“Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” - sự tác động tới Việt Nam, thời cơ và thách thức (Phần 2)
TS. Mai Diệu Anh*
Về quan điểm của New Delhi, trước đây, họ còn khá ngần ngại với thuật ngữ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cựu Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh sử dụng thuật ngữ này một vài lần, và cố vấn của cựu Thủ tướng - ông Shivshankar Menon - đã đưa ra quan điểm sau: “Lý do tôi phản đối việc gọi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một không gian là vì nếu chúng ta làm vậy, thì có nguy cơ đưa ra một giải pháp cho các vấn đề an ninh khác nhau gây lo lắng ở Ấn Độ Dương, các vùng biển gần Trung Quốc và Tây Thái Bình Dương”.
Từ 2016, thuật ngữ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được New Delhi sử dụng một cách thường xuyên hơn, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ khi đó - ông Manohar Parrikar - đã tuyên bố: “Đối với Ấn Độ, do chúng tôi nằm ở trung tâm lục địa châu Á rộng lớn tiếp giáp với hai bờ Ấn Độ Dương, nên bất kỳ sự đề cập nào đến châu Á đều ám chỉ toàn bộ khu vực địa lý trải dài từ kênh đào Suez đến bờ Thái Bình Dương”. Sang năm 2017, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã sử dụng thuật ngữ trên nhiều lần. Và trong bối cảnh của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sự hợp tác Ấn Độ - Mỹ được xác lập rõ ràng hơn, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ N. Modi, với vai trò các bên quản lý và có trách nhiệm ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đã nhất trí rằng, một mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Mỹ và Ấn Độ có ý nghĩa trung tâm đối với hòa bình và sự ổn định trong khu vực”.
Không phải ngẫu nhiên mà Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được lựa chọn thay thế cho châu Á - Thái Bình Dương. Vai trò của Ấn Độ trong chiến lược này là thực sự nổi bật. Càng ngày càng có nhiều phát biểu của các nhà nghiên cứu quốc tế coi Ấn Độ là một siêu cường quốc hết sức đáng gờm trong tương lai. Trong lĩnh vực quân sự, Ấn Độ là một trong chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, lực lượng quân đội của Ấn Độ cũng hết sức đông đảo và đứng thứ hai thế giới. Đây là đất nước mà năm 2016 đã vượt qua Trung Quốc, trở thành nền kinh tế chủ đạo có mức tăng trưởng cao nhất thế giới là 7,1% (trong khi Trung Quốc chỉ đạt mức 6,7%). Dự kiến năm 2024, Ấn Độ sẽ chiếm vị trí là quốc gia đông dân nhất thế giới của Trung Quốc hiện tại. Và cho tới năm 2030, Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Sự trỗi dậy của Ấn Độ được các quốc gia phương Tây đón nhận một cách hào hứng, khác hẳn với Trung Quốc, khi sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc thực hiện đã bị các quốc gia phương Tây chỉ trích gay gắt do sự thiếu minh bạch, chất lượng thấp, là sự xâm phạm lãnh thổ nghiêm trọng.
Từ sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, bốn quốc gia có vai trò quan trọng trong hình thành và mở rộng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ trở thành những nước thành viên của nhóm “Đối thoại an ninh bốn bên”. Dù cho mỗi bên có quan điểm không trùng khớp nhau về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng họ đều chung quan điểm Ấn Độ có tiềm năng lớn, có trách nhiệm lớn đối với an ninh trong khu vực và là trung tâm của chiến lược này.
Về thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở”
Giải thích về “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định tại Hội nghị APEC ở Đà Nẵng tháng 11/2017, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương - ông Alex Wong - phát biểu, theo ông, trong chiến lược, hai yếu tố chính là “tự do” và “rộng mở”.
“Tự do” theo ông Wong được hiểu là các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ được hưởng quyền tự do hơn để theo đuổi con đường phát triển riêng.
“Rộng mở” theo ông Wong, rộng mở về đầu tư trực tiếp nước ngoài để đạt tới thương mại hai chiều, tự do, công bằng.
“Rộng mở” còn được hiểu với nghĩa phát triển về kết cấu hạ tầng cho phù hợp để có sự hội nhập và tăng trưởng kinh tế thực sự.
Ông Wong còn cho rằng, “rộng mở” phù hợp với mong muốn của Mỹ là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương còn có thể mở rộng hơn nữa, trước là về đường biển và đường không, sau là đường bộ, đường thủy,…
Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia đang phát triển theo hướng tự do và rộng mở, từ đó tạo ảnh hưởng lớn đối với các quốc gia còn lại trong khu vực.
2. Sự tác động tới Việt Nam: Những thời cơ và thách thức
Có thể thấy, trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, thế giới có những biến động mạnh mẽ, nhanh chóng và toàn diện. Chuyển dịch mạnh mẽ có tính nổi bật phải kể đến sự trỗi dậy của châu Á. Nếu như tính từ 100 năm trước đây, phần lớn châu lục này vẫn còn rơi vào tay các cường quốc, chiến tranh liên miên kéo theo sự tàn phá về giá trị vật chất và tinh thần đối với nền kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội. Vậy mà chỉ 100 năm sau, sang đầu thế kỷ XXI, các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN,… đã lập nên những kỳ tích khó ai tưởng tượng được, và các quốc gia này đều nằm trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Sự hình thành và tham gia tích cực vào các dự án, chính sách, chiến lược của các quốc gia trong khu vực có thể kể đến như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực của ASEAN và sáu nước đối tác; chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ; sáng kiến liên kết “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và không thể không kể đến chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Nhật Bản; tầm nhìn “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Hoa Kỳ,… Sự kết nối ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội,… trong tương lai gần sẽ thúc đẩy xu hướng đưa thế kỷ này thành thế kỷ của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Mỹ đang nỗ lực gắn chặt Ấn Độ vào chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sự quả quyết hơn của New Delhi trong thảo luận bốn bên cùng Mỹ, Nhật Bản, Australia đối với vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương càng làm chiến lược này thêm vững vàng. Vào ngày 12/11/2017, tại Philippines, trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN 31 và Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 12 tại Manila (12-14/11/2017), lãnh đạo cấp cao bốn bên Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia đã có cuộc họp bàn về tình hình an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sau đó, các bên đã đạt sự thống nhất khi cho rằng, một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và thịnh vượng sẽ tạo điều kiện cho tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đạt lợi ích lâu dài.
Đối với Việt Nam, sự tác động của chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” làm cho Việt Nam có nhiều thay đổi về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đáng khích lệ và thời cơ đưa đến cho Việt Nam là không hề ít ỏi.
Trước hết, phải kể đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ trong khuôn khổ chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Lịch sử mối quan hệ giữa Việt Nam với Ấn Độ được ghi nhận kể từ đầu Công nguyên khi các tăng sĩ người Ấn đưa Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào Việt Nam. Ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ đến Việt Nam thể hiện trên nhiều lĩnh vực, nhất là văn hóa xã hội, làm cho các luận thuyết như Luật Nhân quả, Tứ diệu đế ăn sâu vào tiềm thức người dân Việt. Phật giáo Ấn Độ đã có một quá trình đủ lâu để thấm dần vào đời sống tinh thần người Việt, dung hòa các tôn giáo và học thuyết chính trị - xã hội ở Việt Nam như Nho giáo và Đạo giáo,… Có dịp đi lễ chùa sẽ thấy lối kiến trúc trong các ngôi chùa ở Việt Nam là tiền Phật hậu thần, trong chùa có thờ các vị thần, vị thánh và các anh hùng dân tộc,… Chính vì thế, Phật giáo Việt Nam đã đóng góp nhiều giá trị vật chất và tinh thần, làm nên nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam. Đặc biệt, về kiến trúc, các ngôi chùa chịu ảnh hưởng của kiến trúc chùa tháp, lầu chuông gác trống trong kiến trúc Ấn Độ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây khi đến thăm Ấn Độ cũng đã từng khẳng định: “Ấn Độ là một nước độc lập, hùng mạnh, đã có nhiều cống hiến quý báu cho hòa bình châu Á và thế giới”. Mối quan hệ này được phát triển cho đến nay, hai bên đang trong quá trình đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động giai đoạn 2017 - 2020 đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Việt Nam - Ấn Độ đã có cả một quá trình lịch sử tốt đẹp, cho đến nay, trong bối cảnh quốc tế phức tạp nhưng cũng có nhiều thời cơ thuận lợi cho sự phát triển mà phải kể đến chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở”, hai nước đã xây dựng và hướng tới mục tiêu một Việt Nam giàu mạnh, phát triển bền vững, một Ấn Độ hùng cường, có uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khẳng định: “Việt Nam là ưu tiên cao nhất trong nỗ lực tăng cường quan hệ của Ấn Độ với châu Á - Thái Bình Dương”.
Không chỉ chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ, Việt Nam nằm ở khu vực đa dạng nhất về văn hóa, chính trị, tôn giáo còn chịu ảnh hưởng lớn từ các nước phương Tây. Với vị trí địa lý đặc biệt của mình ở ASEAN, Việt Nam có vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng tháng 11/2017, chỉ vài ngày trước cuộc gặp bốn bên về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu, trong đó khẳng định “Việt Nam - trái tim của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Điều đó càng khẳng định những diễn biến trong triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang có tác động sâu rộng tới Việt Nam.
Nhìn nhận một cách khái quát, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khiến cho sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc ít chi phối tới các quốc gia có bờ biển trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Khu vực này đang dần trở thành một sân chơi mới mà ở đó luật chơi đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, tự do và cởi mở. Khu vực này đang tập trung rất nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, nơi hội nhập kinh tế đang diễn ra sôi động hơn bao giờ hết kèm với sự gia tăng các hiệp định thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực. Bắt kịp thời cơ, Việt Nam đã thiết lập và phát triển quan hệ thương mại - đầu tư với hầu hết các nền kinh tế trong khu vực, trong đó các đối tác thương mại chính là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, từ đó khai thác có hiệu quả những tiềm lực để phát triển. (Xem tiếp phần 3)
* TS. Mai Diệu Anh, Học viện An ninh nhân dân.
** Bài tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” tổ chức ngày 24/8/2018 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục