Thành tựu hợp tác quốc phòng, an ninh giữa Ấn Độ và Việt Nam (Phần 2)
Thành tựu hợp tác quốc phòng, an ninh giữa Ấn Độ và Việt Nam
Thiếu tướng Vinod Anand*
Tăng cường quan hệ Quốc phòng và An ninh
Các khuôn khổ chính thức trong hợp tác an ninh quốc phòng Ấn Độ-Việt Nam dựa trên hợp tác quốc phòng do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, ông George Fernandes ký kết trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000. Lúc bấy giờ, việc đào tạo phi công quân sự, bảo vệ bờ biển và hải quân chung, tập trận hải quân và đối thoại thường xuyên ở cấp Bộ trưởng Quốc phòng đã được nêu thành thể chế. Những điều này được củng cố trong Hiệp định đối tác chiến lược vào tháng 7 năm 2007, hiện nay là khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Hiệp định cam kết hai nước tăng cường quan hệ trong chính trị, an ninh, quốc phòng, văn hóa, khoa học và các lĩnh vực công nghệ. Một phần trong quan hệ đối tác chiến lược được hình thành là hợp tác hạt nhân dân sự, tăng cường an ninh khu vực, hợp tác chống khủng bố, bao gồm đối phó với những thách thức về tội phạm xuyên quốc gia và buôn bán ma túy.
Kể từ khi Chính phủ hiện tại lên nắm quyền vào tháng 5 năm 2014, sự gắn kết giữa hai nước đã được đẩy mạnh, cũng phần nào cho thấy sự quan ngại của hai phía với tình hình Biển Đông hiện nay.
Tổng thống Pranab Mukherjee đến thăm Việt Nam vào tháng 8 năm 2014, ngay trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Ấn Độ. Bảy thỏa thuận ký kết với đối tác Việt Nam - ông Trương Tấn Sang - tập trung phần lớn vào việc đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược; các hiệp định chính trị, quốc phòng và hợp tác an ninh, hợp tác kinh tế, khoa học và công nghệ, văn hóa và kết nối con người, hợp tác kỹ thuật và hợp tác đa phương và khu vực. Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng, hợp tác quốc phòng và an ninh là một trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Sau đó, trong thời gian Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ vào tháng 10 năm 2014, Thủ tướng Modi cho rằng, "Hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ với Việt Nam là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của chúng tôi. Ấn Độ tiếp tục cam kết hiện đại hóa lực lượng quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Điều này bao gồm việc mở rộng các chương trình đào tạo vốn đã rất đa dạng, hợp tác tập trận và hợp tác trong các thiết bị quốc phòng".
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Smt. Sushma Swaraj đã đến thăm Việt Nam vào tháng 8 năm 2014. Tại Việt Nam, Swaraj cho rằng, đã đến lúc phải thay thế "Chính sách hướng Đông" của Ấn Độ - vốn nhằm mục đích liên kết phía đông bắc của đất nước với Đông Nam Á thành chính sách “Hành động phía Đông”. Hơn nữa, ngay trước chuyến thăm Việt Nam của Sushma Swaraj, Ấn Độ ký lại hợp đồng cho thuê hai lô dầu khí ở biển Đông, rõ rang, đây là một động thái khiến Trung Quốc không hài lòng.
Cấu trúc thể chế cho việc tăng cường quan hệ đối tác bao gồm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, tham vấn Bộ Ngoại giao và đối thoại chiến lược cấp Bộ trưởng, Đối thoại an ninh và Đối thoại quốc phòng thường niên ở cấp Bộ trưởng và các cơ chế đối thoại khác giữa hai nước. Đối thoại an ninh thường niên ở cấp Bộ trưởng Quốc phòng được tổ chức thường xuyên.
Tháng 5 năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ký "Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 2015-2020" và chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và lực lượng Cảnh sát biển Ấn Độ trong việc phối hợp nỗ lực phòng chống tội phạm và phát triển hợp tác xuyên quốc gia. Thỏa thuận này quy định gia hạn sau khi đánh giá các bước hợp tác thực hiện trong giai đoạn ký kết. Tuyên bố Tầm nhìn chung 5 năm xây dựng dựa trên các cơ chế và quá trình quan hệ giữa hai quốc gia trước đây, nhằm nâng cao các mối quan hệ về quốc phòng và an ninh. Tuyên bố Tầm nhìn chung đã thể hiện đà phát triển trong việc mở rộng quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ, ông Ajit Doval đến Việt Nam vào tháng 4 năm 2015, khẳng định rằng, Ấn Độ sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ Việt Nam về quốc phòng, an ninh, đặc biệt về công nghiệp quốc phòng, kỹ thuật quân sự, tình báo, đào tạo nhân sự, tội phạm tin học và an ninh mạng.
Lực lượng vũ trang Ấn Độ tham gia xây dựng năng lực cho lực lượng vũ trang Việt Nam, đặc biệt là hải quân như đào tạo trong các lĩnh vực trọng tâm, hỗ trợ sửa chữa và bảo dưỡng, trao đổi giữa các cố vấn, tham quan học tập và tham quan tàu hải quân. Ấn Độ đã và đang hỗ trợ lực lượng hải quân Việt Nam về tập huấn vận hành tàu ngầm mới do Nga sản xuất.
Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền quốc phòng vững chắc - chủ yếu chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc và hành động hiếu chiến của nước này ở Biển Đông. Ấn Độ, với năng lực ngày càng gia tăng trong sản xuất quốc phòng, có thể hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn trong phát triển công nghiệp quốc phòng.
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Narendra Modi năm 2016 và các khía cạnh Quốc phòng và An ninh
Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng N. Modi vào tháng 9 năm 2016, Ấn Độ và Việt Nam đã chính thức nâng cấp mối quan hệ của mình thành “Đối tác Chiến lược Toàn diện”, trên thực tế, mối quan hệ này đã được chú ý hơn nhằm phát triển quan hệ quốc phòng và an ninh song phương. Sự hợp tác này được thiết lập để chỉ ra một hướng đi, một lực đẩy và tính chất mới cho quá trình hợp tác song phương. Những nỗ lực chung của cả hai nước dự kiến sẽ đóng góp cho sự ổn định, an ninh và thịnh vượng trong khu vực này. Cả hai bên cũng nhấn mạnh cam kết thực hiện hiệu quả Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ quốc phòng Ấn Độ-Việt Nam tháng 5 năm 2015.
Trong chuyến thăm, Ấn Độ đã cung cấp khoản tín dụng quốc phòng lớn nhất cho đến nay, trị giá 500 triệu USD. Trước đó, Ấn Độ từng cung cấp 100 triệu USD cho Việt Nam mua tàu tuần tra. Khoản tiền này đang được sử dụng để xây dựng tàu tuần tra dành cho cảnh sát biển Việt Nam, hợp đồng ký với công ty Larsen và Toubro của Ấn Độ. Ấn Độ cũng giúp Việt Nam xây dựng một công viên phần mềm quân đội trong Đại học Thông tin liên lạc tại Nha Trang, như công bố trong chuyến thăm của Thủ tướng N. Modi.
Hai bên cũng đã ký biên bản ghi nhớ thành lập Trung tâm đào tạo Anh ngữ và Công nghệ Thông tin Việt Nam - Ấn Độ tại Đại học Thông tin liên lạc thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam. Trung tâm sẽ là địa điểm giảng dạy tiếng Anh và công nghệ thông tin, nâng cao trình độ của học viên ở các kỹ năng này. Đây cũng là nơi đào tạo và nâng cao trình độ của giáo viên dạy tiếng Anh từ các trường học và cơ sở đào tạo của các lực lượng vũ trang và chuẩn bị cho học sinh về các bài kiểm tra cần thiết trong giáo dục đại học. Song song với đó, Trung tâm sẽ nỗ lực phát triển thành trung tâm dành cho những nhân tố xuất sắc; phối hợp với các Trung tâm tiếng Anh và giáo dục công nghệ thong tin khác tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ.
Hợp tác an ninh không gian và an ninh mạng: Trong chuyến thăm của Thủ tướng N. Modi vào tháng 9 năm ngoái, hai nước đã ký kết một thoả thuận quan trọng khác - Hiệp định liên Chính phủ về khai thác không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình. Điều này cho phép tải hình ảnh từ không gian vũ trụ để cung cấp hình ảnh thời gian thực của các hoạt động trong lĩnh vực Việt Nam quan tâm. Việt Nam được chọn làm địa điểm thành lập trung tâm theo dõi vệ tinh ISRO, tuy nhiên, dự án này hoạt động dưới sự bảo trợ của chương trình sáng kiến ASEAN-Ấn Độ và không phải là thỏa thuận song phương. Ngoài ra, biên bản ghi nhớ về An ninh mạng giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin của Ấn Độ, cùng việc chuyển giao các thiết bị cho phòng thí nghiệm tội phạm công nghệ cao Indira Gandhi do Ấn Độ tài trợ cũng đã được ký kết. Cả hai bên đồng ý ký kết thoả thuận giữa Hội đồng An ninh quốc gia và thiết lập đối thoại giữa các thứ trưởng nhằm tăng cường hợp tác về các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, an ninh mạng, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, quản lý và ứng phó với thiên tai và thực hiện các chương trình đào tạo cũng như xây dựng năng lực. (Xem tiếp phần 3)
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch
* Thiếu tướng Vinod Anand, Học giả cao cấp, Quỹ quốc tế Vivekananda, New Delhi, India
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục