“Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” - sự tác động tới Việt Nam, thời cơ và thách thức (Phần 1)
TS. Mai Diệu Anh*
TÓM TẮT
Trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, thế giới diễn ra những biến động mạnh mẽ và nhanh chóng với sự trỗi dậy của châu Á và một loạt các quốc gia trong khu vực đã lập nên những thành tích mà ít người tưởng tượng được như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN,…
Từ thực tiễn sự trỗi dậy của nền kinh tế mới Ấn Độ, những động thái của Trung Quốc, sự hỗn loạn địa chính trị gia tăng ở châu Á và vùng biển khu vực này đã thúc đẩy Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định thực hiện chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” với sự ủng hộ của ba nước lớn là Ấn Độ, Nhật Bản và Australia tạo nên nhóm “Đối thoại an ninh bốn bên”. Mục tiêu mà bốn bên đề ra là phát triển theo hướng tự do và rộng mở, từ đó tạo ảnh hưởng đối với các quốc gia còn lại trong khu vực, trong đó Ấn Độ sẽ là quốc gia có tiềm năng lớn, trách nhiệm lớn đối với an ninh trong khu vực và là trung tâm của chiến lược.
Sự kết nối ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội… sẽ thúc đẩy thế kỷ này thành thế kỷ của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” đang tác động mạnh mẽ tới Việt Nam, tạo nên thời cơ thuận lợi để Việt Nam thiết lập và phát triển quan hệ thương mại - đầu tư với hầu hết các nền kinh tế trong khu vực, trong đó có các đối tác thương mại chính là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore…, giúp chúng ta tranh thủ nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ, quốc phòng an ninh, phát triển văn hóa, xã hội… đặc biệt là sự duy trì luật pháp và chuẩn mực quốc tế trong khu vực được triển khai mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những triển vọng tươi sáng, cũng cần nhận thức những thách thức mà chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” tác động tới Việt Nam như sự bất đối xứng về kinh tế tạo rủi ro về “lệ thuộc thương mại”, diễn biến phức tạp của xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp diễn khiến Việt Nam phải hết sức nỗ lực để tránh những tác động xấu. Để phát huy hiệu quả thời cơ mà chiến lược đem lại cho Việt Nam, cần chú ý tới những giải pháp như thúc đẩy sự phát triển kinh tế thông qua sự tích cực thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, kết nối kết cấu hạ tầng hàng hải, hàng không chặt chẽ, thúc đẩy hợp tác trên biển, tranh thủ các diễn đàn đa phương và sự ủng hộ của ASEAN trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, tăng cường hợp tác về văn hóa và cảnh giác với những âm mưu lợi dụng quá trình hội nhập ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình” đối với nước ta./.
Trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, thế giới đã có những chuyển biến mạnh mẽ làm thay đổi cục diện. Càng ngày, thuật ngữ chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” càng được nhắc đến nhiều hơn. Vậy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được hiểu như thế nào.
1. Thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở”
Thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khái niệm được tiếp cận dưới góc độ địa - sinh học để chỉ khu vực các nước nhiệt đới trải dài từ bờ Tây Ấn Độ Dương tới tây và Trung Tây Thái Bình Dương cùng các vùng biển nối liền hai đại dương này. Khu vực này vốn đã có sự kết nối tự nhiên trên nhiều lĩnh vực địa lý, kinh tế, văn hóa, lịch sử qua nhiều thế kỷ. Hiện nay, khu vực này được biết đến với ba nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Một số thị trường kinh tế với tốc độ phát triển nhanh chóng mặt được biết đến như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh,… Các quốc gia trong khu vực có quy mô quân đội được công nhận là lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan và Austrailia. Chính bởi vậy, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã, đang và sẽ trở thành khu vực tranh giành tầm ảnh hưởng, là mối quan tâm lớn của các cường quốc trên thế giới.
Về lịch sử tên gọi, Bộ trưởng cấp cao Singapore năm 2005 là Ngô Tác Đống đã từng phát biểu tại lễ khai trương Viện Nghiên cứu Nam Á đầu năm 2005 rằng: “Sự trỗi dậy của Ấn Độ buộc chúng ta phải xem xét môi trường của chúng ta trên những phương diện mới. Việc coi Nam Á và Đông Á là các chiến trường chiến lược riêng biệt chỉ tương tác ở vùng ngoại vi sẽ ngày càng ít được chấp nhận hơn. Dĩ nhiên, quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Nhật Bản vẫn sẽ là quan trọng. Nhưng một tam giác quan hệ chiến lược lớn mới giữa Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ được xếp chồng lên đó, tạo ra một môi trường phức tạp hơn”.
Khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” thực chất được đưa ra khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với những động thái ủng hộ tích cực tác động tới quyết định của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã mời Ấn Độ tham dự với tư cách là một thành viên sáng lập Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) năm 2005. Năm 2007, trong nhiệm kỳ đầu của mình, Thủ tướng Shinzo Abe đã phát biểu trước Nghị viện Ấn Độ về vấn đề Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương như là “sự kết nối năng động của hai vùng biển tự do và thịnh vượng” ở châu Á. Và cũng chính Nhật Bản là quốc gia định hình rõ ràng khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương qua bài phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ vào tháng 8/2017 của Thủ tướng Nhật Bản: “Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương hiện đang tạo ra một sự kết nối mạnh mẽ như là những vùng biển tự do và phồn thịnh. Một châu Á rộng lớn hơn phá bỏ các ranh giới địa lý hiện đang bắt đầu được định hình một cách rõ ràng. Hai nước chúng ta có khả năng - và trách nhiệm - đảm bảo rằng nó mở rộng hơn nữa và nuôi dưỡng và làm giàu những vùng biển này”.
Nhật Bản là một trong những quốc gia tích cực triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khi họ tăng cường hợp tác với các quốc gia Ấn Độ, Mỹ, Australia và ASEAN. Cũng chính Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã là người lần đầu tiên nêu ý tưởng về một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” tạo cảm hứng cho Chính quyền ông Donald Trump thay đổi chính sách châu Á của mình.
Xuất phát từ thực tiễn sự trỗi dậy của nền kinh tế mới Ấn Độ, dấu tích của Trung Quốc và sự hỗn loạn địa chính trị gia tăng ở châu Á và các vùng biển ở khu vực này, Tổng thống Mỹ Donald Trump, tháng 11/2017, đã không gọi với cái tên “châu Á - Thái Bình Dương” như bình thường mà xác định rõ khu vực này là “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Thực chất của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là “Ấn Độ hướng đến phương Tây và Mỹ hướng đến phương Đông”. Từ đó, có thể nói rằng, việc ra đời và mở rộng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ hướng tới mục tiêu bảo vệ lợi ích của thị trường, bảo vệ vấn đề dân chủ và nhân quyền theo phương châm của Mỹ, bảo vệ tự do và an ninh giao thông đường biển của Mỹ tại khu vực. Thêm nữa, do bên Trung Quốc có những nỗ lực đáng lo ngại, như sáng kiến “Vành đai và Con đường” trực tiếp thách thức tới vai trò của Mỹ tại khu vực này, trong khi đó, giải quyết những sự việc này lại chưa có cơ chế đa phương về an ninh tập thể mà chỉ dựa vào hiệp định và thỏa thuận song phương như Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ, Hiệp ước về phòng thủ chung Mỹ - Hàn Quốc,… Từ đây, Mỹ chủ trương tập hợp lực lượng, củng cố mối quan hệ với các đồng minh trong khu vực, đặc biệt chú trọng vai trò của Ấn Độ trong quá trình bảo vệ lợi ích, củng cố vị trí siêu cường quốc về kinh tế, quyền lực chính trị, quân sự và ngoại giao của mình ở khu vực.
Australia là quốc gia có bờ biển giáp cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, được kỳ vọng là nhà xuất khẩu khí ga hóa lỏng lớn nhất thế giới vào năm 2020. Đây là quốc gia có lợi ích và tiềm năng lớn của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cũng là một trong bốn quốc gia góp phần quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chính Australia đã phổ biến thuật ngữ này. Cựu Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith là người ủng hộ tích cực chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sách Trắng Quốc phòng Australia nói tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một khu vực quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia này.
Động lực chính trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phải kể đến Trung Quốc. Trong thời gian qua, quốc gia này đã liên tiếp có những động thái công khai đứng ngoài luật pháp quốc tế khi xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Trung Quốc đã mở một căn cứ quân sự tại một cảng biển ở Djibouti phía Đông châu Phi, xúc tiến mở thêm các căn cứ không quân, hải quân khác, thuê nhiều hòn đảo tại Maldives nhằm xây đài quan sát biển làm căn cứ triển khai các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo ở Ấn Độ Dương. Những động thái này thể hiện tham vọng thông qua bàn đạp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở rộng biên giới ra vùng biển quốc tế của Trung Quốc.
Vì thế, ngay khi chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được đưa vào và cụ thể hóa trong Chiến lược An ninh Quốc gia 2017 và Chiến lược Quốc phòng 2018 của Mỹ, Trung Quốc mà đặc biệt là Bắc Kinh đã đưa ra những phản ứng dữ dội, cho rằng: “Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi chính sách làm lợi cho mình bằng cách gây tổn hại lợi ích của các quốc gia khác”. (Xem tiếp phần 2)
* TS. Mai Diệu Anh, Học viện An ninh nhân dân.
** Bài tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” tổ chức ngày 24/8/2018 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục