Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh những năm đầu thế kỷ XXI (Phần 1)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh những năm đầu thế kỷ XXI (Phần 1)

Quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ những năm đầu thế kỷ XXI được thiết lập dựa trên cơ sở các tuyên bố chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, Nghị định thư về hợp tác quốc phòng (năm 2000). Hợp tác an ninh giữa hai nước ngày càng được tăng cường và củng cố. Trong Tuyên bố chung tháng 5/2003 nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, hai bên nhất trí từng bước mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, như đàm phán ký hiệp định song phương về chống tội phạm, kinh nghiệm chống khủng bố quốc tế và những cơ chế ủng hộ khủng bố, đặc biệt là tội phạm có tổ chức và việc buôn lậu vũ khí và ma túy.

02:23 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh những năm  đầu thế kỷ XXI

Trung tướng, PGS, TS Hoàng Văn Đồng*

1. Thực  trạng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh

*  Quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ

Quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ những năm đầu thế kỷ XXI được thiết lập dựa trên cơ sở các tuyên bố chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, Nghị định thư về hợp tác quốc phòng (năm 2000). Tháng 5/2003, nhân chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, hai bên thỏa thuận trong Tuyên bố chung về việc từng bước mở rộng hợp tác về quốc phòng, các biện pháp chống cướp biển, ngăn chặn các hành động khủng bố nhằm vào mỗi nước”, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm chống khủng bố quốc tế”. Hai nước đã duy trì đều đặn việc trao đổi nhiều đoàn quốc phòng, trong đó có một số đoàn đáng chú ý như: chuyến thăm Ấn Độ của Phó Tư lệnh hải quân Việt Nam Bế Quốc Hùng (năm 2003), chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Ấn Độ (năm 2003), chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Tham mưu trưởng Phùng Quang Thanh (năm 2004), Giám đốc Học viện Quân sự (năm 2004). Quan hệ quốc phòng hai nước được tăng cường với chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà tháng 3/2005, trong đó Ấn Độ bày tỏ mong muốn hỗ trợ Việt Nam một cách thiết thực, tăng cường hợp tác quân sự nhiều mặt, kể cả giúp đào tạo tiếng Anh cho Học viện quốc phòng Việt Nam; chuyến thăm Ấn Độ của Phó Tổng Tham mưu trưởng Nguyễn Khắc Nghiên (năm 2005), Chủ Nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Văn Dũng (năm 2006), Phó Đô đốc Hải quân (năm 2006), các chuyến thăm của Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam (các năm 2007, 2009, 2010); chuyến thăm Việt Nam Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K.Antony (năm 2007).

Đặc biệt, trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày 6-7-2007, hai bên ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ, đánh dấu bước đột phá mới cho quan hệ song phương trên các lĩnh vực về chính trị - đối ngoại, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa, khoa học - công nghệ, giáo dục và Thủ tướng Manmohan Singh khẳng định, Việt Nam luôn là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ1. Ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K Antony đã có chuyến thăm Việt Nam tháng 12/2007, thể hiện quyết tâm thực sự của hai nước thúc đẩy thêm một bước mới trong quan hệ quốc phòng, hai nước đã ra tuyên bố đưa quan hệ hợp tác quân sự song phương “lên tầm cao mới”, đồng ý lập Nhóm Công tác chung để hỗ trợ việc ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng, bao gồm hợp tác về quốc phòng, bảo vệ lãnh hải và không phận, đào tạo sĩ quan. Trong chuyến thăm này, hai bên cũng thúc đẩy trao đổi hợp tác trên lĩnh vực phòng không không quân và hải quân (duy trì tập trận chung về hải quân và tàu quân sự Ấn Độ thăm Việt Nam, áp dụng công nghệ thông tin trong quốc phòng và hỗ trỡ kỹ thuật cho hải quân Việt Nam). Ấn Độ cam kết cung cấp gần 5.000 phụ tùng cho tàu chiến chống ngầm lớp Petya của Hải quân Việt Nam, giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia quân sự nói chung và đào tạo các quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc2. Quan hệ quốc phòng tiếp tục được củng cố và tăng cường với chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tháng 11/2009, trong đó hai bên đã ký Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác quốc phòng, nhằm tiếp tục đẩy mạnh trao đổi thông tin, kinh nghiệm đào tạo học viên, quan sát viên quân sự, đào tạo nhân sự quốc phòng; liên doanh, hợp tác sản xuất, cung cấp thiết bị, chia sẻ, trợ giúp và đào tạo kỹ thuật quân sự3.

Tháng 10/2010, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony thăm Việt Nam lần thứ hai và tuyên bố, Ấn Độ giúp Việt Nam cải thiện kỹ năng tác chiến của cả ba quân chủng: lục quân, không quân và đặc biệt là hải quân, cụ thể như bảo dưỡng, sửa chữa và đóng tàu quân sự, công nghệ thông tin; đào tạo tiếng Anh, huấn luyện chiến đấu du kích và công tác gìn giữ hòa bình, v.v., chia sẻ kinh nghiệm công nghệ quốc phòng của các viện nghiên cứu quốc phòng hai nước. Nhân dịp này, Bộ trưởng Quốc phòng A.K.Antony tham dự ADMM+ và bày tỏ ủng hộ tự do hàng hải tại Ấn Độ Dương và Biển Đông, phản đối mọi áp đặt hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, góp phần xử lý tốt vấn đề Biển Đông có lợi cho Việt Nam.

Cùng với sự phát triển hợp tác trên nhiều mặt, quan hệ hợp tác về an ninh quốc phòng giữa hai nước những năm gần đây cũng có bước khởi sắc nhất định. Các quan chức cấp cao và cán bộ quốc phòng của hai bên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm. Ngày 20/9/2013, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ thăm Ấn Độ, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Hội đồng các Tham mưu trưởng Ấn Độ Norman Anil Kumar Brown đã khẳng định, Việt Nam đóng vai trò quan trọng và là đối tác hàng đầu của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ rất coi trọng thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, trong đó có quan hệ quốc phòng. Hai bên nhất trí tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng một cách có hiệu quả hơn nữa ở các lĩnh vực, như trao đổi đoàn các cấp; đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng; đào tạo, trong đó chú trọng về đào tạo ngôn ngữ, kỹ thuật quân sự; hợp tác giữa các quân, binh chủng, trong đó đẩy mạnh hợp tác về hải quân, không quân.

Ngày 15/9/2014, trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee tại Hà Nội, hai bên nhất trí coi hợp tác an ninh quốc phòng là một trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, Ấn Độ dành 100 triệu USD cho Việt Nam trong "những cơ hội hợp tác mới".

Ngày 28/10/2014, Thủ tướng  Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ, trong hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai bên đều khẳng định về những tiến bộ đạt được trong hợp tác quốc phòng, bao gồm trao đổi đoàn, Đối thoại Chính sách Quốc phòng hàng năm, hợp tác giữa các quân binh chủng, trao đổi tàu thăm viếng, đào tạo, nâng cao năng lực và hợp tác tại các diễn đàn khu vực, trong đó có Chương trình Hành động bom mìn vì mục đích nhân đạo. Hai Thủ tướng nhất trí sớm triển khai Hiệp định Tín dụng trị giá 100 triệu USD do Ấn Độ dành cho Việt Nam phục vụ mua sắm quốc phòng và quan hệ hợp tác quốc phòng sẽ tiếp tục được tăng cường thông qua trao đổi thường xuyên các đoàn cấp cao và tái khẳng định mong muốn và quyết tâm cùng nhau duy trì hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Hai bên nhất trí cho rằng, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông không thể bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng hoặc đe đoạ sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, cam kết chung của các bên liên quan tuân thủ và thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002, hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận, và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực bảo đảm an ninh của các tuyến đường biển, an ninh hàng hải, chống cướp biển và các hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Cho đến nay, hai bên tiến hành đều đặn 9 cuộc Đối thoại An ninh (từ  năm 2003 đến năm 2015). Đặc biệt, trong cuộc đối thoại lần thứ 9 ngày 16/01/2015, hai bên đã trao đổi về tình hình quốc tế, khu vực và tiếp tục thống nhất rằng, hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chung của tất cả các quốc gia trong thời đại ngày nay, mọi tranh chấp, bất đồng cần được giải quyết thông qua đối thoại hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực. Về hợp tác quốc phòng song phương, hai bên cho rằng, hợp tác quốc phòng đã có bước phát triển và mang lại hiệu quả thiết thực trong các lĩnh vực như trao đổi đoàn, trong đó có giao lưu sĩ quan trẻ; trao đổi kinh nghiệm; đào tạo cán bộ, hợp tác giữa các quân binh chủng và công nghiệp quốc phòng. Hai bên đã hoàn tất quá trình chuẩn bị và bắt tay vào tổ chức thực hiện gói tín dụng 100 triệu USD mà Ấn Độ dành cho Việt Nam để đóng tàu cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cảm ơn Bộ Quốc phòng Ấn Độ thời gian qua đã giúp đỡ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo. Trong thời gian tới, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai hợp tác theo các nội dung của Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng đã ký kết, tập trung vào trao đổi chiến lược, chính sách quốc phòng, trao đổi đoàn, đào tạo, hợp tác giữa các quân binh chủng, trong đó chú trọng hợp tác về hải quân... Đặc biệt, hai bên sẽ tập trung hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp quốc phòng, công nghệ thông tin, tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 của dự án xây dựng Trung tâm Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ bằng sự giúp đỡ về tài chính, công nghệ và thị trường của Ấn Độ để phát triển Trung tâm Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ thành một trung tâm phần mềm lớn ở miền Trung Việt Nam để phục vụ nhu cầu của quân đội cũng như phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội đất nước. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác trên các diễn đàn đa phương khu vực trong đó có Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Ấn Độ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong quá trình Việt Nam chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. (Xem tiếp phần 2)


* Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam.

1 Thông tấn xã Việt Nam: Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Việt Nam -Ấn Độ, ngày 7-7-2007.

2 Khánh Linh (2007), Việt Nam - Ấn Độ chương mới trong hợp tác quốc phòng, Báo Thế giới và Việt Nam, (http://www.tgvn.com.vn), cập nhật ngày 21/12/2007

3 Báo Quân đội Nhân dân (2009), Đẩy mạnh quan hệ Quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ, ngày 9/11/2009.

Nguồn:

Cùng chuyên mục