Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sức mạnh mềm và phương thức sử dụng

Sức mạnh mềm và phương thức sử dụng

03:02 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sức mạnh mềm và phương thức sử dụng
 

Geetesh Sharma*

Thuật ngữ “sức mạnh mềm” được Joseph Nye, Giáo sư trường Đại học Harvard, nêu ra vào năm 1990, và tôi luôn đề xướng nó thông qua việc đối thoại và trao đổi ý tưởng trong suốt ba thập niên đã qua trong các diễn đàn khác nhau bên cạnh các hội thảo quốc gia và quốc tế. Tôi có thể không biết đến và sử dụng thuật ngữ “sức mạnh mềm”, nhưng tôi luôn nhấn mạnh việc giao lưu văn hóa thông qua ngoại giao nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng cho tư tưởng này của tôi. Tôi không phủ nhận tầm quan trọng của vũ khí và tiền bạc, đó là sức mạnh cứng, nhưng tôi chắc rằng, hai thứ sức mạnh đó (vũ khí và tiền bạc) mang tính phá hủy, chia rẽ, thống trị các quốc gia, cũng như tìm cách tước đoạt chủ quyền của quốc gia khác. Tuy nhiên, sức mạnh mềm thông qua văn học và văn hóa sẽ thấm vào lòng người và tạo nên sự ảnh hưởng vĩnh hằng. Xuyên suốt lịch sử Việt Nam, ngoại giao văn hóa đã được sử dụng một cách hiệu quả để xử lý xung đột và xây dựng quan hệ hữu nghị với các quốc gia khác.

Tôi nhớ rằng, trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1975, các cuộc chiến tranh tàn khốc đã phá hủy đất nước Việt Nam, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn muốn sử dụng sức mạnh mềm văn hóa và đối thoại với Mỹ và Pháp, và với các nước khác, chính điều đó đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân các nước. Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành được thắng lợi mang tính quyết định và sự ủng hộ của nhân dân các nước khắp thế giới, đặc biệt là nhân dân Mỹ và Pháp đã hỗ trợ tinh thần cho chiến thắng của Việt Nam.

Tôi xin nêu lên một ví dụ về thành phố Calcutta của tôi, sợi dây kết nối tình cảm với Việt Nam đã thôi thúc một nhà thơ đưa ra một khẩu hiệu vô cùng thu hút là “Amar Nam, Tomar Nam, Vietnam Vietnam” – có nghĩa là “Tên tôi là Việt Nam, tên anh là Việt Nam”, trong thời gian ngắn nó đã trở thành khẩu hiệu phổ biến nhất và mọi người tự xem mình là Việt Nam. Trong thực tế, người dân Calcutta và sau đó là người dân Bengal đã bày tỏ tình đoàn kết và ủng hộ với cuộc chiến giải phóng của Việt Nam. Điều này gợi nhớ tôi về tháng 1 năm 1974 (Ấn Độ giành độc lập vào tháng 8 năm 1947) khi hàng ngàn sinh viên của đại học Calcutta đã ra đường biểu tình thị uy ủng hộ Việt Nam, và cảnh sát Anh đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông. Hai sinh viên đã thiệt mạng do trúng đạn của cảnh sát và hơn 21 người bị thương. Tuy nhiên, người dân không hề mất niềm tin, mà ngược lại, họ càng trở nên kiên định. Sau khi Ấn Độ giành được độc lập, nhân dân Ấn Độ, đặc biệt là nhân dân Calcutta không chỉ hỗ trợ cuộc chiến giải phóng đất nước của Việt Nam về mặt tinh thần mà còn cả về mặt vật chất. Tất cả các đảng phái chính trị của Ấn Độ, bất kể xu hướng chính trị, tất cả đều ủng hộ người yêu nước Việt Nam, không hề có ngoại lệ.

Hiện nay, một số thế lực bành trướng đang lợi dụng vũ khí và tiền bạc để giành lấy sự ủng hộ của các chính phủ hơn là người dân. Nhưng điều trớ trêu là, họ đang sử dụng sức mạnh mềm về văn hóa để giành lấy trái tim mọi người, mặc dù cho đến hiện tại họ vẫn thất bại.

Văn học và văn hóa không chỉ ở các nước Nam Á mà ở các nước Đông Nam Á cũng khá tương đồng. Nhưng điều không may là, các nước Đông Nam Á, và ở một mức độ nhất định, các nước Nam Á hầu như không biết đến nhau, nguyên nhân có thể do có ít các tác phẩm văn học được dịch các thứ tiếng của nhau.

Tôi vui mừng khi biết rằng, có hàng trăm thậm chí là nhiều hơn, các tác phẩm văn học của Ấn Độ được dịch ra tiếng Việt, trong đó bao gồm 17 tác phẩm đoạt giải Nobel Văn học của đại thi hào Rabindranath Tagore, nhưng tôi rất tiếc phải nói rằng, quỹ Tín thác Sách quốc gia (National Book Trust) – một cơ quan thuộc Chính phủ Ấn Độ - trong vài năm trở lại đây mới chỉ xuất bản được 1 bản dịch các truyện ngắn của Việt Nam. Tôi cũng vui mừng khi biết được rằng, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ ở Hà Nội đã dịch nhiều tác phẩm quan trọng của Ấn Độ sang tiếng Việt, bao gồm cả một cuốn sách của tôi với tựa đề “Cuộc chiến giải phóng Việt Nam: Vai trò của Calcutta”. Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ cũng tổ chức nhiều hội thảo để thúc đẩy ngoại giao nhân dân giữa các nước châu Á, đặc biệt là giữa Ấn Độ với Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Tôi tin rằng, Phật giáo có sức kết nối mạnh mẽ nhất không chỉ giữa Ấn Độ và Việt Nam, mà còn giữa Ấn Độ với các nước Đông Nam Á khác, bên cạnh Nhật Bản và Hàn Quốc. Mặc dù Phật giáo đã suy vi ở Ấn Độ, nhưng nó vẫn được xem là một thứ công cụ sức mạnh mềm hiệu quả và mạnh mẽ.

Phật giáo là tôn giáo đề cao tình yêu và sự đồng cảm. Đức Phật nói rằng: “Hãy hoài nghi tất thảy. Hãy thắp ánh sáng trong tim. Phán xét mọi thứ bằng lương tri”.

Tôi vẫn nhớ bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao huyền thoại, người mà tôi có cơ hội gặp hai lần, một ở Kolkata và một ở Hà Nội. Bà là nhà đàm phán vĩ đại, bà đã sử dụng sức mạnh mềm để giao lưu, trao đổi với thành phần trí thứ, nghệ sĩ, nhà thơ, nhà văn, các nhà hoạt động xã hội, và dĩ nhiên với cả các nhà chính trị để giành lấy sự ủng hộ cho cuộc chiến giải phóng dân tộc của Việt Nam. Bà đã thành công trong việc xây dựng dư luận thế giới hướng về Việt Nam, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và Pháp.

Ngay cả Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói rằng, ngoại giao nhân dân là mặt trận thứ hai mà chúng ta cũng cần phải chiến thắng.

Ấn Độ đã sử dụng sức mạnh mềm vào đầu thập niên 1980 khi Chính phủ Ấn Độ cử hàng trăm chuyên gia nông nghiệp từ Rurkee và những địa phương khác để huấn luyện các nhà nông học Việt Nam về phương thức tăng sản lượng nông nghiệp. Đổi lại, họ đã nhận được thiện ý to lớn từ nhân dân Việt Nam và những đánh giá cao về cử chỉ đó của phía Ấn Độ.

Thế giới phức tạp hiện nay hoàn toàn khác biệt giới thế giới cũ. Thanh niên trên toàn thế giới, bao gồm cả Ấn Độ và Việt Nam, đang ngày càng quan tâm đến lợi ích của bản thân và tốc độ đó ngày càng tăng lên. Mặc dù ở Việt Nam hiện tượng này tương đối ít hơn, nhưng sự thật là, người dân Việt Nam đang dần rời xa con đường đoàn kết quốc tế và ái quốc. Trên thực tế, thời đại hiện nay được gọi là “thời đại hậu sự thật” (Post truth era) khi mà sự giả dối vượt qua chân lý. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng, nhân dân sẽ là người chiến thắng cuối cùng.

Chủ nghĩa ái quốc và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi là đối nghịch nhau. Chủ nghĩa ái quốc dạy người dân yêu tổ quốc và yêu đồng bào, đương nhiên đoàn kết vì hòa bình, hữu nghị và sự phát triển của nhân loại.

Tôi chân thành tin rằng, Ấn Độ và Việt Nam sẽ đi đầu trong việc duy trì hoà bình ổn định ở châu Á, ngoài việc tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia, bất kể quy mô, trong việc chống lại sự bành trướng và chủ nghĩa bá quyền nào để gây bất ổn cho khu vực vì lợi ích riêng của họ.

Các nghệ sĩ, trí thức, nhà thơ, nhà văn và nhà hoạt động xã hội nên đứng trên lập trường quốc tế về hòa bình, ổn định và phát triển. Tôi biết, điều này nói ra rất dễ nhưng rất khó thực hiện.

Tư tưởng và suy nghĩ của những nhân vật vĩ đại của Ấn Độ và Việt Nam như: Đức Phật, J. Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh…, chính là nguồn sức mạnh to lớn của chúng ta.

Tôi tin rằng, các phương tiện truyền thông xã hội và ngoại giao nhân dân cũng có thể đóng một vai trò quyết định. Những gì chúng ta cần hiện nay là lòng quyết tâm và cống hiến để phục vụ cho nhân loại bằng kỹ thuật và công nghệ mới. Chúng ta phải thúc đẩy cuộc chiến trên cơ sở trao đổi văn hoá và văn học để chống lại tiền bạc và sức mạnh vũ trang.

Tôi đã theo dõi chặt chẽ và trớ trêu là, các mối quan hệ chính trị giữa Ấn Độ và Việt Nam đang ở mức độ tuyệt vời, nhưng dù đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ khác nhau giữa lãnh đạo hai nước, chúng ta cũng đang bị tụt hậu trong việc thực hiện những cam kết đó.

Tôi có một số kiến nghị như sau:

1. Việt Nam nên mở một Trung tâm Việt Nam ở Ấn Độ, mà tốt hơn là ở Kolkata, bởi vì người dân và trí thức ở thành phố này có tình cảm với Việt Nam. Đây không chỉ là cửa ngõ của vùng Đông và Đông Bắc Ấn, mà còn của Đông Nam Á.

2. Cần có sự giao lưu trao đổi các đoàn thanh niên sống cùng các gia đình người dân, điều đó sẽ thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn giữa người dân hai nước.

3. Không có bất kỳ hiện vật nào hoặc bản sao nào của Việt Nam ở các bảo tàng của Ấn Độ, mặc dù Việt Nam có số lượng rất lớn các hiện vật ở giai đoạn từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XV. Nhưng ở Ấn Độ có rất nhiều hiện vật đến từ Cambodia, Malaysia, Indonesia, Thái Lan hay Myanmar… Vài năm trở lại đây, chúng tôi đã theo đuổi vấn đề này với bảo tàng lớn nhất và cổ nhất ở Kolkata, và chính quyền đã nhất trí, nhưng không có bất kỳ phản hồi nào từ phía Việt Nam.

Ấn Độ và Việt Nam đều có di sản văn hóa phong phú. Cho dù là văn hóa dân gian, dân vũ hay văn học đương đại. Khía cạnh này hầu như không hề thay đổi. Cả hai nước đều tích cực áp dụng các biện pháp ưu tiên tạo dựng bầu không khí hòa bình, hữu nghị và thông hiểu lẫn nhau. Nó sẽ tái khởi động tiến trình phát triển không chỉ ở Ấn Độ và Việt Nam, mà còn ở cả châu Á. Nếu chúng ta có thể khai thác được sức mạnh mềm này thì nó có thể là một thành tố thay đổi cuộc chơi đáng kể./.


* Nhà văn và nhà báo, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn - Việt (Author and Journalist, Presiden, Indo-Vietnam Solidarity Committee)

Nguồn:

Cùng chuyên mục