Ảnh hưởng của quan hệ Ấn – Việt đối với vấn đề Biển Đông (Phần 2)
Sau Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ và Việt Nam thường xuyên qua lại tại Biển Đông, triển khai các hoạt động hợp tác quân sự và năng lượng, dẫn tới những ảnh hưởng rất lớn đối với cục diện Biển Đông. Tuy rằng những hành động của Ấn Độ tại Biển Đông đều phải chịu sự chế ước từ phía các nước lớn là Trung Quốc, Mỹ, Nga, nhưng những hợp tác đó đã gây ra xu thế quốc tế hóa, phức tạp hóa vấn đề Biển Đông, bất lợi cho việc Trung Quốc giải quyết vấn đề Biển Đông theo phương châm đã định. Trung Quốc vừa phải kiên trì lập trường giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình, vừa phải có động thái để hướng tới mặt lợi, tránh khỏi mặt hại.
Ảnh hưởng của quan hệ Ấn – Việt đối với vấn đề Biển Đông
Hồ Na*
- Ngoại giao quân sự
Ngoại giao quân sự giữa Ấn Độ và Việt Nam thể hiện ở hai phương diện: thứ nhất là xây dựng quan hệ hợp tác quốc phòng, kí kết thỏa thuận hợp tác quân sự. Ví dụ năm 1994 Ấn Độ và Việt Nam ký kết hợp tác quốc phòng, quy định Ấn Độ cung cấp cho quân đội Việt Nam vũ khí thiết bị và linh, phụ kiện và tiếp nhận quân nhân Việt Nam sang đào tạo ở Ấn Độ. Thứ hai là sự qua lại của quân nhân. Ngày 19 tháng 7 năm 2011, tàu đổ bộ xe tăng hiệu “Ira Watts” của hải quân Ấn Độ viếng thăm Nha Trang, Việt Nam, Tổng tư lệnh hải quân Việt Nam Nguyễn Văn Hiến ngỏ lời mời Ấn Độ đóng quân lâu dài tại Nha Trang, và phản ứng của Ấn Độ về điều này tương đối tích cực. Một khi Ấn Độ xây dựng căn cứ thường trú ở Việt Nam, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tinh hình Biển Đông và an ninh quốc phòng phía Nam Trung Quốc. Nhìn từ góc độ Việt Nam, trong tranh chấp Biển Đông họ luôn cảm nhận được áp lực to lớn từ Trung Quốc, do đó cần lôi kéo đối tác chiến lược Ấn Độ để dựa vào đó đối kháng với Trung Quốc. Đối với Ấn Độ mà nói, lời mời của Việt Nam lại vừa khéo tạo thời cơ cho việc thực hiện chính sách đông tiến và chiến lược can thiệp vào Biển Đông. Thông qua những hoạt động ngoại giao quân sự này, quan hệ giữa hai nước Ấn Việt lại càng mật thiết hơn.
- Hợp tác năng lượng
Việc tồn tại tranh chấp ở Biển Đông, một nguyên nhân chủ yếu là khu vực này tài nguyên năng lượng phong phú. Việt Nam không chỉ tận dụng những đảo đá ngầm thuộc kiểm soát thực tế để ra sức tiến hành khai thác dầu khí, mà còn muốn ký kết các hiệp định hợp tác năng lượng với những nước lớn ngoài khu vực, cùng nhau khai thác năng lượng ở Biển Đông. Tháng 9 năm 2011, Việt Nam “phê chuẩn” cho công ti dầu khí quốc gia Ấn Độ khai thác nguồn dầu khí ở khu vực biển tranh chấp, tuy Trung Quốc biểu thị sự phản đối kịch liệt với hành động này, nhưng kế hoạch khai thác này vẫn được tiếp tục và trở thành một bộ phận của “hợp tác chiến lược” Ấn Độ. Ấn Độ tuyên bố hoạt động ở Biển Đông hoàn toàn là vì ứng phó với hoạt động của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, “nếu như Ấn Độ Dương không phải là biển của Ấn Độ, vậy thì Biển Đông cũng không phải là biển của Trung Quốc”. Ngày 11 tháng 10 năm 2011, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Trung Quốc, trong thời gian viếng thăm, Trung Quốc và Việt Nam đã ký bản kế hoạch hợp tác kinh tế thương mại 5 năm và thỏa thuận giải quyết vấn đề trên biển, không khí còn có vẻ hữu hảo. Nhưng cùng thời điểm đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng sang thăm Ấn Độ, ký kết với Ấn Độ hợp đồng thăm dò dầu khí của công ty hai nước tại vùng biển tranh chấp. Cách làm hai mặt của ngoại giao Việt Nam đối với Trung Quốc không chỉ làm tiêu tan thành ý từ việc viếng thăm Trung Quốc của Nguyễn Phú Trọng, mà còn bộc lộ ý đồ của Ấn Độ thông qua việc triển khai hợp tác năng lượng với Việt Nam để nhúng tay và Biển Đông. Hợp tác năng lượng giữa Ấn Việt tuyệt nhiên không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà chủ yếu là việc cân nhắc mục đích chiến lược ủng hộ Việt Nam kiềm chế Trung Quốc.
Ấn Độ và Việt Nam mong muốn có hợp tác năng lượng, đây là một bộ phận của ngoại giao năng lượng của Ấn Độ. Ấn Độ vốn dựa rất nhiều vào năng lượng từ Trung Đông, nhưng tình hình Trung Đông bất ổn, do đó Ấn Độ mong muốn nâng cao hệ số an toàn của nguồn cung ứng năng lượng từ bên ngoài, tránh tình trạng đơn nhất hóa con đường cung cấp năng lượng, vì vậy đã nhấn mạnh vào việc thúc đẩy ngoại giao năng lượng để thực hiện đa dạng hóa nguồn cung, đa dạng hóa con đường của năng lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu an toàn năng lượng của chính mình. Do sự gần gũi về địa lý, Ấn Độ đặt sự chú ý rất lớn vào Biển Đông, và tìm kiếm sự hợp tác với các nước xung quanh Biển Đông. Cuối những năm 90 của thế kỷ XX, dưới sự nỗ lực của chính phủ Ấn Độ, doanh nghiệp trực thuộc công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ đã từng ký thỏa thuận với Việt Nam, Việt Nam phê chuẩn cho doanh nghiệp Ấn Độ tham gia vào việc khai thác những dự án năng lượng quốc tế của mình, định mức khai thác đạt 45%. Hạng mục này đã chính thức bắt đầu dẫn khí từ năm 2002 – 2003. Ngoại giao năng lượng của Ấn Độ đáng để Trung Quốc cảnh giác.
3. Đánh giá về việc triển khai hợp tác quân sự Ấn Việt ở Biển Đông
Tính đến hiện nay, hợp tác quân sự của hai nước Ấn Việt ở Biển Đông tương đối thuận lợi, nhưng không có nghĩa là hợp tác sẽ tiếp diễn thuận buồm xuôi gió, những nhân tố ảnh hưởng tới hợp tác quân sự giữa hai nước vẫn tồn tại, hơn nữa hậu quả nghiêm trọng của hợp tác quân sự cũng không thể xem nhẹ.
- Không gian hợp tác quân sự tại Biển Đông là có hạn
Trước hết, mức độ hợp tác quân sự tại Biển Đông của hai nước Ấn Việt vẫn còn khá thấp, hơn nữa lại bị hạn chế bởi các nước Nga, Mỹ. Hiện nay, hợp tác quân sự
Ấn Việt vẫn dừng lại ở khía cạnh giao dịch vũ khí và ngoại giao quân sự. Ấn Độ mặc dù nhiệt tình muốn nâng cao thực lực quân sự của Việt Nam, nhưng các nước lớn là Mỹ, Nga tuyệt đối không ngồi nhìn ảnh hưởng của Ấn Độ tại Việt Nam tăng lên quá mức. Từ khi lên nắm chính quyền, chính phủ Obama chú trọng hơn tới Đông Á, mạnh mẽ tuyên bố “quay lại” châu Á. Nga cũng hướng góc nhìn tới một nước Trung Quốc đang được tăng cường nhanh chóng về thực lực kinh tế và thực lực quân sự, hy vọng trong khi át chế Trung Quốc sẽ không xuất hiện thêm một thế lực nào nữa có thể thách thức với mình. Việc Nga đề xuất thuê vịnh Cam Ranh là một thí dụ rõ ràng, để thấy rằng Nga sẽ không cho phép thực lực quân sự của Ấn Độ tại Việt Nam được tăng cường thái quá.
Bên cạnh đó, hợp tác quân sự Ấn Việt tại Biển Đông còn chịu áp lực từ Trung Quốc. Hai nước đều có biên giới đất liền với Trung Quốc, các thiết đặt quân sự ở các khu vực liên quan tới đường biên Trung Quốc hình thành nên sự kiềm chế mạnh mẽ đối với hai nước này. Huống hồ Trung Quốc cùng với Ấn Độ và Việt Nam đều đã xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, Trung Ấn, Trung Việt trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, năng lượng, giáo dục và văn hóa đều có sự hợp tác vô cùng rộng rãi, Ấn Độ với Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều lợi ích chung, do đó họ sẽ không vì lợi ích nhất thời mà gây chuyện với Trung Quốc, huống hồ sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang không ngừng được nâng cao, điều này đã hình thành sự uy hiếp mạnh mẽ đối với hai nước Ấn Việt. Có thể nói, Ấn Việt muốn tăng cường hợp tác quân sự không giới hạn ở Biển Đông thì Trung, Mỹ, Nga đều sẽ không chấp nhận.
- Gia tăng căng thẳng ở Biển Đông
Đây là hậu quả nghiêm trọng nhất mà hợp tác quân sự của hai nước Ấn Việt tại Biển Đông gây ra. Đảo đá ngầm thuộc chủ quyền của Trung Quốc mà Việt Nam chiếm đóng phi pháp lên tới 29 vị trí, họ vô cùng lo sợ Trung Quốc sẽ dùng vũ lực thu hồi những khu vực đó. Ấn Độ can dự vào tranh chấp Biển Đông và ủng hộ Việt Nam vào thời điểm này, điều đó khiến Việt Nam cảm thấy bản thân mình có một chỗ dựa vững chắc, được đà nhiều lần khiêu khích Trung Quốc, sử dụng lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Tháng 7 năm 2011 tàu đổ bộ xe tăng hiệu Ira Watts của hải quân Ấn Độ viếng thăm Việt Nam, mấy tháng trước đó, tranh chấp Biển Đổng giữa Việt Nam và Trung Quốc đột nhiên nóng lên, nảy sinh hàng loạt sự kiện xung đột trên biển, Việt Nam không ngừng xuất hiện trong nước các cuộc biểu tình thị uy phản đối Trung Quốc. Hải quân Ấn Độ lúc này đến Việt Nam, không thể không bị coi là một sự ủng hộ nào đó cho Việt Nam, từ đó mà dẫn tới việc Việt Nam càng cứng rắn trong vấn đề Biển Đông. Sự can dự của Ấn Độ là một biểu hiện quan trọng cho hướng đi quốc tế hóa của vấn đề Biển Đông, không chỉ làm gia tăng sự căng thẳng trên Biển Đông, mà còn bất lợi cho phương châm đã định của Trung Quốc là thông qua đàm phán song phương để giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông, điều này đòi hỏi Trung Quốc phải ứng phó hết sức thận trọng.
- Hợp tác quân sự Ấn Việt nhận được sự ủng hộ của các nước lớn ngoài khu vực
Những năm gần đây, sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc dẫn đến sự bất an và cảnh giác của các cường quốc Châu Á Thái Bình Dương, họ lần lượt áp dụng các biện pháp để ứng đối với cái gọi là “mối nguy Trung Quốc”. Việt Nam và Ấn Độ là hai đối thủ trong khu vực châu Á của Trung Quốc, thu hút sự chú ý của các nước Mỹ, Nga, họ bắt đầu giúp đỡ hai nước này phát triển quân sự. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga luôn là đối tác hợp tác quân sự quan trọng của Ấn Độ, ra sức hỗ trợ Ấn Độ cải tiến hiện đại hóa thiết bị vũ khí. Từ năm 2002 đến năm 2009, trị giá vũ khí của Nga xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 9,874 tỷ đô la, gần như chiếm 60% tổng lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ. Nhà máy vũ khí của Nga ngoài sản xuất cho Ấn Độ xe tăng, máy bay, trực thăng, tàu ngầm mới, tàu sân bay, chiến hạm nổi, còn chuyển giao công nghệ sản xuất máy bay chiến đấu MiG và máy bay chiến đấu Sukhoi, và bắt đầu liên kết chế tạo máy bay tiêm kích đời thứ năm. Nước Mỹ cũng mở rộng xuất khẩu vũ khí sang Ấn Độ. Tháng 2 năm 2011 Bộ trưởng Thương mại Mỹ viếng thăm Ấn Độ, với một đoàn đại biểu công nghiệp hùng hậu tháp tùng, hai nước đồng ý hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng và công nghệ nghiên cứu vũ trụ, Mỹ còn rao bán máy bay F-35 đời thứ năm cho Ấn Độ để đối trọng với J-20 của Trung Quốc. Hai nước Ấn Việt vì có được sự ủng hộ của các nước lớn ngoài khu vực mà có khả năng bước dài hơn trên con đường chế ước Trung Quốc, điều này cũng càng khích lệ việc tăng cường hợp tác quân sự của họ trên Biển Đông.
4. Đối sách của Trung Quốc
Trung Quốc muốn cải thiện tình hình Biển Đông, tạo ra môi trường Biển Đông có lợi cho mình, bắt buộc phải chú ý những thay đổi của hợp tác Ấn Việt trên Biển Đông.
Trước hết, cần tiếp tục kiên trì lập trường “chủ quyền của ta, gác bỏ tranh chấp, cùng nhau khai thác”, duy trì “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” và phương châm của nó, đồng thời có sự phản đổi rành mạch về hành động phá hoại hòa bình ổn định của Biển Đông của hai nước Ấn Việt. Việt Nam và Ấn Độ đều là những nước hữu hảo của Trung Quốc, sự phát triển quan hệ song phương của họ trong quá khứ đều không động chạm tới lợi ích của nước thứ ba, nhưng vài năm gần đây những hành động của Việt Nam và Ấn Độ trên Biển Đông, như ký thỏa thuận hợp tác lâu dài về năng lượng và diễn tập quân sự nhắm vào Trung Quốc, đã trực tiếp làm tổn hại đến chủ quyền và lợi ích quốc gia của Trung Quốc, không thể không gây nên sự phản đối và quan ngại của Trung Quốc. Trung Quốc phản đối cách làm sai trái của hai nước Ấn Việt trên Biển Đông trên cơ sở kiên trì nguyên tắc đã định, điều này vừa chứng minh với cộng đồng quốc tế thành ý của Trung Quốc là giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình, vừa thể hiện thái độ kiên định bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc, duy trì sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với tình hình Biển Đông.
Ngoài ra, Trung Quốc nhất thiết phải có động thái trên Biển Đông. Sự hợp tác quân sự của hai nước Ấn Việt trên Biển Đông chủ yếu là để đối phó với áp lực của Trung Quốc, nhưng cùng với tình hình Biển Đông ngày một phức tạp, động cơ hợp tác quân sự Ấn Việt cũng không còn chỉ để kiềm chế Trung Quốc. Hai nước Ấn Việt đều có tư tưởng của chủ nghĩa bành trướng, nếu như Trung Quốc tiếp tục nhượng bộ hai nước này nhiều lần nữa, có thể sẽ khích lệ Ấn Việt có những hành động bất lợi hơn cho Trung Quốc tại Biển Đông. Xét ở điểm này, Trung Quốc cần phải có động thái trên Biển Đông, tích cực triển khai sức ảnh hưởng đối với Ấn Việt.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch
Nguồn: Học báo Học viện Quản lý công nghiệp hàng không Trịnh Châu.- 2012.- Số 4.- Tr 9-11+37.
* Học viện Chủ nghĩa Mác Đại học Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục