Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bối cảnh khu vực, thế giới và những cơ sở khoa học thúc đẩy việc hình thành chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” (Phần 2)

Bối cảnh khu vực, thế giới và những cơ sở khoa học thúc đẩy việc hình thành chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” (Phần 2)

03:53 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

ThS. Vũ Hồng Hà *

2. Cơ sở khoa học hình thành chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở”

Nhìn tổng thể, trên thế giới hiện nay đang diễn ra quá trình chuyển hóa cấu trúc an ninh toàn cầu từ định hướng (đa cực, đa trung tâm) sang định hình (một hay nhiều trung tâm, từng nước hay nhóm nước, khu vực hay liên khu vực,…). Bởi vậy, mọi diễn biến xấu về chính trị, an ninh ở một địa điểm sẽ nhanh chóng lan tỏa, thậm chí bùng phát ở nhiều nơi. Các điểm nóng trên bản đồ thế giới không những không suy giảm mà còn gia tăng cả về số lượng, quy mô và mức độ nguy hiểm: xung đột kéo dài nhiều thập kỷ ở Trung Đông, nội chiến ở nhiều quốc gia châu Phi Nam Xahara, bất ổn ở Bắc Phi, chiến sự ở Ucraina chưa rõ hồi kết, thảm họa tị nạn từ Bắc Phi - Trung Đông vào châu Âu, vấn đề Đài Loan, nguy cơ khủng hoảng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, chủ nghĩa khủng bố, tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ, xung đột sắc tộc, tôn giáo,... đang gây ra tình trạng căng thẳng cho toàn thế giới.

Quan sát cụ thể thế giới trong những năm gần đây sẽ thấy rằng, các sự kiện Brexit ở châu Âu, Rodrigo Duterte thắng cử ở Philippines, Donald Trump thắng cử ở Mỹ, các nhân vật dân túy cực hữu thắng cử: ở Pháp có thủ lĩnh Marine Le Pen, Hà Lan có Geert Wilders, Áo có Norbert Hofer, Hungary có Victor Orban,... là những biểu hiện không hề ngẫu nhiên, ngược lại, báo hiệu nguy cơ bất ổn gia tăng, dễ gây bùng nổ các cuộc chiến tranh dân tộc, sắc tộc.

Mặt khác, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển diễn biến ngày càng phức tạp, một số nước tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp cứng rắn để đạt tham vọng trong dễ xảy ra va chạm, xung đột “phi vũ trang” và nguy cơ chạy đua vũ trang. Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố vẫn bế tắc trong các nỗ lực tìm kiếm các giải pháp triệt để, khắc phục tận gốc kinh tế - xã hội sâu xa của thảm họa này. Ngoài ra, đối với tình trạng biến đổi khí hậu, các chính sách ứng phó của cộng đồng quốc tế đến nay vẫn chưa thể hiện được khả năng thích nghi, thích ứng hiệu quả với sự thay đổi của tự nhiên.

Cục diện thế giới theo xu hướng đa cực, đa trung tâm diễn ra nhanh hơn. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau. Tập hợp lực lượng, liên kết, cạnh tranh, đấu tranh vì lợi ích quốc gia tiếp tục diễn ra rất phức tạp. Đối tượng và đối tác; đối thủ và đồng minh; thù địch và bạn bè... có thể sẽ hoán vị cho nhau một cách hết sức bất quy ước. Lợi ích quốc gia dân tộc sẽ là cỗ máy động lực chính tạo ra dọc ngang các véc tơ chuyển động này. Dưới sự điều hành của Tổng thống Mỹ Donald Trump, siêu cường Mỹ có nhiều điều chỉnh trong chính sách toàn cầu, dồn ưu tiên cho các mục tiêu đối nội, phục vụ cho khẩu hiệu mang tính cương lĩnh “Nước Mỹ trên hết”.

Diện mạo đa cực, đa trung tâm của cục diện thế giới trong những năm vừa qua được thể hiện qua sự hình thành của hai không gian địa chiến lược mới, đó là “Vành đai và Con đường” do Trung Quốc cầm lái và Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với “tứ giác kim cương” (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia) do Mỹ khởi xướng.

Cuối năm 2017, trong bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Chính quyền Mỹ đã thừa nhận chủ đề một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, kêu gọi quan hệ đối tác kéo dài 100 năm giữa siêu cường Mỹ và cường quốc Ấn Độ “đang trỗi dậy một cách có trách nhiệm”. Trong chuyến thăm dài ngày đến châu Á vào tháng 11-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác định rõ khu vực này là “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” chứ không phải là “châu Á - Thái Bình Dương” như thông thường.

 Tháng 3 - 2018, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Australia, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop tuyên bố, “ASEAN là trái tim của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Sự đề cập nhiều lần khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” cùng với những động thái chủ động tiếp cận ASEAN và các nước ASEAN cho thấy, Canberra đang nỗ lực đẩy mạnh gia tăng cam kết của mình lên phía Bắc và nhằm biến tầm nhìn chiến lược này thành hiện thực.

Trong một diễn biến khác cũng trong tháng 3-2018, Tổng thống Indonesia khơi dậy những tranh luận lớn khi cho rằng, “sẽ là điều tốt nếu Australia gia nhập ASEAN”.

Ấn Độ - Thái Bình Dương bắt đầu được chú ý đặc biệt khi Tổng thống Mỹ Donald J. Trump mở đầu bài phát biểu của mình tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) Đà Nẵng tháng 11-2017 bằng việc bày tỏ sự vinh hạnh được “hiện diện tại Việt Nam - trái tim của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Trong suốt chuyến công du châu Á dài gần hai tuần của mình, Tổng thống Mỹ D. Trump đã liên tục sử dụng thuật ngữ này như có hàm ý về chiến lược mới của Mỹ  ở khu vực vẫn thường được biết đến là châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific).

Vài ngày sau bài phát biểu ở Việt Nam, Tổng thống Mỹ D. Trump đến Philippines và giữa lúc ông gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hay Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, các quan chức của “bộ tứ” Ấn Độ - Nhật Bản - Australia - Mỹ đã có cuộc gặp đầu tiên[1].

Trong khi đó, ngay từ tháng 11-2014, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 22 Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Bắc Kinh, nguyên thủ nước chủ nhà chính thức nêu Sáng kiến hợp tác “Một vành đai, một con đường”. Liền sau đó, các văn kiện của Đảng và Chính phủ Trung Quốc nhanh chóng công bố nội dung chi tiết của sáng kiến gồm hai bộ phận:

Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa (Silk Road Economic Belt - SREB) được xây dựng dọc theo hành lang Âu-Á trên nền của con đường tơ lụa vốn có trong lịch sử. Đây là một không gian mạng kinh tế bắt đầu từ thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông đi qua 10 thành phố khác của Trung Quốc và kết nối với hàng loạt các trung tâm kinh tế - thương mại Âu - Á như: Alma Ata (Cadắctan), Bishkek (Kiếcghidia), Samarcanda (Udơbêkixtan), Dushanbe (Tastghikixtan), Teheran (Iran), Ixtambul (Thổ Nhĩ Kỳ), Mátxcơva (Nga), Diusburgo (Đức), Rotterdam (Hà Lan),... và kết thúc tại Venezia (Italia).

Con đường Tơ lụa trên biển (Maritime Silk Road - MSR), còn được gọi là Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI (21st Century Maritime Silk Road Economic Belt), là một mạng lưới kinh tế - hàng hải bắt đầu từ thành phố Phúc Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến, đi qua một số thương cảng phía Nam Trung Quốc, kết nối với các thành phố thuộc các quốc gia Đông Nam Á, qua eo biển Malacca để vươn tới các thành phố phía Tây Ấn Độ Dương, qua Biển Đỏ, Địa Trung Hải,... cuối cùng đến Venezia (Italia) và từ đó tỏa đi Nairobi (Kenia) cũng như một số thành phố khác ở châu Phi .

Như vậy, Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa trên biển tạo thành một vành đai, một con đường kết nối Trung Quốc với đại lục Á - Âu và toàn thế giới bằng cả hành lang trên bộ và hành lang trên biển. Một vành đai, một con đường tạo ra không gian kinh tế thương mại khổng lồ với dân số 4,4 tỷ người (2/3 dân số toàn cầu), tổng sản phẩm quốc nội hơn 21.000 tỷ USD (1/3 GDP thế giới), có thể tạo ra giá trị thương mại hơn 2.500 tỷ USD/năm,...

Từ năm 2017, tên gọi được điều chỉnh lại là Sáng kiến hợp tác Vành đai và Con đường, xác định 5 lĩnh vực kết nối: chính sách, cơ sở hạ tầng, thương mại, tiền tệ và giao lưu nhân dân thông qua các biện pháp thúc đẩy thương mại và đầu tư; phát triển kết cấu hạ tầng (đường sắt, đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển, viễn thông, đường ống dẫn năng lượng và kho vận); hợp tác kinh tế công nghiệp và tiểu khu vực (các khu công nghiệp chủ yếu đặt ở nước ngoài và các hành lang kinh tế); hợp tác tài chính và thúc đẩy quan hệ đối ngoại nhân dân. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Bắc Kinh của Diễn đàn Vành đai và Con đường từ ngày 12 đến ngày 14-5-2017, có đại diện từ 100 quốc gia, trong đó có 29 nguyên thủ quốc gia tham dự, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói, sẽ dành khoảng 124 tỷ USD cho dự án. Tuy nhiên, có 6 nước châu Âu gồm: Đức, Pháp, Anh, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Estonia từ chối ký kết vào bản thông cáo chung công bố ngày 15-5-2017 khi Hội nghị bàn tròn kết thúc vì lý do văn bản này không quan tâm đúng mức đến các chuẩn mực về môi trường, về các tiêu chuẩn xã hội, không bảo đảm tính minh bạch mỗi khi các cơ quan nhà nước gọi thầu. 

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo - Pacific), là một khu vực địa lý sinh vật trên trái đất, gồm các vùng biển nhiệt đới thuộc Ấn Độ Dương, Tây và Trung Thái Bình Dương cùng với các vùng biển nối hai đại dương này lại với nhau, tức vùng biển thuộc Indonesia. Năm 1920, chiến lược gia người Đức Karl Haushofer đã đề cập đến không gian Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Dù hai đại dương cũng như Nam Á và Đông Á vốn được xem là những thực thể riêng biệt, nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự nổi lên chậm hơn của Ấn Độ đã khôi phục các mối liên kết giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng như giữa Đông Á và Nam Á trong một không gian địa chiến lược trong bản đồ thế giới hiện đại. (Xem tiếp phần 3)


[1] Xem Zing 03/04/18 19:03 GMT+7.


* ThS. Vũ Hồng Hà, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo

** Bài tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” tổ chức ngày 24/8/2018 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.​

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục