Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tổng thuật các tham luận tại hội thảo khoa học quốc tế “Sức mạnh mềm Ấn Độ, sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa” (Phần 1)

Tổng thuật các tham luận tại hội thảo khoa học quốc tế “Sức mạnh mềm Ấn Độ, sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa” (Phần 1)

03:14 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tổng thuật các tham luận tại hội thảo khoa học quốc tế

“Sức mạnh mềm Ấn Độ, sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa”

PGS, TS Lê Văn Toan*

Năm 2017 là năm xứng đáng ghi vào lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ. Đây là năm hai nước triển khai tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm Đối tác chiến lược và 1 năm Đối tác chiến lược toàn diện. Các hoạt động kỷ niệm được triển khai trên nhiều cấp: cấp Đảng, cấp Quốc hội, cấp Chính phủ, cấp Bộ, Ban ngành Trung ương và địa phương, cũng như các tổ chức chính trị - xã hội, ngoại giao nhân dân. Các hoạt động kỷ niệm cũng được triển khai trên nhiều lĩnh vực: chính trị, ngoại giao; quốc phòng, an ninh; kinh tế thương mại; năng lượng; văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và ngoại giao nhân dân.

Về lĩnh vực hoạt động khoa học, hai nước đã tổ chức nhiều Hội thảo khoa học tại nhiều diễn đàn ở các học viện, viện chuyên ngành, các hiệp hội và các trường đại học, bàn sâu về các vấn đề quan hệ giữa hai nước trên nhiều bình diện. Riêng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay đã tổ chức nhiều hoạt động khoa học với nhiều cách thức khác nhau như: Hội thảo khoa học quốc tế vào tháng 3 năm 2017 với chủ đề “Việt Nam - Ấn Độ: 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược”, triển khai nghiên cứu đề tài khoa học “Văn hóa Ấn Độ: Sự thống nhất trong đa dạng, gợi mở đối với Việt Nam”, tổ chức đoàn cán bộ nghiên cứu của Học viện đi nghiên cứu thực tế Ấn Độ về chủ đề dân tộc, tôn giáo và nhân quyền vào tháng 11/2017; Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tổ chức đoàn nghiên cứu thực tế tại Ấn Độ vào tháng 8/2017 với chủ đề: Sức mạnh tổng hợp quốc gia của Ấn Độ, trong đó đi sâu nghiên cứu sức mạnh mềm. Trung tâm đã trao đổi, thảo luận khoa học với một số cơ quan như: Hội đồng Nghiên cứu các vấn đề thế giới của Ấn Độ, Quỹ Prasad Mukherjee (Cơ quan Nghiên cứu chiến lược của Đảng BJP), Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại Ấn Độ, Trung tâm Phân tích chiến lược Trung Quốc của Ấn Độ, Ủy ban Đoàn kết Ấn – Việt Bang Tây Bengal, Bảo tàng Thư viện Nehru, Ban Biên tập Tạp chí World Focus, Tạp chí Nam Today. Trung tâm đã phối hợp với Quỹ Nghiên cứu những nhà quan sát của Ấn Độ (ORF), Đại học Tổng hợp Jawaharlal Nehru và Đại học Delhi tổ chức 3 cuộc Tọa đàm khoa học về các chủ đề sức mạnh tổng hợp quốc gia, văn hóa Ấn Độ và quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã tổ chức nghiên cứu, biên dịch và biên soạn 10 cuốn sách về Ấn Độ và quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Trung tâm cũng đã hiện thực hóa đường lối đối ngoại của Đảng bằng cách củng cố và phát triển website của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, thường xuyên đăng tải cập nhật thông tin về Ấn Độ, quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam và quan hệ Ấn Độ với các nước trong khu vực và thế giới. Trung tâm cũng đang triển khai xây dựng phòng đọc Thông tin – tư liệu Ấn Độ đặt tại Thư viện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, và rất nhiều hoạt động khoa học khác.

Để gói lại một năm Việt Nam và Ấn Độ tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm quan hệ hữu nghị giữa hai nước, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Sức mạnh mềm Ấn Độ, sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa”. Mục đích của Hội thảo khoa học quốc tế lần này là minh giải sâu hơn bản chất, nội hàm phong phú của sức mạnh mềm, nguồn lực tạo nên sức mạnh mềm, giá trị vai trò, tác động của sức mạnh mềm so với sức mạnh cứngsức mạnh thông minh; việc tạo dựng định hình, phát triển sức mạnh mềm của Việt Nam và Ấn Độ trong suốt tiến trình lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước trong tương lai. Từ kết quả của Hội thảo khoa học quốc tế lần này, sẽ góp phần quan trọng vào việc đánh thức, khơi dậy tiềm năng vốn có của hai quốc gia dân tộc, để hoạch định chủ trương, chính sách, phương châm, cách thức và bước đi hợp lý nhằm làm phong phú hơn, sâu đậm hơn sức mạnh mềm của hai nước Việt Nam và Ấn Độ, từ đó góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác phát triển song phương.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 98 bài tham luận của gần 100 nhà lãnh đạo, quản lý, các học giả Việt Nam và Ấn Độ. Hội đồng thẩm định các bài tham luận đã đọc kỹ, cân nhắc từng bài với tinh thần, thái độ trân trọng lao động sáng tạo của các nhà khoa học, từ đó cân nhắc phân loại các bài có giá trị khoa học, đảm bảo bám sát chủ đề, nội dung của Hội thảo. Kết quả qua các vòng thẩm định, Ban Tổ chức đã chọn được 85 bài tham luận in trong Bộ Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế gồm hai tập và tuyển chọn một số bài tham luận đại diện cho nhiều bài tham luận có giá trị khoa học cao trình bày tại Hội thảo.

Tất cả các bài tham luận được chọn trong Hội thảo lần này tập trung nghiên cứu, minh giải những nội dung chủ yếu sau:

I. SỨC MẠNH MỀM - TỪ LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN

Ở nội dung chính này, Ban Tổ chức đã nhận được 05 tham luận, các tham luận đi sâu phân tích, luận giải khái niệm, nội hàm tư tưởng về sức mạnh mềm của người đề xướng chủ thuyết này - Josephs Samuel Nye, Giáo sư nghiên cứu và giảng dạy tại Trường Đại học Harvard, Hoa Kỳ.

I.1. Về lý thuyết sức mạnh mềm

Trong tác phẩm “Quyền lực mềm”, Josephs Nye cho rằng: “Sức mạnh mềm/ quyền lực mềm là một loại năng lực có thể giúp đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn” chứ không phải ép bức hoặt dụ dỗ. Sức hấp dẫn này đến từ quan điểm giá trị về văn hóa, chính trị và chính sách ngoại giao của một nước. Nhiều học giả phân tích sâu quá trình hình thành luận thuyết này cũng như những yếu tố tạo nên sức mạnh mềm như: Văn hóa quốc gia, giá trị quốc gia và chính sách của quốc gia đó; phân tích lý thuyết của Josephs Nye về sức mạnh mềm, có học giả diễn đạt theo cách khác, cho rằng, khí chất dân tộc là một trong những yếu tố ban đầu tạo nên sức mạnh mềm, hay sức mạnh mềm thông qua văn học và văn hóa sẽ thấm đẫm vào lòng người và tạo nên sự ảnh hưởng vĩnh hằng. Một số học giả phân tích bối cảnh ra đời của học thuyết, cho rằng, người khởi xướng bị ảnh hưởng bởi các luận thuyết chủ chốt chi phối hoặc bị chi phối bởi yếu tố chính trị nên ngoại diên của lý thuyết có sức thuyết phục, song nội hàm của nó thì cần được bổ sung. 

Khi phân tích vai trò của sức mạnh mềm, một số học giả nhấn mạnh rằng, sức mạnh mềm tạo ra hình ảnh tích cực, tạo ra sự tôn trọng và ngưỡng mộ, làm cho các quốc gia có sức mạnh mềm mại hơn trong mắt các quốc gia khác. Sức mạnh mềm nằm ở lẽ phải và sự thuyết phục, nó tác động đến các đối tượng của quyền lực, làm cho sự thay đổi nhận thức và hành vi diễn ra từ bên trong. Bởi vậy, sức mạnh mềm có thể làm cho các quốc gia không liên kết về địa lý, khác nhau về hệ tư tưởng có thể xích lại gần nhau, liên kết với nhau vì mục đích chung là ổn định và phát triển. Sức mạnh mềm có thể giúp định hình bối cảnh trong đó các quốc gia khác nhau có thể đưa ra những quyết định theo những cách ủng hộ quyền lợi của nhau. Tức là, sức mạnh mềm góp phần định hình các mối quan hệ xã hội, các cấu trúc xã hội và các tình huống bằng cách thay đổi ma trận về các khả năng và định hướng, trong đó hành động xã hội nảy sinh và thực hiện.

Một số học giả phân tích mối quan hệ giữa sức mạnh cứngsức mạnh mềm, chúng là hai khía cạnh của khả năng giành được mục tiêu của một người bằng việc tác động lên hành vi của một người khác. Sức mạnh cứngsức mạnh mềm có mối liên hệ với nhau, có tác động và có khả năng củng cố lẫn nhau.

Khi phân tích mối quan hệ giữa sức mạnh mềmsức mạnh thông minh trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa, một số học giả đã khẳng định vai trò, tác động quan trọng của lý thuyết của Josephs Nye. Khi nó được vận dụng trong đời sống đương đại, khi ông cho rằng, khả năng kết hợp giữa sức mạnh mềmsức mạnh cứng được gọi là sức mạnh thông minh. Sức mạnh thông minh chính là khả năng một chủ thể kết hợp các thành tố của sức mạnh cứngsức mạnh mềm thông qua các phương thức tác động qua lại đạt được mục đích mình mong muốn một cách hiệu quả. Đây là một cách sử dụng sức mạnh quan trọng, rất có ý nghĩa của chủ thể biết sử dụng trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa hiện nay.

Các học giả cho rằng, tuyên truyền, giáo dục là phương pháp quan trọng để triển khai, thực thi sức mạnh mềm. Để tuyên truyền tốt trong bối cảnh mới, bối cảnh của thời đại công nghiệp lần thứ tư thì công nghệ thông tin, sức mạnh số, hấp dẫn số là công cụ hữu hiệu để triển khai sức mạnh mềm.      

Có học giả tiếp cận từ góc độ địa - văn minh để làm phong phú nội hàm của sức mạnh mềm. Tác giả cho rằng, địa - chiến lược và địa - kinh tế thường dẫn tới kết quả thắng - thua, khi một bên được lợi còn bên khác thì thua thiệt. Đối với kết quả không có bên nào thua hay còn gọi là tất cả các bên đều thắng, đặc biệt đối với các quốc gia gần gũi nhau về địa lý, văn hóa và nền văn minh, chúng ta cần một mô hình khác để phân tích mối quan hệ có thể tạo điều kiện cho tất cả các bên cùng thắng và có thể vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực của những bất đồng về mặt địa - chiến lược và địa - kinh tế. Đó chính là mô hình địa - văn minh.

Địa - văn minh là một khái niệm mới, cho thấy sự liên kết vĩ mô về địa lý, trong đó có hai hoặc nhiều hơn nền văn minh cùng chia sẻ một vị trí địa lý và các tôn giáo tương tự và các giá trị văn hóa chung. Trong địa - văn minh, mỗi một thực thể chính trị truyền thống đều liên kết với nhau, không chỉ về mặt địa - lịch sử, mà còn cả về văn hóa, kinh tế và chính trị.

I.2. Về thực tiễn sức mạnh mềm

Nhiều học giả đã phân tích sâu quá trình hình thành, những nhân tố tạo nên sức mạnh mềm và việc vận dụng sức mạnh mềm ở Việt Nam và Ấn Độ trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau; khẳng định nghệ thuật sử dụng sức mạnh mềm khôn khéo, linh hoạt đạt đến trình độ bậc thầy của hai lãnh tụ và cũng là hai danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam và Ấn Độ: Hồ Chí Minh và Jawaharlal Nehru. Một số tác giả cho rằng, sức mạnh mềm đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết Ấn Độ - ASEAN, Ấn Độ - Việt Nam trên rất nhiều lĩnh vực, và khuyến nghị Ấn Độ, Việt Nam và các nước trong cộng đồng ASEAN cần nghiên cứu sâu và có chính sách phù hợp để triển khai thực thi sức mạnh mềm, góp phần đảm bảo an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực trong bối cảnh khu vực hóa và toàn cầu hóa. (Xem tiếp phần 2)


* Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn:

Cùng chuyên mục