Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Truyền thống và triển vọng (Phần 1)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Truyền thống và triển vọng (Phần 1)

Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ đã có từ lâu đời, khởi nguồn từ những mối liên hệ và giao lưu về văn hóa, tôn giáo, thương mại. Trong thời kỳ hiện đại, mối quan hệ giữa hai dân tộc đã được hai vị lãnh đạo tiền bối kiệt xuất của hai nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nehru từ những năm 1945-1954 tạo dựng nền móng, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Nhân chuyến thăm Ấn Độ năm 1980, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu rằng, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là “một mối quan hệ trong sáng như bầu trời không một gợn mây”. Câu nói này vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay và mai sau. Ngày 07-01-1972, Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ quyết định nâng quan hệ ngoại giao từ cấp Tổng lãnh sự lên cấp Đại sứ, kể từ đó ngoại giao hai nước có những bước tiến quan trọng.

02:45 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Truyền thống và triển vọng

ThS Trần Thị Thúy*
Nguyễn Văn Vỹ**

Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ đã có từ lâu đời, khởi nguồn từ những mối liên hệ và giao lưu về văn hóa, tôn giáo, thương mại. Trong thời kỳ hiện đại, mối quan hệ giữa hai dân tộc đã được hai vị lãnh đạo tiền bối kiệt xuất của hai nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nehru từ những năm 1945-1954 tạo dựng nền móng, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Nhân chuyến thăm Ấn Độ năm 1980, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu rằng, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là “một mối quan hệ trong sáng như bầu trời không một gợn mây”. Câu nói này vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay và mai sau. Ngày 07-01-1972, Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ quyết định nâng quan hệ ngoại giao từ cấp Tổng lãnh sự lên cấp Đại sứ, kể từ đó ngoại giao hai nước có những bước tiến quan trọng.

 

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ những năm gần đây

Trên cơ sở của mối quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực khác cũng không ngừng được củng cố và phát triển. Tháng 12/1982, Uỷ ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Khoa học kỹ thuật (UBHH) đã được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. Đến nay, hai bên đã tổ chức được 13 kỳ họp luân phiên giữa New Delhi và Hà Nội. Uỷ ban Hỗn hợp là một trong những cơ chế quan trọng và hữu hiệu, giúp thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tín dụng, ngân hàng, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hoá, giao thông vận tải, nông nghiệp, công nghiệp, thuỷ sản, bưu chính viễn thông…

Về thương mại: Kim ngạch buôn bán hai chiều Việt Nam -Ấn Độ tăng lên rõ rệt, từ mức khởi điểm khoảng 50 triệu USD vào giữa thập kỷ 1980 lên trên 1 tỷ USD năm 2006. Đặc biệt, trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa hai nước có tốc độ tăng trưởng khá cao, ở mức trung bình 20% mỗi năm. Từ năm 2005 đến nay, thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ đã tăng nhanh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2005 là 97,8 triệu USD, năm 2010 tăng lên 991,6 triệu USD, năm 2011 là 1553,9 triệu USD, năm 2012 là 1782,2 triệu USD và năm 2013 là 2353,6 triệu USD. Ngược lại, Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam với kim ngạch thương mại tăng mạnh. Năm 2005, giá trị nhập khẩu hàng hóa Việt Nam nhập từ Ấn Độ là 596,0 triệu USD, năm 2010 là 1762,0 triệu USD, năm 2011 là 2346,4 USD, năm 2013 là 2881,3 triệu USD. Việt Nam xuất sang Ấn Độ chủ yếu là cà phê, than đá, hạt tiêu, quế hồi, cao su, hàng điện tử, giày dép... Ấn Độ xuất sang Việt Nam chủ yếu là thức ăn gia súc, nguyên liệu, sắt thép, kim loại, chất dẻo, tân dược, máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may, nguyên phụ liệu dược phẩm, hóa chất, thuốc trừ sâu.

          Về đầu tư: Tính đến cuối năm 2006, Ấn Độ có 12 dự án FDI vào Việt Nam còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký 46,4 triệu USD, đầu tư thực hiện hơn 580 triệu USD. Năm 2007 đã đánh dấu một bước chuyển lớn trong đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam. Tháng 2/2007, Tập đoàn ESSAR đã ký thỏa thuận đầu tư một dự án thép cán nóng tại Bà Rịa-Vũng tàu trị giá 527 triệu USD. Tháng 5/2007, Tập đoàn TATA của Ấn  Độ đã ký Bản ghi nhớ (MoU) với Tổng công ty Thép Việt Nam để  nghiên cứu xây dựng nhà máy thép liên hợp Hà Tĩnh, khai thác mỏ sắt Thạch Khê với công suất 4,5 triệu tấn thép/năm. Hai dự án này đã đưa Ấn Độ vào nhóm 10 nước và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, và Việt Nam trở thành nước nhận đầu tư lớn nhất của Ấn Độ trong các nước ASEAN.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến tháng 3-2014, Ấn Độ có 95 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 324 triệu USD và xếp thứ 30/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Quy mô vốn bình quân một dự án của Ấn Độ khoảng 3,4 triệu USD/dự án. 

Hiện nay, các nhà đầu tư Ấn Độ đã đầu tư vào 13/18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Đa phần các dự án của Ấn Độ tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 39 dự án với 204 triệu USD tổng vốn đầu tư, chiếm 41% tổng số dự án và 63% tổng vốn đăng ký của Ấn Độ tại Việt Nam. Ngành khai khoáng đứng thứ hai với 3 dự án và 86 triệu USD vốn đầu tư, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam. Ngành nông lâm thủy sản đứng thứ 3 với 22,2 triệu USD tổng vốn đầu tư, chiếm 6,8% tổng vốn đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam. Ngoài ra, dự án FDI của Ấn Độ vào các ngành như: bán buôn, bán lẻ, thông tin truyền thông, xây dựng…

Đầu tư của Ấn Độ đã có mặt tại 23 tỉnh, thành phố của Việt Nam như Tuyên Quang (3 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 45 triệu USD), Bắc Ninh (2 dự án với 40,5 triệu USD), thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thu hút được nhiều dự án của Ấn Độ, tuy nhiên, quy mô dự án nhỏ nên tổng vốn đầu tư vào các địa phương này cũng rất khiêm tốn. Ngoài ra, đầu tư của Ấn Độ cũng rải rác ở một số địa phương như: Bình Dương, Ninh Thuận, Tây Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai.

Riêng trong quý I năm 2015, Ấn Độ  đã đầu tư 2 dự án mới (vốn đăng ký cấp mới là 24,6 triệu USD), đứng thứ 10/33 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư FDI vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2015.

Về tín dụng: Các khoản tín dụng ưu đãi Chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam ngày càng được sử dụng có hiệu quả hơn. Khoản tín dụng ưu đãi mới ký tháng 8/2004 trị giá 27 triệu USD đã được sử dụng hết và là khoản tín dụng được thực hiện hiệu quả nhất từ trước đến nay. Những năm gần đây, Ấn Độ tiếp tục tăng các khoản tín dụng đối với Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho Việt Nam trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách xã hội, quốc phòng - an ninh...

Về khoa học-công nghệ: Ấn Độ là một trong những đối tác quan trọng trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam. Ngoài việc thành lập Tiểu ban Hợp tác về khoa học công nghệ, hai nước cũng ký Nghị định thư đầu tiên về Công nghệ thông tin vào tháng 8/1999. Ấn Độ đang giúp Việt Nam rất có hiệu quả trong một số dự án công nghệ thông tin, trong đó có Dự án Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp phần mềm ở Việt Nam và Dự án thành lập Trung tâm Nguồn nhân lực cao ở Hà Nội. Ngoài ra, hai nước cũng đang có quan hệ hợp tác tốt trong các lĩnh vực tiên tiến như sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình, công nghệ sinh học (lai tạo giống cây, giống con)...

Về giáo dục và đào tạo: Từ đầu những năm 1990, hàng năm, Chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam trên 100 suất  học bổng (14 suất học sau Đại học theo Chương trình Trao đổi văn hoá CEP và hơn 100 suất theo Chương trình Kinh tế kỹ thuật ITEC ngắn hạn) để đào tạo đại học, sau đại học trong hầu hết các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, y tế, nông nghiệp, thú y, ngân hàng, bảo hiểm, năng lượng hạt nhân v.v... Ngoài ra, Ấn Độ cũng cấp mới cho Việt Nam một số học bổng trong khuôn khổ hợp tác Sông Hằng-Sông Mêkông, Kế hoạch Colombo. Ấn Độ cũng giúp Việt Nam thành lập Trung tâm Phát triển doanh nghiệp Việt-Ấn (VIEDC), Trung tâm Đào tạo tiếng Anh tại Đà Nẵng. Ấn Độ đang và sẽ là điểm đến đầy hứa hẹn cho sinh viên Việt Nam, với học phí hợp lý, lại được đào tạo bằng tiếng Anh.

Về văn hoá: Văn hóa Việt Nam và Ấn Độ có nhiều nét tương đồng, về đời sống tâm linh, về phong tục lễ nghĩa, về các làn điệu, nhất là với người Chăm, Khmer có ảnh hưởng không nhỏ từ nguồn gốc Ấn Độ, những năm gần đây hai bên tiến hành trao đổi thực hiện nhiều chương trình giao lưu âm nhạc từ các đoàn nghệ thuật và văn hoá.

Ngoài các lĩnh vực kinh tế, chính trị, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng cũng có những bước phát triển tốt đẹp thông qua việc trao đổi đoàn, trao đổi thông tin, tài liệu, hợp tác đào tạo. Trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 10 năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhất trí đẩy nhanh triển khai gói tín dụng 100 triệu USD mua sắm quốc phòng. Tất cả các hoạt động quan hệ ngoại giao “hướng Đông” của Ấn Độ đều được lãnh đạo và nhân dân hai nước ủng hộ càng hứa hẹn nhiều sự hợp tác quan trọng giữa hai nước trong thời gian tới. (Xem tiếp phần 2)

* Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

** Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục