Ảnh hưởng của quan hệ Ấn – Việt đối với vấn đề Biển Đông (Phần 1)
Sau Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ và Việt Nam thường xuyên qua lại tại Biển Đông, triển khai các hoạt động hợp tác quân sự và năng lượng, dẫn tới những ảnh hưởng rất lớn đối với cục diện Biển Đông. Tuy rằng những hành động của Ấn Độ tại Biển Đông đều phải chịu sự chế ước từ phía các nước lớn là Trung Quốc, Mỹ, Nga, nhưng những hợp tác đó đã gây ra xu thế quốc tế hóa, phức tạp hóa vấn đề Biển Đông, bất lợi cho việc Trung Quốc giải quyết vấn đề Biển Đông theo phương châm đã định. Trung Quốc vừa phải kiên trì lập trường giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình, vừa phải có động thái để hướng tới mặt lợi, tránh khỏi mặt hại.
Ảnh hưởng của quan hệ Ấn – Việt đối với vấn đề Biển Đông
Hồ Na*
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nước lớn ở Nam Á là Ấn Độ chính thức bắt đầu tiến hành “chính sách Đông tiến” (Look East Policy), nó trở thành một bộ phận của chiến lược nước lớn của Ấn Độ và nội dung quan trọng của ngoại giao đương đại. Chiến lược đông tiến còn được giới học thuật Trung Quốc gọi là “chiến lược hướng đông”, “đông” chỉ Ấn Độ phải phát triển theo hướng đông, tích cực tham gia những sự vụ ở châu Á Thái Bình Dương, nâng cao sức ảnh hưởng tại khu vực Đông Á và Tây Thái Bình Dương. Trong quá trình đông tiến, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á thường xuyên lui tới, đồng thời can dự vào vấn đề Biển Đông, điều này gây ra ảnh hưởng tới vấn đề Biển Đông mà những nước liên quan tới tranh chấp Biển Đông không thể làm ngơ. Việt Nam là một bên trong vấn đề Biển Đông, xuất phát từ cân nhắc lợi ích của bản thân, đã tích cực lôi kéo các nước lớn bên ngoài khu vực bao gồm cả Ấn Độ can thiệp vào vấn đề Biển Đông, thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, điều này đan kết với chính sách đông tiến của Ấn Độ, tạo ra xu thế ấm lên của quan hệ Ấn Việt. Ảnh hưởng của quan hệ Ấn Việt đối với vấn đề Biển Đông tương đối phức tạp.
1. Diễn biến phát triển của quan hệ Ấn Việt
Trong lịch sử cổ đại, sự giao lưu về thương mại và văn hóa giữa hai nước Ấn Việt khá phát triển, đến thời cận đại, từng nước lần lượt trở thành thuộc địa của Anh và Pháp, hai nước luôn ủng hộ lẫn nhau trong quá trình phản đối chủ nghĩa thực dân và giành độc lập dân tộc, đúc kết được tình hữu nghị sâu nặng. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quan hệ hai nước phát triển ổn định. Năm 1954, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Thủ tướng Nehru viếng thăm Việt Nam, trở thành một trong những nguyên thủ nước ngoài đầu tiên viếng thăm Việt Nam, cùng năm đó, Ấn Độ đặt lãnh sự quán tại Hà Nội. Năm 1956, Việt Nam cũng đặt lãnh sự quán tại New Delhi. Tháng 2 năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Ấn Độ, năm sau Tổng thống Ấn Độ Prasad viếng thăm Việt Nam, có thể thấy trước khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao quan hệ song phương giữa hai nước đã đạt tới một tầm cao nhất định. Ngày 7 tháng 1 năm 1972, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, từ đó quan hệ hai nước phát triển với tốc độ nhanh, đặc biệt đã bước vào thời kỳ đỉnh cao từ giai đoạn sau những năm 70. Nguyên nhân chủ yếu vì việc Việt Nam xâm lược Campuchia gây ra sự phẫn nộ cho cộng đồng quốc tế, rơi vào thế cô lập về ngoại giao, vậy mà Ấn Độ vẫn biểu thị sự ủng hộ đối với Việt Nam, trở thành đối tác ngoại giao không dễ mà có được của Việt Nam. Lúc này lãnh đạo hai nước thường xuyên qua lại, sự hợp tác ở các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật cũng được đi sâu triển khai. Tháng 12 năm 1982, hai nước thành lập Ủy ban liên hợp hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của quan hệ hai nước.
Từ những năm cuối của thập niên 80 của thế kỷ XX, đối diện với những biến đổi to lớn của tình hình quốc tế, hai nước Ấn Việt đã điều chỉnh chính sách của mỗi nước. Năm 1986, Đại hội 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định chiến lược phát triển đất nước với đường lối chính trị cải cách mở cửa toàn diện và lấy xây dựng kinh tế làm trọng tâm, cùng với phương châm ngoại giao “thêm bạn, bớt thù, tạo lập môi trường quốc tế có lợi, phục vụ cho kinh tế trong nước”, chính sách trong và ngoài nước của Việt Nam đổi mới từ đó. Tháng 9 năm 1991, chính phủ Rao của Ấn Độ chính thức đề ra chính sách đông tiến, nhấn mạnh cần phát triển quan hệ thương mại đầu tư, đối thoại chính trị và liên kết văn hóa với các nước Đông Nam Á. Sự điều chỉnh chính sách của hai bên đã thúc đẩy quan hệ Ấn Việt mật thiết và sâu sắc thêm một bước, trực tiếp dẫn tới sự hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, giáo dục, khoa học kỹ thuật và việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
2. Sự qua lại của hai nước Ấn Việt tại Biển Đông
Hiện nay, sự giao lưu qua lại của hai nước Ấn Việt chủ yếu tập trung ở hai phương diện, một là hợp tác quân sự, hai là hợp tác năng lượng. Mặc dù Trung Quốc chủ trương nhất quán rằng vấn đề Biển Đông cần phải do các nước có tranh chấp giải quyết thông qua đàm phán song phương, nhưng vẫn không ngăn được sự nhúng tay của các nước lớn ngoài khu vực và xu thế quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, việc can thiệp của Ấn Độ càng làm tăng thêm tính phức tạp của vấn đề. Việc qua lại thường xuyên giữa Ấn Độ với một bên tranh chấp tại Biển Đông là Việt Nam là vấn đề mà Trung Quốc cần phải tập trung chú ý khi giải quyết vấn đề tranh chấp.
- Hợp tác quân sự
Hợp tác quân sự là bình diện chủ yếu nhất trong hoạt động qua lại ở Biển Đông của hai nước, biểu hiện ở ba phương diện là diễn tập quân sự, giao dịch vũ khí và kỹ thuật quân sự và ngoại giao quân sự.
- Diễn tập quân sự
Diễn tập quân sự Ấn Độ và Việt Nam tại Biển Đông bắt đầu từ năm 2000. Tháng 10 năm đó, phía Ấn Độ đưa hạm đội gồm 6 tàu chiến hiên ngang vào Biển Đông, cùng với Việt Nam cử hành diễn tập liên hợp với kẻ địch giả định là Trung Quốc, sau khi kết thúc diễn tập, hải quân Ấn Độ không lập tức rời đi, mà đơn độc tiến hành diễn tập cùng với một tàu ngầm hạng kilo và máy bay chống tàu ngầm của nước chủ nhà. Khi đó tờ Defence Weekly của Jane của Anh bình luận về hành động này, cho rằng việc hải quân Ấn Độ tiến vào Biển Đông (biển phía nam Trung Quốc) là một hành động bạo dạn, cho thấy Ấn Độ đang bước ra khỏi phạm vi thực lực truyền thống của nó để tiến vào khu vực mới, điều này sẽ thay đổi triệt để so sánh lực lượng trên biển khu vực Đông Nam Á, từ đó đe dọa nghiêm trọng an ninh Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên Ấn Độ và Việt Nam tiến hành diễn tập phối hợp trên Biển Đông. Từ lần đó về sau, hải quân Ấn Độ tiến vào Biển Đông ngày một thường xuyên. Năm 2005, Ấn Độ phái hạm đội hỗn hợp gồm 5 tàu chiến, 1 tàu ngầm và một số tàu hỗ trợ tiến vào Biển Đông, một lần nữa tiến hành diễn tập quân sự cùng Việt Nam.
- Giao dịch vũ khí và kỹ thuật quân sự
Việc giao dịch vũ khí và kỹ thuật quân sự giữa Ấn Độ và Việt Nam sớm bắt đầu từ sau chiến tranh Trung Việt năm 1979, khi đó chỉ là vì tiếp thu bài học thất bại trước Trung Quốc trên chiến trường và tăng cường hợp tác. Đến năm 2000, Ấn Độ càng mong muốn triển khai hợp tác quốc phòng với các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam. Bộ trưởng quốc phòng đương nhiệm khi ấy là Janan Fernandez cho rằng, hai nước Ấn Việt đều sử dụng rất nhiều trang thiết bị của Nga, nhưng các phương diện nghiên cứu phát triển, duy tu vũ khí và trang cấp linh kiện về sau của Ấn Độ đều phát triển hơn Việt Nam, do đó hai nước có không gian rộng rãi trong việc triển khai hợp tác quân sự. Ấn Độ nhanh chóng cùng Việt Nam đạt được thỏa thuận huấn luyện phi công chiến đấu cơ kiểu Nga và hỗ trợ kỹ thuật tên lửa. Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2004, Ấn Độ với địa vị hàng đầu về công nghệ thông tin đã bắt đầu cung cấp cho không quân Việt Nam kỹ thuật điện tử hàng không và hệ thống radar đã qua cải tiến, đồng thời nâng cấp 120 chiếc MiG, 21 chiến đấu cơ và hệ thống pháo đại bác 100 và 130 li, Ấn Độ còn giúp Việt Nam huấn luyện phi công. “Giá thị trường” của một loạt hợp đồng này là 600 triệu đô la, nhưng Ấn Độ chỉ báo giá 300 triệu. Năm 2006, quân đội Việt Nam tiếp nhận nhiều tàu tuần tra duyên hải từ phía Ấn Độ, Ấn Độ cũng trở thành một trong những nhà cung ứng chủ yếu đạn dược thường xuyên cho quân đội Việt Nam. Hiện nay, Ấn Độ còn cung cấp cho Việt Nam phụ kiện quan trọng của tàu chiến và tàu tên lửa nguyên mẫu Nga. Bản tin “Tin tức quốc phòng” của Mỹ cho rằng, năm 2007 Ấn Độ tháo hơn 5000 linh kiện của 11 chiến hạm kiểu Nga đã thôi sử dụng, để cung cấp cho hải quân Việt Nam, để giúp cho tàu hộ tống lớn nhất của chiến hạm hiện thời của hải quân Việt Nam khôi phục sức chiến đấu. Tờ “Indian Express” ngày 14 tháng 10 năm 2010 cũng tiết lộ, Việt Nam đã đồng ý tiến hành phục vụ tu bổ cho chiến hạm của Ấn Độ tại hải cảng Việt Nam, động thái này có ý nghĩa sâu xa, giúp quan hệ quân sự Ấn Việt được nâng cao nhanh chóng.
Việc xuất khẩu tên lửa từ Ấn Độ sang Việt Nam là nội dung quan trọng trong giao dịch vũ khí của hai nước những năm gần đây. Ngày 21 tháng 3 năm 2010, Ấn Độ tuyên bố đã thử nghiệm thành công tên lửa hành trình “BrahMos” kiểu mới, đồng thời ngỏ ý xuất khẩu loại tên lửa này tới các nước Đông Nam Á. Ấn Độ đặc biệt coi Việt Nam là “quốc gia thân thiện” ở Đông Nam Á, nỗ lực đẩy mạnh tiêu thụ tên lửa đối với nước này, trong khi Việt Nam đang cần tăng cường quân sự ở Trường Sa vì mục đích đối kháng với Trung Quốc ở Biển Đông, cũng có ý muốn nhập khẩu tên lửa, để nâng cao khả năng phản kích đối với Trung Quốc. Tháng 9 năm 2011, Ấn Độ quyết định xuất khẩu tên lửa BrahMos cho Việt Nam. Mục đích xuất khẩu cho Việt Nam đương nhiên không đơn thuần chỉ vì kiếm tiền, mà còn là để ủng hộ các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, hình thành sự chế ước gián tiếp với Trung Quốc. (Xem tiếp phần 2)
* Học viện Chủ nghĩa Mác Đại học Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục