Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Từ “Nhìn về hướng Đông” đến “Hành động Phía Đông”: Ấn Độ đang mở rộng và hiện thực hóa các quan hệ hợp tác khu vực từ Nam Á sang Đông Nam Á và toàn Châu Á – Thái Bình Dương (Phần 3)

Từ “Nhìn về hướng Đông” đến “Hành động Phía Đông”: Ấn Độ đang mở rộng và hiện thực hóa các quan hệ hợp tác khu vực từ Nam Á sang Đông Nam Á và toàn Châu Á – Thái Bình Dương (Phần 3)

Ấn Độ đã đạt được một số thành công bước đầu trong Chính sách Hướng Đông, trước hết và cơ bản nhất là nhờ đã đẩy mạnh công cuộc tự do hóa ở trong nước đi đôi với việc mở cửa thực thi chính sách hội nhập khu vực và quốc tế, trong đó Chính sách Hướng Đông là một trọng tâm.

02:31 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Từ “Nhìn vhướng Đông” đến “Hành động Phía Đông”: 
Ấn Độ đang mở rộng và hiện thực hóa các quan hệ hợp tác khu vực 
từ Nam Á sang Đông Nam Á và toàn Châu Á – Thái Bình Dương

 

PGS, TS Đỗ Đức Định*

 

4. Mở rộng ra toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Ngày 6 tháng 11 năm 2003, tờ “The Hindu” đã đăng một bài viết quan trọng nhan đề “Chính sách Hướng Đông không giới hạn ở ASEAN” (Look East Policy not Restricted to ASEAN), trong đó khẳng định, tuy ASEAN là một trọng điểm, nhưng đó không phải là giới hạn cuối cùng, mà về lâu dài Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ sẽ nhằm mở rộng dần các quan hệ hợp tác từ khu vực Nam Á sang Đông Nam Á, tiếp đến sẽ hướng tới toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một khu vực có vị trí địa chính trị gắn kết với Ấn Độ Dương – một vùng biển rộng lớn có vai trò thiết yếu và lợi ích sống còn của Ấn Độ.

Từ logic của bài báo nêu trên, người đọc có thể nhận thấy rõ sau hai trọng điểm sát sườn SAARC và ASEAN, đến lượt APEC là tổ chức mà Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ hướng tới như một định hướng chiến lược, một khu vực giàu tiềm năng và có tầm ảnh hưởng rộng lớn với 21 nước thành viên, trong đó có các cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, một khu vực chiếm hơn 60% GDP, 50% thương mại, 70% tăng trưởng toàn cầu, hiện đang là khu vực phát triển năng động bậc nhất thế giới và tương lai sẽ là trung tâm phát triển của thế giới trong thế kỷ XXI. Đối với Ấn Độ, đây cũng là khu vực chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, riêng thương mại đã chiếm trên 35% tổng giá trị ngoại thương của đất nước.

Ấn Độ đã thể hiện rất rõ tham vọng của mình thông qua những đề xuất lớn liên quan đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tháng 11-2004, Thủ tướng M. Xinh đã đưa ra ý tưởng thiết lập “Cộng đồng kinh tế châu Á” nhằm mở rộng và làm sâu sắc thêm phạm vi, nội dung của hợp tác Đông Á. Tháng 11-2005, tại Niu Đê-li, Ấn Độ đã chủ trì hội nghị khoa học cấp cao về “Cộng đồng kinh tế châu Á” lần thứ tư với nhiều kiến nghị về việc xây dựng Khu vực mậu dịch tự do (FTA) Đông Á, hệ thống tiền tệ châu Á, thiết lập diễn đàn năng lượng châu Á, tăng cường hợp tác khoa học - kỹ thuật trong khu vực.

Việc mở rộng quan hệ hợp tác với các nước châu Á – Thái Bình Dương nói chung, tham gia APEC nói riêng, có thể giúp Ấn Độ đẩy mạnh tiến trình tự do hóa, trở thành một trung tâm mới trong mạng lưới sản xuất của khu vực. Mặt khác, Ấn Độ cũng có thể góp phần vào việc cân bằng cơ cấu phát triển khu vực với 4 nền kinh tế lớn là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ cùng các thành viên của G20 là Australia, Canada, Indonesia, Hàn Quốc, Mexico và Nga, bảo đảm một sự gắn kết tiến trình phát triển giữa các nước, các nhóm nước trong khu vực với nền kinh tế toàn cầu.

Gần đây Ấn Độ đã tỏ rõ mối quan ngại của mình trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, nơi ngày càng gắn với nhiều lợi ích chiến lược sát sườn của Ấn Độ không chỉ ở Thái Bình Dương, mà cả Ấn Độ Dương. Dưới thời Thủ tướng Modi, Ấn Độ đã chính thức xác nhận Biển Đông là một nhân tố quan trọng trong mối quan hệ hướng Đông của mình, xét cả về lý do thương mại và chiến lược. Ấn Độ đã ký Tầm nhìn chiến lược chung với Mỹ về khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, ngày càng tăng cường đàm phán với các nước chủ chốt trong khu vực để thúc đẩy hợp tác an ninh, nhất là an ninh hàng hải. Thông qua Tuyên bố chung với Mỹ, qua Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, và qua Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN năm 2014, Ấn Độ đã nêu ra quan điểm cho rằng, tranh chấp Biển Đông đã và đang gây ra những bất ổn cho khu vực, đe dọa an ninh hàng hải ở châu Á - Thái Bình Dương, từ đó đã đề xuất ý kiến về sự cần thiết giải quyết những tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. 

5. Một số nhận xét

Cho đến nay, có thể nhận thấy, Chính sách hướng Đông của Ấn Độ đã được triển khai qua 3 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu từ năm 1991 đến 2001, trọng tâm là nhằm cải thiện các hoạt động của SAARC và phát triển các quan hệ hợp tác với ASEAN, chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế. Bước sang giai đoạn thứ hai, từ năm 2002 đến 2014, Ấn Độ đã dần dần mở rộng các quan hệ hợp tác từ khu vực Nam Á sang Đông Nam Á, Đông Á, rồi toàn bộ châu Á – Thái Bình Dương; các lĩnh vực hợp tác cũng được mở rộng một cách khá toàn diện từ chính trị, ngoại giao đến kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, và cả những vấn đề phức tạp mới như sự tranh chấp ở biển Đông. Trên cơ sở của những bước tiến từ thăm dò, thử nghiệm trong giai đoạn 1, sang mở rộng phạm vi và lĩnh vực hoạt động trong giai đoạn 2, đến đầu năm 2015, Thủ tướng Narendra Modi đã nhấn mạnh hơn tới những hành động thực tế của Chính sách Hướng Đông khi ông thay đổi khái niệm từ “Nhìn về hướng Đông” (Look East) sang “Hành động phía Đông” (Acting East). Đây có thể coi là sự khởi đầu cho một giai đoạn mới, khẳng định quyết tâm cao của Ấn Độ nhằm thực hiện thành công Chính sách Hướng Đông. Thực hiện Chính sách Hướng Đông, Ấn Độ đã đạt được những kết quả ngày càng rõ rệt, không chỉ cải thiện được vai trò, vị thế trong SAARC, trở thành đối tác tin cậy của ASEAN, mà ngày càng có tiếng nói quan trọng trong APEC, góp phần vào sự phát triển chung vì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Những kết quả trên đây đã giúp Ấn Độ giải quyết được một số vấn đề cả ở trong nước và trên trường quốc tế. Ở trong nước, Chính sách Hướng Đông gắn với cải cách, tự do hóa và mở rộng thị trường đã giúp Ấn Độ đảm bảo được an ninh và phát triển, vượt qua được cuộc khủng hoảng trầm trọng về chính trị - kinh tế - xã hội diễn ra vào cuối thập niên 1980 đầu 1990 với trên 30 triệu người thất nghiệp, nợ nước ngoài 70 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ tính đến tháng 5/1991 chỉ còn khoảng 1 tỷ USD, đủ cho nhập khẩu 20 ngày, lạm phát tăng cao, tình hình xã hội căng thẳng.

Trên phạm vi quốc tế, Chính sách Hướng Đông đã giúp Ấn Độ khắc phục được những tác động tiêu cực xuất phát từ sự sụp đổ của các chế độ cũ ở Liên Xô và Đông Âu, cuộc chiến tranh vùng Vịnh (1990-1991), tình hình chính trị bất ổn ở khu vực Nam Á, bắt nhịp được với xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa, hạn chế được những ảnh hưởng bất lợi do những đối thủ của Ấn Độ như Trung Quốc hay Pakistan gây ra. Vào thời kỳ này, các xí nghiệp Ấn Độ do Liên Xô giúp xây dựng đã sản xuất ra khoảng 80% tổng sản lượng thiết bị luyện kim, 60% thiết bị điện, 35% sản lượng thép, 70% sản lượng dầu, 205% sản lượng điện. Liên Xô là bạn hàng lớn thứ 2 và dễ tính mà Ấn Độ có thể xuất khẩu mọi mặt hàng không đòi hỏi  chất lượng cao lắm. Hàng năm, Liên Xô đều dành một khoản tín dụng lớn, thậm chí bán hàng chịu cho Ấn Độ, tính cho đến lúc Liên Xô tan rã, Ấn Độ vẫn còn nợ Liên Xô 11 tỷ USD. Không những thế, từ đầu những năm 1950 đến cuối những năm 1980, trong khi tỷ trọng xuất khẩu của Ấn Độ sang Tây Âu giảm, thì kim ngạch xuất khẩu sang các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu có xu hướng tăng lên. Đến khi Liên Xô tan rã, những quan hệ trên đã chấm dứt, gây khó khăn không nhỏ cho Ấn Độ. Còn cuộc chiến tranh vùng Vịnh thì tác động tiêu cực đến tình hình an ninh năng lượng của Ấn Độ. Những bất ổn ở khu vực Nam Á cũng đặt Ấn Độ vào tình thế rất khó khăn, vai trò và ảnh hưởng của Ấn Độ ở khu vực bị suy giảm.

Mặc dù Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ còn phải đối mặt với không ít khó khăn ở trong và ngoài nước như những hạn chế về kinh tế, chính trị, xã hội, sự cản trở của một số thế lực không thân thiện hay đối địch với Ấn Độ… nhưng với những gì Ấn Độ đã và đang làm được, có cơ sở để tin rằng, Chính sách Hướng Đông sẽ tiếp tục mở ra ngày càng nhiều các cơ hội, hứa hẹn những thành quả ngày càng lớn hơn, giúp Ấn Độ đảm bảo được an ninh để phát triển, vừa đẩy mạnh được công cuộc cải cách ở trong nước, vừa mở rộng ảnh hưởng và nâng cao vị thế của Ấn Độ ở khu vực và trên trường quốc tế, góp phần bảo vệ hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Tóm lại, Ấn Độ đã đạt được một số thành công bước đầu trong Chính sách Hướng Đông, trước hết và cơ bản nhất là nhờ đã đẩy mạnh công cuộc tự do hóa ở trong nước đi đôi với việc mở cửa thực thi chính sách hội nhập khu vực và quốc tế, trong đó Chính sách Hướng Đông là một trọng tâm. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đáng ghi nhận nêu trên, Chính sách Hướng Đông cũng còn một số tồn tại và hạn chế, nguyên nhân chủ yếu là do việc thực thi các chính sách, biện pháp tự do hóa và hội nhập quốc tế mặc dù ngày càng được đẩy mạnh hơn trước, nhưng mức độ còn thấp so với nhiều quốc gia và tổ chức khác ở khu vực như ASEAN chẳng hạn, điển hình trong đó là cơ cấu thuế quan cao cản trở sự phát triển của ngoại thương, một đầu tầu đóng vai trò động lực của tăng trưởng kinh tế.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Đức Định, 50 năm kinh tế Ấn Độ, Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 1998.
  2. Đỗ Thu Hà, Quan hệ 10 năm Ấn Độ - ASEAN, Hội thảo khoa học.
  3. Ministry of External Affairs (Govermant of India), Annual Report 1995-1996, pp.7&118.
  4. The Hindu, “Look East Policy not Restricted to ASEAN”, Sina, Thursday, Nov. 6,2003.
  5. Asia: A Period of Change, Speech by External Affairs Minister Shri Yashwant Sinha at the Institue of Defence and Strategic Studies, Singapore, Tuesday, 26 August 2003.
  6. ASEAN Secretariat, ASEAN Statistical Yearboook 2005, p.70-73.
  7. Tạp chí Ấn Độ và châu Á, Tạp chí Đông Nam Á.
  8. Tổng thuật các tham luận tại Hội thảo khoa học “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế”, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 112/5/2015.
  9. Thái An, Khi Ấn Độ không còn bóng gió về biển Đông, VietNamNet 16/7/2015 (theo National Interest).

* Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Nguồn:

Cùng chuyên mục