Tuyên bố chung giữa nước Việt Nam và Ấn Độ về chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind (Phần 1)
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ Ram Nath Kovind và Phu nhân đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 18- 20/11/2018. Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra "Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Ấn Độ về chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Ngài Ram Nath Kovind, Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ và Phu nhân".
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ Ram Nath Kovind và Phu nhân đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 18-20/11. Tháp tùng Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ có đoàn cấp cao, gồm Quốc vụ khanh Anantkumar Hegde, các nghị sĩ quốc hội và đông đảo doanh nghiệp Ấn Độ.
Lễ đón chính thức Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ Ram Nath Kovind đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội ngày 20/11. Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội đàm và chiêu đãi Tổng thống Ấn Độ. Tổng thống Ram Nath Kovind đã hội kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và phát biểu tại Quốc hội Việt Nam. Tổng thống Ram Nath Kovind đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Tổng thống phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ-Việt Nam, gặp gỡ cộng đồng Ấn kiều và những người bạn của Ấn Độ tại Việt Nam. Trước đó, Tổng thống Ram Nath Kovind đã thăm thành phố Đà Nẵng và khu di tích Mỹ Sơn, di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận tại tỉnh Quảng Nam.
Hội đàm chính thức diễn ra trong bầu không khí nồng ấm, thắm tình hữu nghị. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Tổng thống Ram Nath Kovind chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội Việt Nam bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước với sự ủng hộ cao. Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cảm ơn Tổng thống Ram Nath Kovind đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á kể từ khi nhậm chức tháng 7/2017. Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký các văn kiện, bao gồm: (i) Bản ghi nhớ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Truyền thông nước Cộng hòa Ấn Độ về hợp tác trong lĩnh vực truyền thông; (ii) Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, Việt Nam và Đại học Jawarhalal Nehru, New Delhi, Ấn Độ; (iii) Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM); (iv) Bản ghi nhớ giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ.
Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai nước được các vị cha già dân tộc Mahatma Gandhi và Hồ Chí Minh đặt nền móng và được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Hai nhà lãnh đạo nhất trí quan hệ song phương đã phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007 và nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016.
Củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện
Trên cơ sở phát triển tốt đẹp của quan hệ song phương cùng với sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, hai nhà lãnh đạo chia sẻ tầm nhìn chung về làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Hai bên hài lòng việc trao đổi đều đặn các chuyến thăm cấp cao, trong đó có Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm chính thức Việt Nam (9/2016), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức Ấn Độ (12/2016) và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Ấn Độ (7/2017). Hai bên cho rằng 2018 là năm đặc biệt khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ tại New Delhi và kỷ niệm 69 năm ngày Cộng hòa Ấn Độ (01/2018), cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ (3/2018), và các chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman (6/2018) và Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj (8/2018).
Trên cơ sở quan hệ song phương tốt đẹp hiện có, hai nhà lãnh đạo nhất trí duy trì đều đặn các chuyến thăm cấp cao và các cấp, trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cơ quan lập pháp, địa phương và giao lưu nhân dân.
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong Năm Hữu nghị 2017 kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược; đề nghị hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giai đoạn 2017-2020.
Hai bên nhất trí duy trì đều đặn, đúng hạn các cơ chế hợp tác song phương và triển khai hiệu quả kết quả các chuyến thăm cấp cao và các văn kiện đã ký kết.
Hợp tác quốc phòng và an ninh
Hai nhà lãnh đạo nhất trí hợp tác quốc phòng và an ninh là trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai nước và hài lòng với việc tăng cường trao đổi quốc phòng thời gian qua, trong đó có chuyến thăm Việt Nam của Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ (4/2015), Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ (6/2016 và 6/2018), và các chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam (5/2015 và 12/2016). Hai bên ghi nhận việc tổ chức thành công các cơ chế hợp tác quốc phòng thường niên, đặc biệt là Đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng. Hai bên hoan nghênh kết quả cuộc họp giữa Ban Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Ấn Độ và Bộ Công an Việt Nam (11/2016) và việc tổ chức thành công Đối thoại an ninh lần thứ nhất (7/2018), đồng thời hoan nghênh tàu hải quân/cảnh sát biển duy trì thăm viếng lẫn nhau, đặc biệt trong năm 2018 và trong những năm tới.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí triển khai hiệu quả Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 2015-2020. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, triển khai hợp tác giữa Lục quân, Không quân, Hải quân và Cảnh sát biển hai nước cũng như hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, chia sẻ thông tin.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về tiến độ triển khai gói tín dụng 100 triệu USD đóng tàu tuần tra cao tốc cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Phía Việt Nam đánh giá cao đề xuất gói tín dụng 500 triệu USD công nghiệp quốc phòng và nhất trí đẩy nhanh các thủ tục về chủ trương đầu tư.
Hai bên nhất trí tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo và huấn luyện cán bộ, sĩ quan tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ và hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, tăng cường trao đổi thông tin về tội phạm và chia sẻ kinh nghiệm thực thi pháp luật. Nhất trí tích cực ủng hộ lẫn nhau và tăng cường phối hợp trong các khuôn khổ hợp tác quốc phòng-an ninh đa phương, đặc biệt là ARF và ADMM+.
Hai bên nhất trí về sự cần thiết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, bao gồm chống cướp biển, an ninh hàng hải, trao đổi thông tin hải quân phi quân sự. Theo đề xuất tổ chức Đối thoại chiến lược ASEAN - Ấn Độ về hợp tác biển nêu tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ, New Delhi tháng 01/2018, hai bên nhất trí tổ chức Đối thoại an ninh biển song phương lần thứ nhất về các vấn đề hàng hải, đồng thời khuyến khích tàu hải quân và tàu tuần tra bờ biển hai nước tăng cường thăm viếng lẫn nhau.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư
Hai nhà lãnh đạo vui mừng trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại song phương kể từ khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và tin tưởng sẽ sớm đạt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại 15 tỷ USD.
Hoan nghênh việc ký Bản ghi nhớ về hợp tác Kinh tế - Thương mại giữa hai Bộ Công Thương (3/2018), hai bên đề nghị sớm xây dựng các kế hoạch cụ thể để triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết nhằm thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương, trong đó có các biện pháp về xúc tiến thương mại.
Hai bên kêu gọi giảm bớt các rào cản thương mại, kẻ cả các rào cản kỹ thuật và phi thuế quan. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp chặt chẽ, tham vấn định kì để giải quyết các vấn đề thương mại song phương.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục thúc đẩy đầu tư song phương, trong đó có các dự án hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) trong thăm dò và khai thác dầu khí trên đất liền, thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; khuyến khích hai bên chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm mô hình hợp tác, kể cả với nước thứ ba. Phía Việt Nam hoan nghênh và nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào các dự án năng lượng mới và năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Phía Ấn Độ hoan nghênh và nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, đặc biệt vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, thủy sản, đồ gỗ tại Ấn Độ.
Triển khai Chương trình hành động giai đoạn 2018-2020 giữa hai Bộ Nông nghiệp, hai bên nhất trí sớm họp Nhóm công tác chung về nông nghiệp. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy xem xét các yêu cầu về tiếp cận thị trường với các mặt hàng nông sản, hoa quả và thực phẩm hai nước. (Xem tiếp phần 2)
Theo TTXVN
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024