Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tổng thống Pranab Mukherjee nêu ra 8 “trụ cột” để giải quyết các vấn đề giữa Ấn Độ và Trung Quốc

Tổng thống Pranab Mukherjee nêu ra 8 “trụ cột” để giải quyết các vấn đề giữa Ấn Độ và Trung Quốc

Tổng thống Ấn Độ, Pranab Mukherjee đã phác thảo ra tám “trụ cột” trong tương lai quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc, đồng thời, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết toàn diện những thách thức, bao gồm vấn đề biên giới thông qua “nhạy bén chính trị” và “trí tuệ văn minh”.

03:04 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ngày 26/05/2016, trong một bài thuyết trình tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, Tổng thống Ấn Độ Mukherjee đã khẳng định, Ấn Độ mong muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc và sự hiểu biết chính trị giữa hai nước là rất quan trọng để thúc đẩy “quan hệ đối tác phát triển gần gũi hơn”.

Ông tin tưởng rằng việc thiết lập 8 trụ cột trên nền tảng tiếp cận lấy nhân dân làm trung tâm sẽ góp phần hiệu quả nâng cao và tăng cường hợp tác vì lợi ích của hai dân tộc Ấn Độ và Trung Quốc.

Ông khẳng định, “một trong những trụ cột đó là tăng cường tiếp xúc, trao đổi chính trị cấp cao. Về phía Ấn Độ luôn mong muốn tăng cường quan hệ đối tác với Trung Quốc. Các chuyến thăm trao đổi thường xuyên giữa các lãnh đạo của hai nước đã chứng minh điều này”.

Ông cũng cho biết, hai nước đang cố gắng mở rộng các “điểm chung” và tìm cách để xử lý các khác biệt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần phải được giải quyết một cách toàn diện - trong đó bao gồm vấn đề biên giới.

Ấn Độ và Trung Quốc có quan điểm khác nhau về đường biên giới dài 3.488km. Trong khi Bắc Kinh cho rằng, tranh chấp biên giới chỉ hạn chế trong 2.000km, chủ yếu là ở Arunachal thuộc khu vực phía đông mà họ tuyên bố là phần phía Nam Tây Tạng, thì Ấn Độ lại khẳng định tranh chấp bao gồm toàn bộ đường biên, trong đó bao gồm cả khu vực Aksai Chin bị Trung Quốc chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1962.

Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Trung Quốc trong vai trò là người đứng đầu Nhà nước Ấn Độ của ông Pranab Mukherjee. Theo ông, việc những nước láng giềng có những quan điểm khác nhau về các vấn đề cụ thể là một việc tất nhiên và kéo dài. Ông nói: “Tôi coi đó là một phép thử cho sự nhạy bén chính trị của chúng ta, khi mà chúng ta đang được kêu gọi đưa ra những hiểu biết văn minh và giải quyết những khác biệt để cả hai bên cùng hài lòng”. 

“Cả hai bên cần làm việc với mục đích đảm bảo rằng chúng ta không trở thành gánh nặng cho thế hệ tương lai khi để lại những vấn đề chưa được giải quyết. Tôi tin tưởng rằng bằng cách đảm bảo rằng những vấn đề này không trở nên trầm trọng hơn và bằng sự nhạy cảm với các vấn đề quan tâm chung, chúng ta có thể giảm thiểu sự khác biệt và tối đa hóa sự tương đồng giữa Ấn Độ và Trung Quốc”.

Ông nhấn mạnh, một phần nữa trong 8 trụ cột này là nhu cầu tăng cường giao lưu giữa thanh niên hai đất nước thông qua các lễ hội, sự kiện thể thao, công nghệ số, trao đổi văn hóa và du lịch, đặc biệt là các trung tâm hành hương Phật giáo.

Ông cho rằng, hợp tác giữa các xã hội dân sự và hình thành cách tiếp cận chung về các vấn đề phát triển và toàn cầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ hợp tác hai nước trên các diễn đàn đa phương như G20, BRICS, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Cơ sở hạ tầng châu Á và Ngân hàng Đầu tư (AIIB) và Diễn đàn Hợp tác Thượng Hải (SCO), qua đó khuyến khích người dân hai nước cùng hỗ trợ và đóng góp để đạt đến các mục tiêu chung.

(Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch)

Nguồn: http://www.financialexpress.com/article/india-news/pranab-mukherjee-lists-8-steps-to-resolve-issues-between-india-china/266499/

Nguồn:

Cùng chuyên mục