Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tổng thuật các tham luận tại hội thảo khoa học quốc tế “Sức mạnh mềm Ấn Độ, sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa” (Phần 3)

Tổng thuật các tham luận tại hội thảo khoa học quốc tế “Sức mạnh mềm Ấn Độ, sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa” (Phần 3)

03:09 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Tổng thuật các tham luận tại hội thảo khoa học quốc tế

“Sức mạnh mềm Ấn Độ, sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa”

PGS, TS Lê Văn Toan*

 

II.5. Về sức mạnh mềm Ấn Độ trong thời Thủ tướng Narendra Modi hiện nay

Nhiều tham luận phân tích và khẳng định rằng, năm 2014, khi được bầu làm Thủ tướng Ấn Độ, khi lên nắm trọng quyền, Modi đã tiến hành nhiều cải cách trong cả chính sách đối nội và đối ngoại, tạo đà phát triển nhanh chóng để Ấn Độ vươn lên trở thành cường quốc trong khu vực.

Về đối nội, Modi đề xuất và triển khai thực thi những sáng kiến như: Chiến dịch Sản xuất tại Ấn Độ (Make in India), xây dựng 100 thành phố thông minh, chương trình Số hóa Ấn Độ (Digital India), Kỹ năng Ấn Độ (Skill India).

Về đối ngoại, Modi ban hành chủ trương, chính sách tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước trên thế giới, trong đó giành sự quan tâm nhiều hơn đến các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước láng giềng và các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á. Chỉ mới mấy năm cầm quyền, Modi đã đi thăm 18 nước trên thế giới để kết nối ngoại giao gia tăng sức mạnh mềm Ấn Độ.

Tại khu vực Nam Á, Chính quyền Modi đã triển khai sức mạnh mềm bằng cách đề xuất và thực thi các sáng kiến khu vực như, thành lập Hiệp hội “Hợp tác khu vực Nam Á” (SAARC), Khu vực Tự trị tự do Nam Á (SAFTA).

Tại khu vực Đông Nam Á, Chính quyền Modi đã điều chuyển “Chính sách Hướng Đông” thành chính sách “Hành động Phía Đông”, nhằm mục đích củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa với các nước trong khu vực và xa hơn là hướng tới hội nhập mạnh mẽ hơn với các nước châu Á – Thái Bình Dương.

Nhiều tham luận đã minh giải về những điều chỉnh của Chính phủ Modi về chính sách phát triển sức mạnh mềm của Ấn Độ, trong đó nhấn mạnh đến chính sách đối ngoại – một trong những nhân tố quan trọng tạo tác và gia tăng sức mạnh mềm Ấn Độ. Có học giả đã phân tích điểm khác biệt trong chính sách phát triển sức mạnh mềm của Thủ tướng Modi so với các Chính phủ Ấn Độ trước đây, cũng như những khó khăn, thuận lợi khi chính quyền thời Modi triển khai phát triển sức mạnh mềm trong chính sách đối nội và đối ngoại. Một số tham luận phân tích rõ sự khác biệt về nhận thức sức mạnh mềm của Modi so với những người tiền nhiệm và làm rõ mục đích của ông khi tiến hành điều chỉnh. Để làm sâu sắc hơn nội dung này, các học giả đã phân tích sức mạnh mềm Ấn Độ trước thời Modi để làm cứ liệu so sánh với những đặc điểm: Ấn Độ trên hết, láng giềng trên hết, vượt qua những trở ngại lịch sử, từ thực hiện chính sách đến nhà hoạch định chính sách, Ấn Kiều của Ấn Độ, và tăng cường mối quan hệ văn hóa. Mục đích của Học thuyết Modi là vẫn giữ nguyên cách tiếp cận của Ấn Độ với thế giới, nhưng có mục tiêu khác biệt là liên kết chính sách đối ngoại của ẤN Độ với sự chuyển đổi trong nước nhằm thu hút nguồn vốn và công nghệ nước ngoài, tìm kiếm thị trường nước ngoài cho các sản phẩm của Ấn Độ, để hướng tới mối liên kết chặt chẽ hơn giữa ổn định khu vực, hòa bình và thịnh vượng. Mục đích lớn của Học thuyết Modi là xây dựng Ấn Độ trở thành cường quốc trên thế giới. Từng bước thực hiện Học thuyết này, Modi đã ban hành chính sách đối ngoại có tên Panchamrit, xoay quanh 5 trụ cột: nhân phẩm, đối thoại, chia sẻ sự thịnh vượng, an ninh khu vực và toàn cầu và các liết kết văn hóa và văn minh. Chính quyền Modi đã và đang nghiên cứu cách tiếp cận mới, triển khai các bước đi mới để thể chế hóa việc sử dụng sức mạnh mềm làm tăng hiệu quả của nó trong chính sách đối ngoại quốc gia, vươn tới tham vọng biến Ấn Độ thành quốc gia lãnh đạo tư tưởng toàn cầu.

III. SỨC MẠNH MỀM VIỆT NAM

Ở nội dung chính này, Ban Tổ chức đã nhận được 29 tham luận của các nhà khoa học Việt Nam và Ấn Độ. Nhiều học giả biện giải sâu sức mạnh mềm Việt Nam trên các nội dung chủ yếu: ngọn nguồn, cơ sở hình thành sức mạnh mềm Việt Nam; vai trò, tác động, giá trị truyền thống sức mạnh mềm trong quá trình dựng nước, đấu tranh giành độc lập chủ quyền quốc gia, bảo vệ nền tự do, dân chủ, cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước; Hồ Chí Minh với sức mạnh mềm Việt Nam; phát huy sức mạnh mềm như thế nào trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa và đề xuất giải pháp phát huy sức mạnh mềm.

III.1. Về ngọn nguồn, cơ sở hình thành sức mạnh mềm Việt Nam

Một số học giả cho rằng, với vị trí địa lý trải dài trên Biển Đông, nơi giao thương quan trọng của các nước trong khu vực và trên thế giới, với bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước hơn 3000 năm, dân tộc Việt Nam đã hun đúc cho mình, dựng xây cho mình truyền thống văn hóa có đặc trưng, đặc sắc riêng, đậm đà bản sắc dân tộc. Từ rất xa xưa trong lịch sử, dân tộc Đại Việt đã lựa chọn cho mình cách ứng xử, cách sống phù hợp với hoàn cảnh tự nhiên và điều kiện xã hội nhiều biến động. Hoàn cảnh trên đã tạo cho dân tộc Việt Nam, từ trong nhận thức đến hành động một nguyên tắc xử thế, nguyên tắc sống mềm dẻo để trường tồn. Ca dao ngạn ngữ Việt Nam có nhiều câu, nhiều ý đã đi sâu vào tâm thức cộng đồng như “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “lạt mềm buộc chặt”, “thương người như thể thương thân”. Tất cả những điều trên đều là ngọn nguồn và là một trong những cơ sở hình thành sức mạnh mềm Việt Nam.

Một số học giả kiến giải sâu cơ sở kinh tế - xã hội giúp cho việc hình thành sức mạnh mềm trong lịch sử, trong đó nhấn mạnh ý thức, hành vi ứng xử linh hoạt, không phải là không kiên định, không phải là không có chủ kiến, mà chỉ là không có chủ kiến có sẵn được định trước cho mọi khả năng, mọi tình thế, mọi hoàn cảnh, tức là chủ kiến được đề ra từ những đòi hỏi của tình huống, hoàn cảnh cụ thể. Người Việt Nam có nhiều đặc tính mềm dẻo, chọn lối sống trọng tình nghĩa, trọng đức, trọng văn, trọng phụ nữ, trọng sự cân bằng, khoan dung, độ lượng. Tất cả những điều trên chính là một trong những nhân tố hình thành sức mạnh mềm Việt Nam.

Một số tham luận phân tích tính khả năng tiếp nhận và bản địa hóa nhanh văn hóa ngoại lai, biến nó thành sức mạnh của dân tộc. Trong lịch sử, người Việt đã chủ động tiếp biến Đạo Phật, Đạo Hindu của Ấn Độ, tiếp biến văn hóa Nho gia, Đạo gia của Trung Quốc và tiếp biến văn hóa phương Tây để làm phong phú tâm hồn, trí tuệ người Việt.

Một số học giả minh giải sâu ngọn nguồn văn minh, văn hóa Việt Nam có từ rất sớm trong lịch sử như: Văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, văn minh Đại Việt từ Đinh, Lê, Lý, Trần đến thế kỷ XX xét trong tương quan với các nền văn minh, văn hóa bên ngoài đương thời để không hề thua kém về trình độ phát triển.

Một số học giả luận giải về nghị lực phi thường, tinh thần yêu nước sâu đậm, sẵn sàng hy sinh vì cộng đồng quốc gia dân tộc, minh chứng cụ thể là, cộng đồng Bách Việt phía nam sông Dương Tử có rất nhiều dân tộc, nhưng chỉ có Đại Việt là không bị đồng hóa bởi văn hóa Hán, dù phải trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, và tất cả các cuộc chiến tranh vệ quốc, cho dù chống kè thù phương Bắc hay phương Tây lớn mạnh hàng trăm lần, nhưng Việt Nam đều chiến thắng. Đó là chiến thắng của văn hóa Việt Nam, sức mạnh mềm Việt Nam.

Một số học giả minh giải rằng, bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa Việt Nam kết tinh những giá trị cốt lõi như: tinh thần yêu nước, thương người; trí thông minh, sáng tạo trong sản xuất; anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc; chủ nghĩa nhân ái, nhân văn; trọng chính nghĩa, đạo lý; tôn quý độc lập, tự do, tự lực, tự cường; không chịu khuất phục và quyết chí vươn tới các giá trị chân - thiện - mỹ. Đó chính là sức mạnh mềm Việt Nam.

III.2. Về những nhân tố tương đối độc lập góp phần tạo nên sức mạnh mềm Việt Nam

Nhiều tham luận đã luận giải sâu từ lý luận đến thực tiễn các nhân tố thuộc tiềm thức tư duy, quán tính lịch sử, bản lĩnh dân tộc, khuôn mẫu văn hóa, cách thức kiếm sống, phương thức ứng xử,… những thế mạnh và những hạn chế góp phần hình thành và thực thi sức mạnh mềm Việt Nam.

- Một số học giả bàn về truyền thống đoàn kết, tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc, một nhân tố, một dạng thức của sức mạnh mềm Việt Nam. Các học giả đã khẳng định rằng, do hoàn cảnh tự nhiên và điều kiện lịch sử đòi hỏi nhân dân Đại Việt phải đoàn kết để tạo sức mạnh đáp ứng sự sinh tồn và phát triển, do vậy nó trở thành nhu cầu và lẽ sống, phản ánh lợi ích tối cao, tình nghĩa thiêng liêng giữa cá nhân và cộng đồng. Một số học giả phân tích sâu vai trò, tác động, ý nghĩa to lớn của truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước và trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

- Một số học giả phân tích về tư tưởng hòa hiếu - cội nguồn sức mạnh trong chính sách ngoại giao của Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, trong đó cho rằng, tư tưởng này là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình lịch sử dân tộc trên bình diện ngoại giao, nó tạo nên sức mạnh mềm trong chính sách ngoại giao uyển chuyển, linh hoạt đầy sáng tạo, góp phần chiến thắng kẻ thù, nâng dần vị thế quốc gia trong khu vực và thế giới. (Xem tiếp phần 4)


* Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn:

Cùng chuyên mục