Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ: Thời đại Narendra Modi (Phần 2)

Ấn Độ: Thời đại Narendra Modi (Phần 2)

Ông Narendra Modi - Thủ hiến bang Gujard, ngọn cờ kinh tế của Ấn Độ; Chủ tịch Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP), hạt nhân của Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) - đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội Ấn Độ tháng 5-2014 với tỷ lệ cao nhất kể từ khi Ấn Độ giành độc lập năm 1947. Từ thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử đầu tháng 5-2014 đến lễ nhậm chức có một không hai vào cuối tháng 5-2014, dư luận ở Ấn Độ và quốc tế bắt đầu nghĩ tới Thời đại Narendra Modi.

02:21 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ: Thời đại Narendra Modi

Thiếu tướng, PGS, TS Lê Văn Cương*

(Tiếp theo phần 1)

3. Các đột phá chiến lược

Về đối nội, Thủ tướng Modi đã và đang tập trung vào hai đột phá lớn: (1) Khôi phục sự tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và (2) Chống tham nhũng, quyết tâm xây dựng cơ quan nhà nước trong sạch, hoạt động hiệu quả vì dân. Hai vấn đề này có quan hệ hữu cơ với nhau.

Từ xưa đến nay và từ nay về sau, trên hành tinh, với một bộ máy nhà nước quan liêu, tham nhũng, tha hóa thì nền kinh tế của quốc gia đó không thể phát triển lành mạnh. Ngược lại, chỉ khi có bộ máy nhà nước trong sạch, hoạt động hiệu quả và các quan chức, bắt đầu từ người nắm quyền lực cao nhất, tận tâm vì nhân dân, vì nước thì nền kinh tế mới phát triển nhanh, bền vững.

Sự phát triển thần kỳ của Singapore, của Hàn Quốc, Nhật Bản (1960 - 1990) đã chứng minh cho luận điểm trên.

Để đảm bảo đưa nền kinh tế ra khỏi trì trệ và bước vào một chu kỳ phát triển nhanh, bền vững, sớm đạt được mục tiêu là một trong ba bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới, Thủ tướng Modi phải đồng thời thực hiện hai đột phá: (1) Hạ lãi xuất cho vay và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tư nhân trong nươc phát triển và các tập đoàn kinh tế nước ngoài vào đầu tư, làm ăn ở Ấn Độ; (2) Mạnh dạn có ưu đãi đặc biệt để nước ngoài vào đầu tư nâng cao cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống đường sắt, đường bộ, sân bay, bến cảng. Sự lạc hậu của cơ sở hạ tầng đã và đang cản trở sự phát triển của Ấn Độ.

Việc tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển để tạo ra nhiều việc làm và đảm bảo an sinh xã hội, cho dù có nhiều khó khăn, nhưng nằm trong tầm tay của Thủ tướng Modi. Việc nâng cao cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cần nhiều vốn mà nguồn lực trong nước không đáp ứng được. Vay WB và IMF hay ADB là không khả thi.

Mỹ, Nhật và EU không mặn mà với đầu tư vào cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội Ấn Độ. Hơn nữa, ba trung tâm này còn chồng chất khó khăn, nhất là EU, Nhật Bản.

Hiện nay, Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ hơn 4.000 tỷ USD, lớn hơn dự trữ ngoại tệ của 28 nước châu Âu và Nhật Bản. Trung Quốc là đối thủ chủ yếu của Ấn Độ, thậm chí, một bộ phận không nhỏ giới tinh hoa ở New Delhi luôn coi Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp của Ấn Độ. Thực tế, từ năm 1950 đến nay, Trung Quốc luôn gây sự với Ấn Độ, thường xuyên có các hành động xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ. Hơn 60 năm nay, tất cả các Thủ tướng Ấn Độ (do Đảng Quốc đại chi phối) luôn có chính sách cảnh giác với Trung Quốc và luôn trong tình trạng bị động đối phó với các hành động gây hấn của Trung Quốc.

Nếu không đổi mới tư duy và đột phá trong chính sách đối ngoại thì không thể lôi kéo Trung Quốc vào đầu tư cơ sở hạ tầng Ấn Độ.

Điều chỉnh mang tính bước ngoặt trong chính sách của Ấn Độ đối với Trung Quốc, đối với Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương (Nhật Bản, Australia...) là bước đột phá của Thủ tướng Modi.

Ông Modi đã từ bỏ các thành kiến, định kiến, các tín điều trong chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm: luôn do dự, cảnh giác và bị động đối phó với Trung Quốc và muốn thúc đẩy quan hệ với Mỹ nhưng không dám đưa ra các chính sách táo bạo, dứt khoát (vẫn chập chững, e ngại).

Hai điểm mới nổi bật trong tư duy và chính sách đối ngoại của Thủ tướng Modi là: (1) Hướng việc tổ chức quan hệ đối ngoại vào trực tiếp phục vụ việc khôi phục và phát triển kinh tế, chấn hưng đất nước. (2) Vượt qua mọi rào cản tâm lý cảnh giác, do dự với Trung Quốc, chủ động mở rộng hợp tác mọi mặt với Trung Quốc, trước hết là hợp tác kinh tế.

Điều đột phá mang dấu ấn lịch sử trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong thời đại Narendra Modi là: chủ động mở rộng, thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc. Đây là điểm khác biệt trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Modi với tất cả những người tiền nhiệm từ năm 1947.

Nhiều người lo ngại đặt vấn đề: liệu Thủ tướng Modi có mất cảnh giác với Trung Quốc không và việc mở rộng quan hệ với Trung Quốc có đe dọa tới độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ không?

Tôi cho rằng, ông Modi không mất cảnh giác với Trung Quốc, mà trái lại, Thủ tướng Modi có thái độ cứng rắn, dứt khoát và kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia (hơn những người tiền nhiệm). Ông Modi chỉ trích Đảng Quốc Đại - đảng cầm quyền hơn sáu chục năm kể từ khi Ấn Độ dành được độc lập - yếu kém trong việc bảo vệ an ninh quốc gia.

Tháng 1-2014, ông Modi lên án Pakistan ủng hộ các cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo ở Ấn Độ.

Trong cuộc vận động tranh cử tại bang Arunachal Pradesh tháng 2-2014, ông Modi đã cảnh cáo Bắc Kinh hãy từ bỏ tư tưởng “chủ nghĩa bành trướng” và thề sẽ kiên quyết bảo vệ bang Arunachal Pradesh.

Trong chuyến thăm Nhật Bản trên cương vị Thủ tướng Ấn Độ năm 2014, ông Modi đã gián tiếp cảnh cáo và nhắc nhở Trung Quốc cần ứng xử có trách nhiệm trên cơ sở luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp với các nước trên biển Hoa Đông và Biển Đông.

Song song với việc mạnh dạn chủ động mở rộng quan hệ với Trung Quốc và “mời Trung Quốc vào nhà” hợp tác kinh tế, Thủ tướng Modi đồng thời quyết liệt triển khai hai việc: (1) Củng cố sức mạnh quân sự và tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia và (2) Thắt chặt quan hệ an ninh, quân sự với Mỹ, Nhật, Australia và các nước trong, ngoài khu vực.

Một là, Thủ tướng Modi đã bố trí đội ngũ sĩ quan an ninh và quân đội theo ý đồ chiến lược phòng thủ chủ động. Ông lựa chọn Tướng Ajt Doval, cựu điệp viên có thâm niên kinh nghiệm về Pakistan, làm cố vấn an ninh quốc gia của mình; đồng thời, bổ nhiệm Tướng V.K.Singh, cựu Tư lệnh Quân đội Ấn Độ, làm Bộ trưởng Liên bang, phụ trách khu vực Đông Bắc giáp Trung Quốc (nơi an ninh quốc gia bị suy yếu trong chính quyền của người tiền nhiệm).

Hai quan chức này sẽ đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao khả năng phòng thủ biên giới giáp với Trung Quốc và Pakistan, họ sẽ cải tổ các đơn vị tình báo hiện vẫn hoạt động biệt lập và gây cản trở cho nhau.

Sau cuộc chiến tranh xâm lược Ấn Độ năm 1962, Trung Quốc đang tranh chấp với Ấn Độ hơn 90.000 km2 đất ở phía Đông dãy Hymalaya, chiếm phần lớn bang Arunachal Pradesh (phần đất này của Ấn Độ, Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng). Bộ trưởng Liên bang phụ trách khu vực Đông Bắc V. K. Singh sẽ thúc đẩy kế hoạch bố trí một quân đoàn Sơn cước 80.000 quân dọc biên giới với Trung Quốc.

Một tháng rưỡi sau khi nhậm chức, Thủ tướng Modi đã quyết định tăng ngân sách quốc phòng của Ấn Độ. Ngày 10-7-2014, Chính phủ của Thủ tướng Modi đã công bố dự thảo ngân sách, trong đó, chi tiêu quốc phòng giai đoạn 2014 – 2015 tăng 12% so với giai đoạn 2013 – 2014, đạt 2.290 tỷ rupee Ấn Độ (khoảng 38,35 tỷ USD). Thủ tướng Modi còn quyết định tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các tập đoàn sản xuất vũ khí Mỹ, EU, Nhật Bản và các nước có công nghệ vũ khí hiện đại vào đầu tư sản xuất vũ khí tại Ấn Độ[1].

Trong chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 25 đến 27-1-2015, Tổng thống B. Obama đã hứa sẽ chuyển giao cho Ấn Độ công nghệ sản xuất các loại vũ khí hiện đại. Các tập đoàn sản xuất vũ khí của Pháp, Anh, Israel đang được Ấn Độ mời chào và dành cho các điều kiện ưu đãi để họ hợp tác sản xuất vũ khí tại Ấn Độ.

Chính phủ của Thủ tướng Modi đang dành nguồn tài chính khá lớn để mua sắm vũ khí. Bộ Quốc phòng đang thúc đẩy thương thảo hợp đồng trị giá 15 tỷ USD với Công ty Dassault Aviation để mua 126 máy bay chiến đấu Rafael, hợp đồng trị giá 2,8 tỷ USD với Boeing để mua 22 máy bay tấn công Apache và 15 máy bay lên thẳng hạng nặng (vận tải quân sự) Chinook. Các hợp đồng mua pháo M-777, tên lửa chống tăng Javelin cũng được Ấn Độ hoàn tất hợp đồng[2].

Hai là, Chính phủ của Thủ tướng Modi đã và đang thúc đẩy và thắt chặt quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Astralia và các nước trong khu vực trên tất cả các lĩnh vực, nhất là an ninh - quốc phòng, trong đó, quan hệ Ấn Độ - Mỹ và Ấn Độ - Nhật Bản là hai trục chính.

Trong chuyến thăm Ấn Độ cuối tháng 1-2015, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ đã dùng những lời lẽ tốt đẹp nhất nói về quan hệ giữa hai cường quốc. Thủ tướng N. Modi khẳng định: Một nước Mỹ thành công và thịnh vượng là một điều tốt đẹp với Ấn Độ, ông còn xác nhận: chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống B. Obama tượng trương cho bước phát triển mang tính đột phá trong quan hệ Mỹ - Ấn.

Tổng thống B. Obama công khai thừa nhận, giữa ông và Thủ tướng Modi có sự “thấu hiểu lẫn nhau” và có “tình bạn bền chặt” và theo ông, một Ấn Độ mạnh là điều tốt đẹp đối với Hoa Kỳ.

Đối với Nhật Bản, Đảng Nhân dân Ấn Độ của Thủ tướng Modi đã khẳng định “với Nhật Bản, mối quan hệ của chúng ta đã được nâng lên thành đối tác chiến lược toàn cầu đặc biệt”[3].(6)

Mỹ và Nhật Bản là đồng minh. Mỹ cần Ấn Độ và Ấn Độ cũng cần Mỹ. Nhật Bản cần Ấn Độ và Ấn Độ cũng cần Nhật Bản. Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ hình thành liên kết chặt chẽ, lâu dài, có vai trò là trụ cột đảm bảo an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trên hai đại dương này sẽ diễn ra cuộc đối đầu sinh tử trong thế kỷ XXI. Người Ấn Độ có câu ngạn ngữ: “không một bà mối nào có thể làm việc tốt hơn khi giữa họ có kẻ thù chung”.

Trên phương diện ngoại giao công khai, Tokyo, New Delhi và Washington tuyên bố họ hợp tác với nhau chủ yếu về kinh tế và khoa học. Điều họ không nói ra là liên kết với nhau để đối phó với Trung Quốc. Thực chất, Trung Quốc là đối thủ, đúng hơn là kẻ thù tiềm tàng, của cả Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Giới tinh hoa ở New Delhi, dù thuộc đảng phái chính trị nào, không quên cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lược Ấn Độ năm 1962 và hàng trăm hành động gây hấn, xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Ấn Độ của nhà cầm quyền Trung Quốc. Giới tinh hoa ở Tokyo và Washington không bỏ qua hàng trăm vụ Trung Quốc gây hấn, xâm phạm chủ quyền các nước Đông Á. Họ cũng không quên hàng trăm lần lãnh đạo Trung Quốc cam kết, hứa hẹn rồi lại không thực hiện mà còn làm ngược lại.

Như vậy, tham vọng bành trướng và những hành động hung hăng, gây hấn xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của giới lãnh đạo Trung Quốc đối với các nước láng giềng đã tạo ra động lực chủ yếu thúc đẩy, thắt chặt quan hệ Ấn - Mỹ và Ấn - Nhật. Đây là đặc điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại thời đại Narendra Modi.

Trung Quốc càng lớn mạnh về kinh tế và quân sự thì càng bộc lộ rõ tham vọng bành trướng bất chấp luật pháp quốc tế. Do đó, quan hệ Ấn Độ - Hoa Kỳ, Ấn Độ - Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển ngày càng sâu sắc, chặt chẽ, mang màu sắc của mối quan hệ chiến lược toàn cầu, và Thủ tướng Modi là người đặt lền móng cho các mối quan hệ đó.

Một nước Ấn Độ mạnh là phù hợp với lợi ích của Việt Nam.

Các mối quan hệ chặt chẽ Mỹ - Ấn và Ấn - Nhật là cơ hội để Việt Nam có thể và cần phải tận dụng phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ khóa: Ấn Độ, Chính trị, Ngoại giao, Thời đại Narenda Modi


*Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an.

[1] Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới, 12-7-2014 dẫn Reutersl New Delhi 10-7-2014.

[2] Thông tấn x&

Bình luận của bạn

Nguồn:

Cùng chuyên mục