Báo chí giải pháp: Phương án ưu tiên cho “đặt hàng báo chí”
Bản chất của báo chí là phản biện cái chưa tốt. Nhưng bản chất của báo chí tuyên truyền là phổ biến điều tốt. Báo chí giải pháp chính là cách làm trung hòa giữa đưa tin tốt và tin xấu, đưa báo chí thành công cụ thúc đẩy xã hội phát triển.
Chông chênh giữa lằn ranh xấu – tốt
Báo chí với chức năng phản biện xã hội có nhiệm vụ phát hiện những điều sai trái và bất cập trong hoặch định và thực thi chính sách. Phương Tây có câu “Không có tin gì có nghĩa là mọi việc đang tốt” (No news is good news), với hàm ý, tin tức phản ánh những điều xấu, tiêu cực, phản diện, bất hòa, bất công, không bình thường. Nhưng bên cạnh đó, báo chí cách mạng Việt Nam có nguyên tắc tối thượng là làm báo để phụng sự con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Chức năng điển hình của báo chí cách mạng là tuyên truyền về điều tốt. Nhà báo Hữu Thọ giải thích về chức năng này trong cuốn sách Công việc của người viết báo rằng: “Trước hết là do bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta cần khẳng định. Trong điều kiện đường lối, chính sách của Đảng chính xác thì lợi ích của Đảng, của Nhà nước, nhất trí với lợi ích của nhân dân”.
Do vậy, báo chí dành phần lớn dung lượng, thời lượng để đăng tin và phát sóng về những điều tốt đẹp trong xã hội, như điển hình người tốt, việc tốt, những tấm gương cao cả, những anh hùng giữa đời thường, những thành tựu dù nhỏ nhưng vẫn là dấu mốc ghi lại những nỗ lực của chúng ta trên con đường phát triển. Với Việt Nam, một quốc gia hậu chiến với nhiều cơ sở hạ tầng bị tàn phá, mọi thành tựu, dù nhỏ, trong công cuộc tái thiết đất nước đều đáng được đưa tin. Một cây cầu được khánh thành, một điểm trường được đưa vào sử dụng, đối với nước ngoài có thể chỉ là một mục tin trong ấn phẩm nội bộ không phát hành rộng rãi, nhưng là thành tựu đáng tự hào trên đất nước chúng ta.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận báo chí hiện nay đang quá lạm dụng khai thác thông tin từ góc độ tiêu cực để lôi kéo sự chú ý, hay đưa tin tốt để tuyên truyền nhưng gây phản cảm. Việc cắt ghép lời phát biểu, tách câu nói ra khỏi bối cảnh phát ngôn, là thủ pháp đưa tin để thu hút sự chú ý, có thể biến một phát biểu bình thường thành ngòi châm của những luồng ý kiến bùng nổ trong dư luận.
Việc những nhà báo điều tra, những biên tập viên, phát thanh viên hôm nay đưa tin kết luận về cái xấu, ngày mai nhận hợp đồng quảng cáo để nói tốt, đều có thể gây hiểu lầm cho công chúng rằng, thông tin tốt trong quảng cáo là thông tin đã được các cơ quan hữu quan kết luận và thống nhất.
Nguy hại hơn là những thông tin người tốt, việc tốt, anh hùng lao động của hôm nay, lại là tiếng chuông cảnh báo sớm “khen cho chết” đối với những người có nguy cơ bị tòa kết tội trong tương lai. Rõ ràng là việc thiên về thái cực tin xấu, tin tốt, hoặc chạy từ thái cực này sang thái cực kia, đều xói mòn lòng tin của nhân dân vào báo chí cách mạng nói riêng và vào cuộc sống nói chung.
Cần cơ chế đặt hàng đủ mạnh để phát triển
Trong bối cảnh đó, báo chí giải pháp là cách có thể dung hòa giữa các thái cực xấu và tốt trong tin tức. Báo chí giải pháp là phương pháp tiếp cận tập trung phát hiện và đưa tin về các vấn đề trong xã hội, đồng thời gợi mở cách xử lý, giải quyết vấn đề.
Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc diễn ra vào cuối năm 2021, chia sẻ về một số vấn đề trong quản lý, phát triển báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng muốn báo chí tự chủ được thì phải có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh. Bộ Thông tin - Truyền thông (TTTT) phải là đầu mối của các cơ quan báo chí làm việc với các cơ quan phụ trách về tài chính, các bộ ngành để giao nhiệm vụ, “đặt hàng” báo chí tuyên truyền, vận động trước, trong và sau khi ban hành chính sách.
Và khi đó, vai trò của báo chí giải pháp lại càng được nâng cao khi cơ chế đặt hàng của các cơ quan Nhà nước được thúc đẩy, bởi báo chí giải pháp, khi được đặt hàng, sẽ tập trung vào mổ xẻ sâu các vấn đề, phân tích nguyên nhân, đưa ra các luận cứ rõ ràng, cụ thể để chỉ rõ nguồn gốc của thực trạng. Từ những thông tin sâu, công chúng được nâng cao nhận thức, có ý thức trách nhiệm sâu sắc hơn trong việc xử lý vấn đề. Đồng thời, nhà báo tiếp cận được những chuyên gia thực sự am hiểu vấn đề để gợi mở những giải pháp khả thi, nhằm giải quyết tận gốc vấn đề.
Rõ ràng là báo chí giải pháp không tập trung vào cá nhân cụ thể. Nhà báo của báo chí giải pháp không phải đưa kẻ gian vào tù, làm quan chức mất ghế là xong nhiệm vụ. Nhà báo của báo chí giải pháp mạnh dạn chỉ ra những tồn tại trong chính sách, trong cơ chế làm việc, để giúp chính quyền và người dân giải quyết tận gốc rễ vấn đề đó.
Báo chí giải pháp đã trở thành một phương pháp làm báo được khuyến khích vì nó dung hòa giữa việc phản biện xã hội theo kiểu Tây phương với việc phát hiện nhân tố tốt đẹp và tích cực trong báo chí ở các quốc gia dùng báo chí làm công cụ tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách cho Đảng, Nhà nước. Từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, do quá thất vọng với cách đưa tin tiêu cực trong báo chí phương Tây, đã có một số tổ chức báo chí gợi ý cách làm báo phải đưa ra giải pháp có tính chất đóng góp, xây dựng bên cạnh việc phê phán. Năm 2004, UNESCO khởi động giải thưởng Báo chí Hy vọng để khuyến khích báo chí cung cấp thông tin đủ để đưa ra giải pháp, dựa vào đó, công chúng đủ bằng chứng và dữ liệu để đưa ra các sáng kiến dựa vào bối cảnh cụ thể ở từng cơ quan, tổ chức, từng cộng đồng, hội nhóm.
Đã có nhiều trường dạy báo chí và cơ quan báo chí thực hành báo chí giải pháp. Tuy nhiên, chính các nhà báo cũng cần có bước thay đổi trong tư duy, từ chỗ chỉ đơn thuần phản ánh sự thật và hiện tượng sang thực hiện vai trò người thúc đẩy giải quyết vấn đề.
Báo chí giải pháp không chỉ giúp ích cho xã hội mà còn giúp báo chí lấy lại lòng tin từ phía công chúng. Báo chí cách mạng khác báo chí đơn thuần ở chỗ có thể gợi mở giải pháp mang tính xây dựng. Khi nhận được cơ chế đặt hàng đủ mạnh và thường xuyên từ các cơ quan chức năng, báo chí giải pháp sẽ có điều kiện, có đất để phát triển mạnh, giúp đem lại niềm tin cho công chúng với báo chí, là món ăn tinh thần không thể thiếu thông qua những thông tin hữu ích.
Chú thích ảnh: Tọa đàm về tìm hiểu cơ hội xuất bản quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, tháng 6/2022.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục