Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ và thế giới

Ấn Độ và thế giới

03:34 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ đã cùng với Úc, Nhật Bản và Mỹ tham gia cuộc họp cấp bộ trưởng của nhóm tứ giác Quad, nhấn mạnh cam kết “duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, được củng cố bằng việc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, pháp quyền, minh bạch, tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”. Việc chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Biden ngay từ đầu nhiệm kỳ đã quyết định triệu tập cuộc họp của nhóm Quad đã nói lên nhiều điều về các ưu tiên của Washington cũng như mức độ liên quan lâu dài của nhóm với tất cả các quốc gia thành viên.

Vào tháng 2/2021, trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Ấn Độ Modi, hai nhà lãnh đạo đã cố gắng thiết lập chương trình nghị sự chính sách song phương, trong đó nổi lên hai vấn đề cốt lõi là: biến đổi khí hậu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đối với chính quyền Biden, việc tập trung đổi mới chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu là một trong những cách nghiêm túc nhất để nhấn mạnh sự khác biệt của chính quyền mới với chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Trump. Từ việc bổ nhiệm cựu ngoại trưởng John Kerry làm đặc phái viên về khí hậu đến việc tái gia nhập hiệp định khí hậu Paris, cục diện chính trị mới ở Washington đang báo hiệu những ưu tiên của nước Mỹ khi một lần nữa tham gia vào dòng chủ lưu quan hệ đa phương toàn cầu. Và Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi đang nhanh chóng định vị mình trở thành một bên liên quan nghiêm túc trong các cuộc đối thoại về biến đổi khí hậu, minh chứng là việc Ấn Độ dự kiến sẽ đạt được nhiều hơn những gì đã cam kết trong thỏa thuận Paris.

Đây thực sự là một bước ngoặt đáng chú ý đối với một quốc gia như Ấn Độ. Đất nước mà chỉ vài năm trước đây thôi vẫn bị coi là có quan điểm không rõ ràng trong các cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu. Do đó, mối quan tâm chung về vấn đề biến đổi khí hậu là một lĩnh vực cho New Delhi và Washington hội tụ, định hình giai đoạn tiếp theo của cam kết song phương giữa hai nước. Tất nhiên, ý tưởng về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở tiếp tục là khía cạnh khác của cam kết này, do vấn đề này không chỉ quan trọng đối với hai quốc gia mà còn đối với rất nhiều đối tác của họ trong lĩnh vực địa hàng hải đang phát triển nhanh chóng. Trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy và hiếu chiến, Modi và Biden “nhắc lại tầm quan trọng của việc hợp tác với các nước cùng chí hướng để đảm bảo trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” và “cũng đồng ý tiếp tục hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, bao gồm hỗ trợ cho tự do hàng hải, toàn vẹn lãnh thổ và thiết lập kiến trúc khu vực mạnh mẽ hơn thông qua nhóm Bộ tứ.”

Chỉ trong vòng khoảng một tháng sau khi nhậm chức, hoạt động tiếp cận của chính quyền Biden tới Ấn Độ đã diễn ra mạnh mẽ và thực chất. Tuy nhiên, có một xu hướng khá mới lạ trong các cơ sở chiến lược Ấn Độ, đó là tiếp tục nghi ngờ sức mạnh của mối quan hệ này. Điều đáng lo ngại hơn nữa là cách tiếp cận theo đảng phái đã bắt đầu được thêm vào trong những đánh giá và phân tích của giới tinh hoa Ấn Độ về sự tham gia này. Ngay cả những người trong nhiều thập kỷ qua đã đứng lên chống phương Tây can thiệp vào các vấn đề nội địa của Ấn Độ, ngày nay dường như đã sẵn sàng mời Washington giải quyết các vấn đề thuộc không gian chủ quyền của Ấn Độ. Mỗi chính quyền mới lên lại có những đặc trưng khác nhau, với một loạt chính sách đối ngoại và các ưu tiên đối nội khác nhau, những đặc trưng này quyết định cách họ tham gia với thế giới ra sao. Điều thực sự đáng chú ý trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ trong hai thập kỷ qua là mặc dù có các chính quyền khác nhau và phong cách lãnh đạo khác nhau, nhưng mối quan hệ song phương vẫn phát triển mạnh mẽ.

Ấn Độ đã từng lo lắng khi Barack Obama từ chối thỏa thuận hạt nhân dân sự trước khi ông đắc cử tổng thống và khi ông nói về Kashmir là một phần của vấn đề Afghanistan. Nhưng khi rời nhiệm sở, ông đã quên tất cả những điều này và tự nhận là “người bạn tuyệt vời” của Ấn Độ. Tương tự, Ấn Độ lo ngại khi Donald Trump không ưu tiên Ấn Độ trong chiến dịch tranh cử, và thường xếp Ấn Độ và Trung Quốc vào cùng một nhóm. Nhưng một lần nữa cách đối xử của Donald Trump với Trung Quốc và Ấn Độ ngược lại với những gì ông đã tuyên bố trước đó, và không thể phủ nhận đóng góp của ông trong việc định hình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn, mang lại lợi thế cho Ấn Độ. Và bây giờ với chính quyền Biden, Ấn Độ được cảnh báo rằng, các vấn đề nhân quyền có thể khiến mối quan hệ bị trật bánh. Và một số người ở Ấn Độ đã thực sự đi xa đến mức khuyên Washington nên thách thức chính phủ Ấn Độ về các vấn đề nội bộ.

Bên cạnh vấn đề là chính quyền Biden sẽ làm gì hoặc không làm gì, bất chấp những hạn chế rõ ràng của nó, các quốc gia phương Tây, và đặc biệt là Mỹ, luôn có tham vọng có tiếng nói quyết định tại các diễn ngôn kinh tế-xã hội và chính trị trong nước của các quốc gia khác. Ấn Độ đã trải qua giai đoạn mà các kỳ Quốc hội Mỹ có thể thông qua các nghị quyết về Kashmir hoặc Punjab trong vấn đề nhân quyền. Phản ứng của New Delhi rất kiên quyết và rõ ràng. Và đó là khi Ấn Độ đứng ngoài lề của nền chính trị toàn cầu. Ngày nay, Ấn Độ có vị thế chủ chốt trong vấn đề toàn cầu, với một chính phủ mạnh mẽ và một dân số đầy khát vọng. Nếu Ấn Độ có thể đứng vững trước tình hình thế giới vào những năm 1980 và 1990 khi đang ở mức dễ bị tổn thương nhất, thì không có lý do gì ngày nay Ấn Độ phải lo lắng cần sự ủng hộ của Mỹ.

Nếu ngày nay Ấn Độ sẵn sàng đứng lên chống lại chủ nghĩa bá quyền, bánh trướng, thì nước này cũng có lòng tự tin để bỏ qua tư tưởng chủ nghĩa theo kiểu Mỹ. Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ sẽ tiếp tục phát triển vì sự hội tụ chiến lược cơ bản của cả hai bên. Nền dân chủ Ấn Độ sẽ phát triển theo tốc độ của riêng nó. Thách thức đối với New Delhi là thiết lập một sự đồng thuận trong nội bộ cho phép Ấn Độ chịu được những áp lực trong nước và quốc tế.

Tác giả: Giáo sư Harsh V Pant, Giám đốc, Trưởng nhóm Chương trình Nghiên cứu Chiến lược tại Quỹ Nghiên cứu Người quan sát (ORF), New Delhi.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.orfonline.org/research/india-and-the-world/

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article 

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục