Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ năm 2022: Tận dụng năng lực sản xuất và phục hồi kinh tế

Ấn Độ năm 2022: Tận dụng năng lực sản xuất và phục hồi kinh tế

Khi làn sóng Covid thứ ba sắp xuất hiện ở Ấn Độ, chính phủ Ấn Độ sẽ phải phục hồi nhu cầu tiêu dùng và đồng thời kiểm soát lạm phát.

06:47 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Những động lực thay đổi nền kinh tế Ấn Độ

Nền kinh tế Ấn Độ từ trước đến nay được coi là nền kinh tế hạn chế về nguồn cung. Tuy nhiên, kể từ khi cải cách năm 1991, các báo cáo cho thấy Ấn Độ đã chuyển đổi từ nền kinh tế bị hạn chế về cung sang bị hạn chế về nhu cầu - điều này về cơ bản có nghĩa là các biện pháp khắc phục phải được tập trung vào các chính sách nhắm vào các yếu tố can thiệp mang tính trọng cầu, thay vì trọng cung. Không nên chỉ đổ lỗi cho đại dịch Covid cho sự suy giảm kinh tế hiện nay, mà nguyên nhân là sự tiếp nối của các xu hướng đã có từ trước và sự suy giảm về tổng cầu do đại dịch gây ra. 

Theo truyền thống, tất cả các nền kinh tế tư bản đều là nền kinh tế bị hạn chế về cầu. Điều này là do sự hiện diện của tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên hoặc sự sẵn có của “đội quân lao động dự bị”. Ngược lại với điều này, các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cổ điển có hệ thống kế hoạch hóa tập trung, để đảm bảo rằng, không có khả năng dư thừa trong hệ thống sản xuất, dẫn đến nền kinh tế bị hạn chế về cung. Ấn Độ, đã áp dụng mô hình kinh tế hỗn hợp sau khi nước nhà giành độc lập, và đã phải đối mặt với vấn đề đặc biệt trong những năm độc lập đầu tiên. Năng lực chưa được tận dụng đáng kể trong lĩnh vực công nghiệp, nhưng lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực, phần lớn vẫn bị hạn chế về nguồn cung.

Các vấn đề liên quan đến nguồn cầu của nền kinh tế Ấn Độ có thể được xác minh thực nghiệm từ việc quan sát sự thay đổi của các thông số như tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ tồn kho, mức độ sử dụng công suất và tỷ lệ lạm phát. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng gấp đôi trong các năm 2017-2019. Tương tự, đối với một nền kinh tế hạn chế về nguồn lực, nhu cầu tăng lên sẽ làm cho giá cả tăng lên, vì nền kinh tế là một nền kinh tế hiệu quả (sử dụng toàn bộ vốn và lao động). Đây là hiện tượng diễn ra trong lĩnh vực nông nghiệp của Ấn Độ. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2019, lạm phát giá thực phẩm tiêu dùng bình quân hàng năm ở mức 1,3%, so với thập kỷ 90 và giai đoạn 2008-2016, ở mức trung bình khoảng 9,8%, cho thấy điều kiện tổng cầu đang chùng xuống ngay cả trước khi đại dịch xảy ra.

 

Tận dụng năng lực, nhu cầu tiêu thụ và niềm tin của nhà đầu tư

Mức độ tận dụng năng lực, được đo bằng tỷ số giữa sản lượng thực tế được sản xuất ra trong nền kinh tế với sản lượng tiềm năng có thể được sản xuất dựa trên các nguồn lực của nền kinh tế, là một thước đo chính xác về khả năng dư thừa hiện có trong nền kinh tế. Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI) thực hiện các cuộc khảo sát định kỳ với các ngành sản xuất để đo lường mức độ sử dụng công suất của họ, đây là chỉ số đánh giá mức độ nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất ở Ấn Độ trong một thời kỳ nhất định. Trong giai đoạn 2016–17 đến 2021–22 (Quý 1), mức độ sử dụng công suất trong các ngành sản xuất của Ấn Độ vẫn ở mức dưới 75%, với xu hướng giảm dần qua các năm. Trong quý đầu tiên của giai đoạn 2020-21, tỷ lệ này đã giảm mạnh; tuy nhiên, phần lớn được cho là do các biện pháp phong tỏa mà chính phủ đã công bố. Tuy nhiên, ngay cả sau khi các hạn chế được nới lỏng, việc sử dụng công suất trong sản xuất vẫn không thể phục hồi hoàn toàn.

Ngoài ra, tỷ lệ tổng hàng tồn kho trên doanh thu của các ngành sản xuất cũng có xu hướng tăng so với cùng kỳ. Điều này có thể nhận thấy do hai hiện tượng chính, đó là tăng trưởng sản xuất hàng hóa/nguyên liệu cuối cùng cao hơn so với tăng trưởng doanh thu hoặc giảm doanh thu mặc dù đã sản xuất đầy đủ. Tuy nhiên, tăng trưởng sản lượng cao hơn so với doanh số bán hàng cũng phản ánh mức độ sử dụng công suất ngày càng tăng trong giai đoạn đó, nhưng hiện tượng này đã không xảy ra. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng thực tế trong lĩnh vực sản xuất đã giảm dẫn đến giảm doanh số bán hàng. Trong bối cảnh này, rất tiếc là các doanh nghiệp chỉ nên giữ lại các khoản đầu tư trong tương lai nếu tận dụng được năng lực sản xuất hiện còn chưa được sử dụng hết.

Việc kiểm tra kỹ hơn thành phần hàng tồn kho sẽ giúp chúng ta hiểu biết về tâm lý kinh doanh. Tổng tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh thu được phân tích thành tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh thu cuối cùng và tỷ lệ tồn kho nguyên vật liệu trên doanh thu. Trong khi cả hai tỷ lệ này đều có xu hướng tăng trong vài năm qua, tốc độ tăng của tồn kho nguyên vật liệu thô lại rõ nét hơn so với tồn kho hàng hóa cuối cùng. Doanh số bán hàng sụt giảm đã khiến một số công ty trong các ngành phải gánh chịu khoản lỗ lớn trong hoạt động kinh doanh, cuối cùng buộc họ phải đóng cửa, thu hẹp hoạt động và cơ sở. Từ năm 2016-17 đến năm 2021-22 (Quý 1), tỷ lệ tồn kho nguyên vật liệu trên doanh thu đã tăng tương đối mạnh. Sự gia tăng tỷ lệ này cho thấy, không chỉ điều kiện nhu cầu giảm đi, mà nguồn cung trong giai đoạn này cũng giảm đi. Tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh thu tăng tương đối thấp hơn và tương đối ít hơn so với cùng kỳ. Mặc dù có đủ nguồn cung cấp nguyên liệu thô, tồn kho tích tụ và dư thừa công suất, việc sản xuất hàng hóa cuối cùng vẫn đình lại. Do đó, trong kịch bản hiện tại, các doanh nghiệp không chỉ trong đợi triển vọng đầu tư trong tương lai mà còn lo đối phó trước áp lực tích tụ quá nhiều hàng tồn kho. Trong khi tỷ lệ đầu tư giảm là nguyên nhân gây lo ngại trong trung và dài hạn, trong bối cảnh hiện tại, việc đình trệ sản xuất hàng hóa cuối cùng có tác động lớn đối với thị trường lao động Ấn Độ, vốn ảnh hưởng trực tiếp đến tổng cầu tiêu dùng trong nền kinh tế.

Ngay cả khi một số chỉ số tần suất cao cho thấy nhu cầu phục hồi đi kèm với việc nới lỏng, đồng thời các hạn chế khi phong tỏa cũng như tăng tốc độ tiêm chủng, RBI đã thận trọng trong dự báo tăng trưởng cho các quý còn lại. Mặc dù nhu cầu tiêu dùng tăng ban đầu có thể là kết quả của việc nhu cầu bị dồn nén tại những nơi có dịch bệnh, nhưng điều quan trọng là phải duy trì và kích thích hơn nữa nhu cầu tiêu dùng này. Điều này sẽ không chỉ trực tiếp chuyển thành tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn mà còn khuyến khích đầu tư tư nhân để đáp ứng việc sử dụng công suất sản xuất mạnh hơn, thúc đẩy nền kinh tế đi vào quỹ đạo tăng trưởng cao hơn. Cho đến nay, điều mà ngân hàng trung ương RBI cũng đã chỉ ra, chỉ có một sự gia tăng nhẹ trong việc sử dụng công suất, không mang lại nhiều triển vọng cho các khoản đầu tư mới. Do đó, nhu cầu tiêu dùng được phục hồi đầy đủ là rất quan trọng để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững.

 

Điều gì chờ đợi trong năm 2022?  

Nền kinh tế Ấn Độ hiện cũng đang phải đối mặt với xu hướng đáng lo ngại của áp lực lạm phát do giá sản phẩm trong ngành chế tạo, nhiên liệu và năng lượng cao liên tục. Cho đến nay, trong khi chính quyền trung ương và tiểu bang tiếp tục nỗ lực hướng tới phục hồi kinh tế, việc thu ngân sách cao hơn từ việc tăng thuế nhiên liệu lên đã tạo ra một bước đệm cho tình hình tài khóa không ổn định. Cách làm này hiện nay có vẻ tương đối khó quản lý. Hơn nữa, áp lực lạm phát gia tăng cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực của ngân hàng trung ương nhằm tác động đến sự phục hồi kinh tế thông qua lãi suất cho vay thấp, do đó, gây ra mối đe dọa đối với các khoản đầu tư tư nhân. Việc tạo ra sự cân bằng tới hạn giữa phục hồi nhu cầu tiêu dùng và kiểm soát lạm phát sẽ rất quan trọng. Sự tăng trưởng đồng thời do thúc đẩy tiêu dùng cùng với sự gia tăng năng lực sản xuất sẽ là yếu tố quan trọng để đạt được sự phục hồi kinh tế như mong muốn.

Phân tích từ Ngân sách Trung ương 2021 cho thấy, cũng sẽ có những kỳ vọng cao từ ngân sách 2022 về việc nâng cao năng lực sản xuất và cho phép tận dụng năng lực nhiều hơn để tạo tiền đề cho các quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Cuối cùng, khi chúng ta kết thúc năm 2021 với những lo ngại mới về biến thể Omicron, năm 2022 sẽ là một trong những năm quan trọng nhất để xây dựng nền kinh tế Ấn Độ khi đất nước này đã học được một số bài học trong hai năm qua về cách hoạt động thông minh trong đại dịch, cách ứng phó với phong tỏa, hạn chế, và sự không chắc chắn của thị trường, hoặc tình hình sẽ tồi tệ hơn nữa khi Ấn Độ phải gồng mình đối phó với đợt dịch thứ ba sắp xảy ra.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: India's 2022: Capacity utilisation and economic revival | ORF (orfonline.org)

Nguồn:

Cùng chuyên mục