Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ sẽ là mục tiêu tiếp theo của cuộc chiến thương mại của Chính quyền Trump?

Ấn Độ sẽ là mục tiêu tiếp theo của cuộc chiến thương mại của Chính quyền Trump?

Hiện tại, mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đang đi trên hai quỹ đạo riêng biệt. Về các vấn đề quốc phòng và địa chính trị, hai nền dân chủ lớn nhất thế giới này đang ngày càng xích lại gần nhau hơn. Nhưng về các vấn đề thương mại và kinh tế, họ tranh cãi với nhau như anh em một nhà. Gần đây, cuộc tranh cãi này đã trở nên tồi tệ hơn.

06:14 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sau nhiều tháng thảo luận, một nỗ lực nhằm thỏa thuận giải quyết các xung đột thương mại đã bị phá vỡ. Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ đã đi trước với các chính sách về lưu trữ dữ liệu, thương mại điện tử và quy định về nội dung trực tuyến, điều đó đã gây ra những rắc rối cho các doanh nghiệp Mỹ. Và vào ngày 12/2/2019, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã cảnh báo các nước như Ấn Độ không nên ủng hộ Chính phủ Venezuela của Tổng thống Nicolás Maduro bằng cách mua dầu từ quốc gia đó.

Ấn Độ vẫn đang cảm thấy bất an về việc áp thuế thép và nhôm và động thái thắt chặt các quy định đối với thị thực H-1B từ Chính quyền Trump, vốn được cấp chủ yếu cho công nhân công nghệ Ấn Độ.

Cả hai nước không có tâm trạng thỏa hiệp. Cuộc bầu cử tại Ấn Độ dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 4/2019 và Thủ tướng Narendra Modi đã đưa ra lập trường bảo hộ nhằm tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ hai. Chính quyền Trump tiếp tục tập trung vào việc loại bỏ thâm hụt thương mại của Mỹ, điều này bắt nguồn từ các hành vi không công bằng của các quốc gia khác, bao gồm cả Ấn Độ.

Ấn Độ vẫn còn ở mức thấp hơn nhiều so với Trung Quốc hay thậm chí là Canada trong danh sách ưu tiên của chính quyền Trump về trừng phạt thương mại. Nhưng hiện tại, Mỹ đang xem xét rút các đặc quyền hiện tại của Ấn Độ theo Hệ thống Ưu đãi tổng quát (GSP), một chế độ thương mại cho phép hàng tỷ USD hàng hóa Ấn Độ được miễn thuế vào Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross sẽ tới New Delhi trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Ấn Độ. Vào ngày 14/2/2019, ông ta đáng lẽ phải trao đổi với người đồng cấp Ấn Độ, nhưng vì bị hủy chuyến bay, nên ông Ross sẽ tham gia cuộc hội đàm từ xa. Một đội ngũ gồm 20 giám đốc điều hành của các công ty Mỹ vẫn dự kiến sẽ tham dự một diễn đàn với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ. Họ có thể nhấn mạnh tiềm năng để thúc đẩy thương mại trong các lĩnh vực như năng lượng và hàng không.

Bà Nisha Biswal, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Ấn Độ, đồng thời là một cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, đây là cuộc đối thoại quan trọng, mặc dù đôi khi nó không có tiến triển đáng kể, nhưng cần phải duy trì những cuộc đối thoại quan trọng như thế.

Bà Biswal cho biết, một phần của thách thức về mặt kinh tế của mối quan hệ này là Ấn Độ và Mỹ không có một hiệp ước thương mại hoặc đầu tư rộng lớn hơn có thể tạo ra các cuộc thảo luận. Vì vậy, tất cả những vấn đề này trở nên thâm căn cố đế hơn. Hai bên có xu hướng chờ đợi, thậm chí là trở nên tồi tệ hơn.

Trong những tháng gần đây, Mỹ và Ấn Độ đã cố gắng đạt được một thỏa thuận “khá khiêm tốn” để giải quyết các xung đột về thương mại nhằm giải quyết các tranh chấp về thiết bị y tế, hàng hóa nông nghiệp và các sản phẩm như điện thoại di động. Nhưng thất bại trong việc ký kết một thỏa thuận như vậy là điều thật đáng thất vọng.

Điều cũng gây thất vọng tương tự là, theo quan điểm của Mỹ, vào cuối tháng 12/2018, Ấn Độ bất ngờ thông báo sửa đổi các quy tắc cho thị trường thương mại điện tử trong nước. Động thái này được nhắm thẳng vào Amazon và Walmart, các công ty đã đầu tư đáng kể vào Ấn Độ.

Theo ông Richard Rossow, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, khi căng thẳng gia tăng, nước Mỹ có thể thực hiện bước trừng phạt như thu hồi các nhượng bộ thương mại với Ấn Độ là một khả năng rất thực tế hiện nay.

Lý do duy nhất mà Chính quyền Trump sẽ không thực hiện một bước như vậy là vì nó có thể khiến mất cân bằng để đạt được tiến bộ trong các lĩnh vực khác, ví dụ như hợp tác quân sự giữa hai nước.

Navtej Sarna, cựu đại sứ Ấn Độ tại Washington, cho rằng, việc rút các đặc quyền thương mại của Ấn Độ theo chế độ GSP sẽ là một phản ứng thực sự không công bằng của Mỹ.

Ông Sarna nói rằng, chúng tôi có một số vấn đề chính sách mới cần đối thoại, kể cả thương mại điện tử. Nhưng Mỹ cũng cần hiểu những gì đang thúc đẩy các quyết định chính sách của Ấn Độ. Mối quan tâm của Ấn Độ bao gồm nỗi lo các công ty như Amazon và Walmart có thể nuốt chửng hoàn toàn thị trường nội địa Ấn Độ.

Các nhà ngoại giao và chuyên gia thương mại chỉ ra rằng, bất chấp những mâu thuẫn trên một số lĩnh vực, thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ vẫn tiếp tục phát triển. Mối quan hệ thương mại mà trước đây được mô tả là bằng phẳng như một chiếc chapati - loại bánh mì tròn phổ biến ở Ấn Độ - đã tăng lên hơn 80 tỷ USD một năm chỉ tính riêng hàng hóa. Một số nhà quan sát xem các va chạm hiện tại là kết quả của sự tiến bộ đó.

Bà Biswal cho rằng, thương mại khiến người ta đau đầu khi nó trở nên quan trọng.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.washingtonpost.com/world/asia_pacific/is-india-the-next-target-in-the-trump-administrations-trade-wars/2019/02/13/d1d7d896-2f90-11e9-ac6c-14eea99d5e24_story.html?noredirect=on&utm_term=.84ae4001c2b0

Nguồn:

Cùng chuyên mục