Ấn Độ - Việt Nam: Triển khai xây dựng quan hệ đối tác chiến lược (Phần 1)
Bài viết thảo luận những vấn đề như mối liên hệ lịch sử, tính đoàn kết trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, sự xa cách trong Chiến tranh Lạnh và sự khôi phục quan hệ hợp tác của Ấn Độ và Việt Nam kể từ cuối những năm 1970, hợp tác quốc phòng song phương, sự cần thiết phải xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược, và quan hệ hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy vai trò của cơ chế đa phương khu vực bằng cách củng cố ASEAN.
Ấn Độ - Việt Nam: Triển khai xây dựng quan hệ đối tác chiến lược
G C V NAIDU*
Thảo luận về mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ luôn xoay quanh “quan hệ đối tác chiến lược” mà hai bên xây dựng. Tuy nhiên, không phải nhiều người nhận ra rằng, mối liên hệ của Ấn Độ với Việt Nam có từ thời xa xưa. Đúng vậy, New Delhi và Hà Nội bắt đầu thắt chặt mối quan hệ chính trị kể từ cuối những năm 1970, và hai bên đã củng cố và đẩy mạnh hơn nữa kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức khu vực Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) năm 1997 đã thắt chặt hơn nữa. Một số người cho rằng, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ gần như chỉ xoay quanh Trung Quốc. Đúng là ở mức độ nào đó, cả hai nước đều gắn với Trung Quốc trong các cuộc chiến mà họ tham gia nhưng thực chất là họ luôn tìm cách xây dựng một mối quan hệ toàn diện bao gồm hợp tác kinh tế, chính trị và an ninh. Bởi vì cả hai đều là những nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và là một bộ phận của khu vực Đông Á năng động với một mục tiêu chung là bảo đảm hoà bình và ổn định khu vực, một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế liên tục, họ có nhiệm vụ chung xây dựng một trật tự khu vực không làm tổn hại đến lợi ích của nhau. Hơn nữa, Ấn Độ và Việt Nam cũng muốn chủ nghĩa đa phương khu vực đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế đồng thời giải quyết tranh chấp và gìn giữ hoà bình khu vực. Bởi vậy, những mối quan tâm và lợi ích chung tiếp tục chỉ dẫn cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Phần dưới đây bài viết sẽ thảo luận những vấn đề như mối liên hệ lịch sử, tính đoàn kết trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, sự xa cách trong Chiến tranh Lạnh và sự khôi phục quan hệ hợp tác của hai bên kể từ cuối những năm 1970, hợp tác quốc phòng song phương, sự cần thiết phải xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược, và quan hệ hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy vai trò của cơ chế đa phương khu vực bằng cách củng cố ASEAN.
Cơ sở nền tảng cho mối quan hệ an ninh Việt Nam - Ấn Độ
Ấn Độ là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của nhân dân Việt Nam từ giữa những năm 1940. Trọng tâm chính sách ngoại giao của Ấn Độ ngay sau khi độc lập năm 1947 là chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa châu Á (Asianism), ở một mức độ nhất định, chính sách này chịu ảnh hưởng bởi sự phát triển ở Đông Nam Á nói chung, Việt Nam và Indonesia nói riêng. Chúng ta đều biết rằng, Ấn Độ là một nhà ủng hộ lớn cho phong trào độc lập của Việt Nam. Bởi vậy, Nehru là nhà lãnh đạo đầu tiên tới thăm Hà Nội sau khi Việt Nam đánh bại quân Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954, và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viếng thăm lại Ấn Độ vào năm 1959. Quả vậy, thừa nhận quan điểm nhất quán đối với việc chấm dứt chủ nghĩa thực dân, Ấn Độ đảm nhận vai trò Chủ tịch Uỷ ban giám sát quốc tế như là một phần của Hiệp định Geneva sau khi người Pháp bại trận. Đáng tiếc là, Uỷ ban đã không làm tròn nhiệm vụ của mình khi tổ chức tổng tuyển cử và chuyển giao chính quyền cho những người được bầu vì Chiến tranh Lạnh bắt đầu lan rộng nhanh chóng và sự can thiệp của Mỹ đã diễn ra sau đó ở Việt Nam. Trong suốt cuộc đấu tranh chống Mỹ, Ấn Độ luôn sát cánh bên nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, New Delhi không thể làm gì nhiều vì Chiến tranh Lạnh hầu như nhấn chìm toàn bộ khu vực Đông Nam châu Á.
Ấn Độ vui mừng trước sự xuất hiện của nước Việt Nam sau chiến thắng năm 1975 và sau đó thống nhất hai miền Nam Bắc. Hai nhân tố giúp Ấn Độ và Việt Nam xích lại gần nhau là cả hai nước đều có quan hệ chặt chẽ với Liên Xô cũ và đều có vấn đề với Trung Quốc. Khi Việt Nam có bất đồng với Trung Quốc xuất hiện ngay sau cuộc chiến với Mỹ khi Bắc Kinh muốn Hà Nội đi theo một phân nhánh chủ nghĩa Mác khác với Mát-xcơ-va. Thứ hai, Việt Nam cũng phải đối phó với chế độ Pol Pot ở Cambodia, không phải vì chế độ này ủng hộ Trung Quốc (và là một mô hình kinh tế dựa trên tư tưởng của Mao dẫn đến sự chết chóc của hàng triệu người dân đất nước này) mà vì sự thanh trừng mang tính hệ thống đối với người Việt Nam đang sinh sống qua nhiều thế hệ ở Cambodia. Khi căng thẳng tăng lên, Việt Nam đã không còn lựa chọn nào khác ngoài can thiệp quân sự để đánh đổ bè lũ Pol Pot đáng sợ. Tuy vấn đề khi đó là chủ nghĩa nhân đạo nhưng nhiều người đã tìm cách lợi dụng hành động này để cô lập Việt Nam về mặt ngoại giao.
Trong thời kỳ gian khó đó, Ấn Độ là nước không cộng sản duy nhất bày tỏ sự thừa nhận ngoại giao đối với chính quyền Heng Samrin. Ấn Độ đặc biệt giận dữ khi Trung Quốc tấn công Việt Nam vào tháng 2/1979 với viện cớ tranh chấp biên giới. Hơn nữa, cuộc tấn công diễn ra khi Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ khi đó là Vajpayee đang ở Bắc Kinh trong nỗ lực cố gắng hàn gắn mối quan hệ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng dùng giọng điệu — “dạy một bài học”— mà đã được sử dụng trong cuộc chiến với Ấn Độ năm 1962. Cho dù hành động của Trung Quốc là có chủ định hay ngẫu nhiên trùng hợp, Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ lập tức nổi giận bỏ về nước. Dĩ nhiên, Ấn Độ lên án cuộc tấn cộng của Trung Quốc và bày tỏ tình đoàn kết với Việt Nam.
Khi Đảng Quốc Đại Ấn Độ công bố bản tuyên ngôn của đảng trước cuộc bầu cử quốc hội tháng Giêng năm 1980 rằng, nếu được bầu, Đảng này sẽ thừa nhận về mặt ngoại giao đối với chính quyền Heng Samrin, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã tìm cách can ngăn Ấn Độ không làm như vậy; thậm chí còn đề nghị mức Quan hệ đối thoại ASEAN với Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ cảm thấy rằng, nguyên tắc là phải ủng hộ Việt Nam bất chấp một số lợi ích vật chất có thể có khi trở thành Đối tác quan hệ đối thoại với ASEAN. Trên thực tế, điều này đã trở thành căn nguyên cho mối quan hệ đầm ấm Ấn Độ - Việt Nam trong thời gian gần đây.
Ấn Độ và Việt Nam sau Chiến tranh Lạnh
Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam tiếp tục được củng cố bất chấp nhiều xung đột xảy ra trong Chiến tranh Lạnh. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, trên khắp thế giới bắt đầu có những thay đổi lớn, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Sự chia cắt về hệ tư tưởng giữa các nước Đông Dương Cộng sản và các nước ASEAN chống cộng sản bắt đầu được xua tan. Thật vậy, ASEAN đã phải đối phó với những vấn đề lớn hơn sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Một là, sự hiện diện quân sự của những siêu cường, bất chấp một số vấn đề, đã trở thành một lực lượng ổn định. Người Xô-viết đã có mặt ở Việt Nam nhưng Mỹ cũng đã đặt những căn cứ khổng lồ dưới hình thức Căn cứ Không quân Clark và Căn cứ Hải quân Vịnh Subic (đây là những căn cứ lớn nhất của Mỹ) ở Philippines. Người Philippines cảm nhận thấy việc sử dụng và giá trị chiến lược của những căn cứ này bị giảm xuống khi chiến tranh Lạnh đang khép lại, họ muốn người Mỹ đóng cửa những căn cứ này lại. Căn cứ Không quân Clark đã gần như không còn hoạt động nữa sau sự phun trào của núi lửa Pinatubo năm 1991, và Vịnh Subic đã đóng cửa năm sau đó khi Philippines cảm thấy chủ quyền của họ bị xói mòn bởi những căn cứ này và do đó đã yêu cầu Washington đóng cửa chúng. Khi đó, người Nga cũng rút mọi sự hiện diện quân sự đã có ở Việt Nam. Kết quả là, lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ, Đông Nam Á đã không còn sự hiện diện quân sự của nước ngoài. Điều đó chắc chắn dẫn đến một tình trạng chân không quyền lực. Hai là, những sự kiện này cũng trùng hợp với sự trỗi dậy của những cường quốc châu Á khác là Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, những nước này bắt đầu mở rộng vai trò của mình. Nhiều nhà phân tích thấy rằng, sự bỏ trống quyền lực ở vùng Đông Nam Á địa chiến lược này, rõ ràng sẽ thu hút các cường quốc nói trên lấp đầy chỗ trống. Hơn nữa, do dường như có ba cường quốc tranh giành nhau nên khả năng dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa họ, mà điều đó có thể ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định ở khu vực. Ba là, sự bùng nổ bất ngờ những căng thẳng tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông, đặc biệt là những hành động quyết đoán quân sự của Trung Quốc đã trở thành mối quan tâm lớn. Chẳng hạn, bản đồ của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) năm 1992 gần như bao trùm toàn bộ Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Natuna của Indonesia) như là một bộ phận của Trung Quốc dẫn đến sự sợ hãi và lo lắng ở Đông Nam Á. Việc tranh chấp những hòn đảo này trở nên căng thẳng đến nỗi đã có một loạt cuộc chạm chán đổ máu giữa hải quân Trung Quốc và hải quân Việt Nam vào cuối những năm 1980 đầu 1990--1988, 1992 và 1994, và giữa Trung Quốc và Philippines năm 1995 khi Trung Quốc chiếm dãy đá ngầm Mischief Reef.
Những sự kiện trên đã buộc ASEAN phải thiết lập cho mình một hướng đi mới. Điều đó dẫn đến hai diễn biến quan trọng: Một là, mở rộng tư cách thành viên ASEAN cho Việt Nam nhằm đạt được hai mục đích quan trọng: một là, biến Hiệp hội này thật sự là Đông Nam Á bằng cách tiếp nhận những nước trong khu vực; hai là, với việc kết nạp Việt Nam, sức mạnh kinh tế và quân sự của Hiệp hội sẽ tăng lên đáng kể. Việc Việt Nam gia nhập ASEAN cũng đem lại những lợi thế như trở thành một bộ phận của sân khấu kinh tế và chính trị chính thống ASEAN đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ của ASEAN trong cuộc chiến chống Trung Quốc để đòi chủ quyền ở Biển Đông. Bởi vậy, đây là một tình huống hai bên đều có lợi. Hai là, một thực tế trong phạm vi ASEAN là lôi kéo Ấn Độ vào những vấn đề khu vực sẽ giúp đối phó với Trung Quốc vì Ấn Độ gần như sánh ngang với Trung Quốc về năng lực quân sự và có tiềm năng kinh tế lớn ngang với Trung Quốc. Điều này dẫn đến ASEAN không chỉ thúc đẩy Ấn Độ từ địa vị Đối tác quan hệ đối thoại khu vực năm 1992 thành Đối tác quan hệ đối thoại đầy đủ 1995, mà còn mở rộng chế độ thành viên với các khuôn khổ quân sự do ASEAN đứng đầu như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và sau đó là Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM-Plus) v.v. Bởi vậy, những sự kiện này đã mở đường cho Ấn Độ thực hiện thành công Chính sách hướng Đông của mình đồng thời giúp Ấn Độ tiến đến những liên kết gần gũi với các nước thành viên ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. (Xem tiếp phần 2)
* Giáo sư chuyên về các vấn đề Đông Á của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ - Thái Bình Dương, Khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học tổng hợp Jawaharlal Nehru.
Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Nam, Trung, Đông Nam Á và Tây Nam Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu quốc tế, Đại học Tổng hợp Jawaharlal Nehru.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục