Ấn Độ: Xuất khẩu công nghệ thông tın tăng mạnh trong những năm qua
Ấn Độ: Xuất khẩu công nghệ thông tın tăng mạnh trong những năm qua
Nguyễn Tuấn Quang*
Ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ (Information Techonology – Enabled Services/IT – ITES) phát triển rất nhanh trong những năm vừa qua và đạt được những thành tựu to lớn. Ngành này đóng góp đến 9,3% GDP của đất nước Ấn Độ. Tổng doanh số năm 2016-2017 là 154 tỷ USD, tăng 8% so với 141 tỷ USD của năm trước. Xuất khẩu IT/ITES đạt 117 tỷ USD năm 2016-2017. Năm 2011-2012, xuất khẩu đạt 68,8 tỷ USD, bằng 22,5% tổng trị giá xuất khẩu 305,96 tỷ USD của Ấn Độ. Ngành này hiện cung cấp việc làm cho 3,9 triệu lao động trực tiếp và 10 triệu lao động gián tiếp. Phần lớn các tập đoàn thuộc danh sách của Fortune 500 và Global 2000 đều nhằm vào Ấn Độ như là địa chỉ outsourcing có hiệu quả.
Theo cách phân loại của Hiệp hội Xuất khẩu phần mềm và tin học Ấn Độ (NASSCOM), ngành công nghiệp tin học có 4 mảng chính: Dịch vụ IT (IT services), BPO và sản phẩm phần mềm (Business Process Outsourcing/BPO & Software Products), Dịch vụ kỹ thuật và Nghiên cứu và Phát triển (Engineering Services and R & D) và các sản phẩm phần mềm, trong đó, dịch vụ IT là mảng chính. Ba nhánh của dịch vụ IT là phát triển áp dụng đặt hàng, hỗ trợ và quản lý áp dụng và đào tạo. Các phần quan trọng khác là tư vấn IT, tích hợp hệ thống, dịch vụ hạ tầng (IS), outsourcing, tích hợp và tư vấn hệ thống và kiểm tra phần mềm.
1. Xuất khẩu
Cuộc suy thoái toàn cầu trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến thu nhập của các hoạt động thuộc khu vực IT (IT – BPM/Business Process Managment). Năm 2016, tổng doanh thu ngành toàn cầu đạt ước đạt 1.200 tỷ USD. Trị giá sourcing ước đạt 173 – 178 tỷ USD. Ấn Độ vẫn tiếp tục là vị trí số một của sourcing với thị phần là 55%.
Doanh thu ngành IT – BPM của Ấn Độ
Xuất khẩu tăng chậm lại từ mức 10,2% năm 2013-2014 và giảm xuống 8,5% năm 2015-2016 và giảm nhẹ ở mức -0,9% năm 2016-2017. Tuy nhiên, mức tiêu thụ nội địa lại tăng nhanh trong năm vừa qua là 58,3%.
Các thị trường xuất khẩu chính: Mỹ chiếm 62%; Vương quốc Anh 17%; EU (không kể Vương quốc Anh) 11%; Châu Á 8%.
Ước tính, NASSCOM năm 2017-2018 đạt mức tăng 7 – 8% cho xuất khẩu và 10 – 11% cho thị trường nội địa.
Hiện nay, kinh tế thế giới đang bị suy thoái, sự canh tranh từ các nước mới phát triển tăng và các biện pháp bảo hộ được sử dụng tại các nước phát triển để giảm thất nghiệp và tăng cường xuất khẩu. Ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ có xu hướng chuyển dịch để khai thác thị trường nội địa khổng lồ nhằm bù đắp những giảm sút nhất định từ các thị trường xuất khẩu.
Một trong những nội dung của Kế hoạch 5 năm lần thứ XII (2012 – 2017) là tăng tỷ trọng của ngành IT đóng góp cho sự phát triển và tăng trưởng của đất nước, đặc biệt là về đầu tư, xuất khẩu, lao động kỹ năng cao. Kế hoạch này cũng xác định việc tăng cường và đẩy mạnh vị thế của Ấn Độ như là một đất nước cung cấp dịch vụ tin học có uy tín hàng đầu trên thế giới.
Các công ty IT hiện tập trung chủ yếu tại 7 thành phố lớn của Ấn Độ: Bangalore (Bang Karnataka), Chennai (Bang Tamil Nadu), Gurgaon (Bang Haryana), Noida Uttar (Bang Uttar Pradesh), New Delhi, Kolkata (Bang Tây Bengal), Mumbai (Bang Maharashtra) và Pune (Bang Maharashtra). Trong những năm qua, nhiều công ty mới được thành lập và mở rộng hoạt động ra nhiều địa phương khác nhau như Ahmedabad (Bang Gujarat), Bhubaneshwar (Bang Orissa), Chandigarh (Bang Haryana), Coimbatore (Bang Tamil Nadu), Jaipur (Bang Rajasthan), Kochi (Bang Kerala), Madurai (Bang Tamil Nadu), Mangalore và Mysore (Bang Karnataka) và Trivandrum (Bang Kerala). Khoảng 80% các công ty IT là thuộc quy mô vừa và nhỏ với tỷ trọng 30% xuất khẩu của toàn ngành. Các công ty, tập đoàn lớn là HCL, Wipro, TSC, Infosys.
2. Một vài công ty IT lớn của Ấn Độ
Hiện nay, có nhiều các công ty IT đa quốc gia hoạt động tại Ấn Độ trong các lĩnh vực như thiết kế chip tích hợp, phần mềm hệ thống, trung tâm R & D, trợ giúp kỹ thuật, trợ giúp lưu trữ (captive), BPO…
HCL Technologies có trụ sở chính tại Noida thuộc Bang Uttar Pradesh và được thành lập năm 1976. Lĩnh vực IT chính là dịch vụ thương mại, dịch vụ khai hải quan, kỹ thuật và R & D, dịch vụ thành lập công ty, dịch vụ chuyển đổi công ty, quản lý hạ tầng IT. Doanh số của công ty đạt 6,748 tỷ USD năm 2016/17 với số nhân viên 116.000 người. HCL hiện hoạt động tại 31 nước thuộc các châu lục trên thế giới.
Wipro Technologies trụ sở chính tại Bengaluru, Bang Karnataka, hoạt động trong các lĩnh vực quản lý thông tin và phân tích, BPO, dịch vụ tư vấn, dịch vụ kỹ thuật sản phẩm, lưu động IT (mobility), dịch vụ thương mại, dịch vụ đám mây, năng lượng xanh, dịch vụ quản lý hạ tầng. Wipro hiện có 181.400 nhân viên và hoạt động tại 57 nước trên thế giới, phục vụ trên 900 khách hàng. Doanh số năm 2016/17 đạt 8,5 tỷ USD. Công ty này thành lập năm 1945 và năm 1981 bắt đầu các hoạt động về IT.
Tata Consultancy Services (TCS)
TCS là công ty thành viên của Tập đoàn hàng đầu Ấn Độ Tata Group, được thành lập năm 1968 thuộc Tata Son Ltd. và tách thành công ty riêng vào tháng 1/1995. Hoạt động IT của công ty chủ yếu về dịch vụ bảo hiểm, quản lý BI, BPO, dịch vụ đám mây, giải pháp marketing kết nối, tư vấn, dịch vụ kỹ thuật và công nghiệp, giải pháp doanh nghiệp, dịch vụ IT, giải pháp và dịch vụ lưu động… Hiện nay, tổng số nhân viên là 387.200 người thuộc 13 quốc tịch khác nhau và làm việc tại 44 nước trên thế giới. Doanh số 15,57 tỷ USD năm 2016-2017, lợi nhuận 3,92 tỷ USD, trụ sở chính tại Mumbai, Bang Maharashtra.
Infosys Technologies
Infosys Technologies được 5 thành viên thành lập năm 1981 với số vốn ban đầu 250 USD. Hiện nay công ty có số nhân viên 200.300 và doanh số năm 2015/16 đạt 10,208 tỷ USD. Lợi nhuận 2,14 tỷ USD. Công ty hoạt động tại hơn 30 nước trên thế giới. Trụ sở chính tại Bengaluru, Bang Karnataka. Lĩnh vực hoạt động: dịch vụ tư vấn quản lý, dịch vụ BPO, IT, dịch vụ đám mây, lưu động…
Ngành công nghệ thông tin Ấn Độ (Information Technology - Information Techonology – Enabled Services/IT – ITES) hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nước đang phát triển. Trong khi châu Âu chiếm thị phần lớn nhất của xuất khẩu máy tính và dịch vụ thông tin, tiếp đó là Ấn Độ và Mỹ, nhiều đối thủ cạnh tranh mới như Trung Quốc, Israel và Philippines đã nổi lên trong những năm gần đây. Trong khoảng thời gian 2011 – 2015, mức tăng bình quân hàng năm của dịch vụ máy tính là 69% tại Philippines, 28% tại Sri Lanka, 59% tại Ucraine, 27% tại Liên bang Nga, 37% tại Argentina và 35% tại Costa Rica. Thâm chí trong một số trường hợp trị giá xuất khẩu tương đối thấp, thì mức tăng bình quân hàng năm của dịch vụ máy tính tại các nước này cao hơn mức tăng bình quân của xuất khẩu. Trong lĩnh vực BPO, các nước như Philippines, Malaysia và Trung Quốc thuộc châu Á, Ai Cập và Marocco thuộc Bắc Phi, Brazil, Mexico, Chile và Columbia thuộc Mỹ La tinh, Ba Lan và Ireland thuộc châu Âu đang nổi lên như các địa chỉ mới hấp dẫn của các đối tác IT. Theo NASSCOM, trong 5 năm qua, Ấn Độ đã mất 10% thị phần cho các nước phần còn lại của thế giới.
3. Xu hướng phát triển
Mặc dù Trung Quốc cũng đang đối mặt với các thách thức như vấn đề ngôn ngữ tiếng Anh, nước này cũng đang chi những khoản tiền lớn để nâng cao khả năng tiếng Anh chuyên ngành cho đội ngũ cán bộ quản lý và thực thi chuyên môn. Như vậy, Trung Quốc cũng đang dần trở thành đối thủ cạnh trạnh mạnh với Ấn Độ. Mặc dù Philippines, địa chỉ xếp thứ 2 của BPO, cũng đang đối phó với vấn đề tăng giá đồng tiền nội địa, nhưng vẫn đang trên đường trở thành nhà sản xuất và cung cấp BPO tiềm năng cả về phần cứng và phần mềm. Đặt hàng từ bên ngoài đang trở thành vấn đề quốc gia của một số nước phát triển như Mỹ và Anh, những nước vẫn khuyến khích và hỗ trợ BPO nội địa bằng nhiều biện pháp khác nhau. Tại Anh, ngành IT có số lượng nhân công gần 1 triệu người và đang trở thành một trong nhưng ngành quan trọng của nền kinh tế.
Trong bối cảnh như đã nêu trên, ngành tin học của Ấn Độ cần thiết phải hóa giải được các thách thức. Các chiến dịch về outsourcing tin học cần phải được thực hiện có hiệu quả và nhanh nhậy trong các ngành công nghiệp tại các nước phát triển. Ấn Độ cũng cần phải tăng cường chuỗi giá trị trong các dịch vụ phần mềm. Đồng thời phải hết sưc chú trọng đến thị trường lớn và tiềm năng trong nước, tăng cường và mở rộng công tác đào tạo nguồn nhân lực tại các bang truyền thống cũng như các bang có nhiều lợi thế về ngành công nghiệp quan trọng này./.
* Nguyên Tham tán thượng mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ và Anh nối lại đàm phán FTA vào năm 2025
Kinh tế 03:00 20-11-2024
Ấn Độ và Mexico: Đầu tư, thương mại và những con đường hợp tác
Kinh tế 10:00 30-10-2024
Rào cản ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế ở Ấn Độ
Kinh tế 10:00 26-08-2024
Vietnam Airlines, Innovation India seal MoU for collaboration
Kinh tế 10:00 31-07-2024