Tọa đàm khoa học Hợp tác kinh tế Ấn Độ - CLMV
Ngày 16/1/2019, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Qũy Các nhà Quan sát Ấn Độ (ORF) tổ chức buổi Tọa đàm khoa học với chủ đề Hợp tác kinh tế Ấn Độ - CLMV (Cambodia, Lào, Myanmar, Việt Nam) với sự tham gia của học giả TS Malancha Chakrabarty đến từ Qũy Các nhà Quan sát Ấn Độ (ORF) và các học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam.
Thay mặt Ban tổ chức tọa đàm, TS Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã tuyên bố lý do, giới thiệu các đại biểu, các nhà khoa học Việt Nam và Ấn Độ đến tham dự tọa đàm khoa học và giới thiệu PGS, TS Lê Văn Toan, Giám đốc sáng lập, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ chủ trì tọa đàm.
Tham dự buổi tọa đàm có Thiếu tướng, PGS, TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an của Việt Nam; GS, TS Đỗ Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc; PGS, TS Võ Xuân Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; PGS, TS Nguyễn Hữu Thắng, Phó Viện trưởng Viện Thông tin khoa học; ThS Nguyễn Tuấn Quang, nguyên Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ; PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn, Tổng biên tập Tạp chí Văn học; TS Hồ Văn Chiểu, Đại học Đông Á và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ Học viện Ngoại giao, Học viện Báo chí và tuyên truyền, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ.
Mở đầu buổi tọa đàm, PGS, TS Lê Văn Toan đã giới thiệu, chúc sức khỏe và cảm ơn chào mừng TS Malancha Chakrabarty đến từ Quỹ Các nhà quan sát Ấn Độ (ORF) - cơ quan nghiên cứu độc lập, cơ quan tham mưu, tư vấn đối ngoại của Chính phủ Ấn Độ, có uy tín hàng đầu Ấn Độ - không quản ngại khoảng cách địa lý xa xôi đến Việt Nam để tham gia buổi tọa đàm khoa học này. PGS, TS Lê Văn Toan đã giới thiệu những nét chính về về chính sách hợp tác của Ấn Độ với các nước CLMV, quá trình triển khai, những thành quả bước đầu, tiềm năng, triển vọng và những quan ngại khi phối hợp thực thi chính sách và cho biết, sau chuyến thăm và làm việc của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đến ORF vào năm 2017, hai bên đã tạo dựng cơ chế hợp tác tham vấn lẫn nhau về các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm. Chính vì thế, chuyến làm việc lần này của TS Malancha Chakrabarty cũng nằm trong khuôn khổ đó với hy vọng được lắng nghe các ý kiến của các học giả, chuyên gia Việt Nam về hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và các nước CLMV để xây dựng luận cứ khoa học tư vấn cho Chính phủ Ấn Độ.
Đáp lời PGS, TS Lê Văn Toan, TS Malancha Chakrabarty đã trân trọng cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tổ chức buổi tọa đàm khoa học này để bà có thể lắng nghe và tham khảo ý kiến của các học giả, chuyên gia Việt Nam về quan hệ hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và các nước CLMV. TS Chakrabarty nhấn mạnh rằng, Việt Nam là nền kinh tế lớn nhất, quan trọng nhất và được ưu tiên đầu tư nhất của Ấn Độ trong nhóm CLMV. Vì thế, TS Chakrabarty muốn lắng nghe ý kiến của các học giả Việt Nam về các vấn đề hợp tác giữa Ấn Độ với nhóm các nước CLMV trên các lĩnh vực bao gồm: các dự án của Ấn Độ có hiệu quả “tức thì” mà Ấn Độ triển khai ở Việt Nam như dệt may, năng lượng tái tạo, giáo dục đào tạo, du lịch, dược phẩm, y tế…; đánh giá về kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn và triển vọng hợp tác và ý kiến của các học giả Việt Nam về các giải pháp nhằm cải thiện tình trạng hợp tác kinh tế song phương tuy có tiềm năng lớn nhưng hiệu quả thực tế chưa tương xứng.
Trao đổi về các vấn đề TS Chakrabarty quan tâm, nguyên Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Tuấn Quang, cho biết, các nước CLMV có ưu thế gần về mặt địa lý với khu vực Đông Bắc Ấn Độ, đặc biệt Myanmar có biên giới trên đất liền với Ấn Độ. Tiềm năng hợp tác song phương là rất lớn, nhưng thực tế còn hạn chế. Số liệu từ phía Ấn Độ cho thấy quan hệ thương mại hai chiều là quá nhỏ (khoảng hơn 14 tỷ USD) so với hơn 600 tỷ USD tổng thương mại hai chiều của Ấn Độ với các nước trên thế giới. Đầu tư của Ấn Độ vào các nước CLMV chủ yếu vẫn tập trung ở Việt Nam, tuy nhiên, con số này vẫn còn quá thấp so với tiềm năng. Doanh nghiệp từ hai bên vẫn còn ít quan tâm đến thị trường của nhau, kết nối giữa Ấn Độ và Việt Nam vẫn còn hạn chế, Ấn Độ vẫn chưa thu hút được du học sinh Việt Nam theo học các ngành có thế mạnh. Vì thế, Tham tán thương mại Nguyễn Tuấn Quang cho rằng, chính phủ hai bên cần hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn về thông tin, kết nối chính sách.
Nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử hai nước, PGS, TS Lê Văn Cương cho rằng, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ luôn rất thủy chung, hiện tại và tương lai quan hệ hai nước sẽ vẫn rất tốt đẹp; tiềm năng hợp tác là rất lớn nhưng thực tế chưa đáp ứng tiềm năng. Lý giải nguyên nhân, PGS, TS Lê Văn Cương cho rằng, chính phủ hai bên tuy đã đưa ra nhiều cam kết, nhưng việc thực hiện vẫn chưa được đầy đủ; ngoài ra, hai nước vẫn còn khó khăn về kinh tế, cơ sở hạ tầng và kết nối còn nhiều hạn chế. Về kiến nghị các lĩnh vực có thể hợp tác, PGS, TS Cương cho rằng, công nghệ thông tin (IT), dược phẩm, công nghiệp sợi và du lịch là những lĩnh vực có thể tạo đột phá.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, GS, TS Đỗ Tiến Sâm, TS Hồ Chiểu, PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn cũng đã đưa ra ý kiến cá nhân về những kiến nghị về việc giải quyết những điểm nghẽn trong hợp tác kinh tế Ấn Độ, Việt Nam; ngoài ra, GS, TS Đỗ Tiến Sâm cũng đề nghị học giả hai nước mà đại diện là quỹ ORF và Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ cũng có thể thành lập nhóm học giả chung về một chương trình nghiên cứu chung so sánh quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ và Việt Nam - Trung Quốc hoặc quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong việc khai thác thị trường thứ ba (Trung Quốc). PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn cũng đề nghị Chính phủ và giới đầu tư Ấn Độ nên có những dự án hợp tác nổi bật để tạo điểm nhấn tại Việt Nam, từ đó thu hút sự chú ý của giới đầu tư lẫn chính quyền từ hai phía.
PGS, TS Võ Xuân Vinh cho rằng, tuy hợp tác kinh tế hai nước chưa tương xứng tiềm năng, nhưng vẫn có những điểm sáng nhất định, cụ thể năm 2016, Việt Nam thay thế Thái Lan trở thành đối tác kinh tế lớn thứ 4 của Ấn Độ. PGS, TS Vinh kiến nghị, hai nước có thể tập trung đầu tư vào lĩnh vực dầu khí vì đây là lĩnh vực vừa mang tính kinh tế vừa mang tính chính trị to lớn; dược phẩm và thiết bị y tế cũng là lĩnh vực Việt Nam có thị trường và Ấn Độ có thế mạnh hoặc công nghiệp chế biến thủy hải sản cũng là lĩnh vực hứa hẹn nhiều tiềm năng có thể hợp tác. PGS, TS Nguyễn Hữu Thắng, PGS, TS Lưu Hòa Bình cũng nêu lên những ý kiến về quan hệ hợp tác kinh tế song phương chưa tương xứng với quan hệ chính trị vô cùng tốt đẹp giữa hai nước, đồng thời nhấn mạnh rằng, nguyên nhân của những điểm nghẽn đó phần lớn do cơ cấu các mặt hàng thế mạnh của hai bên khá tương đồng, từ đó ảnh hưởng đến khả năng hợp tác.
Kết luận buổi tọa đàm, PGS, TS Lê Văn Toan cho rằng, quan hệ kinh tế Ấn Độ - CLMV mà trọng tâm là quan hệ kinh tế Ấn Độ - Việt Nam còn nhiều dư địa có thể khai thác, tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn một khoảng cách quá lớn so với tiềm năng. Qua buổi tọa đàm này, hy vọng ý kiến đóng góp của các học giả Việt Nam sẽ giúp cho quỹ ORF có được nhiều thông tin khoa học bổ ích trên các bình diện: phát huy ưu thế của Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi các cam kết chính trị, ngoại giao, kinh tế, năng lượng, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và ngoại giao nhân dân; có cơ chế và cách làm hợp lý để hiện thực hóa chủ trương chính sách hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ và Ấn Độ với các nước CLMV, làm cho sự hợp tác ngày càng hiệu quả hơn.
TS Chakrabarty chân thành cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học chất lượng với sự tham gia của các học giả hàng đầu Việt Nam, đồng thời hy vọng sẽ được quay trở lại để tiếp tục lắng nghe và trao đổi ý kiến với các học giả Việt Nam về các vấn đề phía Ấn Độ quan tâm.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục