Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tham dự Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 33 - Vietnam Expo 2024

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tham dự Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 33 - Vietnam Expo 2024

Sáng ngày 05/04/2024, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội (I.C.E), lãnh đạo và cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham dự Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 33 - Vietnam Expo 2024 do Bộ Công Thương Việt Nam chủ trì, Cục Xúc tiến Thương mại chỉ đạo và Công ty VINEXAD tổ chức.

06:37 05-04-2024 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

ThS. Vũ Thế Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng một số cán bộ Trung tâm tham quan gian hàng của các doanh nghiệp đến từ Việt Nam, Ấn Độ và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác. 

Năm 2024, Hội chợ Vietnam Expo lần thứ 33 được tổ chức từ ngày 03 đến ngày 06 tháng 04 tại Trung tâm triển lãm Quốc tế Hà Nội (ICE) với sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp hiện diện tại 600 gian hàng đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hội chợ trưng bày các nhóm ngành hàng đa dạng và đặc sắc, trong đó chia thành 05 nhóm ngành hàng: (1) Khu gian hàng Xúc tiến Xuất khẩu & Đầu tư Việt Nam; (2) Khu gian hàng Quốc tế; (3) Điện tử – Máy móc thiết bị & Công nghiệp hỗ trợ; (4) Công nghệ Số – Thương mại điện tử; (5) Công nghiệp Thực phẩm.

Tại Vietnam Expo 2024, Ấn Độ tham gia với tư cách là quốc gia khách mời danh dự do Cơ quan Xúc tiến Thương mại (ITPO) trực thuộc Bộ Công thương Ấn Độ dẫn đoàn. Khu trưng bày của Ấn Độ có tổng cộng 12 gian hàng, với sự hiện diện nổi bật của gian hàng Cơ quan Xúc tiến thương mại cùng với sự tham gia của các công ty như Spark Minda, KCP, Tata Coffee Việt Nam, Ngân hàng Ấn Độ, Công ty cảng & Khu kinh tế đặc biệt Adani, Điện tử Bharat, Ion Exchange, Allanasons, thực phẩm đông lạnh Marhaba, Fair Exports, Tập đoàn Marico Đông Nam Á,... Các gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm đa dạng trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, cơ sở hạ tầng như cảng biển, vận tải và logistics, chế biến nông sản, hàng tiêu dùng, sản xuất đường, xi măng, xử lý nước thải, điện tử, linh kiện ô tô.

Lãnh đạo và cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi với một số công ty Ấn Độ tại Hội chợ nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai quốc gia với tư cách là Đối tác chiến lược toàn diện. Đại diện KCP, công ty sản xuất và kinh doanh các sản phẩm phục vụ cho ngành xi măng và đường, cho biết, để đẩy mạnh hợp tác giao lưu giữa các doanh nghiệp đến từ hai quốc gia và gắn kết nền kinh tế, thị trường giữa Việt Nam và Ấn Độ, “các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ, tiến tới nền kinh tế toàn cầu hóa. Việt Nam đang tập trung phát triển lĩnh vực du lịch, chưa chú trọng đổi mới công nghệ. Các ngành hàng như sản xuất xi măng, đường, khoáng sản,... cần phải được áp dụng các công nghệ hiện đại để phát triển nhanh hơn.” 

Trong lĩnh vực thương mại, Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á, chiếm tỷ trọng gần 80% xuất khẩu của Việt Nam đến khu vực này. Thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ, liên tục đạt tăng trưởng đều đặn trong những năm qua. Theo số liệu từ cổng thông tin Bộ Công thương, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ năm 2023 đạt 14,36 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ đạt kim ngạch 8,5 tỷ USD nổi bật với nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, tiếp đến là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ trong năm 2023 chỉ đạt 5,86 tỷ USD. Ấn Độ trở thành một trong tám đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, trong khi Việt Nam nằm trong nhóm bốn quốc gia dẫn đầu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong quan hệ thương mại với Ấn Độ. 

Sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong việc thu hút đầu tư và hợp tác phát triển ngoại thương bền vững. Đối với các công ty Ấn Độ, đây là cơ hội để tiếp cận, trao đổi với các đối tác kinh doanh, thương mại, đầu tư tiềm năng nhằm đẩy mạnh các hoạt động hợp tác kinh doanh sâu rộng hơn giữa hai nước. 

Tác giả: Tin: Lan Anh; Ảnh: Bảo Hà

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục