Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ mở cửa thị trường thầu công cho doanh nghiệp nước ngoài nhằm thúc đẩy đàm phán thương mại

Ấn Độ mở cửa thị trường thầu công cho doanh nghiệp nước ngoài nhằm thúc đẩy đàm phán thương mại

Ấn Độ sắp cho phép doanh nghiệp Mỹ và các nhà thầu nước ngoài tiếp cận một phần thị trường mua sắm công trị giá hàng chục tỷ USD, nhằm thúc đẩy đàm phán hiệp định thương mại với Washington.

03:00 23-05-2025 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Theo hai quan chức am hiểu vụ việc, chính phủ Ấn Độ sẽ mở cửa cho doanh nghiệp Mỹ chào thầu các gói thầu liên bang trị giá khoảng 50–60 tỷ USD, trong tổng khối lượng mua sắm công ước tính 700–750 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, các hợp đồng của chính quyền bang và địa phương sẽ vẫn được giữ nguyên chế độ ưu tiên dành cho doanh nghiệp nội địa.

Trước đó, đầu tháng này, New Delhi đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Anh, cho phép doanh nghiệp Anh tiếp cận thầu liên bang trong các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và xây dựng, trên cơ sở tương hỗ. “Trong bước chuyển chính sách mới, Ấn Độ sẽ từng bước mở một phần thị trường mua sắm công cho các đối tác thương mại, bao gồm Mỹ, theo nguyên tắc tương hỗ,” một quan chức cho biết.

Nguồn tin thứ hai xác nhận: “Ngay sau khi Hiệp định với Anh có hiệu lực, chúng tôi sẵn sàng triển khai ngay với Mỹ.” Cả hai đều xin được giấu tên do chi tiết đàm phán chưa được công bố. Bộ Thương mại Ấn Độ hiện chưa có phản hồi về kế hoạch mở rộng này.

Ấn Độ từ lâu đã từ chối gia nhập Thỏa thuận Mua sắm Chính phủ (GPA) của WTO, với lý do cần bảo vệ doanh nghiệp nhỏ nội địa. Tuy nhiên, theo báo cáo rào cản thương mại tháng 3 của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), chính sách hạn chế đã khiến cơ hội chào thầu của doanh nghiệp Mỹ bị thu hẹp và thường xuyên thay đổi.

Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal vừa có chuyến công du Washington nhằm đẩy nhanh đàm phán, với mục tiêu đạt thoả thuận tạm thời vào đầu tháng 7. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ tạm ngừng áp thuế nhập khẩu trong 90 ngày đối với các đối tác lớn, bao gồm mức thuế 26% áp lên hàng nhập từ Ấn Độ.

Về cơ chế dành cho doanh nghiệp nhỏ, Anil Bhardwaj – Tổng thư ký Liên đoàn Doanh nghiệp Vi mô, Nhỏ và Vừa Ấn Độ (FISME) – khẳng định chính phủ vẫn giữ nguyên tỷ lệ 25% khối lượng gói thầu dành riêng cho nhóm này. Theo ông, “Việc mở cửa mua sắm công theo cơ chế tương hỗ không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp Ấn Độ vươn ra thị trường quốc tế.”

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục