những rào cản làm khó cho các doanh nghiệp Ấn Độ nghiên cứu, đấu thầu, đầu tư vào Việt Nam,v.v..

- Thứ tư, cần đầu tư nhiều hơn cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh triển khai nghiên cứu sâu, nghiên cứu cơ bản về lý luận và thực tiễn Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực từ đó nêu những gợi mở cho Việt Nam.

Hiện tại, đã có Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Việt Nam được nguyên thủ quốc gia hai nước khai trương ngày 15-9-2014. Trong thời kỳ đầu hoạt động, đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa, nhưng còn khiêm tốn, cần được đầu tư nhiều hơn nữa để nâng cao tầm vóc, đáp ứng kỳ vọng của hai nước như lời Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ phát biểu trong lễ khai trương Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ: “Tôi chắc rằng, Trung tâm này sẽ phát triển trở thành cơ quan đầu mối trao đổi học thuật giữa hai nước và sẽ làm phong phú hơn mối quan hệ song phương”[2]. Trong tương lai cần thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ.

- Thứ năm, cần gia tăng mở rộng hợp tác kênh Đảng, giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và các Đảng Ấn Độ như: Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP), Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI), Đảng mác xít Ấn Độ (CPI-M), Đảng Quốc đại. Đặc biệt, quan tâm nhiều hơn đến Đảng đang tham chính trong giai đoạn lịch sử. Trước mắt, có thể giao cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Hội đồng Lý luận Trung ương kết nối với các cơ quan của Đảng BJP, đặc biệt là cơ quan nghiên cứu chiến lược của Đảng BJP bàn cơ chế hợp tác như: 1/ Trao đổi, tham vấn cấp cao giữa hai Đảng; 2/ Định kỳ tổ chức tọa đàm, hội thảo giữa các cơ quan nghiên cứu của hai Đảng và tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận trên các bình diện để cung cấp luận cứ khoa học, đề xuất chủ trương, chính sách mới.

Thứ sáu, cần chủ động khai thác, tận dụng thế mạnh và những chủ trương kế hoạch trọng điểm của Ấn Độ đang triển khai trong chính sách Hành động hướng Đông, lấy Việt Nam làm trụ cột như: các dự án đã đầu tư vào Việt Nam và trong tương lai Ấn Độ đã và đang dự tính nhiều bước đi khác: 1/ Về khoa học công nghệ, Ấn Độ đã và đang nghiên cứu triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam cần chủ động kết nối, học hỏi, hợp tác chuyển giao công nghệ mới từ Ấn Độ cho từng ngành nghề; 2/ Ấn Độ có ý tưởng lập Dự án Projec Development Cooperation (PDC), dành 70 triệu USD cho dự án này và muốn thuê đất ở Việt Nam 50 năm để kêu gọi các nhà đầu tư Ấn Độ vào các ngành nghề Việt Nam như: dược phẩm, công nghiệp quốc phòng thông qua dự án này; 3/ Ấn Độ rất quan tâm kết nối Ấn Độ - ASEAN, triển khai sáng kiến hợp tác sông Hằng – sông Mê Công để phát triển vùng Đông Bắc Ấn Độ, mở cửa vùng Đông Bắc Ấn Độ kết nối với ASEAN, mong muốn triển khai dự án kết nối đường cao tốc Ấn Độ - Miama – Thái Lan – Lào, sang Lao Bảo, nối với Cămpuchia – Thành phố Hồ Chí Minh, và một nhánh thông qua Luôngprubăng Lào, kết nối với Điện Biên Phủ qua cửa khẩu Tây Trang về Hà Nội, Hải Phòng; chủ động kết nối đường không giữa Việt Nam và Ấn Độ; 4/ Chủ động phát huy thế mạnh tiềm năng của hai nước để tăng thương mại hai chiều lên cao hơn là mức 15 tỷ USD trong năm 2020. 5/ Về giáo dục, đào tạo, cần có chiến lược lựa chọn nhân lực nòng cốt đưa sang Ấn Độ đào tạo các lĩnh vực mà Ấn Độ nổi trội như: công nghệ thông tin, an ninh mạng, sản xuất vệ tinh, công nghệ viễn thám, nguyên tử vì mục đích hòa bình, các chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn như văn hóa, triết học, kinh tế, truyền thông, phim ảnh,v.v.. 6/Tích cực hơn nữa trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, quảng bá, tuyên truyền, chia sẻ thông tin, đặc biệt là những thông tin cập nhật về tình hình mỗi nước, các cơ hội trao đổi, hợp tác, đầu tư kinh doanh, du lịch, văn hóa, tâm linh,… từ đó góp phần tăng cường kết nối các cơ quan tổ chức chính trị, người dân và doanh nghiệp hai nước trong bối cảnh mới, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong tầm Đối tác chiến lược toàn diện.


[1] Xem thêm Website Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ: www.cis.org.vn.

[2] Xem: www.cis.org.vn


* Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục