Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Triển vọng phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” (Phần 2)

Triển vọng phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” (Phần 2)

03:13 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

TS. Nguyễn Thị Thúy*

Về đầu tư, FTA Ấn Độ - ASEAN về dịch vụ và về đầu tư  sẽ góp phần tạo ra làn sóng đầu tư của các công ty Ấn Độ vào Việt Nam nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh giữa các nước ASEAN trong việc thu hút FDI từ Ấn Độ. Trong thời gian tới, với kinh nghiệm đầu tư từ khá sớm của mình, Ấn Độ tiếp tục đầu tư mạnh vào, năng lượng, đặc biệt là khai thác dầu khí vào thềm lục địa Việt Nam để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Ấn Độ. Đến năm 2020, Ấn Độ cần 245 triệu tấn dầu thô, 70,8 tỉ m3 khí cho nền kinh tế7. Hiện nay, một số công ty của Ấn Độ như Tập đoàn Dầu Ấn Độ (IOC) muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Ấn Độ cũng sẽ đầu tư mạnh vào các lĩnh vực sản xuất thép, công nghiệp chế tạo, công nghiệp thực phẩm, công nghệ thông tin ở Việt Nam. Đây là những lĩnh vực Việt Nam khuyến khích thu hút FDI, trong đó coi dầu khí là ngành kinh tế trọng điểm hàng đầu của mình trong 10 năm tới (năm 2010 thu nhập từ dầu khí chiếm đến 20% GDP).

Tuy nhiên, Ấn Độ có nhu cầu lớn về vốn để phát triển, nên cũng ảnh hưởng đến khả năng nguồn vốn FDI của Ấn Độ vào Việt Nam. Tình hình Biển Đông nếu phức tạp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đầu tư của Ấn Độ vào thăm dò, khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam8. Mặt khác, khả năng đầu tư của Ấn Độ còn hạn chế nếu so sánh với các đối tác của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, các nước EU, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore. Đây là cơ sở để dự báo đến năm 2020 Ấn Độ sẽ không nằm trong những nước đứng đầu về đầu tư tại Việt Nam, nhưng sẽ đứng vững vàng trong nhóm 10 nước đầu tư lớn nhất.

Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh: giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn và thực chất hơn trong 10 năm tới, trong bối cảnh vai trò ngày càng tăng của Mỹ và Trung Quốc tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á, Biển Đông nói riêng. Thời gian qua, Ấn Độ tiếp tục tăng cường khả năng quốc phòng. Ấn Độ trong năm tài khoá 2015 - 2016 đã gia tăng ngân sách quốc phòng 7,7% lên 40,4 tỷ USD,  chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ đã tăng 5,5%, đạt mức 63,9 tỷ USD vào năm 20179 và trong năm tài khóa 2018 - 2019, ngân sách quốc phòng Ấn Độ chiếm 12,1% tổng ngân sách (24.420 tỷ rupee)10. Như vậy, Ấn Độ sẽ tăng cường mở rộng sức mạnh quốc phòng ra bên ngoài và Việt Nam có nhiều cơ hội nhận các thiết bị, khí tài quân sự cũ của Ấn Độ.

Vai trò của Trung Quốc có ảnh hưởng quan trọng đến triển vọng quan hệ quốc phòng - an ninh giữa Việt Nam và Ấn Độ. Thời gian tới, tình hình Biển Đông có lúc căng thẳng, lúc hòa dịu, nhưng nhiều khả năng không có xung đột lớn về quân sự. Ấn Độ sẽ tích cực tăng cường sự hiện diện của lực lượng hải quân tại Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc và tăng cường ảnh hưởng tại khu vực, nhưng nhiều khả năng Ấn Độ sẽ không can thiệp khi lợi ích của Việt Nam bị xâm phạm ở Biển Đông khi tính đến lợi ích trong quan hệ của Ấn Độ với Trung Quốc, Mỹ và ASEAN. Việc thúc đẩy quan hệ quốc phòng giữa hai nước cũng không thể vượt ra khỏi chính sách về cân bằng nước lớn ở khu vực Đông Nam Á của Việt Nam và Ấn Độ. Do đó, quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ  trong những năm tới sẽ phát triển ổn định, tiếp tục tập trung chủ yếu vào các vấn đề an ninh phi truyền thống, hỗ trợ kỹ thuật các thiết bị quốc phòng do Nga sản xuất (năm 2010, 70% vũ khí của Ấn Độ nhập từ Nga), đào tạo sĩ quan quốc phòng (đặc biệt Ấn Độ giúp Việt Nam đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình UN, vì Ấn Độ có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này; riêng năm 2010, Ấn Độ đã cử 8919 lính tham gia gìn giữ hòa bình). Việt Nam cũng cần giúp Ấn Độ tăng cường hiện diện của hải quân Ấn Độ tại Biển Đông. Các vấn đề thực chất của quan hệ quốc phòng (mua bán vũ khí, hợp tác chiến lược, tập trận chung về chiến đấu) cũng tiếp tục phát triển nhưng ở mức độ vừa phải.

 Trên lĩnh vực khoa học công nghệ: Việt Nam và Ấn Độ đều xác định khoa học công nghệ là một trong những hướng phát triển đột phá trong chiến lược phát triển của mỗi nước. Thời gian qua, Ấn Độ đã có những bước tiến theo hướng đi tắt đón đầu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ mới (nano, sinh học, thông tin, vật liệu mới.v.v.). Thời gian tới, Ấn Độ có vị trí thuận lợi trở thành nước đi đầu về công nghệ trong làn sóng toàn cầu hóa tiếp theo và hứa hẹn trở thành nước sản xuất phần mềm IT lớn nhất thế giới vào 2020. Do vậy, Việt Nam rất cần những kinh nghiệm và thành tựu khoa học công nghệ của Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực. Mặt khác, trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam còn rất thấp và thời gian tới hầu như chưa có thế mạnh khoa học công nghệ nào của Việt Nam được Ấn Độ quan tâm. Quan hệ khoa học công nghệ giữa hai nước vẫn tiếp tục là quan hệ một chiều, tức là chủ yếu Ấn Độ hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam. Vì thế, quan hệ này không có động lực thực sự từ phía Ấn Độ, mà chủ yếu để phục vụ cho quan hệ chính trị và mức độ hỗ trợ, hợp tác phụ thuộc vào quan hệ chính trị. Ngay cả động lực hợp tác từ phía Việt Nam cũng không lớn do chưa đánh giá đúng tiềm năng khoa học công nghệ của Ấn Độ. Do đó, quan hệ khoa học công nghệ giữa hai nước đến năm 2020 sẽ có nhiều bước phát triển mới, nội dung hợp tác rộng hơn, nhưng nhìn chung không có đột biến gì lớn so với hiện nay. Các lĩnh vực chủ yếu mà hai bên hợp tác vẫn là IT, sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình, viễn thám, công nghệ sinh học và công nghệ mới (đặc biệt vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm).

Trên lĩnh vực văn hóa Việt Nam và Ấn Độ đến năm 2020 đặt trong bối cảnh văn hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ giữa các quốc gia và các nền văn hóa cùng tồn tại trong đa dạng11. Ấn Độ sẽ là một trong 7 nền văn minh quan trọng của thế giới. Việt Nam xác định văn hóa là một trong ba trụ cột quan trọng của chính sách đối ngoại (cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế). Với bề dày về truyền thống văn hóa của hai nước, quan hệ văn hóa song phương sẽ tiếp tục phát triển theo hướng bình đẳng và cùng có lợi; các lĩnh vực hợp tác sẽ đa dạng hơn, cả về nội dung và hình thức. Tuy nhiên, các sự kiện văn hóa chủ yếu được tổ chức kết hợp với các sự kiện về hợp tác chính trị, kinh tế giữa hai nước. Do đó, quan hệ văn hóa sẽ tiếp tục đóng vai trò bổ trợ và phụ thuộc vào các quan hệ này.

Trên lĩnh vực giáo dục: Ấn Độ tiếp tục là cường quốc thế giới về phần mềm IT trong 10 năm tới. Trong chiến lược phát triển đến năm 2020, Việt Nam đặc biệt coi trọng đến phát triển nguồn nhân lực. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020 Việt Nam cần 600.000 nhân lực IT. Do đó, hợp tác giáo dục trong lĩnh vực IT sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh. Hình thức đào tạo về phần mềm IT chủ yếu là đào tạo tại chỗ, thông qua các trung tâm đào tạo lập tại Việt Nam và qua các dự án đầu tư vào lĩnh vực phát triển phần mềm IT của Ấn Độ. Hợp tác đào tạo về khoa học công nghệ, quốc phòng – an ninh, kinh tế, nông nghiệp, văn hóa.v.v. tiếp tục được thúc đẩy. Ấn Độ sẽ vẫn giữ số lượng học bổng dành cho Việt Nam như lâu nay. Trao đổi về khoa học giáo dục, phương pháp giảng dạy, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo sẽ ngày càng tăng. Nhìn chung, quan hệ giáo dục tiếp tục phát triển nhưng không có đột biến lớn, tính bình đẳng không cao do chất lượng giáo dục của ta còn thấp, chủ yếu vẫn nghiêng về Ấn Độ giúp đỡ Việt Nam.

Tóm lại: Trong bối cảnh “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” , và quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục phát triển sâu rộng, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập Đối tác Chiến lược (2007) và nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện (2016). Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, trong đó, luôn coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác sâu rộng nhiều mặt về chính trị- ngoại giao , kinh tế, quốc phòng - an ninh,  khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, văn hóa, giáo dục - đào tạo… Mối quan hệ đối tác Chiến lược toàn diện này sẽ đóng góp quan trọng vào việc tăng cường sự ổn định và phát triển ở khu vực, đem lại nhiều lợi ích cho cả Việt Nam và Ấn Độ.


* Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam

7 Planning Commission - Government of India (2000), India Vision 2020, page 71, (http://planningcommission.nic

8 Jha, Pankaj K.(2008), India – Vietnam Relations: Need for enhanced cooperation, Strategic Analysis, Vol.02, No.6, Nov. 2008.

9 https://news.zing.vn/an-do-nhat-tang-chi-tieu-quoc-phong-de-doi-pho-trung-quoc-post839138.html

10 https://viettimes.vn/an-do-tang-chi-quan-su-nhung-chua-du-doi-pho-ca-trung-quoc-pakistan-163738.html

11 Đỗ Thị Minh Thúy (2010), Cục diện Văn hóa – Xã hội thế giới đến 2020, sách Cục diện thế giới đến 2020, NXB Chính trị quốc gia, Học viện Ngoại giao, tháng 4/2010, tr.150.

** Bài tham luận Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở" tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 24/8/2018.​​​

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục