Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

“Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” - sự tác động tới Việt Nam, thời cơ và thách thức (Phần 3)

“Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” - sự tác động tới Việt Nam, thời cơ và thách thức (Phần 3)

03:58 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

TS. Mai Diệu Anh*

Chiến lược này cũng tạo ra cho Việt Nam thêm nhiều thời cơ thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh… Gia tăng sự cạnh tranh và quan hệ giữa các cường quốc cũng sẽ tạo cơ hội cho các nước phát triển, trong đó có Việt Nam tranh thủ hợp tác xây dựng, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, hiện đại hóa quân đội.

Vậy là, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng sẽ khiến Mỹ và các cường quốc khác có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam phát triển thịnh vượng hơn. Trật tự khu vực sẽ có sự can thiệp mạnh tay hơn từ các nước lớn trên cơ sở duy trì bằng luât pháp và chuẩn mực quốc tế. Điều này sẽ có lợi cho Việt Nam, tránh đi những động thái công khai đi trái với luật pháp quốc tế và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nước ta như trước đây.

Nói về những triển vọng tươi sáng cũng cần tỉnh táo nhìn nhận những thách thức mà khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tác động tới Việt Nam. Chuyển động mạnh mẽ trong khu vực đã cho thấy cấu trúc cũ là châu Á - Thái Bình Dương đang có sự đan xen lợi ích từ các nhân tố mới tham gia vào quá trình, làm tăng thêm tính phức tạp của quá trình định hình an ninh khu vực.

Trong quan hệ kinh tế của Việt Nam và các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang tồn tại sự bất đối xứng. So với các nền kinh tế  như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc,… Việt Nam có sự nhập siêu lớn đối với Trung Quốc, xuất siêu lớn đối với thị trường Mỹ và phụ thuộc vào các đối tác đầu tư. Chúng ta đang mắc phải sự “lệ thuộc thương mại” về kinh tế. Điều này gây nên sự rủi ro lớn trong tương lai nếu các đối tác điều chỉnh chính sách kinh tế, tài chính hoặc chính các nền kinh tế này gặp trục trặc. Những bài học lớn trong lịch sử mà chúng ta không thể quên như sự lệ thuộc vào thị trường cá Ba sa của chúng ta đối với thị trường Mỹ, sự tàn phá môi trường của Formusa, Vedan, trở thành các “bãi rác công nghiệp” của những dự án đầu tư của Trung Quốc,…[1].

Có thể nói rằng, khu vực này là trọng điểm trong cạnh tranh quyền lực và ảnh hưởng gay gắt giữa các quốc gia lớn mạnh. Hợp tác và cạnh tranh, mở cửa và cô lập, tự do và bảo hộ, ôn hòa và cực đoan, đoàn kết và chia rẽ giữa các quốc gia vẫn còn diễn ra hết sức gay gắt. Khu vực vẫn tồn tại các điểm nóng, vẫn diễn biến của xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tranh chấp tài nguyên, ô nhiễm môi trường,… Mục tiêu hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn cần nỗ lực để hiện thực hóa.

Cần xác định chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được hình thành, tồn tại bên cạnh sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ chạy đua vũ trang, xung đột, căng thẳng, đối đầu trong khu vực nhất là các vùng điểm nóng như Biển Đông, Biển Hoa Đông, lãnh thổ Đài Loan và bán đảo Triều Tiên. Sự công khai bồi đắp và xây dựng, quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông mà gần đây là cuộc tập trận hải quân với sự hiện diện của nhóm tàu tán công duy nhất với đội hình tàu chiến di chuyển với tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tại khu vực biển Đông có liên quan các quốc gia Philipines và Việt Nam. Liên quan trực tiếp tới Việt Nam, phía Trung Quốc đã đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông thông qua hành động cho máy bay ném bom diễn tập trên quần đảo Hoàng Sa, bố trí tên lửa tại các cơ sở xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đưa hàng chục tàu cá vào phía sâu vùng biển của Việt Nam, chỉ cách khu vực đảo Lý Sơn từ 40 - 50 hải lý. Cơ sở cho những động thái của Trung Quốc không xuất phát từ việc tuân thủ luật pháp quốc tế mà trên “cơ sở lịch sử”, thực chất là sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách nghiêm trọng, vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN, đi ngược lại Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc[2]. Tuy nhiên, nếu nhận thấy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tồn tại như một sự bao vây và ngăn chặn thì Trung Quốc sẽ có khả năng tăng cường những căng thẳng địa chính trị cho các quốc gia có liên quan. Việt Nam lúc đó cũng sẽ chịu những tác động từ căng thẳng trên.

Riêng đối với khối ASEAN mà Việt Nam là một thành viên tích cực thì không tránh khỏi nguy cơ trở thành đối tượng bị lôi kéo, ảnh hưởng lớn trong quá trình lôi kéo, tập hợp lực lượng kiềm chế, ngăn chặn nhau của các nước lớn, chủ yếu giữa một bên là Mỹ và đồng minh trong bộ tứ Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Mỹ với Trung Quốc. Tại Hội nghị An ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại Sangri-La 17) ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã nhấn mạnh vai trò của ASEAN, trong đó có sự đóng góp tích cực của Việt Nam, khẳng định: “An ninh và tự do chỉ có thể được đảm bảo bằng sự độc lập của mỗi quốc gia với bất kỳ một cường quốc nào và bằng sự hợp tác tự nguyện của mỗi nước với tất cả các cường quốc khác”.

3. Giải pháp phát huy hiệu quả của chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” của Việt Nam

Trước tình hình hiện nay, để phát huy hiệu quả và đạt được triển vọng trước thời cơ mà chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” Việt Nam cần thực hiện những giải pháp sau đây:

Trước hết, cần đảm bảo sự phát triển về kinh tế của các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, xác định đây là trọng tâm và động lực của sự phát triển. Các quốc gia trong khu vực cần tích cực thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, kết nối kết cấu hạ tầng, hàng hải, hàng không một cách chặt chẽ. Trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, cần duy trì và củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Trong quan hệ Việt Nam với Mỹ, cần thực hiện chính sách nhất quán nhằm xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, nhất là về kinh tế, sau là chính trị và an ninh, hai bên cùng có lợi. Việc thúc đẩy quan hệ với Mỹ sẽ tạo nội lực phát triển kinh tế, nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Quá trình trao đổi, hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực kinh tế và thương mại cũng cần phải đẩy mạnh, tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực như thăm dò và khai thác dầu khí,…

Hai là, thúc đẩy hợp tác về biển, có ý nghĩa đối với môi trường Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển. Việt Nam cần nghiêm túc và nỗ lực trong xây dựng trật tự trên biển, giải quyết nhanh chóng, mềm dẻo và có hiệu quả các tranh chấp trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luât Biển năm 1982. Các quốc gia trong khu vực cần thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ trong phát triển kinh tế biển nhờ kết nối hàng hải, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững các tài nguyên biển,…

Các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong thảo luận có tính hợp tác ở các diễn đàn đa phương để xây dựng và định hình các nguyên tắc, quy tắc và khuôn khổ về hợp tác để đóng góp chung vào ngôi nhà quốc tế, đảm bảo hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Việt Nam cần tranh thủ tiếng nói và ảnh hưởng của Mỹ trong các diễn đàn đa phương và sự ủng hộ của ASEAN trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, thực hiện đa phương hóa, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông

Ba là, coi trọng tăng cường hợp tác về văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Việt Nam vốn là quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng và có sự dung hợp văn hóa, cần tranh thủ tiếp thu những tinh hoa văn hóa truyền thống của các quốc gia trong khu vực nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bốn là, Việt Nam cần cảnh giác với những âm mưu lợi dụng quá trình hội nhập, lợi dụng việc tham gia quan hệ với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để thực hiện “diễn biến hòa bình” đối với nước ta. Cảnh giác cao độ để tránh rơi vào tình huống các nước lớn vì lợi ích của mình sẵn sàng xâm hại lợi ích và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Cảnh giác với những chiêu bài tự do tôn giáo, tự do nhân quyền, dân chủ để bôi xấu chế độ, tạo những bất ổn về chính trị ở Việt Nam. Yếu tố tiên quyết là chúng ta phải củng cố đoàn kết nội bộ, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ sức mạnh quốc tế, sức mạnh thời đại, dựa trên luật pháp quốc tế, chủ động đối thoại, vừa có thái độ mềm mỏng, linh hoạt, vừa cương quyết, cứng rắn để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, đưa nước ta sánh vai với cường quốc năm châu đúng như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII: “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”[3]./.

 

[1] Xem: Cù Chí Lợi (2016): Thách thức và cơ hội trong hội nhập của Việt Nam tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Văn kiện Đại hội XII của Đảng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, Hà Nội, tr381

[2] Xem: Vũ Hồng Khanh (2018): Thách thức an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - “vấn đề nóng” ở đối thoại Sangri - La lần thứ 17, Tạp chí Báo cáo viên số 6, tháng 6

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr79

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

2. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (2016): Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Văn kiện Đại hội XII của Đảng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, Hà Nội

3. Vũ Hồng Khanh (2018), “Thách thức an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - “vấn đề nóng” ở đối thoại Sangri - La lần thứ 17”, Tạp chí Báo cáo viên, số 6, tháng 6.

4. Phùng Hữu Phú, Lê Hữu Nghĩa, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Viết Thông (2016), Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.


* TS. Mai Diệu Anh, Học viện An ninh nhân dân.

** Bài tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” tổ chức ngày 24/8/2018 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.​

Nguồn:

Cùng chuyên mục