Ấn Độ: Tác động tới thị trường toàn cầu và an ninh lương thực
Gạo rất quan trọng đối với gần 3,5 tỷ người, đặc biệt là ở châu Á, nơi gạo là lương thực thiết yếu và là nguồn sinh kế chính.
Trang ORF đăng bài phân tích của nghiên cứu viên Arya Roy Bardhan cho rằng lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ khó có thể dẫn đến khủng hoảng lương thực toàn cầu, do nguồn cung cho thị trường thế giới giảm và giá cả tăng cao.
Gạo là sản phẩm nông nghiệp chính có tác động đến chế độ ăn uống, văn hóa ở nhiều nền kinh tế trên thế giới. Gạo rất quan trọng đối với gần 3,5 tỷ người, đặc biệt là ở châu Á, nơi gạo là lương thực thiết yếu và là nguồn sinh kế chính. Chuỗi giá trị gạo đóng vai trò trung tâm trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Chuỗi giá trị này hỗ trợ khoảng 900 triệu người nghèo trên toàn cầu, với 400 triệu người tích cực tham gia sản xuất. Đây là trụ cột cho an ninh lương thực, giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở châu Á.
Trong bối cảnh những thách thức toàn cầu như đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị gia tăng, giá gạo tăng cao và có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới ngành nông nghiệp toàn cầu. Vào thời điểm này, bất kỳ sự can thiệp thương mại nào của các nhà xuất khẩu lớn sẽ tác động xấu đến giá cả toàn cầu và an ninh lương thực.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo gần đây của Ấn Độ - nước sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - sẽ ảnh hưởng đến giá cả toàn cầu. Tình trạng thiếu hụt có thể dẫn đến khủng hoảng lương thực.
Chính phủ Ấn Độ đang cân bằng giữa việc bảo vệ người tiêu dùng và nông dân với nhu cầu hỗ trợ an ninh lương thực ở các quốc gia dễ bị tổn thương. Những diễn biến này nêu bật sự cân bằng mong manh giữa chính sách quốc gia và an ninh lương thực toàn cầu, nhấn mạnh sự cần thiết của việc cần phân tích một cách cẩn thận các chiến lược thương mại gạo của Ấn Độ và các cam kết quốc tế, để hiểu rõ tác động đầy đủ của các quy định xuất khẩu đối với các bên tham gia trong nước và toàn cầu.
Tổng quan thị trường gạo toàn cầu
Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Nước này đã duy trì vị trí này kể từ năm 2012 với mức tăng trưởng xuất khẩu đáng chú ý trong những năm gần đây. Năm 2022, Ấn Độ xuất khẩu 22,1 triệu tấn gạo.
Tuy nhiên, dù Ấn Độ có diện tích trồng lúa cao nhất thế giới nhưng quốc gia này chỉ là nước sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc) do có năng suất thấp hơn, ở mức 2,809 tấn/hecta. Vì vậy, vấn đề cốt lõi của Ấn Độ là ở năng suất thấp.
Có nhiều yếu tố khác nhau góp phần vào khoảng cách năng suất, có thể kể đến sự chênh lệch giữa các vùng, sự không phù hợp của các loại hệ sinh thái, sử dụng phân bón không đồng đều, áp dụng công nghệ cũ, tình trạng lũ lụt quá mức...
Những rào cản này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất mà còn tạo ra sự không chắc chắn về lượng gạo tồn kho cuối cùng, khiến chính phủ phải can thiệp và áp dụng các biện pháp thương mại để ổn định thị trường. Tình hình này đòi hỏi sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách nhằm giải quyết các vấn đề về năng suất và tận dụng tối đa tiềm năng nguồn tài nguyên nông nghiệp rộng lớn của Ấn Độ.
Thương mại gạo toàn cầu, vốn chỉ chiếm 10% tổng sản lượng gạo, chịu ảnh hưởng đáng kể từ các nước châu Á. Mặc dù là nước sản xuất hàng đầu nhưng Trung Quốc có tỷ trọng xuất khẩu thấp hơn và là nước nhập khẩu lớn do nhu cầu nội địa cao. Hậu đại dịch COVID-19, sự thiếu hụt nguồn cung trong nước đã buộc Trung Quốc phải nhập khẩu gạo từ Ấn Độ.
Khu vực châu Phi ở phía Nam sa mạc Sahara dẫn đầu về nhập khẩu gạo trên toàn cầu, phản ánh xu hướng đáng chú ý là gạo là lương thực chủ yếu ở các khu vực đang phát triển, củng cố vai trò của khu vực này trong an ninh lương thực.
Tác động của lệnh cấm xuất khẩu gạo đối với thế giới
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ, chủ yếu bao gồm gạo basmati, gạo đồ, gạo trắng không phải loại basmati và gạo tấm, chiếm 98% tổng lượng gạo xuất khẩu trong năm tài chính 2022-23. Ấn Độ áp dụng thuế xuất khẩu 20% đối với gạo trắng không phải loại basmati vào tháng 9/2022, nhưng các yếu tố bất ổn địa chính trị và thay đổi thời tiết đã khiến xuất khẩu của nước này tăng lên. Do đó, để ổn định giá gạo nội địa, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, trừ gạo basmati, từ ngày 20/7/2023.
Ngoài ra, việc xuất khẩu gạo tấm đã bị tạm dừng vào ngày 9/9/2022 do Ấn Độ cần giải quyết tình trạng thiếu hụt gạo đáng kể tại các địa phương đang ảnh hưởng đến lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất ethanol.
Những hạn chế và thuế quan này dự kiến sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các nước nhập khẩu gạo lớn của Ấn Độ, đặc biệt là các nước châu Phi, có khả năng dẫn đến giá gạo toàn cầu tăng cao và gây rủi ro cho an ninh lương thực. Điều này cũng có thể làm căng thẳng các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt khi những thay đổi này trùng hợp với thời điểm Ấn Độ đảm nhận chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và lời mời tham gia G20 của nước này tới Liên minh châu Phi (AU).
Các nước châu Phi cận Sahara là một trong những nhà nhập khẩu gạo trắng không phải loại basmati lớn nhất của Ấn Độ, nhờ giá thấp hơn và chất lượng kinh tế. Do lệnh cấm xuất khẩu, thị trường toàn cầu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt, dẫn đến giá tăng cao.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ: Chứng khoán bùng nổ và cách bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ
Kinh tế 10:00 09-12-2024
Tập đoàn Vietravel mở rộng hoạt động tại Ấn Độ
Kinh tế 03:00 16-11-2024
Ấn Độ đạt kỷ lục trong xuất khẩu hàng hóa
Kinh tế 03:00 17-11-2024
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động
Kinh tế 02:00 28-10-2024