Triển vọng phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” (Phần 1)
TS. Nguyễn Thị Thúy*
Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề cập đầu tiên năm 2007 trong nhiệm kỳ đầu của mình, Thủ tướng Nhật Bản có bài phát biểu tại Nghị Viện Ấn Độ về “sự hợp lưu của hai đại dương" như là “sự kết nối năng động của hai vùng biển tự do và thịnh vượng” ở châu Á. Thuật ngữ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lần đầu tiên được ngoại trưởng Hillary Clinton sử dụng trong bài phát biểu năm 2011 tại Honolulu “chúng ta [Mỹ] hiểu tầm quan trọng của lưu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với giao thương toàn cầu.”1. Tháng 11/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ ý tưởng xây dựng một “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” trong bài phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống đã bày tỏ sự vinh hạnh được “hiện diện tại Việt Nam - trái tim của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.”2
Thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” đã ra đời như là một tầm nhìn chiến lược mới trong khu vực. Ấn Độ - Thái Bình Dương, là khu vực được hình thành từ hai đại dương lớn là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, khu vực có hơn nửa dân số thế giới sinh sống và trong tương lai sẽ là trung tâm kinh tế của thế giới. Vì vậy, đối với Mỹ, Nhật Bản và Australia, khái niệm “tự do và rộng mở” liên quan chủ yếu đến thương mại, tự do hàng hải trong khu vực. Ấn Độ là một trong những đối tác quan trọng của khu vực, giờ đây khi tham gia “Tứ giác kim cương” khiến cho khu vực này kéo dài ở phía Bắc là Ấn Độ, phía Tây là Australia, phía Nam là Mỹ, ở tận phía bên kia của Thái Bình Dương nhưng nước Mỹ vẫn là đối tác quan trọng về an ninh
Bốn nước và cũng là các cường quốc về kinh tế, quân sự đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ. Đây là những nước thành viên của nhóm “Đối thoại an ninh bốn bên” (gọi tắt là nhóm “Bộ tứ,” hay “Tứ giác kim cương”) được hình thành từ năm 2007 do sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Bốn nước đều ủng hộ và nhấn mạnh vai trò trung tâm của Ấn Độ với chiến lược mới. Ấn Độ có tiềm năng và sẵn sàng gánh vác trách nhiệm an ninh khu vực.
Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương” của Mỹ có bốn mục tiêu chính: i) Tránh tạo cảm giác đối đầu trực diện với Trung Quốc; ii) Làm sống lại liên minh chiến lược Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia; iii) Nhấn mạnh vai trò của Mỹ và Ấn Độ trong khu vực; iv) Phát đi thông điệp tự do hàng hải là trụ cột cho an ninh khu vực. Chính sách mới của Chính quyền tổng thống Donald Trump nhằm tăng cường hợp tác cùng Ấn Độ để đối trọng với Trung Quốc.
Có thể khẳng định Việt Nam và Ấn Độ có đầy đủ thuận lợi để phát triển lên tầm cao mới bởi hai nước có mối quan hệ truyền thống, lâu đời, thủy chung son sắt đã được hun đúc trong lịch sử; Ấn Độ ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và cả trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; Hơn nữa, mối quan hệ hai nước lại được đặt trong bối cảnh quốc tế và chiến lược mới ở khu vực “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”; Trong cục diện thế giới ngày nay, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có mối liên kết đặc biệt, ASEAN lại có vị trí địa chính trị chiến lược nằm ở giao điểm kết nối hai khu vực nên có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ và ngược lại, Ấn Độ cũng là đối tác then chốt, một trọng điểm trong chính sách của ASEAN; Việc lãnh đạo của cả mười nước ASEAN đều có mặt tại Ấn Độ tham dự lễ kỷ niệm Ngày Cộng hoà 26/01/2018 là sự kiện chưa từng có và đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hợp tác xuyên Á và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương3;. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã đạt cấp Đối tác chiến lược toàn diện, là cấp cao nhất mà Việt Nam dành cho các đối tác; Việt Nam và Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của nhau, giữa hai nước có sự tin cậy chính trị rất cao; Hơn nữa, Ấn Độ coi Việt Nam là một trong những trụ cột quan trọng nhất trong chính sách Hành động Hướng Đông của mình, cùng với những thành tựu đạt được trong thời gian qua trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục.v.v., có thể khẳng định, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển toàn diện và sâu sắc hơn trong thời gian tới
Trên lĩnh vực chính trị - đối ngoại giữa hai nước trong thời gian tới tiếp tục tốt đẹp, phát triển ổn định và sẽ không xảy ra mâu thuẫn, bởi Việt Nam ngày càng coi trọng vị thế và vai trò của Ấn Độ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ấn Độ tiếp tục coi trọng vai trò của Việt Nam trong chính sách hành động hướng Đông của mình. Vị thế của hai nước sẽ ngày càng tăng và hai nước đều có nhu cầu hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Các cơ chế hợp tác về chính trị - đối ngoại sẽ được củng cố, đi vào thực chất hơn và tin cậy nhau nhiều hơn, trong đó hai nước có thể sẽ chia sẻ thông tin và phối hợp lập trường về một số vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng và nhạy cảm, thể hiện sự tin cậy cao giữa hai nước.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là khi có xung đột lợi ích chính trị - đối ngoại giữa Việt Nam, Ấn Độ và các nước lớn, thì cả Ấn Độ và Việt Nam phải cân nhắc để đảm bảo hài hòa chính sách cân bằng các nước lớn và thường là lợi ích với các nước lớn được ưu tiên hơn. Quan hệ giữa Việt Nam với các nước Nam Á (trừ Ấn Độ) còn hạn chế do độ gắn kết về kinh tế và chính trị yếu. Trong khi đó, ASEAN ngày càng đóng vai trò quan trọng với Ấn Độ về cả chiến lược, chính trị, an ninh, kinh tế. Hay nói cách khác, Ấn Độ cần ASEAN hơn là Việt Nam cần Nam Á. Do đó, việc Việt Nam hỗ trợ Ấn Độ thâm nhập sâu hơn vào ASEAN chính là một trong những đòn bẩy quan trọng để Ấn Độ “có đi có lại” với Việt Nam về các vấn đề khác.
Trong vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN - Ấn Độ (giai đoạn 2015 - 2018), Việt Nam ủng hộ Ấn Độ thực hiện Chính sách Hành động hướng Đông, các sáng kiến kết nối khu vực, hỗ trợ phát triển Tiểu vùng Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam, Sông Hằng - Sông Mê Kông (MGC). Trong ba năm qua, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy triển khai Hiệp định Tự do hóa thương mại Ấn Độ - ASEAN, góp phần tích cực trong quá trình xây dựng Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ. Với nỗ lực của Việt Nam, Ấn Độ đã ủng hộ lập trường của ASEAN tại các cuộc họp giữa hai bên, gia tăng ủng hộ ASEAN ở nhiều cấp khác nhau, thể hiện thái độ can dự và đóng góp tiếng nói ngày càng mạnh mẽ hơn4
Ngày 24-27/1/2018 Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối tác Đối thoại ASEAN - Ấn Độ, diễn ra vào thời điểm ý nghĩa khi hai nước vừa kỷ niệm 46 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/ 1972- 1/2018) và hai bên đã ký kết Kế hoạch Chương trình Hành động nhằm triển khai các nội dung được cam kết trong Tuyên bố về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ. Đây là cơ hội để hai bên thúc đẩy hợp tác và sự tin cậy về chính trị; làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ quốc phòng, an ninh; tăng cường hợp tác mạnh mẽ về kinh tế, đầu tư, du lịch; nhanh chóng tăng cường kết nối để tăng giao lưu kinh tế, văn hóa giữa hai bên; khai thác tốt hơn tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-khoa học công nghệ
Trên lĩnh vực kinh tế: Việt Nam - Ấn Độ hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực chính thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới, có hợp tác và cạnh tranh, nhưng hợp tác vẫn là chủ yếu. Triển vọng quan hệ thương mại giữa hai nước cần tính đến một số yếu tố sau: (i) ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ sau Trung Quốc, Liên minh Châu Âu và Mỹ. Kim ngạch thương mại hai chiều Ấn Độ - ASEAN đã tăng 25 lần, từ 2,9 tỷ USD năm 1993 lên 76 tỷ USD năm 2017. Tới nay, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ cũng là đối tác thương mại lớn thứ 7 đối với ASEAN. Năm 2017, xuất khẩu sang ASEAN chiếm 10,4% tổng giá trị xuất khẩu của Ấn Độ, nhập khẩu từ ASEAN chiếm 10,6% tổng giá trị nhập khẩu của Ấn Độ. Đầu tư trực tiếp giữa ASEAN và Ấn Độ cũng tăng mạnh trong 25 năm qua. Tính đến 2017, ASEAN đã đầu tư trên 70 tỷ USD vào Ấn Độ và tiếp nhận trên 40 tỷ USD5. Ấn Độ và ASEAN đã ký Hiệp định Tự do thương mại (FTA) về hàng hóa năm 2009 và đi vào hoạt động tháng 8 - 2011. Tháng 9/2014, Ấn Độ và ASEAN chính thức ký kết FTA về dịch vụ và đầu tư. Hai bên khẳng định quyết tâm tham gia tích cực trong đàm phán Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); gia tăng kết nối về cả hàng không, hàng hải, Ấn Độ cũng tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng kết nối nước này với Đông Nam Á, đặc biệt là Đông Nam Á lục địa. Các dự án như Đường cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan cùng với Hành lang Kinh tế Đông - Tây và Hành lang Kinh tế phía Nam sẽ kết nối Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Phnom Penh, Bangkok với Yangon và New Delhi . Điều này sẽ thúc đẩy đáng kể kim ngạch thương mại phát triển kinh tế, văn hoá và quốc phòng trong khu vực, nhưng cũng tạo ra cạnh tranh giữa các nước ASEAN vào thị trường Ấn Độ. Trong cuộc cạnh tranh này, Việt Nam đang kém nhiều các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines. Mặt hàng nông sản là thế mạnh của Việt Nam lại không xuất khẩu sang Ấn Độ nhiều, vì theo Hiệp định trên Ấn Độ không phải giảm thuế đối với 489 mặt hàng nông sản và một số mặt hàng Việt Nam có cạnh tranh với Ấn Độ (như cà phê) có lộ trình giảm thuế ở mức thấp trong vòng 10 năm; (ii) Cạnh tranh giữa hai nước về thương mại song cũng không nhỏ, khi cả hai đều mạnh về các mặt hàng nông sản, dệt may, da giày v.v. Ấn Độ sẽ tiếp tục bảo hộ thị trường nội địa bằng các hàng rào thuế và phi thuế, trong đó sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp chống phá giá đối với một số mặt hàng của Việt Nam; (iii) Ấn Độ đã công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ, góp phần tạo cơ chế thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương và giảm bớt các biện pháp bảo hộ đối với mặt hàng Việt Nam nhập khẩu vào Ấn Độ; (iv) Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc và Ấn Độ - Trung Quốc trong thời gian tới tiếp tục phát triển mạnh và có ảnh hưởng quan trọng đến quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ, do Ấn Độ phải cạnh tranh với Trung Quốc tại thị trường Việt Nam. Mặc dù vậy, xét về tiềm năng của hai nước, dự báo kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ có thể đạt 15 tỷ USD vào năm 2020 là hoàn toàn hiện thực6. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không chủ động triển khai các biện pháp quyết liệt và hiệu quả, thì Việt Nam nhập siêu từ Ấn Độ ngày càng lớn, vì các mặt hàng Việt Nam rất cần nhập khẩu (dược phẩm, dệt may, sợi, thức ăn gia súc, máy móc, thiết bị.v.v.) và Ấn Độ rất có thế mạnh. (Xem tiếp phần 2)
* Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam
1 https://news.zing.vn/an-do-thai-binh-duong-ky-nguyen-moi-cua-canh-tranh-dia-chien-luoc-post827551.html
2 https://news.zing.vn/an-do-thai-binh-duong-ky-nguyen-moi-cua-canh-tranh-dia-chien-luoc-post827551.html
3 https://news.zing.vn/an-do-thai-binh-duong-ky-nguyen-moi-cua-canh-tranh-dia-chien-luoc-post827551.html
4 http://baoquocte.vn/asean-an-do-va-vai-tro-dieu-phoi-tich-cuc-cua-viet-nam-64894.html
5 http://baoquocte.vn/asean-an-do-va-vai-tro-dieu-phoi-tich-cuc-cua-viet-nam-64894.html
6 Đức Tuân, http://thutuong.chinhphu.vn/Home/Viet-Nam-An-Do-nang-quan-he-len-Doi-tac-Chien-luoc-toan-dien/20169/25286.vgp
** Bài tham luận Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở" tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 24/8/2018.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục