Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Từ “Chính sách Hướng Đông” đến “Hành động Phía Đông” và quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ (Phần 2)

Từ “Chính sách Hướng Đông” đến “Hành động Phía Đông” và quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ (Phần 2)

Chính sách “Hành động Phía Đông”, được nâng cấp từ “Chính sách Hướng Đông”, trên cơ sở tiếp cận khu vực Đông Nam Á, là một trong những điều chỉnh quan trọng trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ. Chính sách này đã tác động mạnh mẽ đến mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được xem là một trụ cột trong “Chính sách Hướng Đông” của Ấn Độ. Mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, nếu trước kia chủ yếu về chính trị, thì giờ đây đã được mở rộng và phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2007.

02:05 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Từ “Chính sách Hướng Đông đến  “Hành động Phía Đông

quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - n Đ

                                       Thiếu tướng, GS, TS Trương Giang Long*

 

Năm 2003, nhân chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Ấn Độ của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, lãnh đạo hai nước đã ký tại New Delhi “Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Ấn Độ bước vào thế kỷ XXI”. Việc Việt Nam và Ấn Độ ký kết văn kiện này phản ánh tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ giữa hai nước, đưa quan hệ của hai nước lên một tầm cao mới, trên cơ sở hai nước là “đối tác tin cậy, lâu dài và toàn diện” của nhau, với các nội dung chủ yếu:

Một là, hai bên sẽ tiến hành thường xuyên các cuộc gặp gỡ cấp cao nhằm củng cố quan hệ chính trị tốt đẹp vốn có và tạo động lực mới cho sự hợp tác về mọi mặt giữa hai nước.

Hai là, hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế khác.

Ba là, hai bên cũng cam kết trợ giúp nhau bảo vệ lợi ích của mỗi nước trên trường quốc tế và góp phần vào nỗ lực chung nhằm dân chủ hóa quan hệ quốc tế.

Bốn là, hai bên sẽ cố gắng duy trì và nâng cao hơn nữa hiệu quả của các cuộc họp thường kỳ hai năm một lần của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ nhằm làm cho cơ chế này đáp ứng tốt hơn tiến trình cải cách kinh tế ở hai nước và định ra những phương hướng mới phù hợp với các mục tiêu và yêu cầu phát triển của từng nước.

Năm là, hai bên quyết tâm nâng cao tầm hợp tác kinh tế, cụ thể trong các lĩnh vực thương mại; đầu tư và tư vấn quản lý; Ấn Độ cam kết tiếp tục cung cấp, ở mức cao nhất có thể được, tín dụng ưu đãi và viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam

Sáu là, hai bên coi hợp tác khoa học - công nghệ là động lực của sự hợp tác giữa hai nước.

Bảy là, hai bên thỏa thuận từng bước mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng.

Tám là, hai bên coi hợp tác phát triển nguồn nhân lực là một trụ cột trong hợp tác song phương và cam kết tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa loại hình hợp tác này.

Chín là, hai bên cam kết tăng cường trao đổi và hợp tác về văn hóa - thông tin, khảo cổ học, bảo tồn, bảo tàng, du lịch, y tế, thể dục thể thao, giữa các cấp trung ương cũng như địa phương.

Tháng 7 năm 2007, trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn, nâng tầm quan hệ đối tác giữa hai nước lên một nấc thang mới. Đây là sự kiện trọng đại đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hai nước ở tầm vĩ mô, mở đường cho sự phát triển sâu rộng của quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, thể hiện rõ trên năm trụ cột: hợp tác chính trị, hợp tác kinh tế, hợp tác năng lượng, hợp tác an ninh quốc phòng, hợp tác trong các lĩnh vực khác (văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch...)

Sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, năm 2014 là một năm ghi dấu ấn đậm nét trong mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam với một loạt các chuyến thăm và trao đổi cấp cao giữa hai nước. Ngay sau khi Chính phủ mới của Ấn Độ tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 5/2014, vào tháng 8/2014, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj đã sang thăm Việt Nam và ngay sau đó, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 9/2014. Tháng 10/2014, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm chính thức Ấn Độ.

Trên lĩnh vực kinh tế - thương mại, năm 2007, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 1,5 tỷ USD và chỉ trong 3 tháng đầu năm 2008, đã đạt trên 1 tỷ USD. Cũng kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đã xuất hiện một làn sóng các doanh nghiệp Ấn Độ vào tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Hàng loạt các tập đoàn kinh tế Ấn Độ như ONGC, TATA, ESSAR… đang triển khai các dự án trị giá hàng tỷ USD trong các lĩnh vực dầu khí, luyện thép, hóa chất... Năm 2007 cũng là năm đánh dấu một bước chuyển lớn trong đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam và Ấn Độ đứng thứ 6 trong nhóm 10 nước, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất Việt Nam và Việt Nam trở thành nước nhận đầu tư lớn nhất của Ấn Độ trong các nước ASEAN.

Hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo tiếp tục phát triển. Chính phủ Ấn Độ đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam thực hiện Dự án phát triển nguồn nhân lực công nghệ phần mềm. Đây là một trong những dự án lớn, có ý nghĩa đối với Việt Nam trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các hoạt động hợp tác về văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân giữa 2 nước diễn ra sôi động. Ấn Độ đang giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, kinh tế, luật, tiếng Anh...

Ngoài ra, Việt Nam và Ấn Độ luôn phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ở Liên Hợp Quốc, ASEAN, ARF, ADMM+, RCEP,…

Đặc biệt, quan hệ đối tác chiến lược trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng được lãnh đạo hai nước rất coi trọng. Hai bên hiểu khá rõ về tiềm năng, thực lực và nhu cầu về an ninh, quốc phòng của nhau. Đây chính là cơ sở quan trọng để hai bên thúc đẩy hợp tác an ninh, quốc phòng trên cơ sở cùng có lợi. Hai nước cam kết củng cố hợp tác về cung ứng quốc phòng, các dự án chung, hợp tác đào tạo và trao đổi thông tin tình báo; nhất trí tăng cường hơn nữa các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn giữa các tổ chức quốc phòng và an ninh hai nước; hợp tác về xây dựng năng lực, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan của hai nước trong việc bảo đảm an ninh đường biển, bao gồm chống cướp biển, ngăn ngừa ô nhiễm, tìm kiếm và cứu hộ; củng cố hợp tác song phương trong việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố một cách toàn diện và lâu dài; tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh mạng...

Hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng giữa hai nước, ngay sau khi thiết lập quan hệ, hàng loạt các chuyến thăm quan trọng hằng năm cấp Bộ trưởng giữa hai nước đã diễn ra. Tháng 12/2007, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A. K. Antony đã có chuyến thăm Việt Nam, hai nước đã ra tuyên bố đưa quan hệ hợp tác quân sự song phương “lên tầm cao mới”, đồng ý lập Nhóm Công tác chung để hỗ trợ việc ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng, bao gồm hợp tác về quốc phòng, bảo vệ lãnh hải và không phận, đào tạo sĩ quan. Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ấn Độ Shivraj Patil tháng 10/2007, hai bên ký Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự và thỏa thuận trao đổi thông tin tình báo về chống khủng bố. Trong chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh tháng 3/2008, hai bên ký Bản ghi nhớ về hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh (trong đó có chống khủng bố quốc tế, buôn lậu ma túy và tội phạm xuyên quốc gia). Tháng 6/2009, hai bên cũng ký Hiệp định Dẫn độ tội phạm. Phía Bộ Công an Việt Nam cũng cử nhiều đoàn sang Ấn Độ để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm an ninh, nhất là việc áp dụng khoa học công nghệ vào công tác an ninh. Tháng 11/2009, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh có chuyến thăm Ấn Độ, trong đó hai bên đã ký Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác quốc phòng, nhằm tiếp tục đẩy mạnh trao đổi thông tin, kinh nghiệm đào tạo học viên, quan sát viên quân sự, đào tạo nhân sự quốc phòng; liên doanh, hợp tác sản xuất, cung cấp thiết bị, chia sẻ, trợ giúp và đào tạo kỹ thuật quân sự. Tháng 10/2010, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A. K. Antony thăm Việt Nam lần thứ hai và tuyên bố Ấn Độ giúp Việt Nam cải thiện kỹ năng tác chiến của cả ba quân chủng, lục quân, không quân và đặc biệt là hải quân. Ngày 20/9/2013, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ thăm Ấn Độ, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Hội đồng các Tham mưu trưởng Ấn Độ Norman Anil Kumar Brown đã khẳng định Việt Nam đóng vai trò quan trọng và là đối tác hàng đầu của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ rất coi trọng thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, trong đó có quan hệ quốc phòng. Trong chuyến thăm Ấn Độ từ 29-10 đến 1/11/2013, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam đã góp phần tăng cường quan hệ giữa Bộ Nội vụ Ấn Độ và Bộ Công an Việt Nam, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược giữa hai nước.

Ngày 15/9/2014, trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee tại Hà Nội, hai bên nhất trí coi hợp tác an ninh quốc phòng là một trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, Ấn Độ dành 100 triệu USD cho Việt Nam trong "những cơ hội hợp tác mới". Ngày 28 tháng 10 năm 2014 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ, trong hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai bên đều khẳng định về những tiến bộ đạt được trong hợp tác an ninh, quốc phòng. Cho đến nay, hai bên tiến hành đều đặn 9 cuộc Đối thoại An ninh (từ  năm 2003 đến năm 2015). Đặc biệt, trong cuộc đối thoại lần thứ 9 ngày 16/01/2015, hai bên đã trao đổi về tình hình quốc tế, khu vực và tiếp tục thống nhất rằng hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chung của tất cả các quốc gia trong thời đại ngày nay, mọi tranh chấp, bất đồng cần được giải quyết thông qua đối thoại hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực. Quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng từng bước phát huy hiệu quả và ngày càng mở rộng, thể hiện sự tin cậy lẫn nhau ngày càng sâu sắc, đưa quan hệ an ninh quốc phòng thực sự trở thành một trong những “trụ cột” của quan hệ đối tác chiến lượcgiữa hai nước.

Trong năm 2015, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định thay đổi Chính sách hướng Đông sang một bước mới đó là Chính sách Hành động Phía Đông. Mục tiêu của kế hoạch này là hiện thực hóa những quyết định, trao đổi thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết qua các chuyến thăm cấp cao. Bởi vậy, mối quan hệ đối tác chiến lược trên năm trụ cột chính giữa hai nước sẽ ngày càng được tăng cường và phát triển, phục vụ cho lợi ích của hai quốc gia. Đối với Việt Nam, lợi ích quốc gia mà quan hệ đối tác chiến lược này hướng tới là “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”[1]

* Tổng cục phó Tổng cục Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.153

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, X, XI, XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2.Trần Thị Lý (chủ biên), Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Cộng hòa Ấn Độ từ 1991 đến 2000, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002.

3. TS Nguyễn Trường Sơn, Hướng về phía Đông: Một chiến lược lớn của Ấn Độ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục