Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ, hội nghị thượng đỉnh Quad và động lực địa chính trị của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Ấn Độ, hội nghị thượng đỉnh Quad và động lực địa chính trị của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Ý nghĩa của Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ (Quad) lần thứ nhất là ở chỗ nó đã giúp củng cố mối quan hệ giữa Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Úc trong khuôn khổ địa chính trị mạnh mẽ hơn. Hội nghị thượng đỉnh Quad cũng giúp tăng cường các mối quan tâm chung lên cấp khu vực, giúp giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả hơn. Quad cũng đã tạo cơ hội cho Ấn Độ đồng bộ hóa ngoại giao địa chính trị và địa kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo cách hiệu quả hơn, do đó chứng minh vị thế của cường quốc.

03:32 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hội nghị thượng đỉnh Quad trực tuyến, diễn ra vào ngày 12/3/2021, là một sự kiện quan trọng liên quan đến sự phát triển của Quad với tư cách là một nhóm khu vực chiến lược. Trên thực tế, cần phải làm sáng tỏ một số diễn biến chính, có thể được gọi là các yếu tố cấu trúc, diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh Quad để hiểu được ý nghĩa địa chính trị của nó. Đó là: a) Hội nghị thượng đỉnh này đang diễn ra theo trật tự toàn cầu sau đại dịch, trong đó vấn đề cốt lõi là làm thế nào để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế và hỗ trợ lẫn nhau như “phát triển vắc xin” chung và tạo ra một “chuỗi cung ứng vắc xin” để kiềm chế đại dịch; b) Mối quan tâm ngày càng tăng về thiết chế bá quyền của Trung Quốc trong nền chính trị toàn cầu (đặc biệt là sau thời kỳ hậu đại dịch) là nguyên nhân khiến cộng đồng quốc tế lo ngại, điều tương tự cũng có thể thấy ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; c) Sự nổi lên của Ấn Độ như một nhà cung cấp vắc xin ngừa Covid cho cộng đồng toàn cầu; và d) Cam kết chung đối với trật tự Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một chất xúc tác cho quá trình đảm bảo an ninh cho khu vực này của các nước thành viên nhóm Quad.

Chúng ta có thể nói thêm ở đây rằng, các quốc gia thành viên của nhóm Quad cũng thường đặt câu hỏi về hiệu quả của nhóm này. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý ở đây là nhóm Quad không chỉ tập trung vào các vấn đề an ninh trong trật tự Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như nhận thức chung, mà còn nhấn mạnh đến khía cạnh đảm bảo an ninh như thể hiện rõ trong hội nghị thượng đỉnh Quad gần đây. Điều này có thể thấy rõ từ việc Quad tập trung vào việc cung cấp vắc xin, các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu cũng như “đảm bảo an toàn kỹ thuật số”. Về vấn đề này, ngày càng có nhiều lo ngại về vai trò “gây rối” của Trung Quốc trong việc nhấn mạnh các mối đe dọa kỹ thuật số, trong đó có cả xâm nhập trái phép trên không gian mạng (hack). Các báo cáo gần đây cho biết thêm rằng, Trung Quốc đã tham gia vào việc hack phần mềm của các đơn vị sản xuất Covid của Ấn Độ. Khía cạnh thứ ba, Quad nhấn mạnh vào sự hỗ trợ lẫn nhau về mặt công nghệ cùng với hỗ trợ tài chính.

Một khía cạnh quan trọng cần tập trung là khái niệm “liên minh dân chủ” và “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Trên thực tế, cuộc họp ngoại trưởng của các nước Quad, diễn ra tại Tokyo vào tháng 10/2020, cũng tập trung vào một số khía cạnh này, có thể được coi là chất xúc tác cho hội nghị thượng đỉnh Quad lần này.

Tuy nhiên, vào ngày 12/3/2021, bình luận viên Colm Quinn của tạp chí Foreign Policy, đã viết rằng, Bộ tứ nên mở rộng phạm vi để trở nên phù hợp làm cho nó phù hợp hơn. Quinn đề xuất các chủ đề “biến đổi khí hậu”, “chuyển giao công nghệ”, “an ninh hàng hải” để làm cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phù hợp hơn trong trật tự địa chính trị toàn cầu. Evan Feigenbaum và James Schwemlein trong một bài báo có tiêu đề “Làm thế nào Biden có thể khiến bộ tứ bền vững” nhấn mạnh rằng “Để dẫn đầu, các nước Quad phải chứng minh bằng hành động, không chỉ bằng lời nói, rằng họ đang đóng góp lớn vào việc giải quyết vấn đề kinh tế lớn, xuyên quốc gia, và những thách thức về môi trường, là những mối quan tâm chung của số đông trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Ở đây, chúng ta có thể nhớ lại rằng “Hội nghị Bộ trưởng Bộ tứ Ấn Độ-Úc-Nhật Bản-Mỹ lần thứ 3” diễn ra vào ngày 18/2/2021 cũng đã cố gắng đưa ra các động lực mới cho các khía cạnh chức năng của Bộ tứ. Như cuộc họp Bộ trưởng đã nhấn mạnh “những nỗ lực không ngừng để chống lại đại dịch Covid-19, bao gồm cả các chương trình tiêm chủng. Họ bày tỏ cam kết hợp tác để giải quyết thách thức này, tăng cường khả năng tiếp cận với vắc xin, dược phẩm và thiết bị y tế với giá phải chăng”. Cuộc họp cấp Bộ trưởng cũng đánh giá cao “những nỗ lực của Ấn Độ trong việc cung cấp vắc xin cho 74 quốc gia”.

Có thể nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh Quad lần đầu tiên, diễn ra theo hình thức trực tuyến, trong bối cảnh như đã phân tích ở trên. Hội nghị thượng đỉnh Quad vạch ra những gì mà nhóm đa phương này dự định đạt được trong tương lai. Bản Tuyên bố chung của nhóm Quad - The Spirit - đã xua tan những quan niệm sai lầm liên quan đến nhóm này. Trong đó quan điểm sai lầm nhất là nhóm Quad là một “liên minh quân sự” của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm mục đích “đối phó với Trung Quốc”.

Tuyên bố chung “Tinh thần của Quad” (Quad Spirit) đã chỉ rõ, “những nỗ lực chung của chúng ta hướng tới tầm nhìn tích cực này đã nảy sinh từ một thảm kịch quốc tế, trận sóng thần năm 2004. Ngày nay, sự tàn phá toàn cầu do COVID-19 gây ra, mối đe dọa của biến đổi khí hậu và những thách thức an ninh phải đối mặt trong khu vực đã mang chúng ta tới mục đích mới”. Điều mà người ta có thể suy ra từ tuyên bố trên là Bộ tứ đang đa dạng hóa các mục tiêu thường được coi là phi quân sự về bản chất, rất cần thiết để đảm bảo an ninh bền vững.

Một thành phần quan trọng, được chú ý nhiều trong Hội nghị thượng đỉnh Quad, là các vấn đề mang tính quy luật như dân chủ, pháp quyền cùng với việc nhấn mạnh tính đa cực. Một số chủ đề nêu trên là cốt lõi của sự tranh cãi giữa các nước thành viên Quad và Trung Quốc. Như tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh bốn nêu rõ “Chúng tôi ủng hộ pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ”. Đây là một gợi ý trực tiếp về sự lấn lướt của Trung Quốc đối với các nước láng giềng. Có thể nhấn mạnh rằng, trong những năm qua, Trung Quốc đang tham gia vào một loạt các cuộc xung đột cả ở Biển Đông (của Việt Nam) và Biển Hoa Đông. Điều này cũng đang thúc đẩy xung đột vũ trang trong khu vực. Ngay trước hội nghị thượng đỉnh Quad, Nhật Bản gọi hành động gây hấn của Trung Quốc là “chống lại luật pháp quốc tế”. Như tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh đã nêu: “Chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên vai trò của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt như được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác, bao gồm cả trong lĩnh vực an ninh hàng hải, để đáp ứng những thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở phía Đông và Nam Trung Quốc”.

Một vấn đề nổi bật, đã được chú ý nhiều trong hội nghị thượng đỉnh Quad, là liên quan đến các vấn đề khí hậu. Điều này càng xảy ra khi Washington tái tham gia Đàm phán Khí hậu Paris sau khi Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ. Ở đây có thể nhắc lại rằng, động thái này của Quad trong việc tạo ra sự đồng thuận về các vấn đề khí hậu là một cột mốc quan trọng đối với việc giải quyết các hậu quả tiêu cực của các vấn đề khí hậu. Đồng thời, hội nghị thượng đỉnh Quad đã nỗ lực hướng tới đạt được “công bằng khí hậu” bằng cách khởi xướng “các hành động khí hậu trên toàn cầu về giảm nhẹ, thích ứng, khả năng chống chịu, công nghệ, nâng cao năng lực và tài chính khí hậu”. Tuy nhiên, một điểm khác biệt giữa Ấn Độ và Mỹ trong Công ước khí hậu Paris là “các phản ứng khác biệt”, Quad cần giải quyết điểm này.

Ý nghĩa của hội nghị thượng đỉnh Quad nằm trong việc thể chế hóa hội nghị vì tuyên bố bộ tứ nêu bật cuộc họp thường xuyên giữa các nhà hoạch định chính sách và các quan chức cấp cao. Động thái này ở một mức độ lớn sẽ giải quyết các vấn đề phức tạp mà các thành viên Quad đang phải đối mặt và sẽ giúp họ phát triển một biện pháp chung đối phó với các mối đe dọa. Một vấn đề khác cần được duy trì ở đây là vì nhiều nước châu Âu cũng muốn tham gia nhóm này. Điều này có thể mang lại một dạng cân bằng chiến lược mới cho địa chính trị toàn cầu về lâu dài.

Nhóm Quad cũng đang mang lại nhiều cơ hội mới cho Ấn Độ để điều hướng chính sách ngoại giao chiến lược cả ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Bằng cách tạo dựng mối quan hệ đối tác với Mỹ và Úc, Ấn Độ có thể mang lại sự ổn định địa chính trị cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đồng thời, Ấn Độ là một cường quốc Ấn Độ Dương cũng có thể thúc đẩy các lợi ích địa kinh tế của riêng mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương một cách hiệu quả hơn. Quad sẽ giúp Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn trong các thể chế đa phương như tại Liên hợp quốc.

Có thể nhấn mạnh rằng, Ấn Độ ở cấp độ song phương đang duy trì quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và Úc ở một hình thức mạnh mẽ hơn. Quan hệ của Ấn Độ với các quốc gia này trên nhiều lĩnh vực, từ chiến lược đến kinh tế. Trên thực tế, trước Hội nghị thượng đỉnh Quad, Ấn Độ đã công bố học thuyết chiến lược dưới hình thức An ninh và Tăng trưởng cho Mọi người trong Khu vực (học thuyết SAGAR) ở khu vực Ấn Độ Dương vào năm 2015. Ngoài ra, còn cần phải nhắc tới một sức mạnh tổng hợp lớn hơn trong các mục tiêu của SAGAR và Quad. Điều này đã được phản ánh trong bài phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại hội nghị thượng đỉnh Quad khi ông tuyên bố: “chúng ta đoàn kết với nhau bằng các giá trị dân chủ và cam kết của chúng ta đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm”.

Tóm lại, có thể khẳng định rằng, sự thành công của nhóm này chắc chắn sẽ bổ sung thêm một khía cạnh mới cho hợp tác khu vực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cần nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên các quốc gia này tham gia vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì họ cũng tham gia vào nhiều nhóm khu vực khác như vậy. Tuy nhiên, điểm độc đáo của Quad nằm ở việc đưa 4 quốc gia này lên một nền tảng chung đồng thời đưa ra quan điểm an ninh bắt nguồn từ logic địa chính trị của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tác giả: Tiến sĩ Nalin Kumar Mohapatra, trợ lý giáo sư, Trường Nghiên cứu Quốc tế CRCAS, Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi, Ấn Độ.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: India, Quad Summit and the Geopolitical Dynamics of the Indo-Pacific – Kalinga Institute of Indo-Pacific Studies (kiips.in)

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục