Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tổng thuật các tham luận tại hội thảo khoa học quốc tế “Sức mạnh mềm Ấn Độ, sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa” (Phần 4)

Tổng thuật các tham luận tại hội thảo khoa học quốc tế “Sức mạnh mềm Ấn Độ, sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa” (Phần 4)

03:06 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 3)

Tổng thuật các tham luận tại hội thảo khoa học quốc tế

“Sức mạnh mềm Ấn Độ, sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa”

PGS, TS Lê Văn Toan*

- Một số học giả luận giải sức mạnh mềm Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Việt Nam qua thực tiễn các thời kỳ cách mạng, trong đó nhấn mạnh việc phát huy sức mạnh mềm trong hoạt động đối ngoại đã phục vụ đắc lực cho tiến trình hội nhập quốc tế, tận dụng sức mạnh thời đại, góp phần quan trọng giữ vững và phát triển thành quả cách mạng, giúp tăng cường đoàn kết quốc tế, góp phần củng cố, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia.

- Một số học giả phân tích giá trị của văn hóa trong việc hình thành và phát triển sức mạnh mềm, trong đó nhấn mạnh đến chủ trương, chính sách của Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng nền văn hóa con người Việt Nam phát triển toàn diện. Có học giả nhấn mạnh rõ việc phát triển công nghiệp văn hóa sẽ là kênh quan trọng gia tăng sức mạnh mềm Việt Nam.

- Nhiều học giả phân tích, luận giải về Hồ Chí Minh với sức mạnh mềm Việt Nam, trong đó khẳng định rằng, Hồ Chí Minh là tinh hoa của sự kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, trong đó có truyền thống về tạo dựng, phát triển sức mạnh mềm Việt Nam. Đặc sắc của Hồ Chí Minh khi thức nhận, quan niệm và triển khai vận dụng và phát triển sức mạnh mềm Việt Nam để lãnh đạo toàn Đảng toàn dân đấu tranh giành tự do độc lập cho dân tộc, dẫn dắt toàn dân hướng tới mục tiêu giải phóng con người là: Người không chỉ dựa vào các yếu tố riêng có trong văn hóa, trong giá trị, trong chính sách của Việt Nam để tạo nên sự hấp dẫn và thuyết phục các đối tượng mà còn làm cho những nhân tố trên hàm chứa các giá trị chung của nhân loại - các giá trị hiện hữu và các giá trị tốt đẹp trong tương lai, trong mong ước của xã hội loài người vươn tới tiến bộ và văn minh.

- Có học giả đã tìm hiểu sâu về tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh – một nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh mềm Việt Nam, trong đó phân tích về một số nội dung chủ yếu như: Tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; độc lập tự chủ, tự lực tự cường gắn với đoàn kết và hợp tác quốc tế; tư tưởng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng; coi trọng xử lý đúng quan hệ với các nước lớn; đề cao đạo lý trong quan hệ với các nước và coi ngoại giao là mặt trận quan trọng.

- Có học giả minh giải sâu về tư tưởng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh, khẳng định rằng, Bác Hồ luôn xuất phát từ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc để tiếp thu, tích hợp và tiếp biến những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu, làm phong phú văn hóa dân tộc; đồng thời thông qua hoạt động ngoại giao để phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

- Nhiều học giả khẳng định, việc Hồ Chí Minh kế thừa, phát huy, sáng tạo sức mạnh mềm Việt Nam trong đối nội và đối ngoại, trong đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước là những kinh nghiệm, những bài học quý báu, có giá trị khoa học cả về lý luận và thực tiễn cho tất cả chúng ta.

III.3. Về phát huy sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa

Nội dung này đã được nhiều học giả quan tâm nghiên cứu, luận giải. Nhiều học giả khẳng định, trong bối cảnh mới, nhất định phải giữ gìn, củng cố, phát huy những nhân tố tốt đẹp trong truyền thống dân tộc như: lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng quật cường, chủ nghĩa dân tộc lành mạnh, lòng tự tôn dân tộc, ý thức cộng đồng, đoàn kết keo sơn, khoan hồng, độ lượng, nhưng phải kiên quyết trong đấu tranh phòng chống thói hư tật xất, tệ nạn tham nhũng,… Cùng với đó là phải chủ động đón nhận ánh sáng văn hóa bốn phương để làm phong phú văn hóa dân tộc, góp phần quan trọng làm giàu thêm sức mạnh mềm Việt Nam.

- Nhiều học giả đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để giữ gìn, phát huy sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh mới có nhiều biến đổi nhanh, rộng khác thường.

IV. HỢP TÁC VIỆT NAM - ẤN ĐỘ TỪ GÓC ĐỘ SỨC MẠNH MỀM

Ở nội dung chính này, Ban Tổ chức đã nhận và lựa chọn được 20 bài có giá trị khoa học. Các tham luận đều tập trung bàn về một số nội dung sau: Vai trò, tác động sức mạnh mềm đối với quan hệ Việt Nam - Ấn Độ; giữ gìn, phát triển sức mạnh mềm Việt Nam, sức mạnh mềm Ấn Độ trong một thế giới đầy biến động; đổi mới, cải cách là sức mạnh mềm lớn nhất chi phối phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa Việt Nam và Ấn Độ; thực trạng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên góc độ sức mạnh mềm, triển vọng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ trên góc độ sức mạnh mềm,….

- Có tác giả quan niệm: Sức mạnh cứng chỉ là sức mạnh quân sự, mọi yếu tố ngoài sức mạnh quân sự là sức mạnh mềm. Quan niệm về sức mạnh mềm như thế này đã có nội hàm phong phú hơn, phát triển hơn so với định nghĩa sức mạnh mềm của người đề xướng luận thuyết này: Giáo sư Josephs Nye. Theo quan sát của chúng tôi, trong Hội thảo khoa học quốc tế lần này, có nhiều học giả cũng thức nhận, trình bày quan điểm của mình về sức mạnh mềm tương tự như trên.

- Một số học giả đã tiếp cận từ góc độ lịch sử, nhấn mạnh quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã có từ thời xa xưa, khi văn hóa Ấn Độ du nhập vào Việt Nam, khi hai vị lãnh tụ kiệt xuất Hồ Chí Minh và Jawaharlal Nehru đặt nền tảng cho quan hệ hai nước thời hiện đại, khi (năm 1947) sinh viên các trường Đại học Ấn Độ xuống đường biểu tình đả đảo thực dân Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ hai, khi đó mỗi người dân Ấn Độ đều hô vang khẩu hiệu “Tumar Naam, Aaamr Naam – Vietnam”, (Tên bạn, tên tôi là Việt Nam),… để xác tín rằng, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã đến với nhau bằng sức mạnh mềm.

- Có học giả tiếp cận từ 5 nguyên tắc chung sống hòa bình mà Jawaharlal Nehru, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ độc lập là người đồng sáng tạo nguyên tắc này để khẳng định rằng, chính những nguyên tắc này là nhân tố tạo nên sức mạnh mềm để Ấn Độ đóng vị thế trên thế giới, để Ấn Độ luôn ủng hộ Việt Nam trong suốt tiến trình đấu tranh giành độc lập, giải phóng đất nước và tiến lên xây dựng, phát triển đất nước.

- Có học giả minh giải rõ vai trò của tôn giáo trong xúc tiến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ trong lịch sử, và khẳng định rằng, vai trò đó nên chủ động phát huy trong thế giới nhiều biến động về chính trị, kinh tế, thương mại, đa nguyên hóa, đa nguyên văn hóa như ngày nay.

- Qua phân tích của một số học giả, chúng tôi cho rằng, cần những thức nhận mới về lý thuyết sức mạnh mềm. Vì do điều kiện bị chi phối bởi hoàn cảnh lịch sử ra đời sức mạnh mềm (những năm 70-90 thế kỷ XX), vào thời điểm các nhà khoa học chính trị và quan hệ quốc tế bị ám ảnh bởi lý thuyết lựa chọn hợp lý sử dụng các mô hình toán học để cho ra đời lý thuyết sức mạnh mềm. Và như vậy, đương nhiên phải thấy rõ rằng, ngoại diên sức mạnh mềm vẫn như thế, nhưng nội hàm của nó sẽ không mang tính phổ quát. Thực tế là, ngày nay, nội hàm của nó không hoàn toàn như thế, cần phải bổ sung và phát triển trong từng khu vực (châu Âu và châu Á) khác nhau, trong từng hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Từ đó để thấy rằng, trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa ngày nay, nội hàm sức mạnh mềm sẽ không còn nguyên trạng như khi nó mới ra đời. Do đó, hợp tác phát triển quan hệ song phương và đa phương trên thế giới trong đó có quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên bình diện sức mạnh mềm cần phải được soi chiếu bằng nội hàm mới của sức mạnh mềm như nó vốn có và từng phát triển trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Một số học giả đã có cái nhìn rộng mở hơn về nội hàm của sức mạnh mềm nên có những kiến giải khá thuyết phục về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên các mặt: thành tựu, những rào cản, những triển vọng trong tương lai.

- Một số học giả phân tích sâu về tầm vĩ mô trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, chỉ rõ những kết quả đạt được về chủ trương, chính sách của hai nhà nước trong từng giai đoạn lịch sử, khẳng định rằng, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ luôn chung thủy, sắt son, trong sáng, luôn trên đà phát triển. Và hiện thực lịch sử đã chứng minh điều đó như: năm 1956, thiết lập lãnh sự quán, năm 1972 thiết lập Đại sứ quán, đặt quan hệ ngoại giao chính thức, và nâng cấp thành Đối tác chiến lược (2007), nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện (2017). Tất cả quá trình phát triển trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong thời kỳ hiện đại đều có vai trò rất lớn của sức mạnh mềm.

- Có học giả tiếp cận từ góc độ kinh tế để khẳng định rằng, quá trình đổi mới, cải cách kinh tế của hai nước đã tạo nên sức mạnh mềm lớn nhất chi phối tiến trình phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa ở Ấn Độ và Việt Nam.

- Một số học giả tiếp cận từ thực tế trên đất nước Việt Nam - nơi bảo tồn và phát triển những dấu ấn văn hóa Ấn Độ như: Ngôi đền Hindu giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh, những ngôi chùa Phật giáo trên khắp đất nước, hay điệu múa Apsara, những tác phẩm kinh sách, văn học Ấn Độ để phân tích, minh giải quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã đạt đến tầm sâu sắc.

- Một số học giả tiếp cận từ góc độ đầu tư phát triển của Ấn Độ vào Việt Nam để khẳng định rằng, chính sách đầu tư có lựa chọn, có trọng điểm, có ưu tiên của Ấn Độ vào Việt Nam là những bước đi làm phong phú sức mạnh mềm của Việt Nam và của Ấn Độ.

- Một số học giả đặt vấn đề: Sức mạnh mềm Ấn Độ mang lại điều gì cho Việt Nam, sức mạnh mềm Việt Nam mang lại điều gì cho Ấn Độ? Kết quả có được cho câu hỏi này là hai nước đã mang lại cho nhau sự chung thủy, niềm tin chiến lược được thể hiện bằng chủ trương, chính sách, những giải pháp, những bước đi cụ thể để hiện thực hóa chủ trương chính sách tăng cường quan hệ giữa hai nước.

*

*       *

Tạm gói lại phần tổng quan các tham luận trong Hội thảo khoa học quốc tế: “Sức mạnh mềm Ấn Độ - Sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa”, chúng tôi thấy rằng, mỗi một lý thuyết từ khi ra đời cho đến khi nó được chấp nhận là tư tưởng lý luận để soi chiếu và vận hành trong đời sống hiện thực không phải bao giờ cũng “nhất thành bất biến”. Nếu như nó “nhất thành bất biến” thì sẽ không trường tồn trong lịch sử. Luận thuyết về sức mạnh mềm cũng như vậy. Khi đi vào cuộc sống, được thực tế cuộc sống chấp nhận, vận dụng, nó phải được sự phong phú, đa dạng, sinh động của cuộc sống làm cho nó phong phú, lung linh hơn.

Hội thảo lần này có thể là Hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên ở Việt Nam bàn về sức mạnh mềm. Với gần 100 bài tham luận và 200 đại biểu đến dự, phát biểu, trao đổi tại diễn đàn khoa học này, xoay quanh chủ đề hấp dẫn về sức mạnh mềm Việt Namsức mạnh mềm Ấn Độ, nhất định sẽ làm cho sự thành công của Hội thảo thêm phần lay động. Những bàn luận, trao đổi tại Hội thảo này sẽ góp phần kích hoạt Quý vị, những nhà lãnh đạo, quản lý, những học giả suy nghĩ, đào sâu hơn những nhận thức, những khám phá về sức mạnh mềm trên cả hai bình diện: lý luận và thực tiễn. Hội thảo cũng là dịp đánh thức tiềm năng vốn có về truyền thống dân tộc, nhất là tiềm năng sức mạnh mềm, từ đó kế thừa, phát huy, góp phần làm phong phú và sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

Chúng tôi chân thành cảm ơn Quý vị đại biểu, các vị khách quý, các nhà khoa học Việt Nam - Ấn Độ đã giành thời gian nghiên cứu, viết bài, đến dự và trình bày tham luận tại Hội thảo.

Kính chúc Quý vị mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc Hội thảo khoa học thành công rực rỡ!

Trân trọng cảm ơn!

* Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh​

Nguồn:

Cùng chuyên mục