Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bộ tứ Quad: Lời hứa nào cho tương lai?

Bộ tứ Quad: Lời hứa nào cho tương lai?

03:35 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giới thiệu

Trong thời gian gần đây, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã thu hút sự chú ý đáng kể của các nhà phân tích chiến lược và an ninh do sự trỗi dậy của Trung Quốc với các hoạt động tăng cường sự quyết đoán trong các vấn đề khu vực, có nguy cơ làm đảo lộn trạng thái cân bằng hiện có trong cục diện thế giới và do đó đòi hỏi tất cả các bên liên quan có phản ứng thích hợp. Bên cạnh sự nổi lên như một chủ đề thảo luận chính giữa các cường quốc hàng đầu trong khu vực và toàn cầu, các cuộc thảo luận còn tập trung vào chủ đề cách đối phó với thách thức mới này để lợi ích quốc gia và an ninh của các quốc gia bị đang ảnh hưởng bởi các động thái hiếu chiến và đơn phương của Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng bất lợi thêm. Một số sáng kiến ​​song phương, khu vực và đa phương đã được thông qua để giải quyết vấn đề này, nhưng không có sáng kiến ​​nào trong số này tỏ ra hiệu quả để giải quyết vấn đề một cách triệt để. Sáng kiến do bốn bên liên quan hàng đầu - Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc - đưa ra trong việc phát triển cơ chế đối thoại, thường được gọi là Sáng kiến ​​Đối thoại An ninh Bốn bên, hay nhóm Quad, cần được giám sát chặt chẽ.

Khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Đầu tiên, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là gì và được định nghĩa như thế nào? Như thuật ngữ đã gợi ý, đó là khái niệm về một vùng địa lý bao trùm cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” được sử dụng lần đầu tiên bởi học giả/nhà sử học Ấn Độ Kalidas Nag trong cuốn sách nổi tiếng của ông về Ấn Độ và Thế giới Thái Bình Dương, xuất bản năm 1941.[1] Đối với ông, thuật ngữ này chủ yếu được dùng để chỉ một thực thể văn hóa và nền văn minh. Nag đã tìm hiểu các mối liên hệ giữa Ấn Độ với ngành hàng hải và tham gia cùng với nhà thơ đoạt giải Nobel Rabindranath Tagore trong chuyến du hành tới Trung Quốc. Thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” không được giới học thuật nhắc tới nhiều mãi cho đến khi nó được Thủ tướng Nhật Bản Abe Shino đề cập trong bài phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ vào tháng 8/2007 về “Sự hợp lưu của hai biển” đã sử dụng thuật ngữ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.[2] Gần đây, khi Trung Quốc nổi lên với vị thế là cường quốc mới, các nhà phân tích và học thuật bắt đầu sử dụng thuật ngữ này nhiều hơn, và phân tích các sắc thái đa dạng của thuật ngữ một cách thận trọng.

Kể từ đó, các nhà phân tích an ninh đã sử dụng thuật ngữ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong nhiều bối cảnh khác nhau. Sở dĩ có nhiều cuộc tranh luận về vấn đề này là do trọng tâm của vấn đề kinh tế thế giới đã dịch chuyển đáng kể sang lục địa Châu Á. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của Trung Quốc và Ấn Độ, cả về kinh tế và chiến lược, đã định hình tư duy của các quốc gia khác về địa kinh tế, trong đó tầm quan trọng của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương có ý nghĩa chiến lược lớn hơn. Khái niệm này đã được phổ biến rộng rãi hơn nữa bởi nhà ngoại giao kỳ cựu TCA Raghavan, người đã có nhiều nghiên cứu nhấn mạnh sự thay đổi của các vùng biển và tầm quan trọng của thương mại hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như việc đảm bảo an ninh.[3]

Raghavan đề cập trong một bài báo rằng, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shino đã dẫn tài liệu của hoàng tử Dara Shikoh thuộc vương triều Mughal, và tiêu đề của một văn bản Hồi giáo Majma-ul-Bahrain viết năm 1655, được dịch là “Sự hòa quyện của hai đại dương”. Dara Shikoh tìm hiểu những điểm chung giữa hai tôn giáo Hồi giáo và Ấn Độ giáo, Abe đã sử dụng phép ẩn dụ để nói đến khái niệm “châu Á rộng lớn hơn”, trong đó “Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương chưa kết hợp một cách năng động để mang lại sự phồn thịnh”. Ông Abe đã hình dung Ấn Độ và Nhật Bản sẽ có vai trò lớn hơn trong bối cảnh đang thay đổi này.

Trong bối cảnh đó, thế giới ngày càng quan tâm nhiều hơn tới khái niệm này đặc biệt là khi Trung Quốc có thêm nhiều hoạt động quân sự và hàng hải nối các bờ biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đó là lý do vì sao nhóm Quad nhận được nhiều sự quan tâm hơn.

Sáng kiến nhóm Bộ tứ Quad đã phát triển đến đâu?

Khi Trung Quốc tiếp tục mở rộng dấu ấn quân sự và hàng hải, các quốc gia thành viên nhóm Quad có nhu cầu tham gia đối thoại liên tục và chia sẻ quan điểm về cách đối phó với tình hình mới. Rõ ràng là các quốc gia thuộc nhóm Quad phản đối việc Trung Quốc dùng vũ lực nhằm thay đổi hiện trạng.[4] Do đó, các Ngoại trưởng của bốn thành viên nhóm Quad hiện đang họp thường xuyên để giải quyết các vấn đề thách thức. Họ gặp nhau lần thứ ba vào đầu tháng 2/2021, sau tháng 9/2019 và tháng 10/2020, khi cơ chế này được khôi phục ở cấp bộ trưởng vào năm 2017. Cũng trong năm đó, họ làm nổi bật khái niệm “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, bao gồm hỗ trợ tự do hàng hải và toàn vẹn lãnh thổ”.[5]

Khi khái niệm này lần đầu tiên được phổ biến vào năm 2007, đã có sự lưỡng lự trong một số thành viên nhóm, cụ thể là Ấn Độ và Úc, và sau khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe đột ngột từ chức vì các vấn đề sức khỏe, khái niệm này đã bị chôn vùi cho đến khi nó được hồi sinh vào năm 2017. Tuy nhiên, ngay cả sau khi nhóm Quad đã tổ chức hai cuộc họp ở cấp Ngoại trưởng, Ấn Độ đã kiềm chế thậm chí không sử dụng từ “Quad”. Nhưng lần này trong cuộc họp lần thứ ba, Ấn Độ đã bỏ qua sự do dự đó và lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ Quad để mô tả nhóm, qua đó báo hiệu khả năng đối trọng với động thái hiếu chiến của Trung Quốc trong khu vực. Trước đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) chỉ coi các cuộc gặp gỡ là “cuộc họp của bốn quốc gia”.

Tuyên bố chính thức được đưa ra sau cuộc họp nhấn mạnh “cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ của Quad, được củng cố bằng việc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, pháp quyền, minh bạch và tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”. Đây là một điểm tham chiếu rõ ràng cho các động thái của Trung Quốc. Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh “bốn quốc gia có các đặc trưng chung là nền chính trị dân chủ, nền kinh tế thị trường và xã hội đa nguyên”.

Cần lưu ý rằng cuộc họp thứ ba của các Ngoại trưởng là cuộc họp đầu tiên dưới thời chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden, qua đó báo hiệu sự tiếp tục trong cách tiếp cận chung của nhóm Quad trong việc đối phó với một Trung Quốc hiếu chiến. Cuộc họp có sự tham dự của Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Úc Marine Payne và Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi. Trước cuộc họp giữa các Ngoại trưởng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã nói chuyện với người đồng cấp Úc Scott Morrison, trong đó hai bên cam kết sẽ “cùng hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng và an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Sau đó, tuyên bố của MEA nhấn mạnh “hỗ trợ rõ ràng cho sự gắn kết và tính trung tâm của ASEAN”. Khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng đã thu hút được sự ủng hộ của quốc tế ở châu Âu với sự tán thành của Pháp, Đức và Anh.

Các thành viên khác của nhóm Quad cũng bày tỏ ý kiến tương tự. Trong khi Mỹ nhấn mạnh trong một tuyên bố về sự cần thiết phải có  “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, bao gồm hỗ trợ cho tự do hàng hải và toàn vẹn lãnh thổ”, Motegi của Nhật Bản bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng đối với Luật Hải cảnh của Trung Quốc” và nói rằng: “bốn Bộ trưởng nhất trí phản đối mạnh mẽ những nỗ lực đơn phương dùng vũ lực nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông (của Việt Nam)”.

Trong khi không còn nghi ngờ gì nữa về việc yếu tố Trung Quốc là vấn đề chính thúc đẩy nhóm Quad tìm kiếm quan điểm và chiến lược chung, trọng tâm của cuộc thảo luận không chỉ giới hạn ở Trung Quốc mà đã bao gồm các vấn đề khu vực khác như chống Covid-19, và cách đối phó với những diễn biến gần đây ở Myanmar đã đe dọa đến vị trí trung tâm của ASEAN và làm suy yếu nền dân chủ.[6] Trong bối cảnh này, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar nhắc lại “việc duy trì pháp quyền và quá trình chuyển đổi dân chủ”, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói về “nhu cầu cấp thiết cần khôi phục chính phủ được bầu cử dân chủ ở Miến Điện (Mỹ vẫn gọi là Miến Điện và không dùng từ Myanmar)”, và Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi “bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tình hình xấu đi” ở Myanmar. Trong khi bày tỏ quan ngại với những diễn biển ở Myanmar, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi “mạnh mẽ kêu gọi quân đội Myanmar ngừng ngay lập tức các hành động bạo lực đối với công dân bao gồm cả các vụ xả súng, trả tự do cho những người đã bị giam giữ bao gồm cả Cố vấn Nhà nước Daw Aung San Suu Kyi, và nhanh chóng khôi phục hệ thống chính trị dân chủ của Myanmar”.

Các vấn đề khác mà các nhà lãnh đạo Quad đã thảo luận bao gồm cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, trong đó có các chương trình tiêm chủng và tăng cường khả năng tiếp cận với vắc xin, thuốc và thiết bị y tế với giá phải chăng. Những nỗ lực của Ấn Độ trong việc cung cấp vắc xin cho 74 quốc gia đã được ghi nhận và đánh giá cao. Các bộ trưởng cũng trao đổi quan điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, chống khủng bố và chống thông tin sai lệch, theo đó ưu tiên tăng cường khả năng phục hồi dân chủ trong khu vực rộng hơn. Các vấn đề phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên cũng được đưa ra trong cuộc thảo luận. Nói tóm lại, phạm vi rộng của cuộc thảo luận bao gồm nhiều vấn đề vì “lợi ích toàn cầu”.

Có một số ý kiến phê bình rằng, Quad là một nhóm NATO của Châu Á. Nhóm cũng đang được coi là một kiến trúc mới nhằm mục đích thử phản ứng với mối đe dọa từ Trung Quốc. Các ý kiến phê bình trên không có giá trị, vì các cuộc thảo luận như đã nêu trong đoạn trước đề cập chi tiết về hàng loạt các vấn đề, không chỉ an ninh, cho thấy rõ ràng nhóm Quad có mục tiêu lớn hơn những mục tiêu mà các nhà phê bình nói đến.

Ứng xử trước phản ứng của Nga

Ấn Độ đã phải đối phó thận trọng với Nga, do nước này coi trọng tâm của Quad là ứng phó với vấn đề Trung Quốc. Vì Nga có mối quan hệ bằng hữu tốt đẹp với Ấn Độ, nên Ấn Độ không cho phép những nhận thức sai lầm như vậy làm chệch hướng mối quan hệ song phương. Nga từ chối sử dụng thuật ngữ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cho rằng khái niệm này có bản chất gây chia rẽ. Khi Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Shringla thăm Nga trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông vào năm 2021, và giải thích về giá trị của Bộ tứ, Nga đảm bảo rằng, sự tham gia gần đây của họ với đối thủ Pakistan của Ấn Độ, tập trung vào sự phát triển của Afghanistan sẽ không ảnh hưởng gì đến mối quan hệ với Ấn Độ hoặc có hại cho lợi ích an ninh của Ấn Độ. Về phần mình, Shringla xoa dịu sự e ngại của Nga về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng cách nhấn mạnh rằng, đây là một sáng kiến tự do, cởi mở, minh bạch và toàn diện, lấy ASEAN làm trung tâm và không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào.[7]

Với quan điểm nhằm xoa dịu sự dè dặt của Nga về nhóm Quad, hai trong số các thành viên của Quad - Ấn Độ và Nhật Bản - đã mời Nga tham gia Kênh-II ba bên để cùng hợp tác đầu tư và phát triển các dự án trong khu vực, thông qua đó sẽ giải quyết một số vấn đề lãnh thổ giữa Nhật Bản và Nga. Sáng kiến ba bên sẽ giúp ích cho tầm nhìn của New Delhi trong việc đưa sáng kiến chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở nên “toàn diện và không chống lại một quốc gia cụ thể”. Sáng kiến này cũng có một khía cạnh chiến lược vì nó giúp mở rộng phạm vi tiếp cận của các quốc gia thành viên Quad. Vì Nga cũng là một cường quốc ở Thái Bình Dương và đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nên việc Nga nghi ngờ về sáng kiến Quad có thể tác động tiêu cực đến tương lai của Quad. Vì sự thận trọng và vì lợi ích của tất cả các bên liên quan, nhóm Quad nên hợp tác thân thiện với Nga.

Hướng tới tương lai

Quad vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Định hướng và vai trò của nó trong tương lai có thể phụ thuộc vào những gì diễn ra trong những tháng và năm tới. Mặc dù hiện tại rất khó để nói liệu Quad có thể đóng vai trò là bên đảm bảo an ninh mạng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay không, nhưng bức tranh rộng lớn mà Quad đã phác thảo cho đến nay có thể được coi là một triển vọng đáng hoan nghênh, sẽ đóng góp vào hòa bình, an ninh và phát triển kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Khi các quốc gia khác bắt đầu coi Quad là một sáng kiến có mục tiêu rõ ràng, thì tính vững chắc của nó sẽ được tăng cường hơn nữa.

Tác giả: GS Rajaram Panda, nguyên Đại biểu Hạ viện Quốc hộ Ấn Độ, thành viên Hội đồng các vấn đề thế giới, Ấn Độ.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: The Quad Concept: What Promise does it hold for the Future? | Vivekananda International Foundation (vifindia.org)

 

[1] Kalidas Nag, India and the Pacific World (1941), Book Company Ltd, tr. 318

[2] "Confluence of the Two Seas", Speech by Abe Shinzo in Indian Parliament, 22/8/2007, https://www.mofa.go.jp/region/asia-paci/pmv0708/speech-2.html

[3] TCA Raghavan, “The changing seas: antecedents of the Indo-Pacific”, The Telegraph, 17/7/2019, https://www.telegraphindia.com/opinion/the-changing-seas-antecedents-of-the-indo-pacific/cid/1694598

[4] “Quad nations oppose China's attempts to alter status quo by force”, The Japan Times, 19/2/2021, https://www.japantimes.co.jp/news/2021/02/19/national/quad-nations-china-indo-pacific/

[5] Shubhajit Roy, China on mind, Quad ministers want respect for territorial integrity, Indian Express, 19/2/2021, https://indianexpress.com/article/india/china-on-mind-quad-ministers-want-respect-for-territorial-integrity-7194897/

[6] Rajaram Panda, “Myanmar: India’s choices are limited”, 17/2/2021, https://www.rediff.com/news/column/rajaram-panda-myanmar-indias-choices-are-limited/20210217.htm

[7] Sachin Parashar, “Talks with Pak only on Af, won’t hurt India: Russia”, Times of India, 21/2/2021

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục