Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ và Biển Đông: Các chính sách và lợi ích chiến lược (Phần 1)

Ấn Độ và Biển Đông: Các chính sách và lợi ích chiến lược (Phần 1)

Trong bối cảnh trên, bài viết này xem xét các lợi ích chiến lược của Ấn Độ ở Biển Đông, nghiên cứu chính sách của Ấn Độ về Biển Đông và những ảnh hưởng của nó đối với Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ. Bài viết cũng sẽ xem xét mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trên cơ sở vấn đề Biển Đông.

02:35 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ và Biển Đông: Các chính sách và lợi ích chiến lược

Amrita Jash*

Giới thiệu

Ngày 12/7, Tòa án Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc (PCA) tại La Hay đã đưa ra phán quyết về vụ kiện mang tính lịch sử giữa Trung Quốc và Philippines liên quan vấn đề Biển Đông. Tòa án Trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines khi bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông dựa trên tấm bản đồ “đường chín đoạn”, và khẳng định yêu sách đó của Trung Quốc “không có cơ sở pháp lý”, đồng thời cũng chỉ ra rằng, “quyền lịch sử” của Bắc Kinh không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) và “không có bằng chứng cho thấy trong lịch sử Trung Quốc đã thực hiện quyền kiểm soát duy nhất đối với vùng biển hoặc các nguồn tài nguyên thuộc vùng biển này”, và các hành động của Trung Quốc tại vùng biển này đã “vượt quá giới hạn về địa lý và nội dung” của UNCLOS[1].

Phản ứng trước phán quyết này, Ấn Độ đã ngay lập tức đưa ra một lập trường rõ ràng và không thiên vị đối với bất kỳ bên nào trong vụ kiện trên khi chính thức tuyên bố: “Với tư cách một quốc gia thành viên UNCLOS, Ấn Độ kêu gọi tất cả các bên hết sức tôn trọng UNCLOS, công ước thiết lập trật tự pháp lý quốc tế tại các vùng biển và đại dương”. Tuyên bố về “Phán quyết của Tòa án Trọng tài về Biển Đông (SCS)[2]” do Bộ Ngoại giao Ấn Độ đưa ra ở New Delhi ngày 12/7 nêu rõ: “Ấn Độ ghi nhận Phán quyết của Tòa án Trọng tài được nêu trong Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS)”. Ngoài ra, bộ này cũng nhấn mạnh rằng: “Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải, hàng không, và không cản trở thương mại, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như đã được nêu rõ trong UNCLOS. Ấn Độ tin rằng, các nước nên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, đồng thời kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang các tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định”[3].

Theo nội dung tuyên bố trên, quan điểm của Ấn Độ đối với (phán quyết của) Tòa án Trọng tài rõ ràng là phù hợp với lập trường chính thức của New Delhi về vấn đề Biển Đông, vốn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Ấn Độ đối với “tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế” và đảm bảo rằng “tất cả các nước trong khu vực tuân thủ công ước quốc tế về luật biển liên quan tới vấn đề này”. Mặc dù lập trường của Ấn Độ đối với phán quyết này không phản ánh quan điểm của New Delhi đối với Trung Quốc, nhưng việc tuân thủ luật pháp quốc tế chắc chắn là trái ngược với những lợi ích chiến lược của Bắc Kinh ở Biển Đông. Rõ ràng là, xét về lợi ích chiến lược của Ấn Độ và theo UNCLOS, vốn xác định Biển Đông là một tuyến đường hàng hải chung, những căng thẳng đang gia tăng trong khu vực gây ra hậu quả tiêu cực đối với Ấn Độ.

 Trong bối cảnh Biển Đông trở thành tâm điểm của sự đối đầu Mỹ -Trung ở Tây Thái Bình Dương, vùng biển này bắt đầu liên quan đến các vấn đề chiến lược lớn hơn, liên quan tới chiến lược hải quân của Trung Quốc và sự tăng cường hiện diện của Mỹ tại khu vực này. Theo đó, cách hành xử quyết đoán của Trung Quốc đòi hỏi các bên tranh chấp khác cần có các tính toán chiến lược nghiêm túc[4]. Theo đó, tự do hàng hải ở Biển Đông đã trở thành mối quan ngại đối với Ấn Độ. Mặc dù không phải là bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp, với tư cách là cường quốc ngoài khu vực, vấn đề Biển Đông đã trở thành một yếu tố quan trọng trong những tính toán chiến lược và chương trình nghị sự an ninh của Ấn Độ.

Trong bối cảnh trên, bài viết này xem xét các lợi ích chiến lược của Ấn Độ ở Biển Đông, nghiên cứu chính sách của Ấn Độ về Biển Đông và những ảnh hưởng của nó đối với Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ. Bài viết cũng sẽ xem xét mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trên cơ sở vấn đề Biển Đông.

Biển Đông trong toan tính chiến lược của Ấn Độ

Mặc dù không trực tiếp liên quan và không tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Ấn Độ đang ngày càng được công nhận là “một bên trong cán cân quyền lực” ở vùng biển này[5]. Như vậy, một mặt, Ấn Độ không phải là nước ở khu vực Biển Đông nên không có các bờ biển hay hải đảo, hoặc các căn cứ và những thứ tương tự ở khu vực. Mặt khác, Ấn Độ là một cường quốc ngoài khu vực có các hoạt động và tác động đối với khu vực thông qua việc thường xuyên triển khai hải quân, các chuyến thăm và tập trận trong vùng biển này, thông qua quan hệ đối tác chiến lược quân sự được thiết lập và đang phát triển với nhiều quốc gia ven Biển Đông, thông qua việc tham gia thăm dò dầu mỏ trong vùng biển này, và thông qua các cuộc thảo luận ngoại giao ở nhiều diễn đàn khu vực với các nước ngoài khu vực khác về vấn đề Biển Đông[6]. Theo quan điểm này, lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông có một “tầm vóc chiến lược” rõ ràng[7].

Các yếu tố liên kết Biển Đông với chiến lược của Ấn Độ gồm hai khái niệm căn bản: đầu tiên là khái niệm “láng giềng mở rộng”, và thứ hai là khái niệm “Ấn Độ - Thái Bình Dương”[8]. Trong đó, khái niệm về “láng giềng mở rộng” xuất hiện lần đầu tiên trong kho từ vựng chính thức của Ấn Độ vào năm 2000, dùng để chỉ các vùng địa lý bên ngoài Nam Á, khu vực mà Ấn Độ nhận thấy có những lợi ích nước này cần đạt được, duy trì và bảo vệ. Khi liên kết Biển Đông với khái niệm “láng giềng mở rộng” của Ấn Độ vào năm 2004, Ngoại trưởng Ấn Độ lúc đó là Yashwant Sinha đã xác định rõ ràng rằng, đó là “khu vực trải dài từ kênh đào Suez tới Biển Đông, bao gồm Tây Á, Vùng Vịnh, Trung Á, Đông Nam Á, Đông Á, châu Á Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương”[9]. Khái niệm “láng giềng mở rộng” này cũng đã xuất hiện trong các tài liệu về học thuyết chiến lược hải quân của Ấn Độ, như học thuyết năm 2007 về “Tự do sử dụng các vùng biển: Chiến lược quân sự trên biển của Ấn Độ”[10] và học thuyết hàng hải năm 2015 về “Bảo đảm an toàn các vùng biển: Chiến lược an ninh hàng hải của Ấn Độ, trong đó xác định Biển Đông là một trong số các “khu vực thứ cấp” có các lợi ích hàng hải trọng tâm[11]. . (Xem tiếp phần 2)


[1] Tòa án Trọng tài Thường trực (2016), "PCA trường hợp 2013-19 trọng tài về vấn đề Biển Đông", 12/7/2016, https://pca-cpa.org/wp-content/uploads/sites/175/2016/07/PH-CN-20160712-Award.pdf(Accessed 1 August 2016).
[2] Bộ Ngoại giao Ấn Độ (2016), "Tuyên bố về phán quyết của tòa án trọng tài về Biển Đông Theo Phụ lục VII của UNCLOS", 12/7/2016, http://www.mea.gov.in/pressreleases.htm?dtl/27019/Statement+on+Award+of+Arbitral+Tribunal+on+South+China+Sea+Under+Annexure+VII+of+UNCLOS.
[3] Bộ Ngoại giao Ấn Độ (2016), "Tuyên bố về phán quyết của tòa án trọng tài về Biển Đông Theo Phụ lục VII của UNCLOS", 12/7/2016

[4] LeszekBuszynski (2012), "Biển Đông: Dầu, tuyên bố hàng hải; và sự cạnh tranh chiến lược Hoa Kỳ - Trung Quốc", The Washington Quarterly, Vol. 35, 2, tr. 139-140.
[5] David Scott (2015), "Sự gia tăng cân bằng của Ấn Độ ở Biển Đông", Quan hệ quốc tế, ngày 26/7/2015, http://www.e-ir.info/2015/07/26/indias-incremental-balancing-in-the-south-china-sea/
[6] David Scott (2013), "Vai trò của Ấn Độ ở Biển Đông: Trò chơi địa chính trị và địa kinh tế", Ấn Độ Review, Vol. 12, 2, tr. 51.
[7] David Scott (2013), "Vai trò của Ấn Độ ở Biển Đông: Trò chơi địa chính trị và địa kinh tế", Ấn Độ Review, Vol. 12, 2, tr. 51.
[8] David Scott (2013), "Vai trò của Ấn Độ ở Biển Đông: Trò chơi địa chính trị và địa kinh tế", Ấn Độ Review, Vol. 12, 2, tr. 53.

[9] Đại sứ quán Ấn Độ (2004), “Seventh Dinesh Singh Memorial Lecture by Shri Yashwant Sinha, Moscow, 3/2004, http://www.indianembassy.ru/index.php/en/home/tender-notices/113 media/statements-speeches-interviews-archives/215-03022004-seventh-dinesh-singh-memorial-lecture-by-shri-yashwant-sinha (2/8/2016).

[10]Hải quân Ấn Độ (2007), Tự do sử dụng các vùng biển: Chiến lược quân sự trên biển của Ấn Độ, New Delhi: Bộ Quốc phòng (Hải quân), trang 60.
[11]Hải quân Ấn Độ (2015), "Bảo đảm an toàn biển: Chiến lược an ninh hàng hải Ấn Độ", NSP 1.2, tháng 10/2015, trang 32.


* Nghiên cứu sinh, Trung tâm Nghiên cứu Đông Á, Trường Nghiên cứu quốc tế, Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi, Ấn Độ.

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục