Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tổng thuật các tham luận tại Hội thảo khoa học "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế" (Phần 2)

Tổng thuật các tham luận tại Hội thảo khoa học "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế" (Phần 2)

Ngày 11/5/2015, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện CTQG Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế”. Hội thảo đã nhận được 38 tham luận của gần 50 tác giả trong và ngoài nước, gồm các nhà lãnh đạo, quản lý, học giả Việt Nam, các học giả, doanh nhân Ấn Độ. Xin trân trọng giới thiệu “Tổng thuật các tham luận tại Hội thảo khoa học” (Phần 2) của PGS, TS Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ.

02:12 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Tổng thuật các tham luận tại Hội thảo khoa học "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế"

PGS, TS Lê Văn Toan*

Tiếp cận từ “Chính sách hướng Đông” và khuôn khổ ASEAN, PGS, TS Thái Văn Long – Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Học viện CTQG HCM đã luận giải những thành tựu quan trọng tạo đà phát triển hợp tác kinh tế thương mại Việt - Ấn trong tương lai. Tác giả nêu những kiến nghị để hai bên cùng lưu ý phát huy thế mạnh, khắc phục những tồn tại, cần chú trọng trong hợp tác sâu hơn trên các lĩnh vực dầu khí, hóa dầu, dệt may, thương mại, du lịch v.v..

Tiếp cận từ góc độ kinh tế chính trị và kinh tế phát triển, PGS, TS Phạm Thị Túy và PGS, TS Phạm Quốc Trung, Học viện CTQG HCM đã phác thảo bức tranh hợp tác kinh tế, từ đó có thể nhận diện triển vọng phát triển kinh tế - thương mại Việt - Ấn trên năm góc độ: 1. Nông lâm thủy sản; 2. Các sản phẩm điện tử; 3. Tơ sợi, dệt may, hóa chất; 4. Gỗ và các sản phẩm từ gỗ; 5. Kim loại, cao su. Tham luận cũng nhận diện bốn rào cản là: 1. Kỹ thuật nhập hàng nông sản và Ấn Độ; 2. Gia tăng các biện pháp bảo hộ mậu dịch; 3. Phòng vệ thương mại; 4. Sức cạnh tranh của hàng hóa. Các tác giả nêu lên những khuyến nghị và cho rằng, Việt - Ấn cần nhận thức đầy đủ lợi thế và những trở ngại để thúc đẩy phát triển. Các tham luận “Những tác động đến nền kinh tế Việt Nam từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ” của tác giả Lê Ngọc Hân, Học viện CT khu vực IV, “Phát triển thương mại Việt Nam - Ấn Độ: Thực trạng, triển vọng và giải pháp” của nhóm tác giả Vũ Thị Thu Hiền, Võ Văn Chỉ, Đoàn Trung Dũng đến từ Học viện CT khu vực IV, “Sự phát triển thương mại của Ấn Độ từ năm 2000 đến nay: Thực trạng và triển vọng” của NCS Võ Minh Tập – Đại học KHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh, “Triển vọng và phát triển thương mại Việt - Ấn trong lĩnh vực dệt may” của Hoàng Thị Quyên – Học viện CT khu vực IV, “Thực trạng và tiềm năng trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ” của tác giả Đặng Thùy Dung, Học viện CTQG HCM, đều giới hạn thời gian thực hiện hợp tác song phương kể từ khi Ấn Độ thực hiện “Chính sách hướng Đông”, tức là từ thập kỷ 90 thế kỷ XX đến nay. Các tham luận đều phân tích bối cảnh của hai nước, bối cảnh khu vực và quốc tế từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, luận giải rõ nguyên nhân, tiền đề, điều kiện để hai nước nâng tầm quan hệ ngoại giao từ truyền thống tốt đẹp lên đối tác chiến lược toàn diện, coi đây là những điều kiện quan trọng cho việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại. Các tham luận trên cũng tập trung luận giải thực trạng hợp tác kinh tế - thương mại Việt Ấn, tiền năng, triển vọng phát triển, những gợi mở, những đề xuất và kiến nghị.

* Về lĩnh vực hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam - Ấn Độ và sự phát triển kinh tế Ấn Độ nói chung và trên các lĩnh vực Hội thảo nhận được 12 tham luận của các học giả trong và ngoài nước.

PGS, TS Lê Quốc Lý – Phó giám đốc Học viện CTQG HCM - đã đi sâu minh giải nhiều mặt hoạt động trong hợp tác kinh tế Việt - Ấn, đặc biệt, đã phân tích hai hoạt động chính: Hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước trong những năm qua, và hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài của Ấn Độ và Việt Nam. Tác giả đã xây dựng nhiều biểu bảng số liệu như: Biểu đồ thương mại Việt Nam - Ấn Độ năm 2011, Đồ thị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2008 -2014, Bảng hệ thống 10 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất trong 8 tháng năm 2013. Phân tích thực trạng, nêu rõ những triển vọng trong hợp tác kinh tế Việt - Ấn, tác giả tin tưởng khẳng định rằng, đây là triển vọng rất tươi sáng mà nhân dân hai nước cần đẩy mạnh hợp tác nhiều hơn nữa.

Tiếp cận từ góc độ quan hệ quốc tế, PGS, TS Phan Văn Rân – Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Học viện CTQG HCM - đã đi sâu phân tích mối quan hệ Việt - Ấn từ truyền thống đến hiện đại trên các bình diện thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển. Tác giả phân tích kỹ những thành tựu đạt được trong thương mại, đầu tư và cho rằng, nét tương đồng và thế mạnh riêng mà Việt Nam và Ấn Độ có thể bổ trợ cho nhau đã được phát huy. Tác giả cũng chỉ rõ những hạn chế mà hai bên cần khắc phục. Từ thực trạng quan hệ kinh tế Việt - Ấn, tác giả đã nêu 4 khuyến nghị cần xúc tiến: Một là, nghiên cứu, đánh giá một cách có hệ thống tiềm năng phát triển của Ấn Độ. Hai là, phấn đấu nâng cao kim ngạch thương mại hai chiều. Ba là, tích cực khai thác tiềm năng hợp tác to lớn trong lĩnh vực đầu tư giữa hai nước. Bốn là, tăng cường hợp tác khoa học – công nghệ và đào tạo nhân lực giữa hai nước.

Cùng quan điểm với PGS, TS Phan Văn Rân, trong tham luận “Quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian gần đây và triển vọng trong tương lai”, tác giả Trần Thị Thúy – Học viện CT khu vực IV đã điểm lại tiến trình quan hệ kinh tế Việt - Ấn từ những năm 90 thế kỷ XX đến nay, chỉ rõ những thành tựu cơ bản về hợp tác đầu tư, về quan hệ thương mại song phương và cho rằng, trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều dịch chuyển sẽ rất có lợi cho hai nước trong hợp tác kinh tế.

Đến từ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, PGS, TS Đỗ Đức Định đã minh giải sâu sắc “Kinh tế Ấn Độ: Cải cách – Tự do hóa”. Tác giả đã phân tích kỹ nền kinh tế Ấn Độ, chỉ rõ đường lối tự lực tự cường trong phát triển kinh tế những năm 50 của thế kỷ XX, phác họa lại ba trụ cột chính trong hệ thống điều hành kinh tế là: đề cao sở hữu nhà nước, tăng cường sự can thiệp của chính phủ vào các hoạt động kinh doanh và hạn chế kinh tế đối ngoại, đặc biệt là hạn chế tư bản nước ngoài và hoạt động ngoại thương, nhất là hạn chế nhập khẩu để bảo hộ thị trường nội địa cho tư bản trong nước. Những trụ cột này vừa có mặt mạnh nhưng cùng với sự phát triển của lịch sử thì nó cũng bộc lộ nhiều mặt yếu. Đây cũng là một trong những nhân tố kìm hãm kinh tế phát triển. Tác giả đã chỉ rõ những sức ép dẫn đến phải cải cách – tự do hóa, phân tích kỹ nội dung, thành quả, bài học kinh nghiệm, triển vọng của quá trình này và khẳng định trong thời gian tới Ấn Độ sẽ tiếp tục đạt được những thành công lớn hơn, vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế của thế kỷ XXI.

Là người đã từng đảm nhiệm hai nhiệm kỳ đại sứ ở Ấn Độ, hiện nay là Vụ trưởng Vụ Nam Á – Nam Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao, tác giả Nguyễn Thanh Tân đã phân tích kỹ chính sách kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trong đó đi sâu nhấn mạnh các lĩnh vực: tăng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tăng tốc đô thị hóa; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thân thiện, tăng thu hút đầu tư nước ngoài; tăng đầu tư cho nông nghiệp. Tác giả cũng đã gợi mở một số hướng hợp tác kinh tế Việt - Ấn, và cho rằng, trong bối cảnh Chính phủ Ấn Độ đẩy mạnh cải cách kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư với Ấn Độ, cùng nhau phát triển.

Tham luận “Từ chính sách “Nhìn về hướng Đông” đến chính sách “Hành động hướng Đông”: Tiếp cận từ góc độ kinh tế”, TS Hồ Văn Chiểu minh giải sâu sắc địa chính trị, địa kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, sự cạnh tranh của các nước lớn trong khu vực này. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ đã chuyển từ “Nhìn về hướng Đông” sang “Hành động hướng Đông”. Tác giả đã phân tích sâu tầm nhìn chiến lược của Ấn Độ, đánh giá về “Thế kỷ Thái Bình Dương”, luận giải sự suy giảm vị thế trung tâm của quyền lực của Mỹ ở khực này buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược; phác thảo sự nổi lên của Trung Quốc, sự dịch chuyển trung tâm quyền lực về châu Á, nhận diện rõ những trụ cột của “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, nêu bật vị trí đặc biệt của Việt Nam trong chiến lược “Hành động hướng Đông”. Trong tham luận dung chứa nhiều thông tin, tư liệu, tác giả đã phác họa bức tranh đa dạng, nhiều gam màu, nhiều nét điểm xuyết, nhiều mối quan hệ đan xen, phức tạp, đa dạng nhưng thống nhất trong một Châu Á mới và nét nổi bật là quan hệ kinh tế. Cùng với cách tiếp cận này, trong tham luận “Chính sách hướng Đông của Ấn Độ: tiếp cận từ góc độ kinh tế”, tác giả Đặng Viết Đạt từ Học viện CT khu vực IV đã khái quát “Chính sách hướng Đông”, chỉ rõ lợi ích kinh tế từ việc thực hiện “Chính sách hướng Đông” đối với Ấn Độ và các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Tác giả cho rằng, “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ đã và đang khẳng định được tính hiệu quả ở Ấn Độ và các nước ASEAN trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế.

Trong tham luận “Đường lối phát triển kinh tế của Ấn Độ trong những năm đầu tiên nền Cộng hòa (1950-1964)” của TS Nguyễn Đức ToànTS Hồ Xuân Quang, đến từ Đại học Quy Nhơn đã phân tích sâu nội dung chiến lược, trong đó nhấn mạnh 3 điểm quan trọng là: tăng trưởng về công nghiệp và nông nghiệp nhanh chóng, phát triển các lĩnh vực công để phát triển các ngành công nghiệp chiến lược, và phát triển một nền kinh tế hỗn hợp. Các tác giả cũng phân tích kỹ ba kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế trong giai đoạn 1950-1964, chỉ rõ những thành tựu và hạn chế, những bài học kinh nghiệm của các kế hoạch mà Chính phủ Ấn Độ do thủ tướng Narendra Modi hiện nay đang lựa chọn, kế thừa để phát triển đất nước.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, có hai tham luận. Tham luận “Cách mạng nông nghiệp ở Ấn Độ và những gợi ý kinh nghiệm cho Việt Nam” của PGS, TS Nguyễn Thị Mai Liên đến từ ĐHSP Hà Nội đã đi sâu minh giải những thành tựu của những cuộc cách mạng nông nghiệp của Ấn Độ. Điều này được thể hiện rõ trên những cuộc cách mạng sau: Cách mạng Xanh lần thứ nhất được triển khai từ năm 1963 với mục tiêu tăng khối lượng lương thực đối phó với nạn đói. Cách mạng Xanh lần thứ hai được triển khai năm 1983 với mục đích tạo ra sự thay đổi về chất lượng sản xuất nông nghiệp. Thành quả của hai cuộc cách mạng Xanh đã giúp Ấn Độ không những tự giải quyết được lương thực mà còn trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới. Cuộc cách mạng Trắng được tiến hành sau cuộc cách mạng Xanh với mục đích tạo ra những bước ngoặt đột phá trong chăn nuôi. Cuộc cách mạng lần thứ ba là cải cách nông nghiệp toàn diện được triển khai từ năm 1991. Qua phân tích kết quả đạt được của ba cuộc cách mạng trên của Ấn Độ, tác giả tham luận đã đề xuất một số gợi mở kinh nghiệm cho Việt Nam. Trong tham luận của mình, TS Đặng Kim Oanh, Phó tổng biên tập tạp chí lịch sử Đảng, Học viện CTQG HCM cũng phân tích sâu một số cuộc cách mạng nông nghiệp của Ấn Độ, chỉ rõ những thành tựu nổi bật của Ấn Độ sau cải cách, nêu lên những kinh nghiệm và gợi mở những cách làm mới trong hợp tác nông nghiệp Việt - Ấn.

Đến từ Học viện CT khu vực IV, trong tham luận “Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam: từ chính sách đến hành động”, tác giả Nguyễn Thị Kim Oanh đã khái quát tổng quan về mối quan hệ Việt - Ấn, phân tích đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam từ chính sách đến hành động, nêu rõ năm giải pháp gắn chính sách với hành động trong đầu tư. 

TS Nguyễn Trường Sơn, đến từ Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, với bài tham luận chuyên biệt về “Hợp tác năng lượng Ấn Độ - Việt Nam ở Biển Đông và phản ứng của Trung Quốc” đã lược khảo tầm quan trọng của Biển Đông trên các lĩnh vực: thương mại đường biển, tiềm năng về tài nguyên của Biển Đông, phân tích sâu mối tương quan lịch sử của Biển Đông với Ấn Độ, chỉ rõ lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông. Tác giả cũng đã luận giải tường minh hợp tác năng lượng Việt - Ấn ở Biển Đông và phản ứng của Trung Quốc. (Xem tiếp phần 3)

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn:

Cùng chuyên mục