Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực ngoại giao trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI (Phần 1)
Hai nước Việt Nam, Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời được khởi nguồn từ những mối liên hệ và giao lưu văn hóa, tôn giáo và thương mại. Sự thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2003 và quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2007 là những bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Động lực bên trong nào đã thúc đẩy sự phát triển quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ trong những năm đầu thế kỷ thứ XXI và quan hệ song phương trên lĩnh vực này hiện nay đang diễn ra như thế nào? Nghiên cứu này tập trung làm rõ 3 vấn đề chính: chính sách đối ngoại của Việt Nam và vị trí của Ấn Độ; chính sách đối ngoại của Ấn Độ và vị trí của Việt Nam; quan hệ Việt - Ấn trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao trong 2 thập niên đầu thế kỷ thứ XXI.
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực ngoại giao trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI
TS. Nguyễn Quốc Dũng*
Đặt vấn đề
Hai nước Việt Nam, Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời được khởi nguồn từ những mối liên hệ và giao lưu văn hóa, tôn giáo và thương mại. Đến thời kỳ hiện đại, quan hệ giữa hai nước tiếp tục được vun đắp, xây dựng với những đóng góp to lớn của hai nhà lãnh đạo kiệt xuất của hai dân tộc là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru. Các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước hiện nay vẫn tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ này. Trong công cuộc kháng chiến trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước hiện nay, Ấn Độ luôn dành sự ủng hộ tích cực cho Việt Nam. Nhận xét về mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1980 đã từng nói: “một mối quan hệ trong sáng như bầu trời không một gợn mây”[1].
Sau khi Việt Nam giành được độc lập, năm 1954, Ấn Độ mở Tổng Lãnh sự quán tại Hà Nội. Năm 1956, Việt Nam lập Tổng Lãnh sự quán tại New Delhi. Đến ngày 07/01/1972, hai nước nâng quan hệ lên cấp Đại sứ[2].
Mặc dù, đến năm 1972 quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã chính thức được thiết lập, nhưng quan hệ giữa hai nước trong hai thập niên sau đó vẫn rất hạn chế đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Lúc này quan hệ Việt - Ấn chủ yếu được thực hiện trên lĩnh vực ngoại giao. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quan hệ giữa hai nước bắt đầu được thúc đẩy mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, phải đến đầu thế kỷ XXI thì mối quan hệ song phương mới thực sự phát triển một cách toàn diện.
Sự thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2003 và quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2007 là những bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Vậy câu hỏi đặt ra là động lực bên trong nào đã thúc đẩy sự phát triển quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ trong những năm đầu thế kỷ thứ XXI và quan hệ song phương trên lĩnh vực này hiện nay đang diễn ra như thế nào? Bài nghiên cứu tập trung làm rõ 3 vấn đề chính: chính sách đối ngoại của Việt Nam và vị trí của Ấn Độ; chính sách đối ngoại của Ấn Độ và vị trí của Việt Nam; quan hệ Việt - Ấn trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao trong 2 thập niên đầu thế kỷ thứ XXI.
1. Chính sách đối ngoại của Việt Nam và vị trí của Ấn Độ
* Một số khái quát về chính sách đối ngoại của Việt Nam
Sau khi sự nghiệp thống nhất đất nước được hoàn thành năm 1975, Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội, mục tiêu này đã được Đảng và nhân dân Việt Nam lựa chọn. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế.
Về mục tiêu đối ngoại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ mục tiêu đối ngoại của Việt Nam là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh (Đại hội XI), như lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong bài phát biểu “Phát huy sức mạnh toàn dân, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc” nhân dịp năm mới 2015: “Lợi ích quốc gia - dân tộc của chúng ta là cụ thể: Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; chế độ xã hội chủ nghĩa, sự giàu mạnh, hùng cường của đất nước, ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân”[3].
Theo mục tiêu đó, suốt từ Đại hội IV đến Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng đinh 4 nhiệm vụ cơ bản của công tác đối ngoại: một là, giữ vững môi trường hòa bình; hai là, tạo lập và tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; ba là, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội; và bốn là, tích cực chủ động hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế của nước ta.
Về nguyên tắc đối ngoại, chính sách đối ngoại của Việt Nam lấy việc đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc là nguyên tắc cao nhất và là cơ sở để hoạch định chính sách đối ngoại. Theo đánh giá của Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh thì “việc nêu rõ lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu đối ngoại trong văn kiện Đại hội XI của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định rõ hơn định hướng: Đảng ta hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc, từ đó tái khẳng định sự thống nhất và hòa quyện giữa lợi ích của giai cấp và lợi ích của dân tộc. Khẳng định lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu đối ngoại cũng có nghĩa là Đại hội đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là nguyên tắc cao nhất của các hoạt động đối ngoại. Nói cách khác, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc là nguyên tắc mà tất cả các hoạt động đối ngoại, từ ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng đến ngoại giao nhân dân, đều phải tuân thủ”[4].
Ngoài ra, chính sách đối ngoại của Việt Nam được thực hiện trên nguyên tắc nhất quán là hòa bình, độc lập tự chủ không tham gia liên minh với bất kỳ quốc gia và nhóm quốc gia nào để chống nước khác. Trong Sách trắng quốc phòng Việt Nam năm 2009, Việt Nam tuyên bố chính sách quốc phòng “ba không”: “Việt Nam chủ trương không tham gia các tổ chức liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác”[5].
Trong việc thiết lập, mở rộng và củng cố quan hệ quốc tế của Việt Nam, luôn tuân thủ các nguyên tắc sau đây: thứ nhất, nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và cùng tồn tại hòa bình[6].
Thứ hai, bình đẳng, cùng có lợi. Đây là những nguyên tắc đã được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc, nó là thành quả đấu tranh chung của nhân loại và các nguyên tắc này phù hợp với lợi ích quốc gia và văn hóa của dân tộc Việt Nam. Thứ ba, trong việc xử lý các vấn đề quốc tế, Việt Nam tuyên bố, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Thứ tư, giải quyết các bất đồng và tranh chấp thông qua đối thoại và thương lượng hòa bình; đối với các vấn đề tranh chấp biên giới, lãnh thổ sẽ giải quyết trên cơ sở tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực.
Một số quan điểm chỉ đạo hoạt động đối ngoại của Việt Nam, trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII), Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tư tưởng chỉ đạo chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước là giữ vững nguyên tắc vì độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, đồng thời phải rất sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với vị trí, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của đất nước, cũng như diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, phù hợp với đặc điểm từng đối tượng, đối tác mà Việt Nam có quan hệ[7]. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) tiếp tục nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo công tác đối ngoại là: kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam quán triệt đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ và kiên trì theo đuổi chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa theo phương châm “thêm bạn, bớt thù”, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cố gắng gia tăng hợp tác, tránh xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, lệ thuộc; lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định [8]. Đồng thời khẳng định Việt Nam là bạn là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Một số ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam: Thứ nhất, Việt Nam coi trọng và phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị với tất cả các nước láng giềng, đặc biệt là những nước có chung đường biên giới như Lào, Campuchia và Trung Quốc. Thứ hai, ưu tiên phát triển quan hệ với các nước ASEAN. Thứ ba, Việt Nam coi trọng việc thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước lớn đặc biệt là 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 2)
* Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Dẫn theo Minh Châu. Bước ngoặt lớn trong quan hệ Việt - Ấn. Tạp chí Cộng sản. 2014. Truy cập ngày 21/5/2014 tại: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2014/30647/Buoc-ngoat-lon-trong-quan-he-Viet-Nam-An-Do.aspx
[2] Bộ Ngoại giao Việt Nam. Thông tin cơ bản về nước Cộng hòa Ấn Độ và quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Truy cập ngày 21/5/2105 tại: http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/cn_vakv/ca_tbd/nr040819102240/ns070731083003
[3] Trương Tấn Sang. Phát huy sức mạnh toàn dân, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Báo điện tử Chính phủ nước cộng hòa XHCN Việt Nam. 01/01/2015. Truy cập tại: http://baodientu.chinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Phat-huy-suc-manh-cua-toan-dan-bao-ve-loi-ich-quoc-gia-dan-toc/217403.vgp
[4] Phạm Bình Minh. Đường lối đối ngoại Đại hội XI và những phát triển quan trọng trong tư duy đối ngoại của Đảng ta. Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Truy cập ngày 10/02/2015 tại: http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/cs_doingoai/nr070523093001/ns110520170239
[5] Bộ Quốc phòng Việt Nam. Quốc phòng Việt Nam. Hà Nội. 2009. Tr. 19.
[6] Nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII.
[7] Dẫn theo Phạm Bình Minh (chủ biên). Định hướng chiến lược đối ngoại Việt Nam đến 2020. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội. 2010. Tr. 44.
[8] Phạm Bình Minh. 2010. Sđd. Tr. 45-46.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục