Tổng thuật các tham luận tại Hội thảo khoa học "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo" (Phần 3)
Ngày 30/6/2015, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ Văn hóa, Xã hội, Giáo dục, Đào tạo”. Hội thảo đã nhận được 75 tham luận của gần 100 học giả trong và ngoài nước, gồm các nhà lãnh đạo, quản lý, học giả Việt Nam và Ấn Độ. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu “Tổng thuật các tham luận tại Hội thảo khoa học” của PGS. TS. Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ.
TS Lê Thị Bích Thủy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đã lược khảo sử thi Ấn Độ, cụ thể là hai tác phẩm Mababharata và Ramagana, phác họa lại không gian tâm linh của người anh hùng và ác quỷ được thể hiện trong sử thi để tìm hiểu không gian tâm linh trong tư duy của người Ấn Độ cổ đại. Tác giả phân tích quan niệm của Hindu giáo, nêu rõ những con đường dẫn tới giải thoát: con đường tri thức, con đường hành động, con đường sùng tín,… và khẳng định, không gian tâm linh cũng thể hiện được những yếu tố về tư duy, quan niệm và ước mơ của người Ấn Độ cổ đại. ThS Chu Duy Ly, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội, đã đi sâu phân tích tác phẩm Arthashastra (Luận về bổn phận) của Tể tướng Kautilya (370-283 trước CN), nêu rõ một số quan điểm về chiến tranh và ngoại giao, phân tích kỹ lý thuyết Mandala (vòng tròn các quốc gia) của vị Tể tướng lừng danh này được thể hiện rõ trong tác phẩm của ông. Tác giả cho rằng, từ thời cổ đại, những tư tưởng của Ấn Độ về quan hệ quốc tế đã xuất hiện, đó là một trong những thành tựu của nền văn minh Ấn Độ cổ đại. Cùng hướng nghiên cứu trên, tham luận của các tác giả: ThS Đoàn Trung Dũng, tác giả Võ Văn Chỉ, Học viện Chính trị khu vực IV, đã tiếp cận từ góc nhìn lịch sử và hiện tại để khảo cứu hoạt động nghiên cứu triết học Ấn Độ cổ ở Việt Nam, từ đó nêu rõ mối quan hệ Ấn – Việt trên bình diện tư tưởng. ThS Trần Nam Cường, Viện Nghiên cứu truyền thông và phát triển, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, đã phân tích quan điểm xây dựng một nền chính trị bền vững của Long Thọ - một trong những nhà lãnh đạo chính của phong trào Phật giáo đại thừa tại Ấn Độ - thể hiện trong tác phẩm “Tràng hoa bảo báu những khai thị cho Hoàng gia”. Tham luận cũng chỉ rõ những giá trị của nguyên tắc trị quốc đó đối với thời kỳ hiện đại.
* Về Nghiên cứu Ấn Độ đương đại
“Ngoài phương diện vật chất và địa lý, Ấn Độ đại diện cho cái gì trong quá khứ?”. Để trả lời câu hỏi đó do chính mình đặt ra, Thủ tướng Nehru cho rằng, “Ấn Độ giống như một bản viết trên da cừu; ở đó các lớp ý nghĩ và suy tư được viết chồng chất lên nhau, nhưng lớp viết sau không làm mất hẳn hoặc che khuất hẳn lớp viết trước. Tất cả những điều đó làm nên tính đa dạng, phức tạp, đầy huyền bí của Ấn Độ cổ đại và đương đại”. Và đây cũng là thử thách của các nhà nghiên cứu.
PGS, TS Đỗ Thị Thạch, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và ThS Lê Thị Thu Mai, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, đã phân tích nền dân chủ ở Cộng hòa Ấn Độ trên các bình diện: (1) hệ thống chính trị và tổ chức nhà nước Ấn Độ, trong đó giới thiệu cụ thể về: Nhà nước Ấn Độ, Quốc hội liên bang, Chính phủ liên bang, chế độ đa nguyên, đa đảng; (2) những nét chính về nền dân chủ hiện nay; (3) những tham chiếu đối với nền dân chủ ở Việt Nam hiện nay. Nhà báo Phạm Thảo, đến từ Thông tấn xã Việt Nam, đã phân tích kỹ các loại quyền lực trên thế giới hiện nay, khẳng định vai trò, tác động của quyền lực mềm, thống kê các số liệu hiện có để phân tích quyền lực mềm của Ấn Độ, chỉ rõ thế mạnh quyền lực mềm Ấn Độ và Thủ tướng Modi đã sử dụng quyền lực mềm như thế nào để chấn hưng đất nước. PGS, TS Thái Văn Long, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đã tiếp cận từ yêu cầu, đòi hỏi của thời đại, phân tích mối quan hệ tương sinh, tương hỗ giữa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, chỉ rõ ưu thế của sức mạnh mềm, chỉ rõ những nỗ lực xây dựng, phát huy sức mạnh mềm của Ấn Độ. Tác giả cũng nêu bật những kinh nghiệm đáng chú ý để Việt Nam tham khảo. PGS, TS Nguyễn Thành Lợi, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, đã tiếp cận từ góc độ truyền thông để phân tích rõ nền tảng quan trọng của sức mạnh mềm Ấn Độ, nêu bật yếu tố quan trọng khiến thế giới tăng mối thiện cảm với Ấn Độ, điển hình là điện ảnh. Tác giả cũng nêu rõ vai trò của truyền thông trong việc tăng cường năng lực thiết lập chương trình nghị sự. Tham luận của các tác giả Hồ Thị Diễm Thanh, đến từ Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, ThS Đỗ Thị Thảo, Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đã phác thảo những nét chính về sức mạnh mềm của Ấn Độ, đặc điểm khác biệt của sức mạnh mềm Ấn Độ so với các cường quốc khác, quan điểm của Ấn Độ về sức mạnh mềm, nguồn lực, quá trình triển khai xây dựng sức mạnh mềm, chỉ rõ giới hạn và triển vọng phát triển sức mạnh mềm của Ấn Độ. TS Nguyễn Đức Toàn đến từ Đại học Quy Nhơn, đã tiếp cận từ góc độ lịch sử để nghiên cứu đường lối chính trị của Ấn Độ trong những năm đầu nền cộng hòa (1950-1964), trong đó phân tích kỹ ba giải pháp mà Chính phủ Nehru tiến hành nhằm tạo sự ổn định vững chắc về chính trị, làm nền tảng phát triển đất nước. Tác giả Võ Văn Chỉ, Học viện Chính trị khu vực IV, đã phác thảo tình hình chính trị - xã hội của Ấn Độ hiện nay trên một số điểm chính như: khái quát về đất nước Ấn Độ, thể chế chính trị, về phân chia đẳng cấp, chính sách xã hội và an sinh xã hội của Ấn Độ. Tham luận của các tác giả Nguyễn Thị Nhương, Trường Chính trị Quảng Ngãi, tác giả Vũ Thị Huyền Trang, Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định, ThS Võ Văn Thành, Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, đã phác thảo tổng quan về đất nước, con người Ấn Độ, những nét cơ bản về văn hóa, xã hội, về sông Hằng – dòng sông linh thiêng trong đời sống tâm linh người Ấn Độ - về thuyết nghiệp theo một số trường phái tôn giáo và triết học ở Ấn Độ.
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý, các nhà khoa học!
Với gần 100 học giả thể hiện quan điểm nghiên cứu của mình trong 75 tham luận gửi tới Hội thảo khoa học, và chắc chắn, tại diễn đàn khoa học này, chúng ta sẽ được nghe nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của quý vị đại biểu, các nhà khoa học. Ban Tổ chức chúng tôi đều nhận được ở đây trí tuệ, tình yêu, niềm say mê nghiên cứu khoa học, tấm lòng nhiệt thành của quý vị đại biểu, các nhà khoa học dành cho đất nước, con người Việt Nam - Ấn Độ, cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ. Bằng phương thức hoạt động khoa học này, tất cả chúng ta đã nỗ lực kết nối cái “tôi” với cái “chúng tôi”, kết nối quốc gia dân tộc này với quốc gia dân tộc khác, kết nối và góp phần vun đắp, phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ ngày càng bền chặt.
Một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn các vị khách quý, các nhà khoa học đã có mặt tham gia Hội thảo! Kính chúc các vị khách quý, các bạn Ấn Độ - Việt Nam mạnh khỏe, hạnh phúc! Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục