Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong thời kỳ mới (Phần 2)
(Tiếp theo phần 1)
PGS, TS Lê Văn Toan*
Về Việt Nam và Ấn Độ cùng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ
Hiện nay, Việt Nam đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới, thay đổi tư duy phát triển theo hướng chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mọi phát triển đều hướng vào con người, vì con người. Đó chính là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, nhằm xây dựng một đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Việt Nam sử dụng cơ chế thị trường để huy động và phân bổ nguồn lực; coi thị trường là một phần của thị trường thế giới. Nhờ đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế, Việt Nam trở thành nước có tốc độ tăng trưởng nhanh ở châu Á, trở thành nước xuất khẩu gạo và một số sản phẩm nông nghiệp lớn trên thế giới. Việt Nam là một nước được Liên hợp quốc đánh giá là có chính sách giảm nghèo ấn tượng với tỷ lệ nghèo chỉ còn dưới 10% và hiện đang là nước có thu nhập trung bình thấp với GDP bình quân đầu người đạt hơn 2000 USD một năm.
Ấn Độ là nước có nền văn hóa phát triển lâu đời, từ thời cổ đại đã trở thành một trong 4 cái nôi văn minh của nhân loại. Đất nước Ấn Độ luôn có sức nặng địa chính trị, địa kinh tế tự nhiên. Hiện nay, Ấn Độ đã trở thành nước có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới. Dự tính đến năm 20-30 của thế kỷ XXI, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế đứng thứ ba thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và tiềm lực quốc phòng đứng thứ tư thế giới, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc. Với dân số đứng thứ hai thế giới và lực lượng lao động trẻ, dồi dào, tư duy phát triển năng động, Ấn Độ có khả năng trở thành hình mẫu về sự kết hợp giữa phát triển kinh tế với thể chế dân chủ lớn nhất thế giới. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng, Ấn Độ là một đỉnh lớn trong khối kim cương an ninh dân chủ châu Á, mà 4 đỉnh là Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và bang Hawai của Mỹ để đảm bảo các lợi ích biển trải dài từ Ấn Độ Dương sang Tây Thái Bình Dương. Tư tưởng nước lớn được giới lãnh đạo Ấn Độ nuôi dưỡng từ nhiều thập kỷ, đến nay đang được kế thừa và phát triển. Hiện nay, Thủ tướng Narendra Modi nêu quyết tâm: Phát triển kinh tế, ổn định nội bộ, chấn hưng và cách tân đất nước, tăng năng lực quốc phòng, đổi mới chính sách đối ngoại, trong đó, ngoại giao kinh tế và việc mở rộng các mối quan hệ đối tác chiến lược là hai trọng tâm ưu tiên.
Ấn Độ và Việt Nam vốn có quan hệ lịch sử văn minh lâu đời từ hơn hai thế kỷ nay. Đạo Phật và sau đó là đạo Hindu đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giao lưu văn hóa giữa hai nước. Trong thời kỳ hiện đại, tình bạn giữa hai vị lãnh tụ, đồng thời là các nhà văn hóa Hồ Chí Minh, Mahatma Gandhi và Jawaharlal Nehru đã đặt nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hai nước. Hai nước luôn hỗ trợ nhau trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Ngày nay, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ càng thể hiện rõ tình bạn tin cậy, tình cảm sâu sắc mà lãnh đạo và nhân dân hai nước dành cho nhau.
Từ khi quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ được nâng lên tầm quan hệ đối tác chiến lược năm 2007 và tiếp tục được nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện năm 2016, quan hệ hai nước cùng phát triển thực chất hơn trên nhiều lĩnh vực. Hai bên liên tục trao đổi các chuyến thăm cấp cao, trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tới thăm Ấn Độ. Về phía Ấn Độ, cả Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng đã đến Việt Nam. Những chuyến thăm cấp cao không chỉ tạo nền tảng, tạo động lực cho việc triển khai các thỏa thuận hợp tác mà còn thắt chặt thêm độ tin cậy chính trị giữa hai nước.
Hai nước chúng ta coi trọng quan hệ và nhất trí cao việc tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược và phát triển quan hệ đối tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, năng lượng, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ.
Hai nước nhất trí tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trên các kênh: Kênh Đảng, kênh Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành, các địa phương và giao lưu nhân dân; khẳng định phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có như: Ủy ban Liên Chính phủ, tham khảo chính trị, đối thoại chiến lược, đối thoại chính sách quốc phòng, hợp tác kinh tế, năng lượng, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, thực hiện tất cả các thỏa thuận đã được ký kết giữa hai nước.
Các nhà lãnh đạo Ấn Độ khẳng định, nhất quán ủng hộ quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ, coi Việt Nam là trụ cột quan trọng nhất trong Chính sách Hướng Đông, nay là Hành động Phía Đông của Ấn Độ và trong phát triển quan hệ Ấn Độ với ASEAN.
Hai nước nhất trí nhấn mạnh việc tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa các trụ cột kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, coi tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước là mục tiêu chiến lược, phấn đấu đạt kim ngạch thương mại 15 tỷ USD vào năm 2020. Tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh trên cơ sở các cơ chế đã thỏa thuận, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tín dụng, đào tạo, nâng cao năng lực quốc phòng, an ninh, chia sẻ kinh nghiệm về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF),….
Các nhà lãnh đạo hai nước nhất trí cao về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó, nổi bật là vấn đề Biển Đông. Hai nước tiếp tục hợp tác tốt tại các diễn đàn quốc tế như: ASEAN - Ấn Độ, Cấp cao Đông Nam Á (EAS), Hợp tác Sông Hằng - Sông Mekong, diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Không Liên kết, Hợp tác Nam - Nam và Liên hợp quốc.
Việt Nam và Ấn Độ đều nhất trí nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Biển năm 1982 của Liên hợp quốc và Tuyên bố về cách ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), ủng hộ việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC), công nhận và ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông.
Việt Nam và Ấn Độ cùng nhất trí tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và các lĩnh vực khác; cùng ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực viễn thám, tăng cường hợp tác kết nối đường không, đường bộ, đường biển; tổ chức hiệu quả Liên hoan Hữu nghị Việt - Ấn hai năm một lần.
Hơn bốn lăm năm qua, quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ không ngừng phát triển, gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp, nhưng những gì đã đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có và kỳ vọng của hai nước. Để biến tiềm năng thành hiện thực, chỉ có lòng tin chính trị và quyết tâm thì chưa đủ, rất cần tinh thần trách nhiệm, thái độ nhiệt thành và trên hết là tư duy nhạy bén, năng động. Vì mọi giới hạn cho sự phát triển đều từ chính con người, từ cách thức tổ chức, những nguyên tắc vận hành các định chế cho đến xây dựng cơ chế triển khai từng công việc.
Trong bối cảnh mới của thế giới hiện nay, rất cần một tầm nhìn mới của Việt Nam và của Ấn Độ, và hai nước chúng ta đã và đang nhận thức sâu về điều đó. Tin tưởng rằng, bối cảnh mới này sẽ có nhiều thách thức nhưng cũng tạo nên nhiều thời cơ để chúng ta tận dụng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ vì sự ổn định, phát triển, phồn vinh của hai quốc gia dân tộc và vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới./.
* Giảng viên cao cấp, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024