Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới (Phần 3)

Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới (Phần 3)

03:02 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới

PGS, TS Nguyễn Văn Lịch*,

ThS Nguyễn Duy Việt**

5. Quan hệ văn hóa, giáo dục, KHCN Việt Nam - Ấn Độ

Hiệp định hợp tác về KHCN giữa Việt Nam và Ấn Độ được ký năm 1976. Tiểu ban hợp tác KHCN giữa hai nước  được thành lập năm 1997. Ấn Độ đã giúp Việt Nam nhiều dự án về  công nghiệp phần mềm, nghiên cứu hạt nhân, công nghệ sinh học… Ấn Độ đã giúp Việt Nam thực hiện nhiều chương trình đào tạo ngắn và dài hạn với trên 100 suất học bổng các loại hàng năm về nông nghiệp, tin học và tiếng Anh, viễn thám…  Ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam sang Ấn Độ học tập, do chất lượng và chi phí hợp lý. Hai nước đã ký Hiệp định hợp tác văn hóa, làm cơ sở cho Chương trình trao đổi văn hóa giữa hai bên.

Khó khăn, hạn chế trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

Mặc dù hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian qua phát triển, nhưng kết quả đạt được còn quá khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn của cả hai phía. Đặc biệt, quan hệ hợp tác về thương mại, đầu tư còn chưa tương xứng với quan hệ chính trị. Nguyên nhân do Việt Nam và Ấn Độ đều là những nước đang phát triển, đang chuyển sang nền kinh tế thị trường; đều có nhu cầu lớn về vốn, thị trường, công nghệ, trong khi sự bổ sung lẫn nhau còn hạn chế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hai bên còn quá thiếu thông tin về nhau, đánh giá thấp tiềm năng của nhau, từ đó không tích cực thúc đẩy quan hệ, khai phá thị trường hoặc có những biện pháp mạnh dạn tháo gỡ bế tắc. Hai bên đã nhận thức được những nhược điểm trên và thoả thuận đổi mới cơ chế hợp tác, khuyến khích hợp tác trực tiếp giữa các ngành, doanh nghiệp hai nước, coi đây là động lực chủ yếu cho việc thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương.

II. TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ VIỆT NAM - ẤN ĐỘ

Chiến lược đối ngoại của Việt Nam với Ấn Độ trong thời gian tới cần chú trọng những nội dung sau:

1. Về mục tiêu:

Theo dự báo, trong 3-4 thập kỷ tới, ít nhất Ấn Độ cũng sẽ trở thành một trong 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Ấn Độ có nhiều khả năng trở thành thị trường lớn nhất thế giới, sẽ có vai trò to lớn mà tất cả các nước phải tính tới, trên tất cả các bình diện kinh tế, quân sự, chính trị, văn hoá.... Như vậy, Ấn Độ chắc chắn sẽ đóng vai trò cường quốc lớn ở châu Á - Thái Bình Dương và phần nào có vai trò nào đó ở tầm thế giới. Chính vì thế, chúng ta cần tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ đối tác chiến lược đã được xây dựng với Ấn Độ. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, cần phát huy truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam - Ấn Độ, phát triển quan hệ đoàn kết, nâng cao hiệu quả hợp tác song phương nhiều mặt. Hai bên cần xây dựng một chiến lược hợp tác dài hạn trong vài thập kỷ tới, đưa Ấn Độ trở thành đối tác chiến lược quan trọng trong thực tế, chứ không chỉ nằm trong chủ trương như hiện nay. Việt Nam cần khai thác triệt để vai trò của Ấn Độ với tư cách một nhân tố trong chiến lược cân bằng quan hệ với các nước lớn. Mặt khác, chúng ta phải coi quan hệ với Ấn Độ là quan hệ với một nước bạn bè, anh em truyền thống, có thể tranh thủ giúp đỡ lẫn nhau.

2. Biện pháp thực hiện

Về chính trị:

Ở Ấn Độ có nhiều đảng, trong đó Đảng Cộng sản có vai trò nhất định. Thậm chí ở một số bang, Đảng Cộng sản còn là lực lượng cầm quyền. Chính vì thế, tăng cường quan hệ về chính trị với Ấn Độ phải chú ý đến điều này. Mặt khác, tại Ấn Độ, Đảng Quốc đại có quan hệ hữu nghị lâu đời với Việt Nam, vì vậy, dù đảng này không cầm quyền,  chúng ta vẫn phải tăng cường quan hệ với họ. Cần duy trì thường xuyên các cuộc gặp cấp cao, ít nhất mỗi năm một lần. Bên cạnh các phái đoàn cấp Chính phủ, hai bên cần tăng cường trao đổi các đoàn cấp bộ, ngành và địa phương để tìm kiếm, đánh giá đúng tiềm năng của đối tác, thiết lập quan hệ hợp tác giữa các tỉnh của Việt Nam với các bang của Ấn Độ. Cần tăng cường hoạt động của Ủy ban Hỗn hợp để thúc đẩy hợp tác có hiệu quả giữa hai nước trên mọi lĩnh vực.

Để nâng cao hiệu quả hợp tác với Ấn Độ, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết về nhau của mỗi bên, làm cho bạn hiểu đúng về tình hình mọi mặt và công cuộc đổi mới của Việt Nam, ủng hộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Phải quán triệt tới các bộ, ngành và địa phương về ý nghĩa chiến lược của việc tăng cường quan hệ và hợp tác nhiều mặt có tính chiến lược với Ấn Độ.

Về kinh tế:

Để đẩy mạnh hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ, cần chú ý những nội dung sau:

Đẩy mạnh và nâng cấp quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư tương xứng với quan hệ chính trị. Tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hợp tác kinh doanh, mở rộng qui mô thương mại, phát triển thị trường theo chiều sâu. Cần xác định những lĩnh vực trọng tâm và ưu tiên để có phương hướng và biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác. Các lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, công nghiệp chế biến là những lĩnh vực mà Ấn Độ có nhiều thế mạnh, kinh nghiệm và tiềm năng to lớn, nên Việt Nam cần tranh thủ. Phải xây dựng các kênh cung cấp thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam về điều kiện buôn bán, tiêu chuẩn, giá cả hàng hóa của Ấn Độ, những điều kiện tương tự ở Việt Nam cho các doanh nghiệp Ấn Độ. Đề nghị Ấn Độ tăng cường và đa dạng hóa hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Cần tăng cường thu hút FDI, chuyển giao công nghệ của Ấn Độ. Tích cực tranh thủ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA. Việt Nam cần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng  các thể chế làm việc chung có hiệu quả, giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thêm ưu đãi đối cho bạn hàng Ấn Độ, thực hiện tốt những hiệp định sẵn có.

Cần tăng cường hợp tác về tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, du lịch, bảo vệ môi trường, bưu chính viễn thông. Đây cũng là những lĩnh vực Ấn Độ có những thế  mạnh mà Việt Nam cần khai thác.

Hai bên cần sớm đàm phán những hiệp định cần thiết như Hiệp định hàng hải, để thành lập tuyến đường biển trực tiếp từ Việt Nam sang Ấn Độ. Các hãng hàng không hai nước cần sớm mở thêm đường bay trực tiếp.

Về quản lý: Hai nước cần tăng cường hợp tác giữa các Phòng Thương mại và Công nghiệp, để hỗ trợ khu vực tư nhân. Tổ chức các hội chợ thương mại và hội thảo hàng năm để trao đổi thông tin về kinh nghiệm, cơ hội thương mại, môi trường kinh doanh và đầu tư.

Về công tác đối ngoại nhân dân

Việt Nam cần tích cực tham gia vào các diễn đàn và hoạt động của nhân dân Ấn Độ có liên quan đến Việt Nam. Tăng cường liên kết và giao lưu nhân dân, thông qua đẩy mạnh hợp tác du lịch, hàng không và đường biển. Tiến hành giao lưu hữu nghị giữa các đoàn thể quần chúng, nhằm củng cố và tăng cường quan hệ tin cậy giữa hai nước. Việc cấp visa cho doanh nghiệp Ấn Độ cần thuận lợi và có thời hạn dài hơn, để việc kinh doanh thuận lợi hơn.

Về quan hệ quốc phòng, an ninh

Cần phải tăng cường hơn nữa các cuộc tiếp xúc, trao đổi về an ninh, quốc phòng giữa hai nước, thường xuyên trao chia sẻ thông tin và kinh nghiệm chống các loại tội phạm. Tăng cường hợp tác đào tạo, nghiên cứu, dự báo về quốc phòng, với sự tham gia và phát huy trí tuệ của các cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học. Kết nối giữa các công ty Ấn Độ và Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất các thiết bị quốc phòng để đạt hiệu quả cao hơn[1].

Về quan hệ văn hóa, KHCN:

Cần tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, kinh tế, KHCN, hội chợ thương mại... nhằm giới thiệu nền văn hoá giầu bản sắc và tiềm năng to lớn của Việt Nam.

Mở rộng hợp tác về giáo dục đào tạo, như trao đổi lưu học sinh, cán bộ nghiên cứu và giảng dạy. Khuyến khích các trường và các cơ sở nghiên cứu hai bên tăng cường hợp tác trực tiếp.

Cần thúc đẩy hoạt động của Tiểu ban hợp tác KHCN, sử dụng có hiệu quả các khoản viện trợ không hoàn lại của Ấn Độ dành cho Việt Nam. Khuyến khích hai bên tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ và trao đổi chuyên gia về giống cây trồng, giống gia súc gia cầm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quan hệ đối tác Việt-Ấn phát triển tốt đẹp hơn bao giờ hết, Tạp chí Cộng sản điện tử, 8/2/2015

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư tại Việt Nam. http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/ChinhTri/2014/10/10D592CEB8BDE863/

3. Thông cáo chung giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Ấn Độ. http://www.vietnamplus.vn/thong-cao-chung-giua-chxhcn-viet-nam-va-ch-an-do/281262.vnp

4. Thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ. http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/ChinhTri/2014/10/22D3BC49805AAF2E/

5. Tin tưởng quan hệ Ấn Độ - Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Nhân dân điện tử, 10/10/2015

6. Việt Nam và Ấn Độ nâng cấp quan hệ quốc phòng. http://vietinfo.eu/tin-viet-nam/viet-nam-va-an-do-nang-c%E1%BA%A5p-quan-he-quoc-phong.html

7. Việt Nam - Ấn Độ: Chuyến thăm thúc đẩy các cơ hội hợp tác thực sự. http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/ChinhTri/2014/10/432A0040902C18D6/

[1] Tại Ấn Độ, tư nhân có thể đầu tư tới 49% trong các dự án của nhà nước về sản xuất các thiết bị quốc phòng.

*, ** Học viện Ngoại giao

Nguồn:

Cùng chuyên mục