Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực ngoại giao trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI (Phần 2)
Hai nước Việt Nam, Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời được khởi nguồn từ những mối liên hệ và giao lưu văn hóa, tôn giáo và thương mại. Sự thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2003 và quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2007 là những bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Động lực bên trong nào đã thúc đẩy sự phát triển quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ trong những năm đầu thế kỷ thứ XXI và quan hệ song phương trên lĩnh vực này hiện nay đang diễn ra như thế nào? Nghiên cứu này tập trung làm rõ 3 vấn đề chính: chính sách đối ngoại của Việt Nam và vị trí của Ấn Độ; chính sách đối ngoại của Ấn Độ và vị trí của Việt Nam; quan hệ Việt - Ấn trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao trong 2 thập niên đầu thế kỷ thứ XXI.
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực ngoại giao trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI
TS. Nguyễn Quốc Dũng*
* Vị trí của Ấn Độ trong chính sách đối ngoại của Việt Nam
Như đã nêu ở trên một trong những ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam đó là mối quan hệ với các nước láng giềng khu vực. Ấn Độ cùng với Trung Quốc và Nhật Bản hiện nay đang là 3 cường quốc lớn nhất khu vực châu Á. Với diện tích khoản 3,3 triệu km2[1]
và dân số khoảng 1,25 tỷ người, Ấn Độ hiện nay đang là thành viên của G20 và là một nền kinh tế lớn đầy tiềm năng đối với Việt Nam. Với thị trường đông dân này là một thị trường tiềm năng cho các mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam.
Trong khi căng thẳng giữa Việt Nam với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông có xu hướng ngày càng gia tăng, việc đe dọa trừng phạt kinh tế, bao gồm việc cung cấp nguyên liệu dệt may cho Việt Nam thường được Trung Quốc sử dụng để đe dọa và gây sức ép đối với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Điều này khiến cho Việt Nam đang phải tìm kiếm và mở rộng các thị trường mới để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong hoàn cảnh đó, Ấn Độ tuyên bố sẵn sàng thay thế Trung Quốc trong việc cung cấp các nguyên liệu dệt may cho Việt Nam để Việt Nam không bị lệ thuộc vàoTrung Quốc[2].
Do vậy, với nhu cầu phát triển cũng như thiện chí của cả hai bên cộng với mối quan hệ truyền thống đã giúp Ấn Độ trở thành một đối tác tin cậy và chiếm vị trí ưu tiên trong chính sách của Việt Nam.
Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, nhất là sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu không còn nữa, thực tiễn đó yêu cầu Việt Nam phải có tư duy chiến lược mới, mà một trong những chủ trương quan trọng là phải đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế. Đồng thời, phải phát huy mối quan hệ truyền thống với các nước, trong đó có quan hệ với Ấn Độ là tiền đề quan trọng để Việt Nam phát triển quan hệ đối tác chiến lược.
Thêm vào đó, Trung Quốc ngày càng gia tăng tiềm lực kinh tế và quân sự cùng với những tham vọng bành trướng lãnh thổ đặc biệt là trên Biển Đông đã khiến cho Việt Nam không khỏi lo ngại và cẩn trọng hơn với mối quan hệ hết sức phức tạp với Trung Quốc. Do vậy, trong chiến lược đối ngoại của mình, Việt Nam chú trọng phát triển quan hệ với tất cả các nước nhằm tạo ra thế đan xen lợi ích và cân bằng quan hệ với các nước lớn. Trong đó, Ấn Độ có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh cũng như cân bằng quyền lực trong khu vực trước hết là ở Đông Nam Á.
Với chiến lược đối ngoại hòa bình, độc lập, không liên kết, phấn đấu vì môi trường khu vực hòa bình, ổn định và phát triển mà cả Việt Nam và Ấn Độ đang theo đuổi và mối quan hệ hữu nghị truyền thống đã làm cho Ấn Độ trở thành một trong những đối tác tin cậy nhất và là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Quan điểm của Việt Nam đối với quan hệ với Ấn Độ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định là: “Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược với Ấn Độ; ủng hộ chính sách Hành động hướng Đông và kết nối về mọi mặt của Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á cũng như vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ ở khu vực và trên thế giới”[3]. Đồng thời Việt Nam cũng ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một khi cơ chế này được mở rộng.
2. Chính sách đối ngoại của Ấn Độ và vị trí của Việt Nam trong “Chính sách Hướng đông”
* Vài nét khái quát về chính sách đối ngoại của Ấn Độ
Chiến tranh Lạnh kết thúc với hệ quả tất yếu là sự sụp đổ trật tự thế giới hai cực. Chính sự kết thúc của trật tự hai cực đối đầu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã đưa đến một xu thế lớn của thời đại đó là xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển. Trong xu thế đó, hầu hết các quốc gia trong cộng đồng quốc tế, trong đó có Ấn Độ, đều ưu tiên tập trung cho phát triển kinh tế. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Ấn Độ cũng bắt đầu bước vào thời kỳ cải cách kinh tế toàn diện theo hướng tự do hóa, mở cửa và tăng cường hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới. Cùng với những cải cách về kinh tế, chính sách đối ngoại của Ấn Độ cũng bắt đầu có sự điều chỉnh chiến lược để đáp ứng yêu cầu đưa Ấn Độ hội nhập với khu vực và quốc tế.
Cộng đồng quốc tế hoan nghênh Ấn Độ tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập và không liên kết do Thủ tướng Jawaharlal Nehru đề ra từ sau khi Ấn Độ giành được độc lập năm 1947. Đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập này được thể hiện khá rõ trong Tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào ngày 28/6/1954 tại New Delhi và Tuyên bố chung giữa Myanmar và Trung Quốc vào ngày 29/6/1954 tại Yangon (Myanmar), theo đó, ba nước tuyên bố tuân thủ Năm nguyên tắc chung sống hòa bình. Năm nguyên tắc này bao gồm: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không gây hấn; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và cùng có lợi; và chung sống hòa bình[4].
Về mục tiêu đối ngoại, theo PGS. TS. Văn Ngọc Thành tổng kết, chính sách đối ngoại của Ấn Độ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc tập trung vào thực hiện 5 mục tiêu cơ bản như sau[5]:
- Thứ nhất, bảo vệ độc lập, chủ quyền và an ninh quốc gia. Cũng như Việt Nam, Ấn Độ đã trải qua một thời kỳ dài là thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Tuy nhiên, với tinh thần đấu tranh bất khuất, Ấn Độ đã được giải phóng khỏi chế độ thực dân Anh và giành được độc lập vào năm 1947. Do đó, cũng giống như Việt Nam, Ấn Độ rất trân trọng nền độc lập mà khó khăn lắm nhân dân Ấn Độ mới giành lại được trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân và chống thuộc địa. Do vậy, bảo vệ độc lập, chủ quyền và an ninh quốc gia là mục tiêu đối ngoại quan trọng hàng đầu của Ấn Độ.
- Thứ hai, tạo môi trường hòa bình, ổn định để Ấn Độ có thể tập trung cho phát triển kinh tế. Sau khi giành được độc lập, Ấn Độ phát triển kinh tế theo hướng kế hoạch hóa, nhà nước kiểm soát chặt chẽ khu vực kinh tế tư nhân, ngoại thương và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, bước vào thập niên 80 của thế kỷ XX, nền kinh tế Ấn Độ lâm vào khủng hoảng. Bối cảnh đó đòi hỏi Ấn Độ phải có chính sách khai thác mọi nguồn lực trong và ngoài nước cũng như tạo lập môi trường hòa bình, hữu nghị và sự ổn định chính trị để phát triển kinh tế , cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế.
- Thứ ba, tăng cường và mở rộng quan hệ với các nước lớn, các trung tâm kinh tế lớn của thế giới nhằm tranh thủ nguồn vốn đầu tư và khoa học công nghệ từ các nước này để phát triển kinh tế - xã hội.
- Thứ tư, với xu thế toàn cầu hóa, Ấn Độ đã đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế. Để đẩy nhanh quá trình hội nhập này, một trong những biện pháp được Ấn Độ quan tâm thực hiện là tích cực tham gia vào các diễn đàn hợp tác khu vực và thế giới như: Thể hiện vai trò lãnh đạo trong Phong trào Không liên kết; tích cực phát huy vai trò lãnh đạo các quốc gia đang phát triển trên nhiều diễn đàn; tích cực tham gia các cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt.
- Thứ năm, nâng cao vai trò, vị thế của Ấn Độ trong khu vực và trên trường quốc tế. Bước sang thế kỷ thứ XXI, một trong những mục tiêu đối ngoại khá nổi bật của Ấn Độ là phấn đấu trở thành một cường quốc khu vực và thế giới tương xứng với tiềm năng và nguồn lực của đất nước này. Là quốc gia có diện tích lớn thứ hai ở khu vực châu Á (sau Trung Quốc) với dân số hơn 1,2 tỷ người (lớn thứ hai thế giới), GDP của Ấn Độ năm 2013 là 1.875 tỷ USD[6]
và là nền kinh tế lớn thứ 7 của thế giới (tuy nhiên, GDP, nếu tính theo sức mua ngang giá, thì Ấn Độ đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới), Ấn Độ hiện nay đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình đối với toàn thế giới và trước mắt là các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Để mở rộng ảnh hưởng và tạo lập được vị trí của một cường quốc tại khu vực này, kể từ năm 1991 trở lại đây, Ấn Độ đã và đang tích cực thực hiện chính sách “Hướng Đông” (‘Look East policy). Trên trường quốc tế, Ấn Độ cũng đang cố gắng xác lập vị trí, vai trò cường quốc thế giới thông qua việc phấn đấu trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một khi cơ quan này cải tổ theo hướng mở rộng số lượng thành viên thường trực.
Thực tiễn hiện nay cho thấy, một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là ưu tiên phát triển quan hệ với các nước láng giềng thuộc khu vực Nam Á. Việc Ấn Độ coi quan hệ với khu vực Nam Á là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình là điều tương đối dễ hiểu, bởi lẽ việc phát triển quan hệ tốt đẹp với các nước này sẽ góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định và đặc biệt là an ninh quốc gia của Ấn Độ. Việc tăng cường hợp tác với các quốc gia Nam Á không chỉ giúp Ấn Độ phát triển kinh tế đối ngoại và thương mại với khu vực này mà nó còn góp phần thúc đẩy việc giải quyết các bất đồng, tranh chấp với các nước khu vực như vấn đề Kashmir và đối phó với chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia. Đối với khu vực này, Ấn Độ đã thiết lập cơ chế quan hệ đa phương với các nước Nam Á thông qua Hiệp hội Nam Á vì hợp tác khu vực (SAARC).
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. M. Krishna đã khẳng định, chính sách đối ngoại của Ấn Độ với các nước Nam Á là: “Ấn Độ cam kết thực hiện chính sách đối ngoại mật thiết và thân thiện với tất cả các nước Nam Á, với những quốc gia mà chúng ta cùng chung vận mệnh. Do đó, mục tiêu cốt lõi trong chính sách láng giềng của chúng ta là góp phần tạo lập khu vực Nam Á hòa bình và thịnh vượng, được thực hiện thông qua việc hội nhập và liên kết kinh tế, tương tác giữa nhân dân các nước, củng cố đối tác song phương, tiểu vùng và khu vực”[7]
Ưu tiên thứ hai trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là quan hệ với Trung Quốc. Trung Quốc hiện nay cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ và là một trong những cường quốc quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là đối thủ cạnh tranh vị trí lãnh đạo khu vực lớn nhất của Ấn Độ. Tuy nhiên, trong quan hệ giữa hai nước vẫn còn những bất đồng trong tranh chấp biên giới vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng có nhiều biểu hiện, hành động quyết đoán, thậm chí có phần hung hăng trong việc giải quyết tranh chấp biên giới, lãnh thổ với các nước trong khu vực.
Trong quan hệ với Trung Quốc, một mặt, Ấn Độ coi trọng hợp tác kinh tế với nước này nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của chính Ấn Độ. Mặt khác, Ấn Độ tiếp tục giữ thái độ cảnh giác và kiên quyết trong việc xử lý tranh chấp với Trung Quốc để đảm bảo an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Do đó, quan hệ Ấn - Trung là mối quan hệ tương đối phức tạp, trong đó Ấn Độ vừa thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc và vừa thực hiện chiến lược kiềm chế đối với cường quốc đầy tham vọng này. Năm 2014, kim ngạch thương mại song phương Trung - Ấn đạt gần 70 tỷ USD. Ngày 14/5/2015, trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sang Trung Quốc, hai bên đã ký kết được hiệp định đầu tư trị giá hơn 10 tỷ USD[8].
Mối quan tâm thứ ba của Ấn Độ chính là khu vực Trung Đông, vì đây là khu vực có ý nghĩa quyết định đối với an ninh năng lượng và sự phát triển kinh tế nhờ một lượng lớn kiều hối từ khu vực và sự gia tăng thương mại giữa Ấn Độ với các nước trong khu vực. Ấn Độ có lợi ích quan trọng trong sự ổn định của Vùng Vịnh. (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 3)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục