Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bối cảnh khu vực, thế giới và những cơ sở khoa học thúc đẩy việc hình thành chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” (Phần 1)

Bối cảnh khu vực, thế giới và những cơ sở khoa học thúc đẩy việc hình thành chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” (Phần 1)

03:56 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

ThS. Vũ Hồng Hà *

TÓM TẮT

Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều biến động khó lường, chịu tác động nhiều chiều của tình hình thế giới và khu vực, đan xen thuận lợi, thời cơ với những khó khăn, thách thức, nước Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, đã bổ sung chiến lược “xoay trục” từ chiến lược “Châu Á - Thái Bình Dương” phát triển thành chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở”. Cơ sở khoa học của việc chuyển từ chiến lược “Châu Á - Thái Bình Dương” phát triển thành chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” trước hết xuất phát từ cương lĩnh “Nước Mỹ trên hết” dưới sự điều hành của Tổng thống Donald Trump. Bên cạnh đó, là sự vươn lên chủ động, mạnh mẽ và ngày càng xác quyết của cường quốc Trung Quốc như thực thể mới dẫn dắt nhiều quá trình hội nhập toàn cầu; đồng thời, Liên bang Nga, Nhật Bản, Ấn Độ,... đặc biệt là Ấn Độ, cũng triển khai nhiều chính sách thể hiện rõ nét hơn vị thế của các cường quốc đang cạnh tranh quyết liệt quyền lực quốc tế. Việt Nam hết sức quan tâm tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung và khu vực Biển Đông nói riêng vì ở đây theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, Việt Nam có hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế và hầu hết các đối tác chiến lược, kinh tế lớn nhất của Việt Nam đều nằm ở khu vực này./.

1. Bối cảnh khu vực và thế giới

 Trật tự thế giới và khu vực. Sự kết thúc Chiến tranh Lạnh đã mang lại những thay đổi cơ bản trong trật tự thế giới và khu vực; cơ cấu hai cực Xô - Mỹ đã nhường chỗ cho cơ cấu “nhất siêu đa cường”, trong đó Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trong trật tự thế giới mới, nhưng có sự tham gia của nhiều cường quốc khác như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, EU. Trong khoảng 2 thập kỷ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ khẳng định vị trí siêu cường duy nhất, nỗ lực thiết lập trật tự thế giới đơn cực, với đỉnh cao là cuộc xâm lược Iraq vào năm 2003. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007-2009, cùng với thất bại của Mỹ trong các cuộc chiến Iraq và Afghanistan đã làm sức mạnh của Mỹ suy giảm tương đối, Trung Quốc và các nước BRICS có cơ hội vươn lên. Xu thế đa cực hóa, dân chủ hóa quan hệ quốc tế có cơ hội phát triển, nhưng trật tự thế giới đa cực vẫn chưa định hình rõ nét, chịu tác động mạnh mẽ bởi:

Thứ nhất, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khác với các cuộc cách mạng trước kia, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự gắn quyện giữa các nền công nghệ làm xóa đi ranh giới giữa thế giới vật thể, thế giới số hóa và thế giới sinh học. Đó là các công nghệ internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, người máy, xe tự lái, in ba chiều, máy tính siêu thông minh, công xưởng thông minh, công nghệ nanô, công nghệ sinh học,… Với các tư liệu sản xuất mới và cách thức tổ chức, quản lý sản xuất mới do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra, thế giới hiện đại từ thập kỷ thứ nhất của thế kỷ XXI đã có những bước đi đầu tiên vào một thời đại kinh tế mới: thời đại kinh tế tri thức, số hóa, tự động hóa và toàn cầu hóa cao độ. Mặc dù bản thân nó chưa là một thời đại lịch sử, nhưng mỗi thời đại kinh tế đều đặt dấu ấn của mình lên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, làm xuất hiện các xu hướng vận động mới, ban đầu ở phạm vi cục bộ, sau đó mở ra toàn thế giới.

Thứ hai, quá trình nhận thức lại nội hàm của phạm trù “phát triển” và chuyển đổi mô hình phát triển. Cuộc khủng hoảng năm 2008 đã buộc thế giới phải tư duy lại về sự phát triển và mô hình phát triển; khắc phục những khiếm khuyết, sai lầm của kiểu phát triển tư duy kinh tế, phát triển loại trừ đầy bất công xã hội, phát triển trên cơ sở khai thác tàn khốc các nguồn lực thiên nhiên. Từ sự đổ vỡ kinh tế - xã hội do cuộc khủng hoảng gây ra, cộng đồng quốc tế đã đúc kết những mô hình tăng trưởng phản phát triển; đồng thời, đã nhấn mạnh tính cấp bách của việc áp dụng mô hình phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu. Tất cả các quốc gia đều phải chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để triển khai mô hình này, trong đó tri thức, thông tin, năng lượng sạch, công nghệ tiên tiến, sức lao động chất lượng cao,... là những nguồn lực chiếm thứ hạng hàng đầu, khác xa so với thời kỳ công nghiệp trước đây. Cuộc cạnh tranh vì những nguồn lực sống còn, mới mẻ này chắc chắn sẽ tạo nên nhiều thay đổi trong cục diện thế giới những năm sắp tới.

Quan hệ các nước lớn. Tuy quan hệ quốc tế đã trở nên dân chủ hơn so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các nước vừa và nhỏ đóng vai trò tích cực hơn, các chủ thể liên quốc gia và phi quốc gia tham gia ngày càng nhiều vào đời sống chính trị quốc tế, nhưng các nước lớn vẫn chi phối dòng chảy chính trong quan hệ quốc tế. Trong cơ cấu “nhất siêu đa cường” xác lập từ sau Chiến tranh Lạnh, các nước lớn vừa hợp tác vừa đấu tranh trong khuôn khổ cùng tồn tại hòa bình, vì lợi ích quốc gia dân tộc của nước lớn. Trong số các cặp quan hệ nước lớn, mâu thuẫn chủ yếu nổi lên giữa Mỹ và Nga (Mỹ lôi kéo thêm EU, G7), giữa Mỹ và Trung Quốc (Mỹ lôi kéo thêm Nhật Bản, phần nào Ấn Độ, Úc). Nguyên nhân chủ yếu là Mỹ muốn duy trì vị thế siêu cường duy nhất lãnh đạo thế giới của mình trong khi các nước khác như Nga, Trung Quốc tiếp tục khẳng định vị trí cường quốc, trước tiên là tại các khu vực lân cận. Tuy cạnh tranh trở nên gay gắt nhưng khả năng xảy ra một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới giữa các nước lớn là rất thấp, do sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước lớn trở nên chặt chẽ hơn bao giờ hết. Các cường quốc khác cũng không liên minh với nhau để chống lại bá quyền của Mỹ. Những nước bị Mỹ lôi kéo tuy xung đột nhưng vẫn duy trì quan hệ hợp tác với Nga và Trung Quốc.

 Vai trò của các thể chế đa phương. Sau Chiến tranh Lạnh, các thể chế đa phương có cơ hội phát huy vai trò thúc đẩy hợp tác, giữ gìn hòa bình an ninh, thúc đẩy phát triển và liên kết quốc tế. Ở cấp độ toàn cầu, Liên hợp quốc đã góp phần đáng kể vào việc ngăn ngừa chiến tranh thế giới xảy ra, đóng vai trò trung gian hòa giải một số cuộc khủng hoảng quốc tế, triển khai nhiều hoạt động gìn giữ hòa bình,…  Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhiều thể chế đa phương, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm, đã được thiết lập nhằm mục đích xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác thông qua đối thoại. Mặc dù tính hiệu quả của các thể chế đa phương này vẫn còn nhiều hạn chế nhưng chúng đã góp phần tích cực vào việc duy trì hòa bình, an ninh ở khu vực vốn có nhiều điểm nóng, có tiềm năng gây bất ổn.

 Các vấn đề toàn cầu và khu vực. Các vấn đề toàn cầu và khu vực xuất hiện ngày càng nhiều và nghiêm trọng, đòi hỏi cả cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm chung tay giải quyết. Đó là các vấn đề như chống phổ biến vũ khí hủy diệt, khủng bố quốc tế, biến đổi khí hậu, đói nghèo, thiên tai dịch bệnh, v.v.. Các vấn đề này không chỉ đe dọa lợi ích chính đáng của các quốc gia mà, hơn thế nữa, đe dọa lợi ích của cả nhân loại, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài.

Ngày nay, nhân loại đang đối phó với nhiều vấn đề mang tính toàn cầu cấp bách đe dọa sự sống và sự phát triển bền vững của loài người mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết nếu không có sự hợp tác đa phương. Những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhiều năm qua đã đưa lại một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tính chất nghiêm trọng và phức tạp của những vấn đề toàn cầu tiếp tục đòi hỏi các nước phải tích cực phối hợp, hợp tác một cách hiệu quả, thiết thực cả trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương. Chính đặc điểm này là một trong những nguyên nhân khách quan của xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển của đời sống quan hệ quốc tế giai đoạn hiện nay.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng gia tăng tầm quan trọng trong nền kinh tế và chính trị thế giới từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Khu vực này có các nền kinh tế phát triển năng động bậc nhất thế giới, quy tụ lợi ích 4 nước lớn Mỹ, Trung, Nhật, Nga, liên kết kinh tế diễn ra sôi động, có tổ chức ASEAN là liên kết khu vực thành công nhất trong các nước đang phát triển. Mặt khác, khu vực này tồn tại nhiều điểm nóng có khả năng gây mất ổn định như tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan. Sự trỗi dậy đầy ấn tượng của Trung Quốc là đặc điểm quan trọng nhất trong trật tự khu vực từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Những thăng trầm trong quan hệ Trung - Mỹ chi phối về cơ bản tình hình quan hệ quốc tế ở khu vực. Từ sau khi Chính quyền Mỹ thực hiện chính sách “xoay trục” về châu Á - Thái Bình Dương năm 2009, khu vực này nhận được sự quan tâm chú ý của toàn thế giới và quan hệ giữa các nước khu vực trở nên sôi động, nhưng cũng không kém phần phức tạp, khó lường.

Sau Chiến tranh Lạnh, các thể chế đa phương có cơ hội phát huy vai trò thúc đẩy hợp tác, giữ gìn hòa bình an ninh, thúc đẩy phát triển và liên kết quốc tế. Ở cấp độ toàn cầu, Liên hợp quốc đã góp phần đáng kể vào việc ngăn ngừa chiến tranh thế giới xảy ra, đóng vai trò trung gian hòa giải một số cuộc khủng hoảng quốc tế, triển khai nhiều hoạt động gìn giữ hòa bình,… Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhiều thể chế đa phương, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm, đã được thiết lập nhằm mục đích xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác thông qua đối thoại. Mặc dù tính hiệu quả của các thể chế đa phương này vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng chúng đã góp phần tích cực vào việc duy trì hòa bình, an ninh ở khu vực vốn có nhiều điểm nóng, có tiềm năng gây bất ổn.

Kinh tế thế giới phục hồi chậm sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ và sự suy giảm bùng phát từ đầu năm 2008; xu thế hội nhập khu vực tiếp tục phát triển với sự ra đời của hàng loạt khu vực mậu dịch tự do (FTA); quan hệ giữa các nước lớn căng thẳng chưa từng thấy sau khi chấm dứt “thế giới hai cực”, nổi lên là sự đối đầu giữa phương Tây và Nga xung quanh vấn đề Ucraina, sự tranh cãi giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ liên quan tới việc Trung Quốc tăng cường họat động trên Biển Đông và Hoa Kỳ “xoay trục” sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản căng thẳng liên quan tới tranh chấp trên biển Hoa Đông. Nhiều bất ổn, xung đột nảy sinh ở hàng loạt nước Trung - Cận Đông, Bắc Phi cùng với sự trỗi dậy của lực lượng Hồi giáo cực đoan, nhất là Nhà nước Hồi giáo IS, đe dọa sự ổn định và an ninh quốc tế,…

Những diễn biến phức tạp đó phản ánh sự tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn: tranh chấp về biên giới lãnh thổ, nhất là biển, nhằm kiểm soát các con đường vận tải hàng hải và hàng không, nắm giữ các nguồn tài nguyên, nhất là dầu khí; mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, xã hội; sự gia tăng tội phạm xuyên quốc gia, các mối đe dọa phi truyền thống, kể cả an ninh mạng…

Tình hình trên ảnh hưởng không nhỏ tới chiến lược toàn cầu của Mỹ. Để bảo vệ lợi ích toàn cầu, Mỹ tiếp tục điều chỉnh chiến lược, chuyển từ chiến lược “châu Á - Thái Bình Dương” phát triển thành chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở”. (Xem tiếp phần 2)


* ThS. Vũ Hồng Hà, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo

** Bài tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” tổ chức ngày 24/8/2018 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.​

Nguồn:

Cùng chuyên mục