Ấn Độ và Biển Đông: Các chính sách và lợi ích chiến lược (Phần 3)
Trong bối cảnh trên, bài viết này xem xét các lợi ích chiến lược của Ấn Độ ở Biển Đông, nghiên cứu chính sách của Ấn Độ về Biển Đông và những ảnh hưởng của nó đối với Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ. Bài viết cũng sẽ xem xét mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trên cơ sở vấn đề Biển Đông.
Ấn Độ và Biển Đông: Các chính sách và lợi ích chiến lược
Amrita Jash*
“Chúng tôi cam kết tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh hàng hải và tự do hàng hải, cũng như sự an toàn của các tuyến giao thông đường biển đối với tự do thương mại, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS”[1].
Về khía cạnh này, mối quan ngại lớn của Ấn Độ là Biển Đông - khu vực được cho là nằm ở cửa ngõ của Ấn Độ, do vậy, đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định của khu vực. Căn cứ vào mối quan ngại chiến lược này, Ấn Độ có lợi ích an ninh hợp pháp đối với sự ổn định tại Biển Đông, bởi vì bất kỳ sự bất ổn nào trong khu vực này đều gây ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh quốc gia của Ấn Độ. Lợi ích quan trọng nhất là tự do lưu thông hàng hải qua Biển Đông, vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động buôn bán và thương mại bằng đường biển, cũng như đối với việc đảm bảo an ninh cho nguồn cung năng lượng từ khu vực Sakhalin của Nga[2].
Lợi ích kinh tế của Ấn Độ ở Biển Đông liên quan tới việc thăm dò các nguồn hydrocarbon trong khu vực này của Công ty ONGC Videsh (OVL) - công ty dầu khí đa quốc gia của Ấn Độ. Do vậy, động thái cứng rắn ngày càng tăng của Trung Quốc buộc Ấn Độ phải duy trì quyền lợi và bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực này[3].
“Yếu tố Việt Nam” trong chính sách của Ấn Độ về Biển Đông
Mặc dù Ấn Độ là một nước nằm ngoài khu vực Biển Đông, song quan hệ giữa Ấn Độ với Việt Nam cho thấy, Ấn Độ ở một mức độ nào đó, liên quan trực tiếp tới Biển Đông[4].
Năm 1988, Công ty nhà nước ONGC của Ấn Độ đã bắt đầu dự án thăm dò dầu khí tại vùng lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông. Trong một thời gian dài, Trung Quốc không đưa ra bất kỳ tuyên bố đáng kể nào liên quan tới dự án liên doanh này. Tuy nhiên, vào đầu những năm 2000, Trung Quốc đã phản đối vai trò của Ấn Độ trong liên doanh này. Ấn Độ đã phản ứng theo 2 cách. Trước tiên, Ấn Độ khẳng định quyền của công ty quốc doanh của nước này trong việc thực hiện dự án như một phần lợi ích kinh tế hợp pháp của Ấn Độ. Thứ hai, Ấn Độ bắt đầu bán tàu tuần duyên cho Việt Nam nhằm tăng cường năng lực tuần tra ven biển của Việt Nam. Các tàu chiến của Ấn Độ cũng đã nhiều lần cập cảng Việt Nam, đồng thời Ấn Độ bênh vực quyền của mình trong việc thực hiện các chuyến thăm như vậy. Ấn Độ đã khẳng định sẽ sử dụng hải quân để bảo vệ các cơ sở liên quan dự án liên doanh trên trong trường hợp bị đe dọa[5]. Như vậy, việc ký với Việt Nam Thỏa thuận khung về hợp tác năm 2003 và hiệp định Đối tác Chiến lược ký năm 2007 giống như “Viên kim cương ở Biển Đông” của Ấn Độ đã bắt đầu được tăng cường về mặt quân sự, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức mạnh ở Biển Đông[6].
Sự tăng cường quan hệ đáng chú ý giữa Ấn Độ và Việt Nam được phản ánh trong việc trao đổi các chuyến thăm của các quan chức cấp cao hai nước. Từ ngày 5-6/6/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đã dẫn đầu đoàn đại biểu công nghiệp quốc phòng cấp cao, gồm đại diện các công ty vũ khí lớn nhất của Ấn Độ thăm Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ quân sự song phương. Năm 2015, Tổng thống Ấn Độ, Pranab Mukherjee, đã có chuyến thăm lịch sử tới Việt nam. Chuyến thăm của Bộ trưởng Ấn Độ, Parrikar, diễn ra nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược[7]. Tương tự, vào tháng 10/2014, Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ, được đánh dấu bằng lễ ký Thỏa thuận Hợp tác giữa OVL và PetroVietnam về các dự án thăm dò dầu khí mới tại Việt Nam[8].
Điều này cho thấy quyết tâm của Ấn Độ và Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ hải quân và thiết lập sự hiện diện hàng hải bền vững vốn được duy trì trước đó, với việc tàu hải quân Ấn Độ được phép vào cảng Nha Trang ở miền Nam Việt Nam[9]. Do có nhiều quyền lợi ở Biển Đông, Ấn Độ và Việt Nam đang mở rộng quan hệ bao trùm tất cả các lĩnh vực hợp tác, đồng thời làm sâu sắc thêm mối quan hệ chiến lược hiện có, phù hợp với chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ. OVL đã quyết định lần thứ 3 gia hạn giấy phép thăm dò tại Lô số 128, khu vực mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền, nhằm duy trì lợi ích chiến lược của Ấn Độ tại Biển Đông. Năm 2011, Bắc Kinh đã cảnh báo OVL rằng, các hoạt động thăm dò của công ty này ở bờ biển ngoài khơi Việt Nam là “phi pháp” và “vi phạm chủ quyền Trung Quốc”, song OVL vẫn tiếp tục hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển này. Việc duy trì chính sách này được coi là nỗ lực của New Delhi trong việc khẳng định sự hiện diện của Ấn Độ tại khu vực Trung Quốc thể hiện hành động gây hấn[10]. Ngoài ra, OVL tiếp tục sở hữu 45% cổ phần tại Lô số 6.1 ở bờ biển ngoài khơi Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã vượt mốc 8 tỷ USD trong tài khóa 2013 - 2014, và trên đà đạt mục tiêu 7 tỷ USD trong năm 2015, hiện 2 nước nhất trí đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 15 tỷ USD vào năm 2020.
Một trong số các yếu tố chủ chốt nối kết Ấn Độ - Việt Nam liên quan tới vấn đề Biển Đông là quan hệ hợp tác quốc phòng, vốn đóng vai trò là yếu tố quan trọng trong mối quan hệ đối tác chiến lược đang ngày càng được tăng cường. Phát biểu nhân chuyến thăm Ấn Độ năm 2014 của Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Ấn Độ Modi khẳng định: “Quan hệ hợp tác quốc phòng của chúng tôi với Việt Nam là một trong số các yếu tố quan trọng nhất. Ấn Độ vẫn duy trì cam kết giúp Việt Nam hiện đại hóa các lực lượng an ninh và quốc phòng”[11]. Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 5/2015 của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Phùng Quang Thanh, hai bên đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 2015-2020, và bản ghi nhớ về hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển hai nước.
Ngoài ra, Ấn Độ gần đây cũng đã cung cấp cho Việt Nam gói tín dụng trị giá 100 triệu USD để mua tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam[12]. Trong thời gian diễn ra chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Parikkar[13], hồi tháng 6, Cảnh sát biển Việt Nam đã ký văn bản đặt mua của Công ty Larsen and Toubro của Ấn Độ một tàu tuần tra cao tốc[14], phục vụ cho việc tuần tra bảo đảm an ninh hàng hải[15] và ven biển[16].
Với việc tăng cường quan hệ chiến lược, chuyến thăm đầu tiên sắp tới của Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, tới Việt Nam đóng vai trò quan trọng, và được kỳ vọng sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ chiến lược giữa hai nước. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất sẽ là quyết định của Ấn Độ về việc bán tên lửa siêu thanh BrahMos, do liên doanh Ấn - Nga sản xuất, cho Việt Nam, qua đó sẽ đem lại cho Việt Nam lợi thế chiến lược và vượt trội so với Trung Quốc[17].
Kết Luận
Trong bối cảnh diễn ra những thay đổi chiến lược, vai trò chủ động của Ấn Độ ở Biển Đông không phải là một ngoại lệ. Biển Đông liên quan tới lợi ích quốc gia quan trọng của Ấn Độ trong chính sách Hành động Phía Đông. Khung chính sách này hợp thức hóa những quan ngại ngày càng gia tăng cũng như hành động của Ấn Độ ở Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Theo đó, mối quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chính sách của Ấn Độ về Biển Đông. Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam là lực lượng đối trọng mạnh mẽ chống những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Do vậy, Biển Đông là vấn đề bao trùm lên chương trình chiến lược của Ấn Độ liên quan tới chính sách Hành động Phía Đông.
[1] xxv “Tuyên bố tầm nhìn của Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN,” Association of Southeast Asian Nations, 21/12/2012
[2] xxviDr. SubhashKapila, “Chính sách Hướng Đông, Hành động Phía Đông và Đông Nam Á: Động lực hiến lược chính trị,” South Asia Analysis Group, Paper No. 5603, 14/11/2013.
[3] xxviiDarshana M. Barua, “Hợp tác hải quân Ấn Độ-ASEAN: Một chiến lược quan trọng,” Observer Research Foundation, Analysis, 6/7/2013.
[4] Joseph ChinyongLiow (2016), “Hoa Kỳ và Ấn Độ có thể cùng nhau làm điều gì trên Biển Đông”, Brookings, 10/6/2016
[5] Joseph ChinyongLiow (2016), “Hoa Kỳ và Ấn Độ có thể cùng nhau làm điều gì trên Biển Đông”, Brookings, 10/6/2016
[6] David Scott (2015), “Sự gia tăng cân bằng của Ấn Độ ở Biển Đông”.
[7] Rajaram Panda (2016), “Xu hướng đi lên của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ sau chuyến thăm của Parikka”, The Pioneer, 19/6/2016
[8] Bộ Ngoại giao (2014), “Tuyên bố chung của chuyến thăm Thủ tướng Việt Nam đến Ấn Độ (October 27-28, 2014)”, Government of India, 28/102014,
[9] “Tư lệnh Hải quân Việt Nam thăm Ấn Độ thúc đẩy quan hệ quốc phòng”, Defence Now,
[10] “Ấn Độ - Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược”, The Economic Times, 17 September 2015
[11] Bộ Ngoại giao (2014), Họp báo về chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam đến Ấn Độ (October 28, 2014), Government of India, 28/10 2014
[12] Bộ Quốc phòng, “Tuyên bố chung về hợp tác quốc phòng Ấn Độ và Việt Nam”, Press Information Bureau, Government of India, 26/5/2015,
[13] Gopal Suri (2016), “Việt Nam và Biển Đông”, Vivekananda International Foundation, 13 June 2016,
[14] “Parrikar hội đàm với Chủ tịch nước, Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam”, The Indian Express, 6 June 2016,
[15] DevirupaMitra (2016), “Modi đến thăm Việt Nam, đưa Chính sách Hành động phía Đông đến Biển Đông”, The Wire, 31 July 2016,
[16] David Scott (2015), “Sự gia tăng cân bằng của Ấn Độ ở Biển Đông”.
[17] Harsh V. Pant (2016), “Chiến lược Ấn Độ mở đường ở Việt Nam”, Livemint, 15 June 2016,
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục