Bài phát biểu của Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở"
Bài phát biểu của Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở"
Kính thưa,
PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
PGS, TS Lê Văn Toan, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
PGS, TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao
Đại sứ Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Các nhà nghiên cứu Việt Nam và Ấn Độ, quý ông và quý bà.
Tôi rất hân hạnh được phát biểu tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày hôm nay. Hội thảo khoa học quốc tế lần này - kết quả của sự nỗ lực tuyệt vời của PGS, TS Lê Văn Toan, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, đã chọn một chủ đề rất quan trọng - “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở”.
Mối quan hệ giữa hai nước và hai dân tộc của chúng ta kéo dài hơn 2000 năm, bắt đầu khi các thương nhân và các tu sĩ Ấn Độ đặt chân lên bờ biển Việt Nam với hàng hóa để buôn bán, và với thông điệp hòa bình, lòng từ bi của Đức Phật. Trong thời hiện đại, chuyến thăm của đại thi hào Gurudev Rabindranath Tagore khoảng 90 năm trước đây đến Sài Gòn và cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam đã nâng cao hình ảnh Việt Nam trong ý thức người dân ở Ấn Độ. Ấn Độ là một đối tác kiên định của Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, và giai đoạn tái thiết quốc gia ngày nay.
Chuyến thăm mang tính bước ngoặt của Thủ tướng Ấn Độ N.Modi vào tháng 9/2016, 15 năm sau chuyến thăm trước đây của Thủ tướng Ấn Độ Vajpayee vào năm 2001, đã nâng cấp mối quan hệ của chúng ta lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đưa ra tầm nhìn về kinh tế, cam kết quốc phòng và an ninh như là ba trụ cột quan trọng của mối quan hệ này.
Đầu năm nay, chúng ta khép lại năm Hữu nghị kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và kỷ niệm 10 năm thành lập quan hệ đối tác chiến lược. Các chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 1/2018 nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ và là khách mời chính tại lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ, và chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang vào tháng 3/2018 với phái đoàn cấp cao về chính trị và kinh tế, đã tạo động lực mới cho quan hệ đối tác của chúng ta.
Hợp tác quốc phòng và an ninh là một trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác của chúng ta và đang tiến hành thông qua các cơ chế đối thoại được thiết lập, các chuyến thăm của các tàu quân sự, phát triển nguồn nhân lực, công nghiệp quốc phòng và liên kết công nghệ. Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman vào tháng 6/2018 và các cuộc thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã thiết lập lộ trình cho tương lai.
Các nhà lãnh đạo hai nước đã xác định hợp tác kinh tế mạnh mẽ là một yếu tố quan trọng trong quan hệ đối tác của chúng ta, đồng thời đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là 15 tỷ USD vào năm 2020. Theo số liệu của chúng tôi, thương mại song phương trong năm 2017-2018 là 12,8 tỷ USD, tăng hơn 60% trong hai năm qua. Giới kinh doanh và công nghiệp Ấn Độ rất vui mừng về các cơ hội kinh doanh mới tại Việt Nam, đặc biệt là trong ngành năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo, nông nghiệp và nông nghiệp, dệt may, kỹ thuật và dịch vụ. Chúng tôi tiếp tục cam kết nhằm đạt được mục tiêu thương mại, giảm rào cản thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường. Hơn nữa, các sáng kiến hợp tác phát triển của Ấn Độ tại Việt Nam trong bốn thập kỷ qua đã tập trung vào phát triển nguồn nhân lực và để lại ấn tượng lâu dài trong lĩnh vực an ninh lương thực, kỹ thuật và công nghiệp, và hành chính công.
Thưa quý bà, quý ông!
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri La vào tháng 6 năm 2018 đã làm rõ quan điểm của Ấn Độ về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và nhân cơ hội này, tôi muốn nhắc lại một số khía cạnh quan trọng trong bài phát biểu đó.
1. Ấn Độ - Thái Bình Dương là một khu vực tự nhiên, nơi có nhiều cơ hội và thách thức toàn cầu. Mười quốc gia thành viên ASEAN kết nối đại dương Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương theo cả ý nghĩa về địa lý và văn minh. Do đó tính bao hàm, tính rộng mở, tính trung lập và thống nhất của ASEAN nằm ở trung tâm của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mới.
2. Ấn Độ không xem khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một chiến lược hay như một câu lạc bộ của những thành viên giới hạn. Cũng không phải là một nhóm tập hợp để tìm cách thống trị. Và chúng tôi hoàn toàn không xem đó là nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào.
3. Tầm nhìn của Ấn Độ cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là một một khu vực tự do, rộng mở, và bao gồm tất cả các quốc gia trong vùng địa lý này cũng như các quốc gia khác bên ngoài khu vực có lợi ích trong đó. ASEAN đã và sẽ là trung tâm của khu vực khi chúng ta tìm cách hợp tác cho một cấu trúc hòa bình và an ninh trong khu vực này.
4. Sự thịnh vượng và an ninh chung của chúng ta yêu cầu chúng ta tiến triển, thông qua đối thoại, một trật tự dựa trên các quy tắc chung cho khu vực. Và, nó phải áp dụng như nhau cho tất cả các cá nhân cũng như toàn cầu. Một trật tự như thế phải tin vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như sự bình đẳng của tất cả các quốc gia, bất chấp kích cỡ (lãnh thổ) và sức mạnh. Những quy tắc và chuẩn mực này nên được dựa trên sự đồng thuận của tất cả chứ không phải dựa trên sức mạnh của một số ít. Điều này phải dựa trên niềm tin vào đối thoại và không dựa vào vũ lực. Điều đó cũng có nghĩa là khi các quốc gia đưa ra các cam kết quốc tế thì phải thực hiện chúng. Đây là nền móng của niềm tin của Ấn Độ trong chủ nghĩa đa phương và chủ nghĩa khu vực; và của sự cam kết nguyên tắc của chúng tôi đối với quyền lực của luật pháp.
5. Chúng ta đều phải có quyền tiếp cận bình đẳng theo luật pháp quốc tế đối với việc sử dụng không gian chung trên biển và trên không, điều sẽ đòi hỏi sự tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và sự giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế.
6. Ấn Độ tìm kiếm một sân chơi bình đẳng cho tất cả và ủng hộ cơ chế thương mại quốc tế mở và ổn định, hỗ trợ các quy tắc dựa trên và một môi trường thương mại cân bằng trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
7. Sáng kiến kết nối không chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn xây dựng những cây cầu tin cậy, và phải dựa trên sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, sự tham vấn, quản trị tốt, minh bạch, khả thi và bền vững. Kết nối phải thúc đẩy thương mại, không phải cạnh tranh chiến lược; phải trao quyền cho các quốc gia, không đặt họ dưới gánh nặng nợ không thể trả nổi.
Thưa quý bà, quý ông!
Ấn Độ và Việt Nam có sự hội tụ về tầm quan trọng của việc đạt được một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thịnh vượng, nơi chủ quyền và luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không, phát triển bền vững và hệ thống thương mại và đầu tư tự do, công bằng và cởi mở được tôn trọng. Ấn Độ và Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và củng cố cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong việc phát triển cấu trúc khu vực, và đóng góp liên tục cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho quá trình nhất thể hóa ASEAN và xây dựng cộng đồng ASEAN.
Thưa các bạn,
Tôi mong muốn các thảo luận hữu ích trong hội thảo này, và tôi tin rằng, kết quả của hội thảo này sẽ chứng minh sự hữu ích trong việc cho phép đối thoại có hiểu biết, và hiểu được bối cảnh của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Ấn Độ và ở nơi khác. Tôi tin tưởng rằng, Hội thảo cũng sẽ chú ý đến cách tốt nhất cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” được dịch ra tiếng Việt để nắm bắt bản chất của thuật ngữ sử dụng trong các ngữ cảnh báo chí, học thuật và chính sách. Tôi một lần nữa cảm ơn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã mời tôi đến phát biểu trong cuộc hội thảo nổi bật này.
Cảm ơn!
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục