Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Báo cáo tổng thuật tại Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ: Thực trạng và Triển vọng" của PGS. TS. Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ (Phần 1)

Báo cáo tổng thuật tại Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ: Thực trạng và Triển vọng" của PGS. TS. Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ (Phần 1)

Ngày 29-30/6/2015, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ: Thực trạng và triển vọng", Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo Tổng thuật Hội thảo của PGS. TS. Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

02:25 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

TỔNG THUẬT KẾT QUẢ HỘI THẢO LẦN THỨ NHẤT, LẦN THỨ HAI
VÀ CÁC THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ
“HỢP TÁC PHÁT TRIỂN VIỆT NAM, ASEAN - ẤN ĐỘ: THỰC TRẠNG VÀ TRIỂN VỌNG”

PGS. TS. LÊ VĂN TOAN
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Kính thưa GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh!

Kính thưa Bà Preeti Saran, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam!

Kính thưa các vị khách quý, Đại diện Đại sứ quán các nước trong khối ASEAN, các học giả Việt Nam và Ấn Độ!

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc Học viện mà hạt nhân lãnh đạo là GS.TS.Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện, một năm qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động tăng cường kết nối, hợp tác, nghiên cứu về Ấn Độ, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên các lĩnh vực, nhất là hoạt động khoa học, trong đó đã tiến hành tổ chức hai Hội thảo khoa học chuyên về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Hội thảo lần thứ nhất: “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: tiếp cận từ góc độ kinh tế”, Hội thảo lần thứ hai “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo[1].

Hội thảo lần thứ nhất đã được tổ chức tháng 5/2015 với chủ đề “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: tiếp cận từ góc độ kinh tế”. Ban Tổ chức nhận được 38 tham luận của 50 tác giả Việt Nam và Ấn Độ, trong đó có 29 tham luận bàn sâu về vấn đề kinh tế, thương mại. Các tham luận tập trung luận giải những nội dung chủ yếu sau:

- Phân tích những khía cạnh về đường lối phát triển kinh tế của Ấn Độ những năm đầu Cộng hòa thập niên 50, 60 thế kỷ XX; cải cách nông nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp, khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, tự do hóa nền kinh tế, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài của Ấn Độ trong quá khứ và, hiện nay đang thực hiện chính sách và nguyên tắc chỉ đạo phát triển mới của Thủ tướng đương nhiệm; những thành tựu, hạn chế trong phát triển kinh tế và bài học kinh nghiệm.

- Bối cảnh hình thành Chính sách hướng Đông, và nay là Chính sách Hành động phía Đông, lợi ích kinh tế khi thực hiện chính sách này đối với Ấn Độ, đối với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

- Thực trạng, tiềm năng và triển vọng hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, thương mại.

- Đề xuất kiến nghị tăng cường hợp tác phát triển một số lĩnh vực cụ thể như: du lịch, diệt may.

- Đề xuất tăng cường nghiên cứu, tiếp cận trên nhiều góc cạnh khác nhau để luận giải sâu hơn, toàn diện hơn chủ trương, chính sách, thực trạng của Ấn Độ trong phát triển kinh tế, khai thác mọi lợi thế trong hợp tác phát triển kinh tế giữa Ấn Độ với Việt Nam, với ASEAN và các nước Châu Á - Thái Bình Dương.

Hội thảo lần thứ hai đã được tổ chức tháng 6/2015 với chủ đề “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo”. Ban Tổ chức nhận được 75 tham luận của hơn 100 tác giả Việt Nam, Ấn Độ. Nội dung chính được bàn thảo tập trung vào những vấn đề sau:

- Nghiên cứu tư tưởng, triết học, tôn giáo, dân tộc Ấn Độ cổ đại, đương đại và khẳng định, đây là những nền tảng cơ bản để văn hóa Ấn Độ hình thành, đơm hoa kết trái.

- Phân tích đường lối chính trị, chính sách phát triển văn hóa, những cách thức triển khai, thực trạng phát triển văn hóa Ấn Độ từ năm 1950 đến nay, trong đó nhấn mạnh sức mạnh mềm Ấn Độ, mối quan hệ tương sinh tương hỗ giữa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, sự phát triển dân chủ, bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo, chính những điều này làm nên tính đa dạng, phức tạp, huyền bí của Ấn Độ cổ đại và đương đại.

- Khảo sát kỹ những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đến Việt Nam trên nhiều bình diện: tôn giáo, phong tục xã hội, phong tục làng xã, phong tục dân tộc; tư tưởng, tâm linh, văn học, nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc và thống nhất khẳng định rằng: “văn hóa Ấn Độ vào Việt Nam là cuộc chinh phục của trí tuệ thông qua các biện pháp hòa bình”.

- Phân tích bối cảnh lịch sử và đương đại trong và ngoài nước, những thành tựu trong nền văn minh sông Ấn, sông Hằng, những nguyên nhân gốc rễ tạo nên sự giao lưu văn hóa xã hội từ truyền thống đến hiện đại giữa hai nước, chỉ rõ thực trạng, những thành tựu, những rào cản, bài học kinh nghiệm, đề xuất kiến nghị và giải pháp trong việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ lên tầm cao mới, xứng với tiềm năng của hai nước.

Về hợp tác phát triển trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao, trong số 123 tham luận của Hội thảo lần thứ nhất và lần thứ hai, có 46 tham luận bàn sâu về vấn đề nguyên nhân, thực trạng, những thành tựu phát triển quan hệ thủy chung Việt Nam - Ấn Độ từ việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlah Nehru đặt nền tảng đến việc hai bên mở lãnh sự quán năm 1954, nâng cấp lên cấp Đại sứ năm 1972, nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược năm 2007 và không ngừng củng cố, phát triển lên tầm cao mới cho đến nay. Các tác giả trong Hội thảo đều thống nhất khẳng định rằng, những gì của hôm nay và mai sau đều bắt nguồn từ hôm qua.

- Phân tích sâu sắc trên nhiều bình diện và khẳng định quan hệ Việt - Ấn là mối quan hệ truyền thống lâu đời, thủy chung, trong sáng, được thử thách qua bao nhiêu thăng trầm của biến cố xã hội, chính trị trong nước, trong khu vực và thế giới, ngày càng phát triển.

- Các tham luận đều thống nhất rằng, quan hệ Việt - Ấn thời gian qua không ngừng phát triển, gặt hái được nhiều thành tựu nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, điều kiện, nhu cầu của mỗi nước. Các học giả đề nghị, với chức năng nhiệm vụ của mình, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần tổ chức thêm nhiều diễn đàn khoa học, để các nhà khoa học trong ngoài nước đóng góp trí tuệ của mình, trao đổi, bàn luận đa chiều hơn, sâu sắc hơn, có những đề xuất, kiến nghị sáng tạo, phong phú lên các nhà hoạch định chính sách góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ lên tầm cao mới.

Kính thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý, các nhà khoa học!

Tại Hội thảo khoa học hôm nay với chủ đề “Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ: Thực trạng và Triển vọng”, Ban Tổ chức nhận được 122 tham luận của hơn 130 học giả trong và ngoài nước. Có bài là của riêng từng tác giả, có bài là của nhóm tác giả. Các bài tham luận tập trung phân tích, luận giải ba nội dung chính sau:

  (1) Về những vấn đề chung, Ban Tổ chức nhận được 58 tham luận đi sâu minh giải các bình diện chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh.

  - Có 04 tham luận phân tích về vai trò lãnh đạo của các lãnh tụ, của Đảng cầm quyền trong việc thúc đẩy hợp tác phát triển quan hệ Việt - Ấn, Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ.

  - Có 21 tham luận tiếp cận trên nhiều góc độ khác nhau đi sâu luận giải hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ, Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao.

  - Có 13 tham luận bàn về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trong đó nhấn mạnh bối cảnh thời đại, tình hình mới, cục diện mới đòi hòi Ấn Độ cần tăng cường đoàn kết hợp tác với Việt Nam và các nước ASEAN trên nhiều lĩnh vực góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định cho từng nước, cho khu vực và thế giới.

 - Có 13 tham luận bàn về Chính sách hướng Đông và nay là chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ, tác động của chính sách này đối với quan hệ Việt - Ấn, Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ và vai trò của Việt Nam trong khu vực, nhất là trong thời gian Việt Nam đảm nhiệm cương vị nước Điều phối viên quan hệ ASEAN - Ấn Độ từ tháng 8/2015 đến tháng 8/2018.

 - Có 02 tham luận nghiên cứu về Biển Đông với tư cách Biển Đông đóng vai trò địa chiến lược quan trọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ và nhân tố Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông hiện nay. (Còn tiếp)

Nguồn:

Cùng chuyên mục