Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới (Phần 1)
Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới
PGS, TS Nguyễn Văn Lịch*,
ThS Nguyễn Duy Việt**
I. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ QUAN HỆ VIỆT NAM - ẤN ĐỘ
1. Về chính trị và ngoại giao
Nhiều nghiên cứu đều cho rằng Việt Nam và Ấn Độ là hai nước có tầm quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và Nam Á. Hai nước đến với nhau vì đều có những điểm tương đồng như tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm, tính độc lập dân tộc trong xây dựng và phát triển đất nước. Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước dựa trên những nền tảng vững chắc sau:
- Hai nước đã kế thừa và phát triển tình hữu nghị, được vun đắp bằng mối quan hệ đặc biệt giữa các thế hệ lãnh đạo. Ấn Độ đã có các chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Krít-na vào tháng 9/1957; Tổng thống Pra-sát (5/1959); Thủ tướng Gan-đi (1985, 1988); Thủ tướng Rao (1994); Thủ tướng Va-giơ-pai-ơ (2001); Tổng thống Patil (2008), Chủ tịch Hạ viện Meira Kumar (2011), Phó Tổng thống Hamid Ansari (2013), Tổng thống Mukherjee (2014).
Việt Nam cũng có các chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1954, 1958); Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1978, 1980), TBT Lê Duẩn (1984), TBT Nguyễn Văn Linh (1989), TBT Đỗ Mười (1992), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1997), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (1999). Đặc biệt, trong chuyến thăm của TBT Nông Đức Mạnh (5/2003), hai bên đã ra Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ. Trong chuyến thăm Ấn Độ (năm 2007) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã ký Tuyên bố chung về Thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn. Tiếp theo là các chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (2010), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (2011), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2012, 2014); Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2013).
- Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ không chỉ là giữa hai quốc gia, mà còn là quan hệ giữa hai người anh em, luôn kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi trong cả những giai đoạn khó khăn và ác liệt nhất. Trong lòng nhân dân Ấn Độ cái tên Việt Nam đã trở nên gần gũi và thân thiết, luôn được nhân dân Ấn Độ trân trọng đến tận ngày nay. Việt Nam mãi mãi ghi nhớ những tình cảm quý báu đó, không bao giờ quên sự ủng hộ chí tình, sự giúp đỡ kịp thời mà Ấn Độ dành cho mình. Sự hỗ trợ đó có ý nghĩa và tác dụng thực tiễn không nhỏ đối với sự nghiệp Đổi mới, CNH-HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay.
- Không chỉ là hai người bạn thuỷ chung, hai nước còn là đối tác toàn diện và tin cậy của nhau. Quan hệ đó là một nhân tố quan trọng đối với hoà bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, phát triển và hội nhập ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.
Các đảng phái chính trị ở Ấn Độ tuy có quan điểm khác nhau về nhiều vấn đề, nhưng luôn nhất trí và ủng hộ quan hệ với Việt Nam. Trên phạm vi thế giới, sự lớn mạnh và phát triển của Ấn Độ sẽ góp phần tạo môi trường thuận lợi đối với hoà bình, ổn định và phát triển. Hiện nay, cải cách kinh tế của Ấn Độ đang tiến triển khá tốt đẹp, triển vọng thành công là rất lớn. Do vậy, Ấn Độ sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn, sẽ trở thành một cường quốc khu vực, một trung tâm kinh tế và chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương. Quan hệ với Ấn Độ là một yêu cầu cần thiết đối với Việt Nam
Vai trò của Ấn Độ đối với Việt Nam
Ấn Độ luôn được xếp vào hàng ngũ các nước lớn, là nhân tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Để tranh thủ được điều kiện thuận lợi cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá, CNH-HĐH Việt Nam cần thực hiện thật tốt chính sách cân bằng quan hệ giữa các nước lớn, trong đó có Ấn Độ. Chúng ta coi Ấn Độ là nhân tố quan trọng trong chính sách cân bằng, vì Ấn Độ có đủ khả năng đóng vai trò cân bằng quan hệ giữa các nước lớn. Quan hệ với Ấn Độ vừa là mục tiêu chính trị, vừa là mục tiêu kinh tế. Ấn Độ là cửa ngõ để hàng hoá Việt Nam vào Nam Á, một thị trường giầu tiềm năng vẫn còn bỏ ngỏ. Hợp tác kinh tế, văn hoá và khoa học kỹ thuật với Ấn Độ, Việt Nam sẽ có những bài học kinh nghiệm quí báu, có thể tranh thủ nguồn chất xám phong phú của bạn, thông qua trao đổi chuyên gia... cũng như cách xử lý những vấn đề kinh tế quốc tế. Việt Nam đã và đang hợp tác với Ấn Độ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Hợp tác Nam - Nam, Hội nghị cấp cao Đông Á, Hợp tác sông Hằng - Mê Công (MGC)… Mặt khác, việc Ấn Độ đang ngày càng có vai trò lớn trong quan hệ quốc tế, cũng như tại các diễn đàn đa phương, sẽ là một lợi thế cho Việt Nam tại các diễn đàn mà Việt Nam và Ấn Độ đã tham gia. Vì vậy, Việt Nam coi quan hệ với Ấn Độ có tầm quan trọng chiến lược và lâu dài[1].
Sự ủng hộ của Việt Nam đối với các chính sách của Ấn Độ:
Việt Nam hoàn toàn ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, ủng hộ Ấn Độ cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, ủng hộ Ấn Độ tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á, thúc đẩy hợp tác giữa Ấn Độ với ASEAN. Việt Nam còn ủng hộ chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ, cam kết sẵn sàng là cầu nối Ấn Độ với ASEAN. Việt Nam đánh giá cao chính sách cải cách kinh tế, đường lối đối ngoại độc lập, không liên kết, đa dạng hoá và đa phương hoá quan hệ của Ấn Độ.
Quan điểm của Ấn Độ về Việt Nam:
Ấn Độ cho rằng, Việt Nam có vị trí, vai trò quan trọng ở Đông Nam Á, đã nhiệt tình ủng hộ hầu hết các vấn đề quan trọng của họ. Vì thế, Ấn Độ coi quan hệ với Việt Nam là “đặc biệt”, nhìn nhận Việt Nam như là cửa ngõ để tăng cường quan hệ với ASEAN, thực hiện chính sách “Hướng Đông” của mình. Ấn Độ coi hợp tác với Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập với toàn khu vực, vì hai bên có chung các mục tiêu và thường có quan điểm tương đồng trong nhiều vấn đề quốc tế.
Bên cạnh đó, Ấn Độ còn coi Việt Nam là nhân tố quan trọng trong việc ngăn chặn Trung Quốc bành trướng xuống phía Nam, nơi Ấn Độ có lợi ích to lớn và đã từng gắn bó nhiều thế kỷ. Vì thế, Ấn Độ thực sự mong muốn giúp Việt Nam phát triển kinh tế và hải quân đủ mạnh. Giúp Việt Nam mạnh lên là phù hợp với lợi ích, vai trò của Ấn Độ, giúp cho Ấn Độ cơ hội thuận lợi khi tham gia sâu hơn vào các hoạt động ở ASEAN, cũng như ở châu Á - Thái Bình Dương và từng bước giúp Ấn Độ đạt được mục tiêu chiến lược ở khu vực này. Từ khi Việt Nam tham gia ASEAN, Việt Nam đã hậu thuẫn mạnh mẽ, giúp Ấn Độ nâng cao đáng kể vai trò và vị trí của họ. Tăng cường quan hệ nhiều mặt với Việt Nam, Ấn Độ sẽ gặt hái được rất nhiều, cả về chính trị và kinh tế. Việt Nam phát triển nhanh, là thị trường nhiều tiềm năng đối với Ấn Độ cả về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ (KHCN), năng lượng. Việt Nam là nước đầu tiên Ấn Độ đặt vấn đề ký Hiệp định thương mại tự do - FTA (từ năm 2001) và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (từ năm 2003).
Từ những cơ sở nói trên, Ấn Độ đã ủng hộ Việt Nam vào WTO, làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã hoan nghênh những đóng góp to lớn của Việt Nam đối với ASEAN, ARF, ASEM; đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam vào Hợp tác sông Hằng - Mê Công.
2. Về hợp tác thương mại
Quan hệ hợp tác thương mại hai nước đã có những bước phát triển tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực và cùng có lợi. Hai nước tiến hành nhiều phiên họp của Uỷ ban Liên chính phủ, còn gọi là Uỷ ban Hỗn hợp. Đây là cơ chế quan trọng thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác phát triển. Hai bên đã lập “Nhóm Công tác chung”, nhằm tìm ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong hợp tác giữa các ngành, các lĩnh vực cụ thể, đồng thời tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới có thể mang lại hiệu quả hơn. Nhóm công tác chung đã tỏ ra là một cơ chế thiết thực, có tác dụng tốt để thực hiện thoả thuận cấp cao và thoả thuận của Ủy ban Hỗn hợp.
Cho đến nay, Việt Nam và Ấn Độ đã ký nhiều văn kiện quan trọng như: Hiệp định Thương mại, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định hàng không, các biên bản thỏa thuận về hợp tác mỏ và địa chất, môi trường và y học dân tộc... Đây là cơ sở cho sự hợp tác về kinh tế, KHCN...
Về giá trị, trong giai đoạn 1995-2005, tổng kim ngạch thương mại song phương tăng khoảng 9 lần (từ 71,9 triệu USD lên gần 697 triệu USD), tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 12%/năm, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 10 lần, từ mức trên 10 triệu USD năm 1995 lên mức gần 98 triệu USD năm 2005. Năm 2006, tổng kim ngạch thương mại đạt 1,018 tỷ USD (tăng khoảng 22%), trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 138 triệu USD (tăng khoảng 30%) và nhập khẩu 880 triệu USD (tăng khoảng 20%). Năm 2007 kim ngạch thương mại song phương đạt 1,5 tỷ USD. Hai bên thỏa thuận đến năm 2010, đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 2 tỷ USD và 5 tỷ USD năm 2015, nhưng trên thực tế, năm 2008 con số này đã là 2,5 tỷ USD. Năm 2013 là 5 tỷ USD. Năm 2014, là 6 tỷ USD. Năm 2015 là 7 tỷ USD. Dự kiến kim ngạch thương mại song phương có thể vượt 15 tỷ USD vào năm 2020. Ấn Độ đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam[1].
Về cơ cấu hàng hóa: Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ sang Việt Nam gồm: Thức ăn gia súc; kim loại thường; chất dẻo nguyên liệu; tân dược; máy móc thiết bị; sắt thép các loại; bông các loại; hóa chất; nguyên phụ liệu dệt may, da; thuốc trừ sâu... Về phía Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Ấn Độ là: than đá; hạt điều; chè; cà phê; quế; cao su; máy vi tính, linh kiện điện tử... Một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, có triển vọng xuất sang Ấn Độ là đồ gỗ, trái cây, tôm, hoa, chè xanh, hàng thủ công mỹ nghệ.
Để thúc đẩy thương mại, hai bên đã thỏa thuận thành lập Nhóm nghiên cứu chung về tính khả thi của FTA giữa VN-AĐ. Phía Ấn Ðộ cam kết sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để tạo điều kiện hơn cho hàng Việt Nam vào thị trường này, giúp giảm tình trạng nhập siêu của Việt Nam với Ấn Ðộ. (Xem tiếp phần 2)
*, ** Học viện Ngoại giao
[1] Phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại New Dehli ngày 1/12/1999 nhân chuyến thăm chính thức Cộng hoà Ấn Độ.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục