Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Yoga là gì?

Yoga là gì?

04:07 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Yoga thực chất là sự rèn luyện tâm linh trên cơ sở một môn khoa học cực kỳ tinh tế, với trọng tâm là mang lại sự hài hòa giữa Thân và Tâm, chính là mối liên kết giữa cơ thể hay thể xác với Tâm Trí và Linh hồn. Đó là khoa học và nghệ thuật sống khỏe mạnh. Cái tên "Yoga" xuất phát từ tiếng yuj trong tiếng Phạn (Sanskrit) có nghĩa là "liên kết", "kết hợp" hay "hợp nhất". Theo kinh sách Yoga, thực hành Yoga sẽ dẫn đến sự hợp nhất của tâm thức cá nhân và tâm thức vũ trụ. Theo các nhà khoa học hiện đại, bất cứ thứ gì trong vũ trụ này chẳng qua cũng chỉ là sự biểu lộ của cái cõi giới phân lượng ấy mà thôi. Người nào cảm nhận được tính nhất thể của sự hiện hữu thì được coi là "trong trạng thái Yoga" và được gọi là hành giả Yoga - người đạt đến trạng thái giải thoát hay mukti, nirvana (niết bàn), kaivalya hay moksha.

"Yoga" cũng hàm nghĩa là một môn khoa học nội tâm bao gồm các phương pháp khác nhau mà qua đó, con người có thể đạt tới sự nhất thể giữa Thân và Tâm để tự chứng ngộ. Mục đích của thực hành Yoga (sadhana) là vượt qua mọi sự khổ đau để tiến tới sự tri giác về giải thoát cho mọi tầng lớp người, với sức khỏe tổng thể, hạnh phúc và hòa hợp.

Vắn tắt về lịch sử và phát triển yoga

Khoa học Yoga ra đời từ hàng ngàn năm trước đây, sớm hơn rất nhiều so với thời điểm các tôn giáo hay hệ thống tín ngưỡng đầu tiên xuất hiện. Theo cuốn cẩm nang Yoga, thần Shiva được coi là hành giả Yoga đầu tiên (Yogi hay adiyogi) và guru (bậc thầy, đạo sư) hay adiguru. Vài ngàn năm trước, bên bờ hồ Kantisarovar ở Himalaya, adiyogi này đã tuôn trào kiến thức sâu sắc của mình lên “7 vị hiền giả” hay saptarishis huyền thoại, Các hiền giả đó mang khoa học Yoga hùng mạnh tới các vùng miền trên thế giới bao gồm cả châu Á, Trung Đông, Bắc Phi và Nam Mỹ. Thực là thú vị, các học giả hiện đại cũng đã nhận thấy và ngưỡng mộ những điểm song trùng và gần gũi giữa các nền văn hóa cổ xưa trên toàn cầu. Tuy nhiên, chính ở Ấn Độ, hệ thống Yoga mới biểu hiện một cách trọn vẹn. Hiền giả (saptarishi) Agastya đã chu du khắp tiểu lục địa Ấn Độ và kết hợp văn hóa này vào cốt lõi là lối sống Yoga.

Yoga được thừa nhận rộng rãi như một “kết quả văn hóa bất tử” của nền văn minh thung lũng Indus Saraswati, phát nguồn từ 2700 năm trước CN, đã chứng tỏ khả năng giúp con người nâng cao thể chất và tinh thần. Một số Ấn chương và di vật hóa thạch của Văn minh Thung lũng Indus Saraswati có mô-típ Yoga và hình người tập các thế Yoga Sadhana cho thấy, Yoga đã hiện hữu ở Ấn Độ cổ đại. Ấn chương và đồ tượng Thánh Mẫu gợi ý cho ta về sự tồn tại của Tantra Yoga (Yoga Mật Tông). Yoga cũng xuất hiện trong các truyền thống dân gian, trong di sản Vệ Đà và Upanishad, truyền thống Phật giáo và Kỳ-na (Jain) giáo, trong Darshanas, sử thi Mahabharata, bao gồm cả Bhaga-wadgita và Ramayana, trong truyền thống hữu thần giáo của Shaivas, Vaishnavas và Mật Tông. Mặc dù Yoga được thực hành ngay cả trước thời Vệ-đà nhưng Đại hiền giả Maharishi Patanjali là người đã hệ thống hóa và quy chuẩn hóa các lối thực hành Yoga khi đó, ý nghĩa của nó cũng như các tri thức có liên quan trong cuốn sách của ông có tên là Kinh thư Yoga (Yoga Sutras).

Sau Patanjali, nhiều hiền giả và bậc thầy Yoga, có đóng góp rất lớn cho bảo tồn và phát triển lĩnh vực này qua các lối thực hành được ghi lại trong các ấn bản và thư tịch. Yoga đã lan rộng ra toàn thế giới qua các bậc thầy Yoga xuất sắc từ thời cổ đại đến nay. Ngày nay, ai ai cũng tin chắc vào khả năng thực hành Yoga để phòng chống bệnh tật, duy trì và nâng cao sức khỏe. Hàng triệu triệu người khắp trái đất hưởng những lợi lạc từ thực hành Yoga và Yoga đang phát triển và trở nên rực rỡ hơn theo năm tháng.

Những nguyên tắc cơ bản của Yoga

Yoga tác động ở cấp độ thân thể, trí óc, cảm xúc và năng lượng của con người. Có 4 loại Yoga: Karma Yoga - khi chúng ta vận dụng cơ thể; Jnana Yoga - khi chúng ta vận dụng trí óc; Bhakti Yoga - khi chúng ta vận dụng cảm xúc; và Kriya Yoga - khi chúng ta vận dụng năng lượng. Mỗi hệ thống Yoga mà chúng ta thực hành sẽ rơi vào phạm vi một hay nhiều loại hình Yoga trên.

Mỗi cá nhân là một sự kết hợp độc nhất của bốn yếu tố đã liệt kê ở trên. Chỉ có bậc sư phụ (guru) mới có thể chủ trương kết hợp thích hợp 4 con đường cơ bản cần thiết cho từng môn sinh. “Toàn bộ các chú giải cổ xưa về Yoga đều nhấn mạnh đến tính thiết yếu là phải thực hành dưới sự hướng dẫn của một guru”.

Các trường phái Yoga truyền thống

Các triết thuyết, truyền thống, môn đệ hay dòng truyền thừa sư phụ - môn sinh (guru-shishya paramparas) của Yoga là nguyên nhân khiến xuất hiện các trường phái truyền thống như: Jnana Yoga, Bhakti Yoga, Karma Yoga, Patanjila Yoga, Kundalini Yoga, Hatha Yoga, Dhyana Yoga, Mantra Yoga, Laya Yoga, Raja Yoga, Jain Yoga, Bouddha Yoga… Mỗi trường phái lại có cách tiếp cận và lối thực hành của riêng mình nhằm đạt được mục tiêu và mục đích cuối cùng của Yoga.

Thực hành Yoga vì sức khỏe và phúc lạc

Các lối thực hành Yoga được áp dụng rộng rãi là: Yama, Niyama, Asana, Pranayama, Pratyahara, Dharana, Dhyana, Samadhi, Bandhas và Mudras, Shatkarmas, Yuktahara, Mantra-japa, Yukta-karma,...

Yamas là kiêng giới và Niyamas là trí giới (tuân thủ theo giới) được xem như là điều kiện tiên quyết để thực hành tiếp Yoga. Asanas có khả năng đem lại sự bình ổn cho thân và tâm; "kuryat-tadasanam-sthairyam" bao gồm thực hành các dạng thức tâm lý-thể chất khác nhau, và cho người ta khả năng duy trì một tư thế (nhận thức bình ổn của bản thân về sự tồn tại về mặt cấu trúc) trong một khoảng thời gian đáng kể.

Pranayama bao gồm phát triển khả năng chú tâm vào hơi thở, được tiếp nối bằng sự điều khiển có dụng ý luồng hơi thở như là nền tảng chức năng hay sự sống cho sự tồn tại của con người. Nó giúp phát triển nhận thức về tâm và giúp ta chế ngự được tâm. Ở giai đoạn đầu tiên, tập luyện là thông qua phát triển sự nhận thức về hơi thở - hít ra - hít vào (svasa-prasvasa) qua mũi, miệng và các khiếu khác nhau trên cơ thể, những đường mạch dẫn bên trong và bên ngoài, cũng như các điểm đến. Rồi sau đó, hình thức này thay đổi, thông qua quá trình "hít vào" được theo dõi, kiểm soát và điều tiết (svasa), dẫn đến sự nhận biết về khoảng nào trong cơ thể được lấp đầy (puraka); các khoảng nào trong trạng thái tràn đầy (kumbhaka) rồi trở nên cạn rỗng (rechaka) trong quá trình "thở ra" được theo dõi, kiểm soát và điều tiết (prasvasa).

Pratyahara chỉ sự thoát ly (rút lui) tâm thức khỏi các giác quan (Căn) vốn liên quan tới cảnh giới bên ngoài (Trần). Dharama hàm ý một trường tập trung chú ý rộng rãi (vào bên trong Thân và Tâm) mà thông thường được hiểu là Định (chú tâm).

Dhyana (Thiền) là sự quán chiếu (tập trung chú ý cao độ bên trong thân và tâm) và cuối cùng là Samadhi (đại định) hay là sự tỉnh giấc.

Bandhas và Mudras là các lối thực hành gắn với Pranayama. Bandhas và Mudras được nhìn nhận như là loại thực hành Yoga cao nhất, bao gồm các động tác cơ thể nhất định đi đôi với kiểm soát hơi thở. Điều này tiếp tục giúp kiểm soát Tâm và là nền tảng mở đường cho sự chứng đạt Yoga cao hơn. Tuy nhiên, luyện tập Thiền (dhyana) được coi là tinh túy của Yoga Sadhana, khi hướng hành giả quay trở về tự tri giác bản thân và dẫn đến tình trạng siêu thức.

Satkarmas là quy trình giải độc mà về bản chất có tính chất trị liệu, giúp người ta giải tỏa được độc tố tích tụ trong cơ thể. Yuktahara chủ trương dùng thực phẩm thích hợp và có lối ăn thích hợp để sống khỏe mạnh.

Mantra Japa: Japa là sự tham thiền lặp đi lặp lại một câu mật chú (linh trí). Mantra Japa sản sinh ra những đường tinh thần tích cực, giúp ta dần dần vượt qua căng thẳng.

Yukta-karma ủng hộ những hành động (karma) đúng đắn để sống khỏe mạnh.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn:

Cùng chuyên mục