Việt Nam - Ấn Độ phát huy “sức mạnh mềm” thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược (Phần 1)
Trong thời đại ngày nay, “sức mạnh mềm” đang là vấn đề nổi lên như một nhân tố cơ bản để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia cũng như để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của đất nước trong khu vực và trên thế giới. Sức mạnh mềm đang trở thành công cụ của quan hệ quốc tế giúp các chủ thể trong tương lai chiếm ưu thế, phát huy sức mạnh tổng thể của quốc gia. Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia đang phát triển, có nhiều tiềm năng về “sức mạnh mềm” và đang tích cực, chủ động phát huy nó nhằm nâng cao vai trò, vị thế của mình ở khu vực cũng như trên thế giới. Nghiên cứu, phát huy tiềm năng “sức mạnh mềm”của mỗi nước, cũng như phối kết hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực này là việc làm cần thiết, cấp bách của cả hai quốc gia.
Việt Nam - Ấn Độ phát huy “sức mạnh mềm” thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược
PGS, TS Thái Văn Long*
1. Sức mạnh mềm trong quan hệ quốc tế hiện nay
Mỗi quốc gia hay chủ thể quan hệ quốc tế đều cần có sức mạnh để tồn tại và phát triển trong mối quan hệ với các quốc gia, chủ thể quan hệ quốc tế khác. Sức mạnh của quốc gia bao gồm các nhân tố: vật chất (phần cứng - sức mạnh cứng); tinh thần và ảnh hưởng trong quan hệ quốc tế (phần mềm - sức mạnh mềm). Người ta thường gọi chung cho hai loại sức mạnh này là sức mạnh tổng hợp của quốc gia hay còn gọi là thực lực quốc gia. Sức mạnh cứng của một quốc gia có thể nhận biết tương đối rõ ràng, thông qua những con số cụ thể về tiềm lực quân sự (số lượng và chất lượng quân đội; năng lực chỉ huy; trình độ lý luận quân sự và trang thiết bị, khí tài quân sự, đặc biệt là những vũ khí có sức hủy diệt lớn), thực lực kinh tế (quy mô kinh tế, GDP và cơ cấu kinh tế)... Còn sức mạnh mềm là một nguồn sức mạnh khác cũng có thể nâng cao địa vị quốc tế của quốc gia. Thuật ngữ này vốn được áp dụng trong lĩnh vực ngoại giao, nhưng cũng có thể được áp dụng trong phạm vi rộng hơn để phân tích sức mạnh văn hóa, uy tín quốc tế của một quốc gia, một dân tộc. Năm 1990, Giáo sư Joseph Nye (Hoa Kỳ) đưa ra khái niệm “sức mạnh mềm” là: “năng lực khiến người khác làm những điều mà mình mong muốn thông qua sự hấp dẫn hơn là ép buộc hay trả tiền”[1] là khả năng đoạt lấy thứ mình muốn thông qua sự hấp dẫn thay vì ép buộc; xuất phát từ sự hấp dẫn về văn hóa, tư tưởng chính trị và các chính sách của một quốc gia. Theo đó, một quốc gia được coi là thành công trong việc xây dựng sức mạnh mềm khi dựa trên sức hấp dẫn của văn hóa, quan điểm chính trị và chính sách ngoại giao đủ sức lôi cuốn nước khác đi theo mình, đây chính là những sức mạnh hữu hình chi phối các quan hệ quốc tế.
“Sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm” có mối quan hệ hữu cơ bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Mối quan hệ giữa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm là mối quan hệ giữa cái hữu hình và cái vô hình. Sức mạnh mềm là thể hiện sự nối dài và mở rộng của sức mạnh cứng. Một quốc gia đã yếu kém về kinh tế và quốc phòng thì sẽ khó có thể có sức mạnh mềm đáng kể; ngược lại, sức mạnh mềm sẽ làm tăng sức mạnh cứng, nếu nó được phát huy tốt, Ví dụ, tính thống nhất, đoàn kết dân tộc, sự đồng thuận quốc gia, sự ổn định chính trị của đất nước, sức hấp dẫn về lịch sử, văn hóa và thể chế xã hội,… là những yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh mềm, nếu được phát huy tốt, nó sẽ góp phần làm gia tăng sức mạnh cứng, nhờ đó mà có thể “bất chiến tự nhiên thành”.
Ngược lại, nếu sức mạnh cứng khỏe, nhưng sức mạnh mềm lại yếu kém, không có sức hấp dẫn về thể chế, chính sách, kinh tế, lịch sử và văn hóa,… thì cũng không gây được cảm tình, không cạnh tranh được với thiên hạ. Nói cách khác, sức mạnh cứng và sức mạnh mềm phải dựa vào nhau, hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp quốc gia lớn nhất.
Thực tiễn lịch sử chính trị - xã hội cho thấy ý nghĩa của sức mạnh mềm phụ thuộc vào mục đích sử dụng của từng quốc gia, nhằm tranh giành ảnh hưởng bên ngoài với các quốc gia khác hay đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước. Song, có một điểm chung là quốc gia nào càng có ảnh hưởng sâu rộng, cả về chính trị, văn hóa và kinh tế, thì quốc gia đó càng cần phải sử dụng song song hiệu quả cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Vì thế, trong chiến lược phát triển và hội nhập quốc tế của mỗi quốc gia trong giai đoạn hiện nay cần phải tăng cường cả hai loại sức mạnh này trong mối quan hệ thống nhất, không tách rời nhau. Hiện nay, cả Việt Nam và Ấn Độ đều đang trong quá trình phát triển, xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược (2007), đều có nhu cầu khẳng định và nâng cao vị thế nước mình ở khu vực cũng như trên trường quốc tế, nên việc hợp tác, học hỏi, hỗ trợ nhau cùng phát huy “sức mạnh mềm” của mỗi nước là vô cùng cần thiết.
2. Ấn Độ phát huy “sức mạnh mềm” khẳng định vị thế cường quốc
Ấn Độ là một quốc gia lớn có nhiều lợi thế về sức mạnh mềm như: là một nước dân chủ, trung lập, có chính sách ngoại giao dung hòa, hữu nghị trong các vấn đề quốc tế, có tư tưởng bất bạo động, khoan dung điển hình; là nước có nền công nghệ thông tin phát triển; ngoài ra, Yoga, ẩm thực, âm nhạc, điện ảnh, thời trang, vũ đạo, văn học Ấn Độ đều thu hút được nhiều sự quan tâm, chú ý của thế giới.
Trước hết, khó có thể phủ nhận rằng, Ấn Độ không phải là một nước dân chủ, trung lập ôn hòa trong các vấn đề quốc tế, có tư tưởng bất bạo động, khoan dung điển hình. Trong chuyến thăm Ấn Độ mới đây, khi được hỏi về việc ký kết thỏa thuận bán uranium cho New Delhi, Thủ tướng Australia Tony Abbott đã nói: “Ấn Độ không đe dọa ai và là bạn bè với nhiều nước”[2]. Đây không phải là câu trả lời mang tính ngoại giao đơn thuần, mà nó được lựa chọn cẩn thận dựa trên hình ảnh quốc tế của Ấn Độ, một hình ảnh dung hòa, hữu nghị và có nhiều thiện cảm. Đó là hình ảnh rất hiếm trong số các cường quốc mới nổi như Ấn Độ và có thể sẽ giúp cho Ấn Độ có lợi thế quyền lực mềm đặc biệt trong một thế giới đa cực. Nhiều quốc gia trên thế giới đã nhìn nhận Ấn Độ là một đất nước có nền dân chủ, với tư tưởng bất bạo động tương đối, khoan dung, đứng trung lập trong các vấn đề quốc tế. Trong các quan hệ quốc tế, vai trò của Ấn Độ phần lớn là tích cực, tin cậy. Ví dụ, với thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Ấn, Mỹ đã dành sự đối xử đặc biệt của mình trong hợp tác hạt nhân cho Ấn Độ. Thỏa thuận này mang lại những lợi ích thường dành cho các quốc gia ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Mỹ biện minh cho việc hợp tác với Ấn Độ trong vấn đề hạt nhân bằng cách đã làm rõ các bằng chứng cứ về “việc không phổ biến vũ khí hạt nhân” của Ấn Độ. Quan điểm này được các quốc gia khác đồng tình, bao gồm cả các quốc gia thành viên của Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG), vốn đã cho phép Ấn Độ tham gia vào lĩnh vực thương mại hạt nhân quốc tế và ủng hộ cho thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Ấn.
Trên thực tế, uy tín của Ấn Độ cũng đã vượt ra ngoài vấn đề hạt nhân. Từ khi giành được độc lập, quốc gia Nam Á này được xem là cường quốc trung lập và “vô hại” với các quốc gia khác, đặc biệt là ở châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ và Nam Á. Điều này có được một phần là do vai trò nổi bật của Ấn Độ trong Phong trào Không liên kết. Các quốc gia Nam Á không nhìn nhận Ấn Độ là một mối đe dọa theo cách mà các nước này đã và đang nhìn vào Trung Quốc. Đây là một lợi thế lớn giúp cho Ấn Độ phát huy được sức mạnh mềm của mình hiện nay.
Trong hơn 60 năm qua, Ấn Độ đã nỗ lực không ngừng xây dựng một hình ảnh đất nước Ấn Độ bất bạo động, hiền hòa. Điều này thể hiện rõ trong lĩnh vực hạt nhân và các quan hệ quốc tế. Mặc dù đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân vào năm 1974, 1998 và là một quốc gia không ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT cũng như Hiệp ước cấm thử vũ khí toàn diện, nhưng Ấn Độ vẫn là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất cho việc giải trừ quân bị toàn cầu.
Ấn Độ cũng tìm cách xây dựng hình ảnh đất nước bất bạo động trong nhiều lĩnh vực khác trong chính sách đối ngoại của mình. Liên quan đến quy tắc "Trách nhiệm bảo vệ" (R2P), Ấn Độ đã lên tiếng ủng hộ cho những quy định trong quy tắc này nhằm khuyến khích và hỗ trợ các quốc gia bảo vệ người dân của mình, và thể hiện hết sức thận trọng với quy định cưỡng chế của R2P. Khi các cuộc tranh luận quốc tế nảy lửa trở nên quá gay gắt tại Liên hiệp quốc về quy định cưỡng chế của R2P, Đại sứ Ấn Độ đã nhấn mạnh quan điểm hòa bình trong bài phát biểu của mình với các ngôn từ phi bạo lực, được các nước đón nhận đầy thiện cảm. (Xem tiếp phần 2)
* Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[1] Joseph S. Nye Jr, Soft Power: The means to success in world politics, Public Affair, New York, 2004, tr.x
[2] Dẫn theo:Công Thuận “Lợi thế sức mạnh mềm của Ấn Độ” Báo Dân trí ngày 30-9-2014
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục