Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bài phát biểu của Bà Preeti Saran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam tại Hội thảo khoa học "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo"

Bài phát biểu của Bà Preeti Saran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam tại Hội thảo khoa học "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo"

Ngày 30/6/2015, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo” . Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trân trọng giới thiệu toàn văn Bài phát biểu của Bà Preeti Saran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam tại Hội thảo này.

02:43 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

PHÁT BIỂU CỦA BÀ PREETI SARAN,

ĐẠI SỨ ĐẶC MỆNH TOÀN QUYỀN ẤN ĐỘ TẠI VIỆT NAM

 

Kính thưa GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,

Kính thưa các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện,

Kính thưa PGS. TS. Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ,

Thưa các quý vị khách quý,

Thưa các quý ông, quý bà, 

Hôm nay, tôi rất vui mừng có mặt tại đây để tham dự Hội thảo "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo" do Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. 

Tôi xin cảm ơn GS. TS. Tạ Ngọc Tấn bởi sự chỉ đạo của ông đã khuấy động hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ ngay từ năm đầu thành lập. Tôi cũng xin cảm ơn PGS. TS. Lê Văn Toan, Giám đốc đầu tiên của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, bởi công việc lớn lao mà ông đã thực hiện, liên quan tới quan hệ Ấn Độ - Việt Nam từ khi Trung tâm được khánh thành tháng 9 năm ngoái bởi Tổng thống Pranab Mukherjee và Chủ tịch Trương Tấn Sang. Trong một thời gian rất ngắn, Trung tâm đã lập Website riêng và tổ chức hàng loạt sự kiện, bài giảng, mà tôi tin chắc những điều đó giúp các nhà lãnh đạo và những người ra quyết định định hình được nhận thức về cơ hội và tiềm năng của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Tôi tin tưởng rằng, trong vài năm tới, Trung tâm sẽ là một trong những cơ quan hàng đầu về quan hệ Ấn Độ - Việt Nam.

Khi hai nước chúng ta chiến đấu vì độc lập, những nhà lãnh đạo các phong trào, như Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên hệ trực tiếp. Từ trong ngục tù, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cho Thủ tướng Jawaharlal Nehru:

Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt

Không lời mà vẫn cảm thông nhau

Dù những câu chữ này được viết ra trong hoàn cảnh hai quốc gia đang đấu tranh giành độc lập từ ách cai trị thực dân, chúng hoàn toàn tương xứng với mối quan hệ văn hóa, văn minh vốn có giữa hai dân tộc. Vì thế, văn hóa, giáo dục và đào tạo vẫn là những trụ cột vô cùng quan trọng để Ấn Độ hợp tác phát triển với Việt Nam trong thời đại mới.

Ấn Độ và Việt Nam vốn có quan hệ lịch sử, văn minh từ nhiều thế kỷ trước. Ngày nay, có nhiều bằng chứng cho thấy Phật giáo được thực hành cả ở Việt Nam và Ấn Độ. Những tòa tháp Chàm tuyệt đẹp ở Mỹ Sơn, Nha Trang, Phú Yên và những nơi khác ở miền Trung và Nam Việt Nam cũng viết nên một câu chuyện về mối quan hệ cổ xưa trong lịch sử. Và ẩm thực Việt Nam, cách sử dụng gia vị trong những món ăn khác nhau ở Việt Nam cũng có những ảnh hưởng rất dễ nhận thấy của Ấn Độ.

Trải qua nhiều thế kỷ, lịch sử và xã hội Việt Nam bị ảnh hưởng bởi một vài yếu tố bên ngoài. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam đã trải qua một số cuộc chiến tranh, bao gồm 18 cuộc xâm lăng lớn. Điều khiến cho mối giao lưu Ấn Độ - Việt Nam khác với những ảnh hưởng từ bên ngoài khác là sự thật rằng, những mối giao lưu này hoàn toàn hữu hảo; thông qua thương mại, văn hóa, tôn giáo và triết lý về sự chung sống hòa bình và phi bạo lực, chưa bao giờ có mâu thuẫn. Trong quan điểm của tôi, đó là điểm đặc trưng quan trọng nhất trong các mối giao lưu lâu đời của chúng ta. Có lẽ chính là nhờ nền tảng vững chắc dựa trên hòa bình mà quan hệ của hai nước được bồi đắp qua các thời kỳ hiện đại và ngày càng vững bền hơn.

Qua nhiều năm, từ khi giành được độc lập, hai nước luôn không ngừng tôi rèn các mối quan hệ chính trị, kinh tế và quốc phòng. Chúng ta cũng đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác về văn hóa và nhân dân với nhân dân, thông qua văn hóa và giáo dục. Có một thế hệ các nhà lãnh đạo và những nhà hoạch định chính sách của cả hai nước đã lớn lên với nền tảng là những mối liên hệ được thiết lập trong thời kỳ trước khi giành độc lập. Trong suốt thời gian tôi trưởng thành và nửa nhiệm kỳ ở Việt Nam, tôi đã gặp nhiều nhà khoa học, học giả, nhà báo, kỹ sư và triết gia Phật giáo, những người đã học ở Ấn Độ và mang theo mình những trải nghiệm và đóng góp rất nhiều cho việc thắt chặt quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

Thực tế, Việt Nam là một trong những nước nhận nhiều học bổng nhất của Ấn Độ theo chương trình Hợp tác Kinh tế - Kỹ thuật (ITEC). Hiện tại, Việt Nam được cấp 150 suất học bổng hàng năm cùng với 16 suất học bổng theo Chương trình Học bổng Văn hóa tổng hợp (GCSS) và 14 suất theo chương trình Trao đổi giáo dục (EEP) và 10 suất theo Chương trình học bổng Mekong – Ganga (MGC). 

Cuộc họp của Nhóm làm việc chung Việt Nam - Ấn Độ về trao đổi giáo dục được tổ chức lần đầu tiên tại New Delhi vào tháng 5, năm 2012. Tại đó, nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh hợp tác về giáo dục giữa hai nước đã được thảo luận. Tại cuộc họp của Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 15 tổ chức vào năm 2013, xuất phát từ kinh nghiệm của Ấn Độ, hai bên đã nhất trí khai thác khả năng hợp tác từ giáo dục với ngôn ngữ Anh văn tại các cơ quan, bao gồm cả trường học và cao đẳng, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo các giáo viên, trao đổi giáo viên và giới thiệu các khóa học theo chuẩn CBSE tại Việt Nam.

Qua nhiều năm, chúng tôi đã cố gắng thiết lập một số cơ quan liên kết để có giao lưu học thuật nhiều hơn. Ngoài Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được khánh thành năm ngoái, thì Viện Nghiên cứu Ấn Độ cũng đã được thành lập vào tháng 1/2012 tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ. Khoa Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cũng có một Ban Nghiên cứu Ấn Độ, khoảng 30 sinh viên nghiên cứu lịch sử và văn hóa Ấn Độ. Một số lượng sinh viên tương ứng đang theo học khóa học tương tự tại Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Các lớp học tiếng Hindi được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Một chương trình ngắn hạn mang tên “Chủ tọa Tagore” liên quan tới nghiên cứu Ấn Độ cũng đã được thành lập tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh với sự giúp đỡ của Hội đồng Giao lưu văn hóa Ấn Độ (ICCR). Đó chỉ là những khởi đầu. Tôi hy vọng rằng, chúng ta có thể thành lập nhiều cơ quan tương tự ở cả Ấn Độ và Việt Nam, để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về giáo dục.                 

Năm 1976, chúng ta ký Hiệp định Hợp tác văn hóa song phương. Từ đó tới nay, một loạt các hoạt động giao lưu văn hóa đã diễn ra thành công trong khuôn khổ Chương trình Trao đổi văn hóa, trong đó có các chuyến thăm và biểu diễn nghệ thuật năm 2012, kỷ niệm Năm Hữu nghị và đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ. Năm ngoái vào tháng Ba, chúng ta lại tổ chức rất thành công Festival Ấn Độ tại Việt Nam ở ba thành phố lớn là Hà Nội Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Các hoạt động chính của Festival có: Liên hoan múa dân gian và cổ điển, Lễ hội Phật giáo, Lễ hội Ẩm thực, các lớp học Yoga và nghệ thuật vẽ trên da Henna. Tất cả các sự kiện trên đã được rất nhiều người biết tới, một lần nữa đánh dấu sự tương đồng gần gũi về văn hóa giữa hai nước chúng ta. Rồi sau đó, một nhóm nhạc cổ điển khác từ Manipur, Ấn Độ đã sang tham dự Festival Huế, tiếp theo sau là nhóm múa Bollywood đến biểu diễn ở Hà Nội, Phú Thọ và Yên Bái. Tiềm năng còn rất nhiều và chúng tôi sẽ luôn luôn nỗ lực để làm tốt hơn nữa những thành công đã đạt được.

Vào tuần trước, 21 tháng 6, chúng tôi đã kỷ niệm Ngày Quốc tế Yoga lần thứ Nhất tại 10 tỉnh thành của Việt nam, trong đó có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đó là một thành công vang dội và cho thấy được tầm quan trọng và sự liên quan của Yoga như một ngành khoa học giúp tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần, sự hòa hợp, thái bình và hợp nhất với vũ trụ. Khi Ấn Độ đưa đề xuất ra trước Liên hợp quốc lấy ngày 21/6 là Ngày Yoga, Việt Nam là nước đầu tiên ủng hộ chúng tôi và đồng bảo trợ nghị quyết đó. Nghị quyết đã được đồng lòng ủng hộ bởi con số kỷ lục các nước đồng bảo trợ. Lễ kỷ niệm Ngày Yoga diễn ra khắp nơi trên thế giới. Việt Nam, một lần nữa, đồng hành cùng Ấn Độ trong các lễ kỷ niệm này. Chúng tôi sẽ sớm mở Trung tâm Văn hóa tại Hà Nội. Cùng với sự lan tỏa rộng rãi của Yoga, chúng tôi dự định sẽ bắt đầu hoạt động của Trung tâm Văn hóa với một giáo viên dạy Yoga toàn thời gian từ Ấn Độ sang. Chúng tôi hy vọng có thể phối hợp với các cơ sở đào tạo Yoga ở Việt Nam, những đơn vị đang làm rất tốt việc giảng dạy và truyền bá Yoga.

Trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 10 năm ngoái, hai bên đã nhất trí cho Cơ quan Khảo cổ của Ấn Độ giúp trùng tu một trong các khu tháp ở Mỹ Sơn, một biểu tượng lâu đời của mỗi liên kết cổ xưa giữa hai nước. Tôi chắc chắn rằng, dự án này sẽ góp phần thu hút hơn nữa khách du lịch từ Ấn Độ và các nước khác trên thế giới. Theo tôi, du lịch là một phần quan trọng trong mối liên hệ văn hóa và giao lưu giữa con người với con người hai nước. Du lịch vẫn còn là một tiềm năng lớn mà chúng ta phải khai thác bằng cách mở đường bay thẳng, làm marketing tốt hơn, cũng như thông qua phim ảnh Bollywood để quảng bá du lịch hai nước.

Cả hai nước chúng ta đều là quốc gia trẻ khi phần lớn dân số ở độ tuổi dưới 25. Những gì chúng ta giáo dục thanh niên hôm nay là những gì họ thực hiện trong tương lai. Trong khi chúng ta luôn luôn tự hào về mối liên hệ cổ xưa, và hoài cổ về một tình hữu nghị được đặt nền móng bởi những người Cha khai sinh ra nền độc lập của chúng ta, thì tương lai của mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ lại dựa vào giới trẻ của hai nước. Chúng ta cần phải giáo dục họ về những tiềm năng trong mối quan hệ hai nước. Nền móng được tạo nên bởi những ảnh hưởng về văn hóa, giáo dục và xã hội sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên dư luận. Tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và tất cả những ai có mặt ở đây hôm nay để giúp các bạn gần hơn với mối liên hệ về văn hóa, giáo dục với đất nước chúng tôi. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, một đơn vị đứng đầu về đào tạo cán bộ trẻ, cũng như cán bộ cao cấp cho Đảng và Chính Phủ, đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì mối liên kết và nâng cao nhận thức về các mối liên kết đó.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục