Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam (Qua những tư liệu, sự kiện lịch sử quan hệ hai nước từ năm 1975 đến nay) (Phần 2)

Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam (Qua những tư liệu, sự kiện lịch sử quan hệ hai nước từ năm 1975 đến nay) (Phần 2)

Từ năm 1975 trở đi, dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, dù tình hình mỗi nước gặp không ít khó khăn, nhưng có thể nói, Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam, kể cả những thời điểm khó khăn nhất. Đây là điều hết sức đáng quý, đáng trân trọng mà ít mối quan hệ nào có được trong một thế giới đầy phức tạp, biến đổi khó lường.

03:34 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam 
(Qua những tư liệu, sự kiện lịch sử 
quan hệ hai nước từ năm 1975 đến nay)

PGS, TS Nguyễn Cảnh Huệ*  

1.4. Hai chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Rajiv Gandhi (1985, 1988)

Một trong những minh chứng của việc Ấn Độ luôn đứng bên cạnh Việt Nam trong những năm tháng Việt Nam gặp khó khăn là hai chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ diễn ra chỉ trong vòng 3 năm (1985-1988). Đây cũng là thời gian mà tình hình ở Ấn Độ rất phức tạp, khó khăn, đòi hỏi người đứng đầu Chính phủ phải quan tâm giải quyết, nhưng Thủ tướng Rajiv Gandhi đã tới thăm Việt Nam hai lần trong khoảng thời gian ngắn. Điều này cho thấy Thủ tướng rất có tình cảm với nhân dân Việt Nam và quan tâm tới quan hệ với Việt Nam. Điều rất có ý nghĩa và cần nhấn mạnh ở đây nữa là, cả hai chuyến thăm của Thủ tướng Rajiv Gandhi đến nước ta khi nước ta đang trong những năm tháng khó khăn gay gắt do cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và sự bao vây cấm vận của các thế lực thù địch và chuyến thăm thứ  hai được tiến hành ngay sau khi Trung Quốc vừa đánh chiếm một số đảo của nước ta ở Trường Sa (tháng 3-1988, Trung Quốc đánh chiếm 6 đảo ở quần đảo Trường Sa của nước ta thì tháng 4-1988 Thủ tướng Rajiv Gandhi  đến thăm Việt Nam) đã đem đến cho nhân dân ta nguồn cổ vũ, động viên to lớn. Trong diễn văn đáp từ lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm này, Thủ tướng Rajiv Gandhi khẳng định: “Ấn Độ đã ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ các bạn trong các nỗ lực phát triển kinh tế và sẽ luôn luôn đứng về phía Việt Nam trong bất cứ hoàn cảnh nào, Ấn Độ sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam theo yêu cầu”. Sau khi về nước, ngày 22-4-1988, khi đọc báo cáo tại Hạ nghị viện về thành tích ngoại giao của Ấn Độ, Thủ tướng nhấn mạnh: “Việt Nam là người bạn thực sự chân thành. Hai nước đã xác lập được sự thông cảm chính trị, kinh tế, góp phần tăng cường và bảo vệ hoà bình ở khu vực”[1]. Đó quả là những lời động viên, cổ vũ  hết sức quý giá lúc đó đối với nước ta, nhất là trong những năm tháng nước ta gặp nhiều khó khăn, thử thách.

Những chuyến thăm Việt Nam này của Thủ tướng Ấn Độ và kết quả tốt đẹp của nó đã nâng quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, trở thành một trong những sự kiện có tầm quan trọng bậc nhất của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong thời kỳ này, đưa quan hệ Việt Nam -  Ấn Độ phát triển lên một bước mới. Đánh giá về ý nghĩa hai chuyến thăm Việt Nam trên đây của Thủ tướng Rajiv Gandhi, V. P. Đát - nhà nghiên cứu người Ấn Độ nổi tiếng trong lĩnh vực quan hệ quốc tế - đã nhận xét như sau: “Các nhà lãnh đạo Việt Nam, Ấn Độ nhiều lần viếng thăm lẫn nhau, nhưng quan hệ hai nước thực sự được nâng lên quy mô mới khi Rajiv Gandhi trở thành Thủ tướng và đến thăm Việt Nam từ 28-11-1985”[2].

1.5. Ấn Độ là một trong những nước đầu tư sớm vào Việt Nam khi  Việt Nam ở trong tình trạng bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận gay gắt

Ngay sau khi nước ta công bố Luật Đầu tư nước ngoài vào năm 1987 và trong bối cảnh đất nước bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận kinh tế gay gắt, năm 1988, Ấn Độ tham gia đầu tư vào nước ta. Đây là điều rất đáng trân trọng. Đầu tư của Ấn Độ trong thời kỳ này tập trung vào việc thăm dò và khai thác dầu khí. Ấn Độ là nước đầu tiên ký Hiệp định Thăm dò và Khai thác dầu khí với Việt Nam (5-1988). Sau khi ký Hiệp định, công ty dầu khí Ấn Độ đã cử đến Việt Nam một đoàn chuyên gia để nghiên cứu và khoan thám sát trên một vài khu vực thuộc thềm lục địa Việt Nam. Đến nay, Ấn Độ là một trong những nước gặt hái được khá nhiều thành công về đầu tư ở Việt Nam, trong đó có lĩnh vực dầu khí, mặc dầu Ấn Độ luôn chịu áp lực từ phía Trung Quốc.

1.6. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ - Ngài Venkartaraman (4/1991)

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ - Ngài Venkartaraman - diễn ra vào tháng 4-1991, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng toàn diện đang diễn ra tại Liên Xô và các nước Đông Âu và ngay cả Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn của những năm đầu đổi mới, đang bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận gay gắt. Chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ  đã đem đến cho Việt Nam nguồn cổ vũ, động viên to lớn. Đây cũng là sự động viên lẫn nhau giữa hai người bạn thân thiết, cùng cảnh ngộ (đều là đồng minh của Liên Xô)[3]

 1.7. Về sự giúp đỡ của Ấn Độ đối với Việt Nam

 Mặc dù dân số đông và tình hình kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự thông cảm về những khó khăn, gian khổ mà nhân dân Việt Nam phải chịu đựng, Ấn Độ đã giúp đỡ nhân dân ta từ lâu. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 1988, Thủ tướng Rajiv Gandhi nói: “Ấn Độ sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam theo yêu cầu”[4]. Có thể nói, sự giúp đỡ của Ấn Độ đối với nước ta chưa nhiều, nhưng đặt trong hoàn cảnh hai nước còn gặp nhiều khó khăn thì sự giúp đỡ đó thật đáng quý và trân trọng. Không chỉ giúp Việt Nam về kinh tế, Ấn Độ còn giúp Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học-công nghệ, quân sự,… Riêng trong lĩnh vực giáo dục, trong nhiều năm nay, mỗi năm Ấn Độ giành cho Việt Nam trên dưới 100 suất học bổng để đào tạo chuyên gia trên nhiều lĩnh vực.

Sự giúp đỡ của Ấn Độ góp phần giúp Việt Nam vượt qua những thời điểm khó khăn nhất, cũng như bổ sung chuyên gia trên một số lĩnh vực của đất nước.  (Xem tiếp phần 3)

 

* Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

[1] Xem Báo Nhân dân, ngày 21-4-1988, Báo Quân đội Nhân dân, ngày 23-4-1988.

[2] Xem V. P. Đát: Chính sách đối ngoại của  Ấn Độ, M., 1988, tr.375 (Tiếng Nga).

[3] Trong cuộc hội đàm, hai bên nhất trí sớm xác định các lĩnh vực hợp tác và thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và khoa học – kỹ thuật. Hai bên đồng ý việc thành lập chi nhánh ngân hàng Ấn Độ tại Việt Nam, ký hiệp định hàng không dân dụng, chương trình trao đổi văn hoá những năm 1991-1993, Ấn Độ giúp Việt Nam xây dựng một trung tâm công nghiệp vừa và nhỏ. Tổng thống Venkartaraman nhấn mạnh: “Chính sách trước sau như một của Ấn Độ là tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Ấn Độ sẵn sàng hợp tác và giúp đỡ Việt Nam  trong các nỗ lực phát triển kinh tế, đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, phát triển khoa học-kỹ thuật và đào tạo cán bộ. Tổng thống đánh giá cao chính sách đối ngoại hoà bình, hữu nghị và hợp tác của Việt Nam, quyết tâm và thiện chí của Việt Nam nhằm tìm giải pháp chính trị thỏa đáng cho vấn đề Campuchia (Xem Báo Nhân dân, ngày 26 - 29/4/1991).

[4] Trong thời kỳ nước ta bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận gay gắt, Ấn Độ đã cho nước ta vay 534.337 tấn bột mì, 4.4931 tấn gạo, 800 triệu rupi tín dụng Chính phủ và 437 triệu rupi tín dụng của ngân hàng xuất, nhập khẩu Ấn Độ với lãi suất thấp,... Năm 1992, Ấn Độ cho Việt Nam vay 13 triệu USD và Việt Nam trả thông qua hình thức cung cấp gạo cho Ấn Độ. Từ 1994, hai nước chuyển sang hợp tác chăn nuôi dê sữa và Ấn Độ đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 500 con. Năm 1999, Ấn Độ cho Việt Nam vay hai khoản tín dụng trị giá khoảng 27 triệu USD. Tháng 2-1999, hai nước đã ký biên bản thoả thuận về việc Ấn Độ giúp Việt Nam xây dựng hai trung tâm phần mềm tin học bằng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Ấn Độ. Trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Trần Đức Lương năm 1999, Chính phủ  Ấn Độ cam kết giúp Việt Nam về vốn, kinh nghiệm, đào tạo cán bộ, chuyên gia để phát triển phần mềm máy tính thành một ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam,...  (Theo: *Tài liệu của Bộ Ngoại giao Việt Nam; * theo Đặng Ngọc Hùng, Sđd,  tr. 22)

Nguồn:

Cùng chuyên mục