Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, từ góc nhìn lịch sử và quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay (Phần 1)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, từ góc nhìn lịch sử và quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay (Phần 1)

Quan hệ Việt - Ấn là mối quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó lâu đời. Thời gian đã chứng minh, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, giữa Ấn Độ và Việt Nam luôn có tình bạn tin cậy, thủy chung, luôn sẵn lòng ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhau.

02:02 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, từ góc nhìn lịch sử
và quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay

 

TS. Đỗ Xuân Tuất*
Nguyễn Duy Thái**

 

1. Hồ Chí Minh – J.Nehru, những người đặt nền móng cho lịch sử quan hệ Việt - Ấn

Quan hệ Việt - Ấn là mối quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó lâu đời, đến nay đã trải qua hơn 40 năm.

Thời gian đã chứng minh, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào giữa Ấn Độ và Việt Nam luôn có tình bạn tin cậy, thủy chung, luôn sẵn lòng ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhau. Dù phải đến tận năm 1972, cả hai nước mới thiết lập quan hệ chính thức, nhưng từ trước đó, tình cảm giữa hai nước Việt - Ấn đã được vun đắp rất tự nhiên mà cũng rất đặc biệt.

Năm 1927, Nguyễn Ái Quốc được cử đi dự Hội nghị Quốc tế đại biểu các dân tộc bị áp bức tại Brussels (Bỉ). Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã gặp mặt và làm quen với nhà cách mạng lỗi lạc của Ấn Độ là cụ Motilal Nehru. Lúc này Nguyễn Ái Quốc đang ở tuổi 37 kém con trai Jawaharlal của cụ Motilal Nehru 01 tuổi. Vị tiền bối này đã gieo vào tâm trí Nguyễn Ái Quốc một tình cảm đặc biệt với nhân dân Ấn Độ và cuộc đấu tranh chính nghĩa của họ nói chung và với Jawaharlal Nehru, một người cùng thế hệ và có chung một hoài bão giải phóng dân tộc nói riêng.

Năm 1942, trên đường sang Trung Quốc để bắt liên lạc với các lực lượng chống phát xít Nhật, các lực lượng tiến bộ của Trung Quốc ủng hộ phe Đồng minh chống phát xít, Hồ Chí Minh đã bị Chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Trong vòng 13 tháng trời, Người đã bị giải qua 13 huyện của tỉnh Quảng Tây, bị giam hãm lần lượt trong 28 nhà tù và trại giam vô cùng cực khổ. Mặc dù vậy, Hồ Chí Minh vẫn giữ vững dũng khí cách mạng, Người đã thể hiện dũng khí ấy với cuốn Nhật ký trong tù bằng thơ nổi tiếng với 133 bài thơ bất hủ. Trong đó có 2 bài “thơ gửi Nehru” được dành tặng cho Jawaharlal Nehru, một người Hồ Chí Minh chưa từng gặp mặt, nhưng khi nghe tin J.Nehru cũng rơi vào hoàn cảnh tù đày như mình, ở trong tù Người đã cảm động viết hai bài thơ để chia sẻ với người bạn cùng chí hướng, cùng lý tưởng.

     1. “Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động,

Anh phải vào lao, tôi ở tù.

Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt,

Không lời mà vẫn cảm thông nhau.

2. Đôi ta cảnh ngộ vốn không khác,

Cảnh ngộ giờ đã khác bội phần,

Tôi chốn lao tù người bạn hữu

Anh, trong gông xích bọn cừu nhân[1].

(trích Nhật ký trong tù)

Năm 1954, với danh nghĩa Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ, J.Nehru trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên tới thăm chính thức nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ngày 17/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón Thủ tướng J. Nehru tại Hà Nội chỉ một tuần sau khi Hà Nội được tiếp quản từ tay quân Pháp, Thủ đô Hà Nội được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của bọn xâm lược Pháp. Khi bước xuống sân bay Gia Lâm, hai vị lãnh tụ Ấn Độ và Việt Nam đã ôm chầm lấy nhau như những người bạn thân thiết từ lâu, dù mới chỉ lần đầu gặp mặt. Có thể nói, trong tâm tưởng Hồ Chí Minh đã gặp ông từ 12 năm trước đó. Những nền móng ban đầu của quan hệ hai nước được xây dựng và vun đắp bởi những lãnh tụ kiệt xuất của cả hai nước Việt - Ấn. Với chuyến thăm chính thức này, Thủ tướng J.Nehru trở thành nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên đến thăm Việt Nam sau khi Việt Nam giành độc lập. Đây cũng là sự khích lệ, động viên to lớn của Ấn Độ đối với nước Việt Nam mới giành được độc lập từ tay thực dân Pháp, đồng thời mở ra một triển vọng mới cho quan hệ giữa hai nước dựa trên tình hữu nghị, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau. Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Ấn Độ năm 1958 tiếp tục mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ hai nước, thúc đẩy sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Việt Nam và Ấn Độ trong Phong trào Giải phóng dân tộc và Phong trào Không liên kết. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Natwar Singh (2004 – 2005) đánh giá:

“Cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nehru và Chủ tịch Hồ là một động lực lớn lao. Tình hữu nghị xuất phát từ cuộc gặp đầu tiên này đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ Ấn Độ-Việt Nam. Tầm nhìn xa trông rộng và sự chân thành của hai nhà lãnh đạo đã giúp dệt nên một thứ sợi bền lâu cho mối quan hệ hiện vẫn đang tỏa sáng và vững bền sau suốt 5 thập kỷ đầy những biến động”[2].

Giữa nhân dân Ấn Độ và nhân dân Việt Nam cũng có sự đồng cảm sâu sắc khi cùng phải chịu chung số phận là thuộc địa của các nước thực dân. Tháng 1/1947, những người Ấn Độ “kêu gọi nhân dân Mỹ sát cánh với nhân dân Đông Dương trong cuộc đấu tranh giành độc lập”[3].

Sau đó không lâu, Ấn Độ là nơi đầu tiên trên thế giới nổ ra cuộc biểu tình đầu tiên ủng hộ cho Cách mạng Việt Nam. Ngày 19/1/1947 được người dân Kolkata đã chọn là Ngày Việt Nam và 2 ngày sau đó, tức ngày 21/1, hàng ngàn sinh viên đã xuống đường biểu tình, phản đối quân Anh ủng hộ thực dân Pháp, ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cảnh binh Anh đã nổ súng bắn chết 2 sinh viên Kolkata ngay tại đường phố. Ngày nay, người Kolkata vẫn tự hào, gọi đó là “Tình hữu nghị đỏ” - tình hữu nghị được ghi bằng máu giữa hai dân tộc Việt - Ấn. Cùng năm này, người dân Kolkata không đồng ý tiếp nhiên liệu cho một chiếc máy bay chiến đấu của Pháp chuẩn bị bay tới Việt Nam tham gia chiến sự. Sau sự kiện này, Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã tuyên bố Chính phủ Ấn Độ sẽ không trợ cấp nhiên liệu cho những máy bay chiến đấu khác của Pháp về sau.

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhà báo, nhà hoạt động chính trị - xã hội Geetesh Sharma đã thổ lộ tâm tư và tình cảm của mình và người dân Ấn Độ dành cho Việt Nam trong bức thư gửi báo Sài Gòn giải phóng. Ông đã nhận xét rằng: “Với chúng tôi, những người dân Ấn Độ, cụm từ “dân tộc Việt Nam” hay “Hồ Chí Minh” là tên gọi thân thuộc, thân thiết và gắn bó không khác gì ruột thịt của mình. Đặc biệt hơn cả là với người dân tại Kolkata trong giai đoạn 1945 - 1975. Đó là giai đoạn mà cả dân tộc Việt Nam dồn hết tâm sức cho cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và phát xít Nhật đầy cam go, khó khăn, gian khổ. Trong suốt giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của 30 năm kháng chiến cứu nước vĩ đại ấy của người anh em Việt Nam, nhân dân Ấn Độ nói chung và người dân ở khu vực bang Tây Bengal đã một lòng một dạ đoàn kết trong phong trào phản chiến tại Việt Nam, ủng hộ dân tộc Việt Nam anh hùng, ái quốc”[4].

Ở trung tâm thành phố Kolkata sầm uất hiện nay vẫn còn con đường Hồ Chí Minh Sarani minh chứng cho tình cảm của người dân Ấn Độ với Bác Hồ, với nhân dân Việt Nam. Và ở Việt Nam, ngay giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội, cũng có một công viên rất đẹp mang tên Indira Gandhi. (Xem tiếp phần 2)


[1]Viện Văn Học (1993),Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù và Nhật ký trong tù, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 482 - 483

[2]Thông tấn xã Việt Nam (2004), Cuộc gặp lịch sử đưa Việt Nam - Ấn Độ đến với nhau, Trang điện tử Sở ngoại vụ Tp. Hồ Chí Minh. (http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/nr040807104143/nr040807105001/ns041018094224)

[3]Phạm Việt Dũng (2013), Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới: cơ hội và thách thức, Kỷ yếu hội thảo quốc tế Việt Nam - Ấn Độ và Tây Nam Á những mối liên hệ trong lịch sử và hiện tại, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, tr. 95.

[4]Geetesh Sharma (2010), Việt Nam, chúng tôi luôn bên bạn, kỳ 1, Trang điện tử báo Sài Gòn giải phóng, Tp. Hồ Chí Minh. http://www.sggp.org.vn/hosotulieu/2010/4/222935/

*Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
**Trường Đại học Sư phạm Hà Nộ
i

Nguồn:

Cùng chuyên mục